21-12-2016
Sau một thời gian im ắng những tiếng nói chuyên môn đối với nguyên nhân lũ lụt trầm trọng bất thường ở miền Trung, gần đây, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam – một người đầy đủ thẩm quyền để phát ngôn về vấn đề này, đã lên tiếng.
Đọc bài phỏng vấn Giáo sư Hồng trên trang tin Một Thế giới ra ngày 19/12/2016 (*) không khỏi bàng hoàng trước những thông tin đang sau hàng chục cơn lũ tàn khốc ở miền Trung năm nay lấy đi sinh mạng của 235 người, làm hơn 1 triệu người điêu đứng vì mất nhà cửa, với tổng thiệt hại là hơn 37,000 tỷ đồng (~ 1,7 tỷ USD).
Nguyên nhân gây lũ lụt lớn năm nay là gì?
– Quy hoạch thủy điện nóng vội, làm quá nhiều thủy điện bậc thang trên các sông nhỏ, khoảng cách chỉ cách nhau vài chục cây số. Không nước nào cho phép làm như thế này, về mặt kỹ thuật là không được phép nhưng chính quyền vẫn cho phép làm điều này.
Có giải pháp cho thực trạng này không?
– Có, xóa bỏ các thủy điện nhỏ bậc thang loại này.
Giải pháp này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế không?
– Bỏ các thủy điện này không ảnh hưởng gì nhiều, vì điện nước ta chủ yếu từ 37 thủy điện lớn.
Thế sao không thực hiện?
– Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có nguyên nhân LỢI ÍCH NHÓM, NGƯỜI NÀY NGƯỜI KIA CÓ CỔ PHẨN ở trong các nhà máy thủy điện nên rất khó xóa bỏ.
Phần trả lời của Giáo sư Hồng, một người từng nắm trọng trách trong hệ thống, hiểu rõ cách hệ thống vận hành, chỉ có thế, không tiết lộ gì thêm. Thế thì rất có thể câu hỏi tiếp theo mà bạn đọc đặt ra sẽ là:
Ai là ‘người này người kia’ mà Giáo sư Hồng nhắc đến?
– Không biết. Nhưng chắc chắn là người có khả năng ngăn chặn quyết định xóa bỏ loại thủy điện này, nghĩa là người có thẩm quyền.
Nếu những thông tin mà Giáo sư Hồng cung cấp là chân thực, thì đâu khác gì tính mạng người dân đã bị bán rẻ và đất nước phải chịu những thiệt hại khủng khiếp chỉ vì lợi ích riêng của một nhóm nhỏ người – là thành phần nào thì chúng ta cũng có thể đoán được.
Có vẻ như giờ đây mọi chuyện nằm ở câu hỏi ai là cổ đông chính của các thủy điện miền Trung; họ đã làm cách nào để ban hành một loại quy hoạch không thể chấp nhận được như vậy; và họ đã kiếm được bao nhiêu tiền từ những mạng người miền Trung chết lũ?
Nhìn từ một hướng khác, dù rất cay đắng nhưng vẫn phải thừa nhận, một khi người dân chúng ta vẫn thờ ơ với chính trị – thứ tác động toàn diện đến đời sống chúng ta, và để mặc những kẻ nắm quyền muốn làm gì thì làm, thì chính trị sẽ bắt chúng ta trả những cái giá chẳng hề rẻ chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét