26-10-2016
Trích Ba Sàm - “Rõ ràng có một dụng tâm phá hoại, nếu không muốn nói là hủy diệt về lâu về dài tiềm năng và sức sống của nhân dân miền Trung. Những dự án luyện kim, luyện thép này vừa không mang lại công ăn việc làm cho người địa phương vừa không thu về cho ngân sách những nguồn thuế mong muốn.
Đó là chưa kể những hệ quả độc hại mà những dự án này để lại cho mai sau: sự diệt chủng. Sông ngòi và đất đai canh tác nhiễm độc, bờ biển nhiễm độc, cá chết, động vật mất nguồn sống… rồi con người cũng sẽ chết theo”.
Đó là chưa kể những hệ quả độc hại mà những dự án này để lại cho mai sau: sự diệt chủng. Sông ngòi và đất đai canh tác nhiễm độc, bờ biển nhiễm độc, cá chết, động vật mất nguồn sống… rồi con người cũng sẽ chết theo”.
Những tiết lộ nhỏ giọt về hàng loạt dự án xây dựng nhà máy luyện kim, luyện thép, luyện kẽm dọc khắp vùng bờ biển miền Trung đánh thức tâm trí người Việt Nam.
Có một cái gì không bình thường qua những tiết lộ này. Rõ ràng có một dụng tâm phá hoại, nếu không muốn nói là hủy diệt về lâu về dài tiềm năng và sức sống của nhân dân miền Trung. Những dự án luyện kim, luyện thép này vừa không mang lại công ăn việc làm cho người địa phương vừa không thu về cho ngân sách những nguồn thuế mong muốn. Đó là chưa kể những hệ quả độc hại mà những dự án này để lại cho mai sau: sự diệt chủng. Sông ngòi và đất đai canh tác nhiễm độc, bờ biển nhiễm độc, cá chết, động vật mất nguồn sống… rồi con người cũng sẽ chết theo.
Vì lòng tham, người Trung Quốc đã tàn phá và hủy diệt nguồn sống trên đất nước của họ, nay không còn gì để tàn phá và hủy diệt họ đang xuất khẩu sang Việt Nam khả năng đó.
Tại sao chọn xây dựng những nhà máy luyện kim, luyện thép trên những bãi cát đẹp chỉ dành riêng cho du lịch? Tại sao chỉ muốn xây dựng những nhà máy qui mô lớn dọc những vùng biển nước cạn? Tại sao lại chọn những vùng xa các trung tâm kinh tế để thiết lập những nhà máy không mang lại hiệu quả kinh tế và chỉ mang lại sự chết ?
Đó là những câu hỏi đặt ra cho phía nhà đầu tư Trung Quốc, chủ quản những dự án xây dựng đó. Còn phía Việt Nam, ai là người chịu trách nhiệm gọi thầu và ký quyết định chấp thuận ?
Qua vụ việc Formosa Hà Tĩnh, mọi người đều thấy: không ai có trách nhiệm. Địa phương đùng đẩy lên trên, trung ương đổ tội xuống dưới… rồi huề tiền. Không ai bị cách chức hay truy tố. Vụ việc cá chết, biển chết khổng lồ như vậy đã xảy ra cách đây sáu tháng, từ tháng 5/2016 đến nay vẫn chưa truy ra ai là thủ phạm.
Ban giám đốc Formosa Hà Tĩnh tuy có nhận lỗi nhưng vẫn tiếp tục nhập và xả thải độc (sang nơi khác) một cách bình an, nếu không muốn nói là vô tư. Chính quyền Hà Tĩnh tuy có nhìn nhận đã ký giấy phép nhưng lại đổ thừa Văn phòng Thủ tướng đã bật đèn xanh… Nói chung không cấp lãnh đạo nào có lỗi, chỉ có dân chúng miền Trung chịu thiệt, vừa mất nguồn sống vừa thiếu đói, trong khi tòa án lại bác đơn đòi bồi thường.
Vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh chưa giải quyết xong thì xảy ra vụ nhà máy thép Cà Ná. Tranh cãi lợi hại chưa ngã ngũ, chính quyền địa phương vẫn cứ làm. Trung ương bất lực nhìn đảng ủy Ninh Thuận, bất chấp dư luận chống dự án thép, cho phép công ty Tôn Hoa Sen xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná.
Nhìn lại bản đồ mở rộng cơ sở của công ty Tôn Hoa Sen, trụ sở đặt tại Bình Dương, canh sông Sài Gòn, nhưng dư luận giật mình khám phá công ty này đã thiết đặt cơ sở dọc vùng bờ biển từ Hải Dương, Nghệ An, Bình Định, Bà Rịa. Bây giờ là Cà Ná. Chủ công ty này là một người Việt, Lê Phước Vũ, nghĩa là chỉ có thể có nguồn vốn tối đa vài chục triệu USD nhưng lại có thể huy động đến cả tỷ USD, nghĩa là hàng ngàn triệu USD… ngay tức thì ! Ai đứng sau lưng tài trợ hẳn quý đọc giả đều có thể đoán.
Vụ Cà Ná chưa nguôi thì đùng một cái nổ ra vụ Lăng Cô. Nhà đầu tư Trung Quốc dự trù xây dựng nhà máy kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế.
Vịnh Lăng Cô - Vẻ đẹp e ấp - Foody.vn |
Nét đẹp Lăng Cô không cần quảng cáo, đó là vùng biển thơ mộng nhất miền Trung, vừa có cát trắng nước xanh, vừa có cây xanh bóng mát và làng chài bình yên. Đây là địa điểm du lịch lý tưởng mà khách du lịch phương Tây đều một lần muốn đến.
Tại sao người Trung Quốc lại chọn Lăng Cô, một vùng nước cạn, để xây dựng nhà máy luyện kẽm? Vì mục tiêu kinh tế hay muốn đập vỡ quả trứng vàng của người địa phương? Họ muốn thu về lợi nhuận (nếu có) trong nhất thời hay muốn tiêu diệt nguồn sống lâu dài của người dân xứ Huế?
Cũng nên biết, tất cả các kỹ thuật luyện kim (thép, kẽm, đồng, nhôm…) đều rất độc hại. Hóa chất dùng để tinh lọc quặng kim loại là những loại dung dịch và cường toan (acid) cực độc: nitric, clohydric, sulfuric, hay mercure… Bất kể sinh vật nào bị nhiễm hay ở gần các loại hóa chất đó đều bị tiêu diệt hay chết. Chỉ cần một giọt hóa chất đó nhiễm vào da thì cả một vùng thịt da chung quang đó bị phỏng hay bị vữa ra.
Không chỉ sắt thép và nhôm kẽm, người Trung Quốc còn xây dựng và thành lập những cơ xưởng chế biến và tái sinh giấy ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ. Cũng nên biết kỹ thuật chế biến hay tái sinh giấy còn độc hại gấp nhiều lần chế biến nhôm kẽm và sắt thép, lượng hóa chất sử dụng rất nhiều và được thải ra một cách vô tội vạ ra những sông ngòi và ruộng đất.
Nếu loại trừ dã tâm muốn tiêu diệt sự sống của nhân dân miền Trung, nghĩa là biến toàn bộ miền Trung thành vùng đất chết (vì các loại chất độc: biển chết, cá chết, đất trồng trọt chết…), làm xấu đi sự duyên dáng và nét đẹp vùng biển miền Trung, người Trung Quốc muốn biến đất nước này trở thành một vùng đất nghèo và lạc hậu, vĩnh viễn để người Trung Quốc tha hồ đè đầu cưỡi cổ. Sống mãi với cái nghèo thì ý chí quật cường của người Việt Nam cũng sẽ tàn lụi theo.
Chắc chắn trong những ngày sắp tới, dư luận Việt Nam sẽ còn bật ngữa với những dự án chế biến kim loại khác mà giới đầu tư Trung Quốc hay các cấp lãnh đạo địa phương thông báo… sự đã rồi.
Nhắc lại, tương lai của miền Trung không bao giờ là công nghiệp, dù là công nghiệp khai thác hay chế biến. Tài nguyên duy nhất của miền Trung là con người và bờ biển, do đó phải biết giữ gìn để tồn tại lâu dài. Một nhà máy hay nhiều nhà máy chế biến công nghiệp chỉ tạo được vài ngàn công ăn việc làm, ngành du lịch có thể tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm cho tất cả mọi gia đình, trong một thời gian vô hạn định nếu biết giữ gìn bờ biển trong sạch. Phát triển du lịch do đó là nhiệm vụ của mọi cấp lãnh đạo, địa phương hay trung ương, và người dân miền Trung.
Trở lại những câu hỏi tại sao vừa đặt ra ở trên, chúng ta chỉ có một câu trả lời: vì ngu. Ở những quốc gia khác trong khối ASEAN, những nhà máy luyện kim của Trung Quốc không có chỗ đứng vì ai cũng biết những di hại của kỹ thuật chế biến. Riêng tại Việt Nam, giới đầu tư Trung Quốc như lạc vào thiên đường, muốn làm gì thì làm, muốn xây dựng ở đâu cũng được.
Tại sao người Trung Quốc được tự do lộng hành tại Việt Nam? Tại vì Bắc Kinh đã ký với Hà Nội, nơi đặt bản doanh của hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, những thỏa thuận hợp tác toàn diện kiểu thiên triều với chư hầu. Toàn diện ở đây là ưu đãi toàn diện cho nhà thầu Trung Quốc. Chỉ cần đọc kỹ lại những Tuyên bố chung và Thông cáo chung giữa hai nước, tiến trình và tốc độ Hán hóa toàn diện Việt Nam đã và đang được thực hiện một cách có kế hoạch với những mốc thời gian hoàn thành nhất định. Những thỏa thuận của Hội nghị Thành Đô từ 1990 đã âm thầm hiện thực hóa. Tiến trình bán nước của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đến hồi kết thúc.
Câu hỏi lương tâm đặt ra cho mọi người Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam còn ích lợi gì cho dân tộc Việt Nam ?
Là người lãnh đạo độc tôn đất nước, theo Điều 4 Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự nguyện giao đất nước cho Đảng Cộng sản Trung Quốc để trở thành giai cấp cai thầu, thay mặt Trung Quốc cai trị nhân dân, như dưới thời Bắc thuộc.
Vì ngu dốt, những cấp ủy địa phương chỉ thấy quyền lợi trước mắt mà không thấy quyền lợi lâu dài của dân tộc, đã biến thành sứ quân, tự tiện ký kết và sang nhượng tài nguyên đất đai cho người Trung Quốc, bất chấp trung ương.
Vì ngu dốt, kỹ năng quản trị một quốc gia phát triển đang đã vượt quá tầm tay của cấp lãnh đạo trung ương, tất cả chỉ quanh quẩn trong việc chia chác quyền lợi và quyền lực, để mặc cho những sứ quân địa phương lộng hành cắt xén đất nước cho ngoại bang.
Tại sao có nạn sứ quân? Câu trả lời rất giản dị: chủ nhân đất nước Việt Nam hiện nay là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Toàn bộ các cấp lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam, từ trung đến cao cấp, từ quân đội đến công an, từ cán bộ chuyên ngành và ủy viên an ninh, từ các cấp xã huyện địa phương đến các cấp trung ương, đều được đưa sang Trung Quốc học tập và tu nghiệp. Người Trung Quốc không quên lời thề trung thành sau khi tốt nghiệp, ngày nay họ đang đòi cụ thể hóa lời thề đó. Nạn sứ quân là chỗ đó, ai cũng bình đẳng trước quan thầy Trung Quốc.
Nhắc lại câu hỏi: Đảng Cộng sản Việt Nam còn mang lợi ích gì cho dân tộc? Dân tộc Việt Nam đang chờ câu trả lời.
Không biết những đảng viên còn quan tâm đến tương lai của Việt Nam và con cháu của họ có muốn chia sẻ câu hỏi này không? Nếu không thì phải làm gì? Và nếu có thì sẽ phải làm gì ?
Dưới đây là tin những tin tức liên quan đến dự án nhà máy kẽm sẽ được xây tại Lăng Cô.
Thông Luận
_____
Xây nhà máy kẽm Lăng Cô : Trung Quốc tính mở cảng ? (Đất Việt, 26/10/2016)
“Bài toán kinh tế của Trung Quốc dường như thất bại. Họ muốn tận dụng các ưu đãi của Việt Nam về điện, thuế và điều kiện hỗ trợ kèm theo”.
Không khả thi về kinh tế
Liên quan đến việc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Viết Ngư, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam tỏ ra băn khoăn trước kế hoạch này.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Viết Ngư xét về khía cạnh kinh tế, việc xây dựng nhà máy thép ở Thừa Thiên – Huế không đảm bảo các điều kiện cần thiết.
“Kẽm ở Việt Nam không có nhiều, chúng ta chỉ có 1 số mỏ ở khu vực phía Bắc nhưng sắp đóng cửa đến nơi rồi. Ở vùng Nghệ – Tĩnh thì chỉ có nhôm, còn thiếc thì số lượng rất ít. Ở Thừa Thiên – Huế thì làm gi có vùng nguyên liệu kẽm.
Hơn nữa bây giờ làm ra kẽm cũng rất khó khăn, 1 vài nơi đã làm rồi nhưng chưa được, hiệu quả không cao. Thực tế, bản thân Trung Quốc hiện nay cũng chết dở với việc sản xuất kẽm. Họ làm ra không bán được. Bán sang Việt Nam thì chúng ta cũng thận trọng, chỉ mua một ít nhất định. Nhất là khi họ phải vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến nên tôi cho rằng khó có thể thành công với dự án này”, Phó Giáo sư Tiến sĩ băn khoăn.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn – nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng tỏ ra lo ngại trước việc Trung Quốc lựa chọn một vùng không có thế mạnh về nguyên liệu để đặt nhà máy kẽm.
Các chuyên gia cho rằng bài toán kinh tế đối với việc triển khai dự án kẽm tại Lăng Cô là thất bại |
Vị chuyên gia cho rằng, với việc vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến, chắc chắn giá thành sẽ cao và việc cạnh tranh với các sản phẩm khác sẽ khó khăn hơn.
“Bài toán kinh tế của Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn. Tôi nghĩ họ không chú trọng vào việc này. Cái chính hiện nay dường như Trung Quốc đang muốn chiếm đất để tận dụng các ưu đãi của Việt Nam về điện giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài, về các khoản thuế, điều kiện hỗ trợ kèm theo. Hơn nữa, Lăng Cô lại là vị trí ở miền Trung, có cảng, về mặt an ninh quốc phòng cần phải cảnh giác”, Tiến sĩ Sơn lưu ý.
Phân tích thêm về kế hoạch của Trung Quốc, Tiến sĩ Sơn đánh giá, doanh nghiệp fuda Bắc Kinh có thể tính đến việc đưa nguyên liệu từ trong nước sang Việt Nam để sản xuất kẽm. Tuy nhiên, nếu tình huống đó xảy ra, về lâu dài thì chúng ta vẫn bị thiệt hại.
“Họ có thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về và xin mở cảng, xin những ưu đãi, hỗ trợ về thuế. Ở Formosa trước cũng xảy ra việc này rồi. Như thế cũng không tốt cho phía Việt Nam. Chúng ta phải có bài toán so sánh cơ hội trong kinh tế. Chúng ta phải đặt câu hỏi, làm kẽm ra để làm gì trong khi cả thế giới đang thừa ?”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Ám ảnh công nghệ yếu kém
Đối với các nhà máy sản xuất kẽm, điều Tiến sĩ Sơn lo ngại nhất đó chính là yếu tố công nghệ. Nếu không có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tính toán lâu dài thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Lấy thực tế ví dụ từ nhà máy luyện đồng Sinh Quyền, Lào Cai, vị chuyên gia phân tích kỹ hơn : “Đây là dự án do phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam các thiết bị, máy móc, công nghệ. Đáng ra khi sản xuất phải tạo ra đồng tinh khiết đạt 99,99% nhưng thực tế chỉ luyện ra được 99,98%. Đồng phải đạt đến 4 số 9 thì mới làm được dây diện còn ở mức độ của đồng Sinh Quyền hiện tại chúng ta chỉ bán làm nguyên liệu cho Trung Quốc. Theo như tôi biết thì giờ đang bán với mức khoảng 4500 USD/tấn.
Công nghệ của Trung Quốc thường rất lạc hậu, cách đây khoảng hơn 50 năm. Nếu chúng ta cho xây dựng nhà máy này ở Huế thì nhiều khả năng cũng rơi vào trường hợp tương tự”.
Đặc biệt với một vị trí quan trọng như Lăng Cô, có nhiều thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, Tiến sĩ lo ngại, nếu cho phát triển dự án tại khu vực này sẽ khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại Formosa Hà Tĩnh.
“Với mức đầu tư giai đoạn đầu của dự án khoảng 5 triệu USD, tôi nghĩ công nghệ không thể tốt được. 5 triệu USD mà họ dự tính thì không phải đầu tư công nghệ sử dụng trong thế kỷ 21. Chắc chắn công nghệ cũng thuộc dạng lạc hậu như họ đã sử dụng ở nhiều dự án khác trên lãnh thổ Việt Nam”, Tiến sĩ Sơn thẳng thắn.
Cùng nêu ý kiến, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc -Luyện kim Việt Nam cũng đặc biệt lưu tâm đến những nguy cơ có thể xảy ra đối với công nghệ từ Trung Quốc.
“Công nghệ sản xuất kẽm của Trung Quốc so với các nước tư bản tiên tiến thì vẫn còn kém. Họ thậm chí còn phải mua công nghệ tiên tiến về trong nước. Công nghệ tốt thì đương nhiên nó phải đắt hơn. Đặc biệt với công nghệ hiện đại thì phải áp dụng ở những nhà máy có công suất lớn thì mới chịu đựng được.
Tôi chưa rõ doanh nghiệp Trung Quốc vì sao lại lựa chọn Lăng Cô để đặt nhà máy kẽm. Nhưng nhiều khả năng họ muốn xuất khẩu công nghệ yếu kém, đẩy toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm sang phía Việt Nam. Việc này phải hết sức lưu ý”, Tiến sĩ Ban lo lắng.
Để chứng minh cho những lập luận của mình, vị chuyên gia dẫn chứng ngay nhà máy Kẽm điện phân ở Thái Nguyên. Ông Ban thừa nhận, do công nghệ nhập từ Trung Quốc không tốt nên dù đi vào hoạt động trong thời gian dài nhưng quy mô sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh của công ty này chưa cao, còn trì trệ.
“Sản xuất kẽm gây ô nhiễm nặng nề và rất nguy hiểm, từ chất thải khí, nước, rắn đi kèm kim loại nặng. Những bài học như vậy đáng để chúng ta xem xét”, Tiến sĩ Ban nói thêm.
Thẳng thắn từ chối
Trước quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ ưu tiên cho công nghiệp sạch và công nghệ cao, không ưu tiên những doanh nghiệp làm ảnh hưởng môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn khẳng định đây là sự lựa chọn cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Theo Tiến sĩ Sơn, ở Thừa Thiên – Huế nói chung và khu vực kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng cần phải ưu tiên những công nghệ thân thiện với môi trường như : nông nghiệp hữu cơ, năng lượng mặt trời, phong điện,… thay vì chú trọng phát triển thép hay nhiệt điện.
“Chúng ta không thiếu gì đối tác vào Việt Nam xin đầu tư kinh doanh. Nếu giờ cấp hết đất cho các doanh nghiệp Trung Quốc thì sau này có đối tác tốt hơn thì làm gì còn đất nữa. Tôi nghĩ một khi địa phương đã có chủ trương như vậy thì nên thẳng thắn từ chối không giao đất. Tuy nhiên nói là như vậy thôi. Lãnh đạo nhiều địa phương khi thấy doanh nghiệp nước ngoài hứa hẹn thì lại đồng ý và đưa đề xuất lên chính phủ. Chúng ta phải nhìn nhận hết sức tỉnh táo việc này”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban cũng khẳng định đề xuất từ phía Trung Quốc chúng ta phải tìm hiểu rất kỹ, đưa ra những quyết định thận trọng.
“Chúng ta phải xem việc sản xuất có hiệu quả hay không rồi mới tính đến chuyện cấp phép. Muốn làm được như vậy thì phải xem cụ thể dự án, nguồn nguyên liệu, giá cả, chi phí mọi thứ, công nghệ có tốt hay không. Nguy cơ ô nhiễm rất cao nên bắt buộc chúng ta phải thận trọng”, Tiến sĩ Ban thẳng thắn.
Hoàng Nam
**********************
Xây nhà máy kẽm ở Lăng Cô : Độc hại hơn thép Formosa (Đất Việt, 24/10/2016)
“Đối với luyện kim màu nhất là kẽm, nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả còn nặng nề hơn thép cả trăm lần luyện thép ở Formosa Hà Tĩnh”.
Độc hại hơn luyện thép
Ngày 19/10, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh tại Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc. Uớc tính tổng mức đầu tư giai đoạn đầu của dự án khoảng 5 triệu USD.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Hảo, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ nhiều nghi ngại.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Hảo, đối với sản xuất kim loại nói chung và kim loại màu nói riêng, vấn đề môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.
Khuôn đúc thỏi kẽm - Ảnh minh họa |
Đặc biệt với quặng kẽm thuộc loại đa kim, trong đó có chứa các yếu tố độc hại như Arsen, cadimi, selen, telua, chì… Vì vậy đối với luyện kim màu, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả còn nặng nề hơn thép cả trăm lần luyện thép ở Formosa Hà Tĩnh.
Vị chuyên gia phân tích : “Trong công nghệ thủy luyện kẽm bã thải gồm : khí lò thiêu, bã và dung dịch thải quá trình hòa tách axit. Vậy những chất này sẽ bỏ đi đâu ? Đó là một vấn đề phải xem xét thận trọng. Vừa rồi trong Hà Tĩnh việc xử lý các chất thải từ nhà máy rất linh tinh. Họ đổ ở khắp nơi, khiến người dân nghi ngại”.
Bên cạnh đó, vấn đề xả thải cũng được Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo đặc biệt lưu tâm. Theo ông nếu không xử lý tốt, khả năng ô nhiễm môi trường cũng như tác động đến cuộc sống của người dân xung quanh sẽ rất lớn. Như đã nói ở trên, trong chất thải của thủy luyện kẽm chứa nhiều độc tố như khí SO2, cadmi, asen, antimon và axit sunfuric…
Sử dụng phương pháp thủy luyện
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và đi thực tế các nước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo khẳng định, trên thế giới hiện nay sử dụng 2 phương pháp để sản kẽm, đó là hỏa luyện và thủy luyện.
Phương pháp hỏa luyện kẽm cho năng suất thấp và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn nên từ nhiều năm qua, các nước trên thế giới đã ưu tiên sử dụng phương pháp thủy luyện.
“Dù nó ra đời từ những năm 20 của thế kỷ 20 nhưng thủy luyện kẽm vẫn thể hiện được tính ưu việt. Hiện nay khoảng 70-80% tổng sản lượng kẽm của thế giới được sản xuất bằng phương pháp này. Tuy nhiên quan trọng đối với thủy luyện là phải chú trọng nhiều đến vấn đề môi trường. Trước đây chúng ta vẫn chưa lưu ý đến vấn đề này nhưng bây giờ yếu tố đó phải số 1. Nếu chúng ta làm bằng mọi giá thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo nói.
Đi sâu vào phân tích, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vấn đề xử lý các sản phẩm của quá trình thủy luyện, đó là xử lý khói lò thiêu oxi hóa sunfua kẽm (sphailerit – ZnS), dung dịch và bã thải của quá trình hòa tách axit.
“Chúng ta đều biết, nguồn nguyên liệu đến 90% để sản xuất kẽm là đi từ sunfua kẽm. Muốn đưa về thủy luyện thì phải thiêu. Tức là thiêu triệt để sunfua kẽm để thành oxit kẽm phục vụ cho quá trình hòa tách trong môi trường axit H2SO4. Do quặng sufua kẽm thuộc loại đa kim, nên khi thiêu sẽ giải phóng ra một lượng rất lớn khí lò, gồm có SO2, bụi quặng và oxit của các kim loại dễ bay hơi như cadimi, oxit chì, oxit asen, oxit antimon…
Nếu không khử sạch khi lò trước khi thải, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Nhưng ngược lại, nếu xử lý tốt khí lò thiêu sẽ giải quyết được hai vẫn đề. Thứ nhất chúng ta không chỉ thu được khí SO2 sạch phục vụ cho sản xuất axit sufuric mà còn tận thu các kim loại quý như cadimi, antimon… có trong khí lò. Thứ hai, sẽ khống chế được lượng chất thải độc hại bay vào trong không khí”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo phân tích.
Đặc biệt với khu vực Chân Mây – Lăng Cô được ví là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới, vị chuyên gia cho rằng nếu dùng phương pháp thủy luyện để sản xuất kẽm thì lại càng có khả năng tác động đến môi trường xung quanh nhiều hơn.
“Khu Lăng Cô là vịnh rất đẹp, nếu chúng ta tiến xây dựng nhà máy thủy luyện kẽm sẽ rất nguy hiểm. Thực tế bán kính của khí thải có thể vươn ra tới 5-7 km từ miệng ống khói. Như thế những vùng nào nằm trong bán kính 5 km thì sẽ bị ảnh hưởng.
Điều tôi quan tâm và lo ngại nhất là nếu đi vào hoạt động thì họ sẽ xả thải bã và dung dịch thải của quá trình hòa tách ra đâu ? Ra hồ, sông hay suối ? hay ra biển ? Đây là một vấn đề cần thiết phải lưu tâm”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo lo ngại.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo hiện nay ở Việt Nam có một nhà máy sản xuất kẽm. Đó là nhà máy Kẽm điện phân ở Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 với công suất 10.000 tấn kẽm kim loại 99,99%/năm và 10.000 tấn axít H2SO4 98%/năm.
“Nói thật là đến nay vấn đề xử lý môi trường của nhà máy vẫn chưa tốt, đã có lúc các chỉ số tác động môi trường xung quanh vượt ngưỡng cho phép. Tại thời điểm mới đi vào sản xuất, khí thải của lò thiêu lớp sôi gây ô nhiệm cho cư dân sống gần khu công nghiệp Sông Công, vì thế người dân ở đây đã chặn đường không cho lãnh đạo và công nhân vào nhà máy làm việc”, vị chuyên gia nói
Ông Hảo cũng kể lại buổi làm việc giữa bộ môn Vật liệu kim loại màu và Compozit với Giám đốc nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên về việc thẩm định dự án mở rộng công suất luyện kẽm từ 10000T/năm lên 15000 T/năm thời gian tới.
“Trọng tâm của buổi thảo luận là vấn đề thẩm định công nghệ, thiết bị thủy luyện kẽm và công nghệ xử lý chất thải ảnh hưởng đến môi trường. Hai bên đã chỉ ra rằng, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về công nghệ thì chắc chắn không thể tăng năng suất. Bỡi lẽ, sản xuất kẽm nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao”, ông Hảo nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàn
********************
Xây nhà máy kẽm Lăng Cô : Trái đắng luyện đồng Trung Quốc (Đất Việt, 25/10/2016)
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học rồi. Vì vậy tôi cho rằng với xuất xây nhà máy kẽm ở Lăng Cô phải cân nhắc hết sức thận trọng”.
Nhiều bài học xương máu
Tiếp tục chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Hảo, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm trước đó.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo, vấn đề quan trọng nhất trong việc xây dựng nhà máy kẽm là phải lựa chọn được công nghệ phù hợp, đạt tiêu chuẩn, chất lượng thiết bị tốt nhằm tránh những tác động xấu dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Từng sang trực tiếp Trung Quốc thăm quan một số mô hình nhà máy sản xuất kim loại màu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo khẳng định, công nghệ của nước này không hề kém. Thậm chí có nhiều loại thuộc dạng tốt, tiên tiến so với thế giới.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo bày tỏ nhiều lo ngại trước việc xây dựng nhà máy kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. |
“Trung Quốc không phải kém công nghệ. Bằng chứng là nhiều nhà máy luyện kim loại màu của họ hoạt động rất tốt. Tuy nhiên khi tiến hành chuyển giao công nghệ cho chúng ta thì lại hoàn toàn khác. Trung Quốc giấu và không đưa hết cho chúng ta. Một phần cũng do chúng ta ham công nghệ giá rẻ, cũ và không có sự tham gia của các nhà khoa học trong công đoạn lựa chọn thiết bị, kỹ thuật”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo nhận định.
Để chứng minh cho điều vừa nói, vị Phó giáo sư kể lại câu chuyện mắt thấy, tai nghe trong chuyến khảo sát 2 nhà máy luyện đồng ở Côn Minh (Trung Quốc) hồi năm 2013.
“Trung Quốc có 2 máy luyện đồng. Đứng đầu là nhà máy ở Vân Đồng (500.000 tấn/năm), một nhà máy khác ở Sở Hùng (100.000 tấn/năm). Khi chúng tôi sang Côn Minh thì mới vỡ nhẽ. Công nghệ Trung Quốc sử dụng ở Sở Hùng mua bản quyền 100% của Úc.
Ở phía sau lò luyện stên có lắp thêm hệ thống 3 lò điện xỉ công suất 6300 KVA, nhờ đó giúp cho việc lắng tách stên khỏi xỉ tốt hơn, hàm lượng đồng trong xỉ chỉ còn 0,7%. Trong khi đó, năm 2009 khi Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy luyện đồng Sinh Quyền ở Lào Cai thì lại vận hành không hiệu quả. Và cũng là chuyên gia Trung Quốc đã làm bục lò khiến phía Việt Nam phải tái cơ cấu lại mất 200 triệu.
Năm 2009, khi đoàn cán bộ giáo viên bộ môn Vật liệu kim loại màu và Compozit lên thì nhà máy luyện đồng Sinh Quyền công nghệ nấu luyện vẫn chưa ổn định, hàm lượng đồng trong xỉ thải còn cao (khoảng 4,5%) trong khi tiêu chuẩn của thế giới là dưới 0,7 %.
Bây giờ, bằng nội lực và kinh nghiệm đội ngũ cán bộ nhà máy Luyện đồng Sinh Quyền đã làm chủ công nghệ, đã đưa nhà máy này đi vào hoạt động ổn định. Vấn đề ở đây là Trung Quốc giấu giếm chúng ta cái gì ? Thứ nhất là lò luyện Stên đồng. Thứ hai là hệ thống điện xỉ. Thông qua hệ thống này mới tách triệt để đồng ra khỏi xỉ. Nhưng nhà máy luyện đồng họ làm cho chúng ta hoàn toàn không có”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo kể lại.
Hay như gần đây nhất là việc không đồng bộ trong thiết bị và công nghệ nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm nặng nề môi trường cho 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học rồi. Vì vậy tôi cho rằng với dự án xây dựng nhà máy luyện kẽm ở Huế phải cân nhắc hết sức thận trọng trong việc lựa chọn thiết bị và công nghệ. Nếu chúng ta vội vàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường còn cao hơn gấp nhiều lần so với Formosa Hà Tĩnh”, ông Hảo lo ngại.
Phải đánh giá toàn diện
Từ những bài học trên, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng cần phải đánh giá toàn diện với một thái độ hết sức thận trọng với đề xuất từ phía doanh nghiệp Trung Quốc.
Yếu tố đầu tiên được Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo nhắc đến đó là nguyên liệu dùng để sản xuất kẽm nếu như dự án được thông qua. Với 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, ông Hảo không hiểu vì sao công ty Fuda Bắc Kinh lại lựa chọn Lăng Cô, một vùng không có thế mạnh về nguyên liệu về kẽm để đặt nhà máy.
“Tôi giật mình không hiểu nguồn nguyên liệu họ sẽ lấy ở đâu ? Bởi vì vùng Huế không phải quê hương của quặng kẽm. Quặng kẽm của chúng ta chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai và một phần Nghệ Tĩnh. Vậy khi đi vào hoạt động nguồn nguyên liệu phía Trung Quốc sẽ lấy từ đâu ?”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo đặt câu hỏi.
Yếu tố thứ hai mà vị chuyên gia đề cập đến đó là sự công khai, minh bạch. Ở đây phía công ty fuda Bắc Kinh phải công bố rộng rãi các thông tin về tính tiên tiến về công nghệ, thiết bị và hoạt động của họ tại Trung Quốc.
“Chúng ta phải đặt vấn đề về ô nhiễm môi trường lên hàng đầu. Để giải quyết được việc này cần phải yêu cầu công nghệ tiên tiến. Tôi nghĩ chúng ta nên dùng công nghệ của châu Âu thay vì của Trung Quốc để đảm bảo tính an toàn cũng như tránh như nguy hại về sau.
Đặc biệt, cần phải có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về luyện kim màu nói chung và luyện kẽm nói riêngđể họ đưa ra các ý kiến phản biện, phân tích, đánh giá. Nếu chỉ có cán bộ lãnh đạo, chính quyền địa phương với trình độ không cao về công nghệ luyện kẽm đàm phán sẽ rất nguy hiểm. Những kịch bản tương tự như ở Formosa, ở gang thép Thái Nguyên có thể tái diễn”, ông Hảo nhấn mạnh.
Một vấn đế khác ông Hảo đề cập tới ở đây là vị trí đặt nhà máy sản xuất kẽm. Theo ông Hảo, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước châu Âu để đưa ra những quyết định chính xác nhất.
“Ở bên châu Âu, họ làm hoàn toàn khác chúng ta. Nhà máy luyện kim loại nói chung và kim loại màu nói riêng như đồng, chì, kẽm bao giờ họ cũng ở xa khu dân cư. Đó là những vùng đất đai rộng, kinh doanh nông nghiệp không có hiệu quả. Những khu vực đang phát triển tốt, trù phù, chắc chắn họ sẽ không chấp nhận đánh đổi.
Trong khi chúng ta lại xây dựng nhiều nhà máy sát ngay khu dân cư, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Vì thế với đề xuất này, chúng ta cần phải đánh giá xem nhà máy sẽ xa Lăng Cô bao xa. Nếu đủ mức độ an toàn thì sẽ xét đến những yếu tố trên”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hảo lưu ý thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét