12-12-2016
Rất cần một tầng lớp trí thức Việt – Điều đó không sai,
nhưng làm thế nào để có tầng lớp ấy? Câu trả lời không hề đơn giản.
Trí thức được sinh thành bởi nền giáo dục khai phóng, được
cung cấp động lực và lớn lên bởi khát vọng thay đổi của ít nhất một dân tộc.
Trí thức không sinh thành từ bùa mê thuốc lú.
Xã hội nuôi dưỡng trí thức – dân tộc nuôi dưỡng trí thức chứ
không phải là những người có học thức được chính quyền trả lương. Ở đây không
có chuyện trí thức dấn thân hay trí thức “đi ngủ” mà trí thức bản thân đã là
người nghiêm khắc với chính quyền là biểu trưng của khát vọng thay đổi.
Lấy riêng trong trường hợp Việt Nam khát vọng thay đổi lớn
lao nhất mà người Việt có được trong suốt 150 năm qua đó là độc lập, là tư duy
mới thoát ra khỏi không gian Á Đông.
Khát vọng ấy đã ươm mầm để người Việt có được một Phan Chu
Trinh với Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh với câu tuyên ngôn bất hủ:
“chi bằng học”. Khát vọng và cả nền giáo dục của người Pháp đã làm nảy sinh một
đội ngũ “Nhà văn hiện đại” những người đã dũng cảm cầm bút chì viết bằng ký tự
la tinh (thay vì bút lông viết Hán tự) và thổi bạt đi nền văn học từ chương.
Là cuộc sống cá nhân, là khát vọng cá nhân phản ảnh trong từng
hơi thở của câu văn, tứ thơ. Là nền văn học hiện đại do chính những người “mới”
mở lối.
Nhưng những điều này đã chấm dứt, người Việt Nam lựa chọn họng
súng chứ không phải là cây bút. Công nông trở thành lãnh đạo và tiền phong cách
mệnh những chiến binh oai hùng còn Trí thức bắt đầu chịu những thảm họa.
Hệ tư tưởng mới đã phổ quát quyền lực của mình và không còn
muốn cá nhân có thể “bay những chân trời chưa có người bay”. “Bút chì” và ký tự
la tinh vẫn được sử dụng nhưng là để tuyệt đối hóa hệ tư tưởng giúp nó thống trị
não bộ và cả trái tim của người dân.
Mỹ từ là Trí thức xã hội chủ nghĩa – Kẻ ấy dứt khoát phải đoạn
tuyệt, phải tiêu diệt trí thức tiểu tư sản. Thậm chí đau hơn nữa đó là việc:
Công nông hóa trí thức. Sau chiến tranh,anh trí thức đã biết nuôi lợn hoặc được
lợn nuôi.
Trong não bộ từng con người, bắt đầu hình thành những Tường
tư duy, với những nhận thức tối giản về lòng trung thành và kiến thức được định
hướng bởi những giá trị mặc định là tuyệt đối.
Đó là một nhà ngục thật sự bạo tàn.
NHÀ NGỤC TÙ TƯ DUY
Trí thức đời nào lại chịu sống trong nhà ngục tư duy? Trí thức
là người không song hành cùng lý tưởng đã được quyền lực chính trị tuyệt đối
hóa và dùng nó để khống chế xã hội. Họ “đánh thức” và kiến tạo một xã hội khai
phóng; bằng sự thông tuệ của mình, Trí thức từng ngày từng giờ công kích vào sự
bạo quyền, giả dối và những “chiến dịch kinh tởm để đánh lừa công chúng”.
Nhưng tiếng nói và lương tri không thể chiến thắng được “công
cụ” của cách mệnh. Năm 1956, thảm họa đã đến, khi chúng ta đã mất đi những nhà
Trí thức thực sự và đến giờ trí thức vẫn không thể “tái sinh”!
Làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp trí thức
đúng nghĩa khi mà nền giáo dục thực chất chỉ là thuốc mê tiêm dần vào con trẻ rằng:
“Em là mầm non của Đảng” và em (cũng như cha mẹ em) đang thừa hưởng vinh quang
mà Đảng đem lại.
Đến khi lớn chúng cũng giống như cha mẹ, bắt đầu ngủ li bì
trong “mùa cách mạng”. Không ngủ, cũng không sao, chỉ có điều nhà ngục thực tế
sẽ đón chờ.
Với Việt Nam làm sao mà chúng ta có thể có được một tầng lớp
trí thức đúng nghĩa khi mà chúng ta là một quốc gia luôn tự thỏa mãn bởi triết
lý “sự ưu việt”. Trí khôn lớn lao nhất nằm ở nhận thức – hãy chung một giấc ngủ
để rồi cùng mê sảng: Đảng đã cho ta một mùa xuân tràn ánh sáng…
Mặc dù trong cơn mê ta nói những lời ngọng nghịu.
Với Việt Nam làm sao chúng ta có một tầng lớp trí thức thực
sự khi mà quyền lực chính trị luôn nhận thức một cách rõ ràng rằng suy nghĩ
khác với họ, hành động khác với họ là sự hủy hoại thể chế, là suy thoái đạo đức
thậm chí là hành động chống lại dân tộc.
Bằng quyền lực do chính họ tự phó thác, họ sẵn sàng tiêu diệt
một cách triệt nhất những kẻ được chỉ định là gây đe dọa tới “An ninh tư tưởng”.
Họ không bao giờ hối hận vì điều đó!
Người có học thức thậm chí chỉ còn là những kẻ
ngấm thuốc mê nhiều nhất! Và thế hệ trẻ nhiều đứa thuốc mê đã phát thành chứng
ngáo đá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét