4-11-2016
“Trường hợp của ông Vũ Đình Duy chưa có chứng cứ phạm tội và cũng chưa thuộc diện bị khởi tố vụ án hay bị can nên việc ông ấy cần đi nước ngoài chữa bệnh thì cứ đi,” luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC.
“Bộ Công an chỉ cấm xuất cảnh những trường hợp đang nợ nần, bị thưa kiện hoặc khởi tố và một số trường hợp trong danh sách của an ninh chứ không có lý do ngăn quyền tự do đi lại của những người không thuộc diện này,” luật sư Thuận nói về việc có thêm trường hợp quan chức công ty nhà nước thua lỗ nghìn tỷ “đi nước ngoài chữa bệnh” sau vụ Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư cũng cho hay: “Việc ai đó cho rằng ông Vũ Đình Duy là ‘Trịnh Xuân Thanh 2’ thì tới nay cũng chỉ là suy đoán.”
“Tôi không rõ cho đến nay có bao nhiêu quan chức công ty nhà nước đi nước ngoài chữa bệnh, vì có những trường hợp nhà nước trả tiền, còn những trường hợp khác thì họ tự đi trong ngày nghỉ phép.”
‘Đi nước ngoài để trốn tránh’?
Tin cho hay ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Ủy viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24/10, có đơn đề ngày 31/10 “xin nghỉ để đi nước ngoài chữa bệnh”.
Tuy nhiên, đơn này đã không được Vinachem phê chuẩn, theo chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Công thương.
“Từ 24/10 đến nay, lãnh đạo Vinachem không thể liên lạc được với ông Duy và cũng không biết ông này đi đâu. Sau nhiều lần liên lạc bất thành, Vinachem gửi văn bản báo cáo chính thức tới Bộ Công Thương vào ngày 2/11,” VnExpress hôm 4/11 nói.
PVTex là chủ đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Đình Vũ tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế của PVTex tới thời điểm 30/6/2016 là 3,08 ngàn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng âm hơn 823 tỷ đồng, theo VnExpresss.
Đây là một trong năm dự án được cho là gây thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng được đưa ra tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội.
Đầu tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra tại dự án Xơ sợi Đình Vũ, nêu một loạt sai phạm “có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát, lãng phí lớn” và kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Cùng ngày, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh trích lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Vụ trưởng kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương:
“Nhiều trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh có thể là có bệnh thật. Nhưng cũng không loại trừ những trường hợp đi nước ngoài để trốn tránh. Ví dụ về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh đi nước ngoài chữa bệnh để trốn tránh là khá điển hình, hay trường hợp ông Vũ Đình Duy.”
“Với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét