10-11-2016
Ðó là điểm chính trong báo cáo của viên Thiếu Tướng Nguyễn Minh Hoàng, phó chính ủy Quân Khu 7, tại buổi thảo luận riêng của đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn.
Trong các kỳ họp Quốc Hội Việt Nam, đại biểu Quốc Hội của các tỉnh, thành phố thường có những buổi thảo luận riêng theo từng đoàn. Những viên chức đương nhiệm là thành viên của các đoàn đại biểu Quốc Hội thường có báo cáo riêng về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của họ trong những buổi thảo luận riêng theo từng đoàn như thế.
Tuy được xem là thảo luận riêng theo từng đoàn, song các báo cáo riêng thường được báo chí Việt Nam tường thuật rộng rãi. Lý do là vì các ngành hữu trách trong chính phủ Việt Nam muốn dùng hình thức báo cáo riêng như một kiểu báo cáo không chính thức về những vấn đề không tiện đưa ra cho toàn bộ đại biểu cùng thảo luận tại diễn đàn Quốc Hội.
Theo tờ Tuổi Trẻ, hôm 9 tháng 11, tại buổi thảo luận riêng của đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn, viên thiếu tướng tên là Nguyễn Minh Hoàng, phó chính ủy Quân Khu 7 đã có báo cáo riêng về chuyện Không Quân CSVN mất bốn phi cơ và 14 sĩ quan không quân trong vòng bốn tháng.
Hôm 14 tháng 6, một chiến đấu cơ loại Su30-MK2 đã rớt khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện trên vùng biển Nghệ An. Chỉ có một trong hai phi công thoát nạn. Tuy hộp đen bị vỡ song Bộ Quốc Phòng Việt Nam vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân. Tướng Hoàng tiết lộ, hai phi công thiếu phối hợp khi tìm cách thoát ra khỏi phi cơ lâm nạn. Chưa biết đó có phải là nguyên nhân khiến một phi công bị dù bó chặt mà uổng mạng hay không vì Tướng Hoàng không nói và cũng không có đại biểu nào của đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn hỏi về chuyện này.
Hai ngày sau, trong quá trình tìm kiếm chiến đấu cơ bị rớt và cứu hai phi công lâm nạn, một phi cơ vận tải loại CASA-212 bị rớt tại vịnh Bắc bộ. Cả chín sĩ quan Không Quân CSVN trên phi cơ này đều thiệt mạng. Tướng Hoàng cho biết, chiếc phi cơ vận tải loại CASA-212 bị rớt vì viên đại tá lái chiếc phi cơ này cho phi cơ xuống thấp để quan sát mặt biển. Do thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, góc nghiêng giữa phi cơ với mặt biển quá nhỏ, sóng biển đã làm phi cơ rớt.
Sáu tuần sau, hôm 26 tháng 8, tới lượt một phi cơ huấn luyện loại L39 rớt tại Phú Yên khi đang thực hiện phi vụ huấn luyện. Một phi công tập sự tử nạn. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là động cơ của phi cơ bị hư, phi công tập sự cố gắng đưa phi cơ ra xa khu dân cư, không còn cơ hội nhảy dù nên uổng mạng.
Hạ tuần tháng 10, ngày 18, Không Quân CSVN mất thêm ba phi công và một trực thăng loại EC 130T2 trong một phi vụ huấn luyện tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong ba phi công, có hai đang được huấn luyện để làm quen với bảng hệ thống điều khiển trực thăng.
Khi báo cáo riêng về việc mất hàng loạt phi cơ quân sự trong một thời gian ngắn, viên tướng vừa kể nhìn nhận, việc đào tạo, huấn luyện nhân sự chưa đạt yêu cầu. Việc bổ nhiệm, sử dụng nhân sự còn tùy tiện, không đúng năng lực. Việc chỉ đạo và kiểm tra an toàn bay rất chủ quan, không đến nơi, đến chốn. Phương tiện tìm kiếm-cứu nạn thiếu.
Tướng Hoàng cho biết, sau khi mất bốn phi cơ quân sự trong một thời gian ngắn, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã kỷ luật 40 cá nhân, trong đó có hai viên tướng. Cũng theo lời viên tướng này thì Bộ Quốc Phòng Việt Nam đang kiểm tra lại mọi thứ liên quan tới Không Quân CSVN, từ chất lượng phi cơ đến hoạt động đào tạo, huấn luyện và hoạt động của các đơn vị không quân được phát giác là “rất lỏng lẻo.”
Phó chính ủy Quân Khu 7 nói thêm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Quân Ủy Trung Ương và Bộ Quốc Phòng, kế đó là thuộc về các đơn vị đã để xảy ra tai nạn. Ông ta thú nhận, chuyện kiểm tra chất lượng phi cơ, chất lượng đào tạo, huấn luyện và hoạt động của các đơn vị lẽ ra phải làm từ khi hiện đại hóa Không Quân CSVN nhưng lại chưa làm. Ông ta nói thêm rằng, lẽ ra hiện đại hóa phải đồng bộ hóa cả phương tiện lẫn nhân sự nhưng phi công của Không Quân CSVN chỉ được đào tạo tại chỗ. Cũng vì vậy, trong tương lai phải gửi nhiều người sang ngoại quốc học hành cả về điều khiển lẫn sửa chữa.
Tướng Hoàng còn đề cập đến việc tổ chức nâng hạng các phi cơ quân sự ngay tại Việt Nam. Hiện nay, có tình trạng “có phi cơ nhưng chưa chắc đã bay được, không dám bay vì hết hạn, muốn bay phải nâng hạng nhưng gửi phi cơ ra ngoại quốc nâng hạng rất tốn kém.”
Ðây là lần đầu tiên, một viên tướng của quân đội CSVN, được phép của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, báo cáo tương đối cặn kẽ về những vấn đề có liên quan đến tương quan giữa các tai nạn phi cơ quân sự với thực trạng Không Quân CSVN.
Chưa đầy 24 giờ sau khi tường thuật về báo cáo riêng của phó chính ủy Quân Khu 7 với đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn được báo chí Việt Nam đưa lên Internet, báo chí Việt Nam đã đồng loạt đục bỏ các bài tường thuật về báo cáo riêng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét