21-12-2016
Không biết mọi người còn nhớ vụ án diễn ra ở Bình Phước mà một cô bé 13 tuổi đi nhặt hạt điều để kêu oan cho bố mẹ mình bị bắt giam và xét xử về tội cố ý gây thương tích bấy lâu mà tôi đã đề cập hay không?
Trong phiên toà đó, người đàn bà đã khóc lóc trong đau đớn mà khai giữa công đường rằng, điều tra viên dí súng vào đầu tôi và quát, mày không ký vào biên bản tao bắn.
Nay đến tử tù Hàn Đức Long, ở Bắc Giang, cũng lâm vào cảnh tương tự khi ra khỏi ngục tù ông mới cất được lên tiếng nói oan khuất của mình, nếu không nhận tội tôi đã nằm dưới mồ từ lâu.
Quả là dã man và kinh hoàng.
Trước đó là ông Nguyễn Thanh Chấn, cũng ở Bắc Giang, bị tra tấn và ép cung đến mức phải nhận tội bằng những lời khai được mớm, ép hoặc viết sẵn. Rồi 17.6 năm sau thì thủ phạm thực sự đã ra đầu thú để giải oan cho ông.
Ông Huỳnh Văn Nén, ở Bình Thuận, lâm vào hai án oan, mà ngay tại giữa phiên toà hôm xét xử ông phải cởi áo ra để cho tất cả những ai chứng kiến ở đó thấy trên cơ thể mình là những vết sẹo lớn và dọc khắp thân mình được tạo nên bởi nhục hình của những kẻ vô lương và bất chấp luật pháp chỉ để kết tội bằng được nhằm thăng quan tiến chức hoặc cố để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn biết bao nhiêu những tử tù hay những mảnh đời oan khiên vô tình nằm dưới tay những tên bạo quyền và những kẻ bất nhân mà nắm cán cân luật pháp đang chịu cảnh tù đày mà chưa thể chứng minh mình vô tội nữa?
Mạng người rẻ rúng quá, luật pháp bị coi khinh quá, bởi tâm lý kết tội bằng được, bởi nghiệp vụ non kém, bởi lương tâm cầm thú, nên mới rắp tâm dùng những thủ đoạn, biện pháp mà thế giới nghiêm cấm trong quá trình tố tụng để kết tội một người, đó là việc điều tra khép kín, không có sự tham dự của luật sư từ đầu, tư duy suy đoán có tội và sử dụng những hành vi xâm hại tính mạng, sức khoẻ của người khác để lấy cung làm bằng chứng kết tội một ai đó.
Tôi đã đặt ra kế hoạch viết sách (khoảng 4 cuốn trong vòng 2 năm tới), và trong đó, tôi sẽ đặt tên cho một trong số những cuốn tôi sẽ viết là: CÔNG LÝ CỦA SỰ PHỤC TÙNG – để lột tả lên thân phận con người khi nằm dưới cán cân quyền lực, sự yếu kém của trình độ và nhân lực trong tố tụng, sự lạm dụng luật pháp để xâm hại quyền sống và được bảo vệ về thân thể của bất kỳ ai, sự thất bại của chu trình thẩm vấn khép kín mà thiếu vắng luật sư, sự trọng cung hơn trọng chứng để kết tội.
Tất cả, sẽ được lột tả trong cuốn sách ấy, khi chỉ cần có sự phục tùng là sẽ tìm thấy một phần thi thể của công lý.
-----------
Tử tù Hàn Đức Long được trả tự do sau 11 năm tù
21-12-2016
Luật sư và người nhà tử tù Hàn Đức Long trả lời BBC nhân ông được trả tự do sau hơn 11 năm tù và bốn lần tòa tuyên án tử hình.
Đêm 20/11, ông Hàn Đức Long, 57 tuổi, về đến nhà tại tỉnh Bắc Giang trong tình trạng “sức khỏe yếu, nhịp tim đập nhanh” theo lời người nhà nói với BBC.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông Hàn Đức Long cùng ngày.
Ông Hàn Đức Long bị bắt tháng 10/2005 và từng bị bốn lần tòa tuyên án tử hình.
Vụ án xảy ra vào năm 2005, thi thể một cháu bé được tìm thấy. Ông Hàn Đức Long bị bắt giam và thú nhận mình là thủ phạm hiếp và giết cháu bé. Tuy nhiên, tại các phiên tòa ông Long kêu oan, không nhận tội và ông nói bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình.
Hôm 21/12, trả lời BBC từ Bắc Giang, Luật sư Ngô Ngọc Trai, người theo đuổi vụ án từ năm 2011, nói: “Có thể xem vụ Hàn Đức Long được trả tự do là bước ngoặt, cách mạng và sự thay đổi quan điểm của cơ quan tố tụng về việc xử lý vụ án.”
“Vì trong vụ này, cơ quan tố tụng không chứng minh được người ta phạm tội thì phải tiến hành trả tự do và minh oan, chứ không đòi phải xác định hung thủ như trong các vụ trước.”
“Đây cũng là điều khiến vụ Hàn Đức Long khác với vụ án Nguyễn Thanh Chấn [người được minh oan sau 10 năm ngồi tù, cũng ở Bắc Giang].”
Luật sư cũng cho biết thêm: “Quá trình điều tra vụ ông Long không thể chấp nhận được.”
“Trước đó, luật sư đã nhiều lần chỉ ra trong các đơn thư về việc thực nghiệm điều tra, thu thập chứng cứ và dấu vết… đều có vấn đề.”
Hiện tại, luật sư và gia đình đang cân nhắc các bước về yêu cầu minh oan, bồi thường cho ông Long.”
“Dự trù thì việc xin lỗi công khai ông ấy có thể diễn ra trong một, hai tuần tới.”
“Tôi yêu cầu tất cả các cán bộ gây oan sai cho ông Long phải có mặt tại sự kiện này để bày tỏ sự cầu thị, hối lỗi của họ.”
“Còn việc bồi thường thì có thể mất nhiều thời gian hơn.”
‘Hàng tạ đơn thư‘
“Qua vụ Hàn Đức Long, có thể thấy vấn đề mấu chốt của án oan là ép cung. Nên điều quan trọng là sau khi ông ấy được trả tự do, người ta phải mổ xẻ trách nhiệm của điều tra viên cũng như các khâu khác để làm rõ vì sao có chuyện gây oan sai.”
“Hy vọng là vụ này cũng mở ra cơ hội cho các vụ án oan khác như Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu điện Cầu Voi…”
Cùng ngày, cũng từ Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Hàn Đức Long nói với BBC: “Gia đình tôi sung sướng quá khi chồng tôi đột ngột trở về đêm qua.”
“Để có ngày hôm nay, gia đình đã phải kiên trì gửi hàng tạ đơn thư kêu oan khắp nơi, với sự trợ giúp của các luật sư.”
“Trong thời gian hơn 11 năm ông ấy ngồi tù, cũng có lúc tôi cảm thấy nản lòng nhưng rồi phải cố gắng vượt qua dù nhiều lần bị đe dọa, trấn áp.”
“Hiện tại, nhà tôi dột nát hết rồi, nên khi có tiền bồi thường thì việc trước tiên là sửa sang lại nhà cửa rồi mới tính tiếp nên chi vào việc gì.”
Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ngồi tù 10 năm, bị kết tội giết người và tuyên án chung thân vì “giết một người hàng xóm”.
Năm 2013, hai bản án kết tội ông giết người bị hủy và vụ án được điều tra lại, với lý do một người tên Lý Nguyễn Chung ra đầu thú tự nhận là đã giết người hàng xóm mà ông Chấn bị kết tội.
Sau vụ án oan, ông Chấn nhận bồi thường oan sai 7,2 tỷ đồng và Tòa án Nhân dân Tối cao đọc bản xin lỗi ông vào cuối năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét