31-10-2016
“Cùng với một phần lãnh thổ lãnh hải vĩnh viễn mất vào tay Trung Cộng, sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Bắc Kinh thì sự méo mó, biến dạng của nhân cách con người là những hậu quả cay đắng nhất mà dân tộc VN đang phải gánh chịu, trả giá. Những điều ấy hơn 50 năm trước hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã sớm nhìn ra trong khi Hồ Chí Minh, thậm chí cho tới những người lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay cũng chưa nhận ra”.
Ngày 2.11 sắp tới là ngày giỗ lần thứ 53 của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông, Cố vấn Ngô Đình Nhu. Trên facebook mấy hôm nay có nhiều người viết status, viết bài, đăng hình đi viếng mộ hai người, có cả hình Đức cha Miace Hoàng Đức Oanh, Nguyên Giám mục giáo phận Kontum và đoàn đồng tế dâng lễ giỗ cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 31.10.2016.
Đáng nói là trong những người đi viếng có nhiều người trẻ, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, bao nhiêu năm bị tuyên truyền nhồi sọ những điều tối tệ về ông Diệm và chế độ VNCH, nhưng nhờ có internet, nhờ tiếp xúc với những nguồn thông tin bên ngoài, họ đã dần dần nhận ra sự thật.
Năm tháng lùi xa, lịch sử dù bị bưng bít, bóp méo bởi những người “thắng cuộc” nhưng cuối cùng sự thật vẫn được sáng tỏ.
Sự thật đã cho thấy rằng, nếu so sánh giữa hai con người, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Tổng thống Ngô Đình Diệm mới chính là một con người thật sự yêu nước, có tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc, có khát vọng xây dựng một nước VN độc lập, giàu mạnh, tự cường về nhiều mặt đối với ngoại bang. Tổng thống Ngô Đình Diệm mới chính là con người có đời sống cực kỳ thanh bạch, không có một chút tai tiếng nào trong đời tư.
Trong khi đó, ông Hồ Chí Minh, người trước khi là lãnh tụ của đảng cộng sản VN đã từng làm việc cho đảng cộng sản Nga, đảng cộng sản Trung Quốc, mới chính là tội đồ của dân tộc khi đem học thuyết ngoại lai Mác Lênin, đem mô hình xây dựng đất nước của Nga Sô, của Tàu về áp dụng rập khuôn bất chấp có phù hợp hay không. Chính ông Hồ Chí Minh mới là người có tư tưởng phụ thuộc nặng nề vào Nga, Tàu, mê tín những lãnh tụ của Nga, Tàu như Stalin, Mao Trạch Đông…Chính ông Hồ Chí Minh là người quyết tâm nhuộm đỏ miền Nam, biến VN thành tiền đồn đánh Mỹ của phe XHCN, bất chấp cái giá máu xương mà dân tộc phải trả.
Bên cạnh đó, càng ngày người ta càng khám phá ra những mảng tối trong con người, cuộc đời của ông Hồ, chuyện vợ con trai gái, cả bí ẩn chưa được bạch hóa rằng ông Hồ có phải là Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc hay đó là hai con người khác nhau, ông Hồ có phải là người Tàu v.v…Về nhân vật Hồ Chí Minh, rõ ràng là còn rất nhiều bí mật sẽ phải được công khai một ngày nào đó.
Và nếu so sánh những điều Tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm được cho miền Nam trong thời gian tại vị, đã đặt những nền móng ban đầu để xây dựng một chế độ VNCH tự do, ấm no, nhân bản trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn lúc ấy với chế độ XHCN ở miền Bắc và ngay cả với các nước láng giềng trong khu vực thì càng thấy tầm nhìn, năng lực của Tổng thống và bào đệ của ông.
Người ta hay nói chế độ Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị nhưng khi dân trí chưa cao và đất nước lại còn phải đối phó với họa cộng sản thì rất khó để mà dân chủ một trăm phần trăm. Cứ nhìn các nước Đài Loan, Singapore vào những năm tháng đó và cả nhiều năm sau, những người lãnh đạo của họ có độc tài hay không. Quan trọng là người lãnh đạo có tài, có tầm, là người yêu nước thương dân, biết chọn con đường đúng cho đất nước, có khát vọng đưa đất nước trở thành giàu mạnh, phú cường, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Những điều đó có lẽ đúng với Tổng thống Ngô Đình Diệm hơn là ông Hồ Chí Minh hay các lãnh đạo kế tiếp của đảng cộng sản, những con người luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tổng thống Diệm cũng là người có hoài bão đi tìm một học thuyết, chủ thuyết phù hợp với dân tộc.
“Và Sử gia Henry Fairbanks đã tóm tắt sự thật lịch sử này bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tưạ đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal, như sau:
“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục laị những giá-trị cổ-truyền làm nền tảng cho giaỉ-pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác laị đi tìm những học thuyết ngoaị lai. . . .Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai. Cả thế giới này đều yêu mến các chiến-sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đuổi một lý-tưởng cao cả nào đó. Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà-nước được xây dựng trên những giá-trị cổ-truyền tốt đẹp nhất của Á-châu và Tây-phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền-lơị chung và tôn trọng nhân-phẩm. Ông Diệm cho rằng Xã-Hội Chủ-nghiã và Tư-bản Chủ-nghiã đều là những học-thuyết cực-đoan cần có một hình-thức trung-gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá-trị ưu-tú nhất của cả hai để phục vụ cho lơị ích chung: công bằng đối với người này là tự-do của kẻ khác, cũng như loaị bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ-nghiã cá-nhân.”
(21-9-1962, tr.516) (“Chủ-Nghiã NHÂN-VỊ: Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ?”,Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn)
(21-9-1962, tr.516) (“Chủ-Nghiã NHÂN-VỊ: Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ?”,Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn)
Đó chính là chủ thuyết Nhân-Vị, coi trọng con người.
Vẫn biết rằng lịch sử không có chữ “nếu”. Nhưng rõ ràng nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu không bị đảo chính và bắn chết năm 1963, lịch sử miền Nam và kể cả lịch sử VN có lẽ đã khác.
Những điều Tổng thống Ngô Đình Diệm nói cách đây bao nhiêu năm như những lời tiên tri:
“Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì quốc-gia Việt-Nam cũng sẽ bị tiêu-diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung-hoa Cộng-sản. Hơn nữa toàn-dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.”
Ngô Đình Diệm (Khánh Thành Đập Đồng Cam, Tuy-Hòa 17-9-1955).
Rõ ràng sau 50 năm, hai trong số những hậu quả lớn nhất mà đất nước này, dân tộc này đã và đang phải chịu dưới sự cầm quyền duy nhất của đảng cộng sản, đó là VN đang phải đối mặt với nguy cơ bị lệ thuộc vĩnh viễn bởi Trung Cộng, và một xã hội bị suy đồi, tàn phá về mặt đạo đức. Nhân cách con người bị méo mó.
Những sự tụt hậu về kinh tế, kể cả văn hóa, giáo dục rồi cũng sẽ xây dựng lại được nhưng con người bị hỏng về mặt tư duy, đạo đức, thì sẽ mất thời gian hơn rất nhiều.
Xã hội VN bây giờ con người đối với nhau quá ác. Không có ngày nào mở tờ báo ra, bật TV lên mà chúng ta không đọc, nghe thấy những tin tức về cái ác hoành hành. Trong những vụ án xảy ra hàng ngày, trừ những vụ có động cơ, mục đích từ đầu là cướp, hiếp, thù oán cá nhân (những vụ này cũng ngày càng táo tợn, dã man) thì đáng sợ hơn là những vụ đánh, giết nhau chỉ vì những chuyện hết sức ngẫu nhiên, nhỏ nhặt; kẻ thủ ác trước đó là những con người hoàn toàn bình thưởng, chưa có tiền án tiền sự, có thể là bất cứ ai, thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội. Học sinh ngay từ nhỏ đã đánh nhau, làm nhục nhau, lột quần áo, bắt liếm chân…như kẻ thù. Dân đánh nhau, giết nhau. Quan bắn dân. Quan bắn quan. Giết người lạ đã đành, cha mẹ chị em con cái chồng vợ đâm chém nhau, tạt axit, đốt xăng, giết nhau…đầy rẫy.
Nguyên nhân thì các nhà báo, nhà giáo, các nhà xã hội học cũng đã chỉ ra nhiều. Nhưng rõ ràng những hành động độc ác bộc phát ấy là hệ quả của những bức bối dồn nén bên trong. Bức bối vì đủ thứ bất công, trái tai gai mắt, quá nhiều những sức ép trong đời sống hàng ngày. Nhưng sâu xa hơn, đó là hệ quả của một xã hội và một nền giáo dục không coi trọng con người.
Nhìn vào đâu cũng thấy cái ác. Dân ít học ác với nhau đã đành. Người có học, có vị trí xã hội, cái ác lắm khi có tác hại lớn hơn. Ví như người làm báo, làm truyền thông không có lương tâm có thể bằng những bài báo, chiến dịch quảng cáo không trung thực hại nhiều người. Những người buôn bán, sản xuất hàng hóa không có lương tâm thì cho đủ thứ chất độc hóa chất vào thực phẩm, thản nhiên làm hại đồng bào. Các công ty, nhà thầu không có lương tâm, làm ăn gian dối, gây ra bao nhiêu tai nạn lao động.
Chức càng cao mà tâm không có thì tác hại càng lớn. Trong vụ bão lũ ở miền Trung vừa qua, những nhà máy điện thản nhiên xả lũ làm chết hàng chục con người và đẩy hàng trăm, hàng ngàn người khác vào cảnh mất mát tài sản, trắng tay. Một chữ ký của những kẻ có quyền chức cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cho phép vận hành nhà máy thép Formosa dẫn đến những thảm họa môi trường gây thiệt hại nặng nề hàng chục năm cho đất nước, cho dân tộc. Nhưng sự vô lương tâm, cái ác chưa dừng lại ở đấy. Họ tiếp tục bao che, bảo vệ cho thủ phạm, trù dập người dân đứng lên biểu tình đòi Formosa bồi thường, họ tiếp tục đặt bút ký cho phép những dự án phá hoại môi trường khác, nào nhà máy thép ở Cà Ná Bình Thuận, nhà máy kẽm ở Lăng Cô Huế…
Họ thản nhiên bán rẻ đất nước này, tương lai của dân tộc này chỉ vì quyền và tiền. Vơ vét trong cơn cuồng loạn của những kẻ biết rằng con tàu VN đang đắm và cần phải hốt cho nhanh để rồi tìm bãi đáp ở một nơi an toàn, sung sướng khác.
Cái ác, vô lương tâm, cái tâm lý ở trọ trên đất nước mình ấy thật là phổ biến.
Cùng với một phần lãnh thổ lãnh hải vĩnh viễn mất vào tay Trung Cộng, sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Bắc Kinh thì sự méo mó, biến dạng của nhân cách con người là những hậu quả cay đắng nhất mà dân tộc VN đang phải gánh chịu, trả giá. Những điều ấy hơn 50 năm trước hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã sớm nhìn ra trong khi Hồ Chí Minh, thậm chí cho tới những người lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay cũng chưa nhận ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét