18/10/2016
HÀ TĨNH (NV) – Ngày 18/10/2016, Linh Mục Ðặng Hữu Nam và các giáo dân của ông ở giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vẫn lên đường tới thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu nại.
Quyền công dân là “quyền rơm”
Hồi cuối tháng 9, Linh Mục Ðặng Hữu Nam đã cùng giáo dân của mình đến tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp 506 đơn kiện Formosa xả nước thải ra biên, làm biển bị ô nhiễm từ thượng tuần tháng 4 đến nay, gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cách thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 200 cây số. Lúc đó các nguyên đơn đã gặp rất nhiều khó khăn vì các phương tiên vận chuyển công cộng mà họ thuê, từ chối vận chuyển vào phút chót vì bị công an địa phương dọa sẽ trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên các nguyên đơn vẫn đến được trụ sở tòa án thị xã Kỳ Anh với số lượng lên tới hàng ngàn. Cả công an tỉnh Hà Tĩnh lẫn tòa án thị xã Kỳ Anh đã đề nghị Linh Mục Ðặng Hữu Nam hỗ trợ giữ trật tự và cử đại diện làm thủ tục nộp đơn khởi kiện.
Sự kiện này gây một tiếng vang lớn và được công chúng ủng hộ. Kể cả nơi những người là viên chức đã nghỉ hưu hoặc đương nhiệm.
Gần đây, tòa án thị xã Kỳ Anh tuyên bố trả lại 506 đơn kiện mà họ đã nhận. Nói cách khác, hệ thống tư pháp Việt Nam không thụ lý việc kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại dù thiệt hại là rõ ràng và nghiêm trọng.
Việc tuyên bố trả lại đơn kiện diễn ra song song với việc chính quyền tỉnh Hà Tĩnh gửi một công văn cho Tòa Giám Mục giáo phận Vinh, mô tả Linh Mục Ðặng Hữu Nam như một tác nhân gây rối và đề nghị Tòa Giám Mục giáo phận Vinh thuyên chuyển Linh Mục Nam đi nơi khác, không để ông hoạt động mục vụ tại tỉnh Nghệ An. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, người trông coi giáo phận Vinh từ chối đáp ứng đề nghị này.
Khi trả lời một số cơ quan truyền thông, Linh Mục Nam bảo rằng, việc tòa lấy lý do “thiếu chứng cứ” để “chứng minh thiệt hại” nhằm trả lại 506 đơn kiện Formosa là sai với luật pháp hiện hành. Giả dụ đúng là chứng cứ chưa đủ, tòa phải yêu cầu bổ túc chứ không thể vin vào đó bác đơn kiện. Linh Mục Nam nói thêm, quyết định bác đơn kiện của tòa không thỏa đáng còn vì viện dẫn một quyết định của thủ tướng Việt Nam – ấn định về mức bồi thường thiệt hại cho các nạn dân của Formosa, trong khi quyết định đó không hề đề cập đến việc bồi thường thiệt hại cho dân Nghệ An cho dù thiệt hại đối với ngư dân, nông dân Nghệ An là rất rõ ràng.
Ðó cũng là lý do Linh Mục Nam và các giáo dân của ông quyết định khiếu nại việc tòa án thị xã Kỳ Anh không thụ lý đơn kiện – theo luật pháp hiện hành tại Việt Nam thì công dân có quyền làm như thế. Một ngày trước khi Linh Mục Nam và các giáo dân của ông lên đường, chính quyền huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gửi cho ông một công văn, đề nghị hủy bỏ việc đến tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu nại vì “bão lớn sắp đổ vào đất liền” và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang phải giải quyết hậu quả của trận lũ lụt vừa xảy ra trước đó.
Công bộc dọa sẽ gieo “vạ đá”
Theo dự kiến, sẽ có hàng ngàn người đến tòa án thị xã Kỳ Anh để khiếu nại nhưng giống như lần trước, chủ và tài xế các phương tiện vận chuyển công cộng bị công an hăm dọa sẽ trừng trị nên phải từ chối việc được thuê vận chuyển. Không có xe chở khách loại lớn, Giáo xứ Phú Yên thuê 60 taxi nhưng chuyện này cũng bất thành.
Ðại diện chính quyền địa phương đề nghị Linh Mục Nam không nên đưa cả ngàn người đến Kỳ Anh. Ðể chứng tỏ thiện chí, ông chỉ lên đường với 100 giáo dân nhưng những xe chở số người này cùng bị chặn lại khi chỉ mới tới cầu Bến Thủy – nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo tường thuật của một số nhân chứng thì ông Nguyễn Văn Sửu, một sĩ quan an ninh (hiện chưa rõ cấp bậc và chức vụ) của công an tỉnh Hà Tĩnh [TNM: đúng ra công an tỉnh Nghệ An] đã đến tận nơi xe bị chặn, khuyên những người đi khiếu nại nên trở về vì tiếp tục hành trình sẽ không có ai bảo đảm sự an toàn về tính mạng của họ.
Trả lời BBC về việc đi khiếu nại, Linh Mục Nam xác nhận, một số người đi khiếu nại đã bị lôi ra khỏi xe, bị đánh đập và xe bị ép quay lại. Cũng theo lời Linh Mục Nam thì lần này, ngoài 506 khiếu nại về việc tòa án không thụ lý đơn kiện Formosa, còn có thêm 100 đơn kiện nữa. Linh Mục Nam nhấn mạnh, ông và giáo dân của mình mong muốn chính quyền Việt Nam tôn trọng và thực thi luật pháp do chính họ đặt ra. Nếu chính quyền thật sự “của dân, do dân và vì dân” thì kiện Formosa là việc mà chính quyền phải làm thay dân.
Gieo họa cho dân và mua vạ cho mình
Thảm họa môi trường ở khu vực phía Bắc miền Trung xảy ra ngay sau khi nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh chỉ mới chạy thử và mới thử xả khoảng 10,000 khối nước thải/ngày ra biển hồi thượng tuần tháng 4.
Trong tương lai, nếu Formosa chính thức hoạt động và xả tới 45,000 mét khối nước thải/ngày đúng như mức mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam “cho phép,” tầm vóc của thảm họa sẽ lớn hơn rất nhiều. Theo tính toán của mọt số chuyên gia, nếu Formosa xả nước thải đúng mức cho phép hiện tượng cá chết trắng biển có thể xảy ra từ Hà Tĩnh tới Cà Mau và khi dòng hải lưu Biển Ðông đổi chiều vào mùa Hè thì ô nhiễm có thể lan ngược đến vịnh Bắc Bộ. Nói cách khác, cá có thể chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, đây là một thảm họa đã được nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường cảnh báo từ lâu. Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa trả lời tại sao họ lại bất chấp các cảnh báo, ưu đãi cho Fomosa (tập đoàn vốn đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới vì hủy diệt môi trường) hết sức khác thường để cuối cùng Formosa tạo ra thảm họa như thế và phải mất ít nhất là 50 năm nữa, vùng biển phía Bắc miền Trung mới có thể hồi phục như trước khi xảy ra thảm họa.
Những thắc mắc kiểu như, tại sao không giao khu vực Vũng Áng nơi có độ sâu, độ rộng thích hợp cho hải quân để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, vì có núi cao che chắn, vì dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng phòng ngự và tấn công để phòng ngự vịnh Bắc bộ mà lại giao cho Formosa? Tại sao ngày 15 tháng 1 năm 2008, Formosa mới có thư từ Ðài Bắc gửi thủ tướng Việt Nam, trình bày về ý định xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng, thế nhưng ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Võ Kim Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sau này là bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh) đã biết có một lá thư như thế và gửi ngay “Tờ trình” đề nghị thủ tướng Việt Nam chấp nhận dự án của Formosa?
Tại sao theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng Vũng Áng đến 70 năm, tuy có nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng – lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu?
Tại sao cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất? Tại sao chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ?
Tại sao khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp?…
Cho đến nay vẫn không được trả lời và tất nhiên không có ai bị xác định là phải chịu trách nhiệm.
Do áp lực của công chúng, ba tháng sau khi xảy ra thảm họa, chính quyền Việt Nam mới chính thức xác định, Formosa gây ra thảm họa môi trường ở khu vực phía Bắc miền Trung.
Trước đó, một số người đã từng khẳng định, ngay cả khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy thảm họa cá chết trắng biển là vì các độc tố trong nước mà Formosa thải ra biển thì việc quy trách cho Formosa cũng không dễ dàng, bởi chắc chắn Formosa làm đúng theo các loại giấy phép mà chính quyền Việt Nam đã… cấp. Thẳng tay với Formosa sẽ mở ra con đường dẫn chính quyền Việt Nam đến trước các tổ chức tài phán quốc tế và gần như cầm chắc trách nhiệm phải bồi thường vì vi phạm những cam kết khi mời gọi đầu tư và mâu thuẫn với những giấy phép đã cấp cho Formosa, kể cả giấy phép cho xả nước thải ra biển.
Cần lưu ý là song song với việc xác định Formosa gây ra thảm họa, chính quyền Việt Nam công bố cả thỏa thuận giữa họ với Formosa, theo đó Formosa sẽ chi 500 triệu Mỹ kim bồi thường “toàn bộ thiệt hại.” Khoảng nửa tháng sau, báo chí Việt Nam cho biết, chính quyền Việt Nam hoàn lại cho Formosa khoản thuế tương đương 500 triệu Mỹ kim.
Phải chăng là vì “buộc” Formosa thì đuối lý (vì toàn bộ hoạt động của Formosa, kể cả xả nước thải ra biển là theo đúng những giấy phép mà chính mình đã cấp), còn “tha” cho Formosa thì không yên với dân nên chính quyền Việt Nam tạo ra “thỏa thuận” bồi thường 500 triệu Mỹ kim rồi lẳng lặng tự gánh trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Thắc mắc vừa kể chỉ là sự suy đoán dựa trên một chuỗi sự kiện. Trên thực tế, chính quyền Việt Nam đang sa lầy và sẽ lún sâu hơn do đơn phương thỏa thuận với Formosa về bồi thường thiệt hại quá… sớm! Chưa rõ tại sao chính quyền Việt Nam xác định, Formosa chỉ gây ra thiệt hại đối với môi trường, sinh hoạt, sinh kế của cư dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mà không ảnh hưởng đến Nghệ An (nên mới xảy ra chuyện giáo dân giáo xứ Phú Yên kiện đòi bồi thường thiệt hại).
Cũng chưa hiểu dựa trên cơ sở nào mà chính quyền Việt Nam xác định chỉ có ngư nghiệp và nông nghiệp bị thiệt hại, trong khi du lịch không được nhắc tới. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, những cá nhân kiếm sống nhờ hoạt động du lịch đang đề cập đến việc phải được bồi thường thiệt hại, hỗ trợ vượt qua khó khăn vì thảm họa do Formosa gây ra như ngư dân và nông dân. Sở Du Lịch Hà Tĩnh vừa cho biết, doanh thu trực tiếp từ du lịch của tỉnh này giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển… cũng đã giảm 50%.
Sở Du Lịch tỉnh Quảng Bình thì ước đoán thiệt hại riêng với ngành du lịch của Quảng Bình là 1,900 tỉ đồng. Tương tự, đại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Trị loan báo, thiệt hại riêng với ngành du lịch ở Quảng Trị là 250 tỉ đồng. Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế thì xác nhận du lịch biển bị thiệt hại nhưng vì còn nhiều hình thái du lịch khác thay thế nên không thất thu.
Khoản bồi thường 500 triệu Mỹ kim càng ngày càng có vẻ nhỏ. Bởi chính quyền Việt Nam luôn luôn thiếu minh bạch nên chẳng có gì bảo đảm 500 triệu Mỹ kim đó đúng là từ Formosa chứ không phải là từ tiền thuế của dân chúng.
500 triệu Mỹ kim này không mua được nhân tâm và rõ ràng là là không thể an dân nhưng đáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nam vẫn xăng xái “nhận” để gánh vạ thay cho Formosa. (G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét