Trần Phong Vũ
21-10-2016
Là người cầm bút, lại là một công dân già của một đất nước từng hãnh diện có bốn ngàn năm văn hiến, dù đã hai lần miễn cưỡng phải bỏ quê hương ra đi –lần thứ nhất xót xa giã từ nơi chôn nhau cắt rốn đất bắc vào nam; và lần thứ hai đứt ruột lìa bỏ quê Mẹ chấp nhận cảnh đời biệt xứ – chưa bao giờ tôi nảy ra trong đầu những ý nghĩ quá xấu xa, tệ lậu về một guồng máy cai trị được chỉ danh bằng những từ vốn dĩ xưa nay được trân trọng như “chính phủ” hay “chính quyền”, cho dẫu cái lũ người “ngợm” núp bóng cái cơ cấu ấy đã xô đẩy gia đình tôi và hàng triệu đồng bào tôi phải chấp nhận cuộc đời “vong gia thất thổ” nơi xứ người!
Trong bài viết ngắn này, nếu có phải dùng đến những từ bất xứng mà tự thâm tâm tôi cũng cảm thấy xấu hổ, thì xin những vị trưởng thượng, các bậc bề trên, bạn bè và tất cả độc giả trong ngoài tha thứ.
Chính phủ – Chính quyền
Tôi không làm công việc của các chuyên gia nghiên cứu đến nơi đến chốn về danh xưng, ý nghĩa các cơ chế có trách nhiệm điều hành, cai trị một quốc gia, một dân tộc. Ở đây tôi chi giới hạn vào cách hiểu đơn sơ của quảng đại quần chúng bình dân về hai từ kép trên đây với mục tiêu trước mắt, cùng bà con xếp loại và định danh cái cơ chế thống trị hiện nay trên đất nước chúng ta là thứ gì?
Trước hết, nguyên gốc cả hai từ kép trên đều là chữ Hán. Nhưng may mắn qua dòng thời gian đã hoàn toàn được Việt hóa khiến ai cũng hiểu.
Hai chữ “chính” cùng mang ý nghĩa là chính trực, chính đáng, ngay chính, đối lập với chữ “tà”, tà vạy, lươn lẹo, bất chính, thiếu ngay thẳng. Chữ “phủ” nghĩa gốc chỉ dinh thự hay phủ đệ, nơi cư trú của các quan chức thời xưa dù trong một số trường hợp ngày nay vẫn còn dùng. Thí dụ Phủ Tổng Thống, Phủ Đặc Ủy Tị Nạn v.v… Từ nghĩa gốc này, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức chỉ ra một nghĩa rộng là “khu vực cai trị”. Như thế, từ kép “chính phủ” được hiểu là một cơ cấu cai trị chính trực, xứng đáng để người dân tin tưởng và tuân theo.
Chữ “quyền” dù là người bình dân ai cũng hiểu là quyền hành, và khi được ghép chung với từ “chính” thành từ kép “chính quyền”, có nghĩa là một cơ cấu cai trị chân chính, khả tín, tương tự cách hiểu về từ “chính phủ”. Ưu điểm của từ kép “chính quyền” là khi nhớ tới hay đọc lên, nó gợi cho mọi người nghĩ ngay tới từ kép “tà quyền” ám chỉ những chế độ, những cơ cấu quyền lực tà vạy, bất nhân, bất nghĩa, phản quốc hại dân.
Khi viên chức nhà nước trở thành “côn đồ”!
Trong những năm gần đây, vì nhu cầu sống còn, bất đắc dĩ Hà Nội phải mở cửa tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong trường hợp này vấn đề khó khăn trước mắt mà chế độ phải đối diện là bằng cách nào có thể tiếp tục duy trì được quyền lực độc tài chuyên chính trong tay đảng, khi vẫn tránh được con mắt dòm ngó của công luận quốc tế?
Mọi người đều biết rằng, cho đến nay khi nhân loại đã bước qua nửa thập niên thứ hai của thế kỷ đầu ngàn năm thứ ba, nhưng sự sống còn của đảng và nhà nước CSVN vẫn phải tùy thuộc vào những thủ đoạn sắt máu, nói rõ hơn là các biện pháp khủng bố, công an trị để chống lại sự bùng nổ của cao trào đòi tự do, dân chủ ngày một gia tăng. Để đối phó với tình trạng này, ngoài việc xây dựng một lực lượng quân đội, công an đồ sộ được trang bị những khi cụ đàn áp đến tận răng, họ còn ngấm ngầm nuôi dưỡng, mua chuộc bọn côn đồ gồm những băng đảng thuộc xã hội “đen” chuyên nghề đâm thuê chém mướn để dùng tới khi cần. Không đâu khác, chính những nhóm đặc nhiệm thuộc bộ công an đảm trách việc hình thành, theo dõi, điều động xã hội đen này, trong đó có cả nhân viên an ninh đội lốt côn đồ!
Còn nhớ vào những năm cuối thập niên trước, thời gian bùng ra những cuộc tập hợp đông đảo giáo dân trong các buổi thắp nến cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình tại nhà Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà và tòa Khâm sứ cũ để chống lại chủ trương cướp đất của nhà nước, người ta đã nhận ra bóng dáng bọn du thủ du thực xuất hiện trong những vụ đàn áp giáo dân trước sự bất động của đám công an đứng nhìn. Những trò bẩn thỉu này cũng được lập lại qua những hành vi phá thối của đám đông những thành phần lạ mặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm, ở vườn hoa Lý Tự Trọng thời gian phong trào thoát Trung lên cao. Đặc biệt khi đồng bào xuống đường chống lại hành vi xâm lược của Bắc Kinh qua việc điều giàn khoan HD891 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014.
Nhưng phải chờ tới những ngày cuối tháng 9 qua tháng 10-2016, thời gian bùng nổ các cuộc biểu tình và cao trào khiếu kiện của các nạn nhân vụ cá chết do tập đoàn gang thép Formosa ở Vũng Áng gây ra, người ta mới thấy điều dư luận nghi ngờ lâu nay trở thành sự thật. Đó là sự kiện các lực lượng công an nhà nước công khai chống lưng cho lũ côn đồ mặc tình xách nhiễu, khủng bố, đánh đập người dân.
Taxi bị chặn lại. Nạn nhân khiếu kiện bị bạo hành và bị cưỡng bách ra khỏi xe, người dân tham dự đi kiện nói họ “không thuê được xe”. Ảnh: FB |
Có gì lạ trong vụ nạn nhân đi khiếu kiện vừa qua?
Tạm quên đi những khó khăn trở ngại Linh mục Đặng Hữu Nam và 600 giáo dân Phú Yên phải đối diện trong hai ngày vượt hơn 200 cây số để nộp hồ sơ khiếu kiện Formosa ở tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh. Cũng tạm gác qua một bên sự kiện tòa án này bất chấp luật pháp, tự mình bác khước việc xét xử, trả lại toàn bộ 506 đơn khiếu kiện mà họ đã nhận hôm 27-9. Chúng tôi muốn cùng độc giả nhìn vào một sự kiện còn nóng hổi xảy ra hôm Thứ Ba 18-10-2016.
Theo đúng cách hành sử của người công dân luôn tôn trọng luật pháp, hai ngày trước đó, thay mặt 1000 nạn nhân, Linh mục Đặng Hữu Nam công bố một văn thư báo trước sáng 18-9, ông sẽ cùng các nạn nhân thuê xe đi qua tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh để tái nộp đơn khiếu kiện tội ác của công ty gang thép Formosa đã xả thải nhiều chất cực độc như chì, thủy ngân xuống vùng biển Vũng Áng gây nên thảm họa biển chết, cá chết, người chết cùng những di lụy lâu dài cho các thế hệ mai sau.
Và chuyện gì đã xảy ra?
Trên đây là tấm hình các cơ quan truyền thông lề dân từ quốc nội chuyển ra cho thấy quang cảnh trang nghiêm của giáo dân lúc 4 giờ sáng Chúa Nhật đang lắng nghe lời dặn bảo của cha xứ Đặng Hữu Nam trước khi lên đường khiếu kiện. Cũng như lần trước ông ân cần nhắn nhủ bà con tuyệt đối trung thành với nguyên tắc bất bạo động, cho dẫu có phải đối đầu với thái độ khiếm nhã của công an và bọn đầu gấu. Lm Nam nói: “anh chị em cần thể hiện tinh thần khiêm nhu, bác ái của người tín hữu Chúa Kitô”.
Hai ngày trước, sau khi chính thức thông báo trước công luận, và dù gặp nhiều khó khăn, cha Nam đã lo liệu việc thuê xe buýt chuyên chở đồng bào nạn nhân. Nhưng vào giờ chót vì nhiều chủ xe bị công an và những khuôn mặt cô hồn xa lạ tìm tới hăm dọa nếu nhận chở người đi kiện sẽ không bảo toàn sinh mạng cũng như có thể bị rút môn bài hành nghề nên phần lớn số xe thuê bỏ cuộc. Để bù lại tình trạng thiếu xe buýt, với sự đồng tình của bà con, cha Nam quyết định thuê taxi, và các xe con bù vào.
Với một nhà nước coi quyền dân như cỏ rác, việc cha Nam công khai thông báo thay vì để các cơ quan công quyền biết mà lo trật tự giao thông, nhưng cũng như lần trước, họ huy động lực lượng công an cùng với bọn du thủ du thực tới các ngả đường để ngăn chặn bất cứ xe nào di chuyển về hướng Kỳ Anh. Bản tin BBC cho hay:
“Video quay tại hiện trường phổ biến trên mạng xã hội cho thấy xe của linh mục Đặng Hữu Nam và nhiều người dân bị xe công an giao thông chặn lại. Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, người dẫn đầu đoàn người đi gửi đơn kiện nói họ đang dừng tại “Bến Thủy, vẫn còn trong địa phận Nghệ An”.
Một người dân ẩn danh nói với BBC Tiếng Việt: “Lẽ ra chúng tôi khởi hành từ bốn giờ sáng để đến tòa án Kỳ Anh. Nhưng các nhà xe bị chặn không cho thuê xe. Chúng tôi phải thuê 60 xe taxi để đưa ngư dân đi. Nhưng nhiều xe cũng đã bị chặn lại trên đường.”
Cuộc trò chuyện với BBC nhiều lần bị cắt ngang khi có tiếng công an giao thông yêu cầu “xuống kiểm tra”. Linh mục Đặng Hữu Nam nói qua điện thoại với BBC: “Họ yêu cầu chỉ đi đại diện, vì thế lúc này chúng tôi chỉ cho đại diện khoảng 100 người, còn tất cả những người dân tôi đã cho về. Vô đến cầu Bến Thủy, rất đông công an giao thông, hàng trăm người và các công an khác chặn xe của chúng tôi.”
“Hai bên đường rất nhiều công an,” người dân tham dự cuộc đi nộp đơn cho biết.
“Theo như các chủ nhân cho thuê xe thuật lại, công an tỉnh, huyện trao cho họ một văn bản cấm họ không được đi” và “dọa bị khởi tố” .
Người đi kiện nói họ thuê được hơn 60 xe taxi nhưng sau đó một số xe “đã bị chặn” và “bị dùng bạo lực đẩy khách ra khỏi xe không cho đi nữa”.
Trang tin tức công giáo Tin mừng cho Người nghèo tường thuật “ông Nguyễn Văn Sửu, công an tỉnh Nghệ An, đánh xe xuống tận nơi và nói với phái đoàn có thể tiếp tục đi nhưng ông không đảm bảo sự an toàn tính mạng cho phái đoàn“.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt rằng ông đã giải thích với công an tỉnh Nghệ An “quí vị lôi người dân của chúng tôi xuống đánh đập và đã đuổi xe về rồi, bây giờ chúng tôi có muốn đi nữa cũng không đủ xe. Đó là điều công an tỉnh Nghệ An phải xử lý”.
Lm Nam cho hay nhà chức trách muốn ông “trở về”. Ông nói với BBC:
“Chúng tôi đã cộng tác thành thực với bộ công an, ban tuyên giáo và chính quyền các tỉnh. Chúng tôi đã đưa đi chỉ có 40 người chứ không phải 100 người như Bộ công an nói với chúng tôi. Nhưng bây giờ chúng tôi đã bị chặn như thế, bị đánh đập như vậy, ai sẽ là người đảm bảo an toàn cho chúng tôi?”
Một bản tường thuật trên mạng Dân Làm Báo còn cho hay, một số xe buýt và nhiều taxi bị xẹp bánh trên đường vì đông đảo côn đồ du đãng dùng xe gắn máy, một người lái, một người ngồi sau rải đinh xuống đường đế gây tai nạn khiến giao thông bị “ùn tắc”!
Khi “chính quyền” trở thành “Kẻ Cướp”!
Ngay từ sau cái ngày gọi là “Cách Mạng Mùa Thu”, tiếp theo là “toàn quốc kháng chiến”, phát động “người người thi đua, nhà nhà thi đua”, người dân miền Bắc thuở ấy đã nhận ra bóng dáng lừa lọc, đảo điên, dối trá của những kẻ từ rừng rú trở về Hà Nội ra tay “tranh quyền, cướp nước!” Trong những công văn, khẩu hiệu, các lời tuyên bố, hơn một lần chính những tay đầu sổ như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã công khai nói ra miệng là Mặt Trận Việt Minh đã “cướp” được chính quyền.
Vì thế, không ai lạ khi trong nhân gian thời ấy, dân chúng miền Bắc đã truyền miệng bốn câu thơ sau đây để diễn tả thực chất cái gọi là “chính phủ” với “chiến khu” và phong trào “thi đua, kháng chiến” lúc bấy giờ:
“Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi!
Chiến khu để của, chú khiêng rồi!
Thi đua kháng chiến, thua đi mãi
Kháng chiến thôi đành, khiến chán thôi!”
Theo sự dẫn giải của các cụ, người đọc bốn câu thơ này cần chú ý tới những chữ “nói lái” (chúng tôi tô đậm) trong đó: “chú phỉnh” là tiếng nói lái từ hai chữ “chính phủ”; “chú khiêng” là tiếng nói lái hai chữ “chiến khu”; “thua đi” nói lái hai chữ “thi đua”; và “khiến chán” nói lái hai chữ “kháng chiến”. Tất cả những chữ nói lái đều hàm ần ý tưởng mỉa mai, khinh bỉ cơ cấu chính quyền thời ấy. Riêng hai chữ “chú phỉnh” lộ rõ tư tưởng này hơn hết, ám chỉ cơ chế quyền lực cao nhất là chế độ, mà cụ thể là chính phủ Hồ Chí Minh, một chính phủ chuyên lừa phỉnh, gạt gẫm để cướp đi tất cả những quyền năng căn bản mà Thượng Đế đã ban tặng con người.
Từ cái khởi đầu gian manh, lừa mị ấy, nhân dân miền Bắc chỉ biết dùng những vần thơ mang tính ẩn dụ như thế để nói về bộ mặt thật gian ngoan, xảo trá của những kẻ cầm quyền. Nhưng khi con cháu họ đã bước qua thập niên thứ hai đầu thế kỷ thứ nhất của ngàn năm thứ ba thì chúng có thừa can đảm để chỉ vào mặt Tứ Trụ ở Ba Đình và toàn thể cơ chế quyền lực CSVN để nói lớn cho thế giới biết rằng: cái gọi là “chính quyền” ở quốc nội ngày nay đã thật sự biến thành “Kẻ Cướp”!!!
Cuối trung tuần tháng 10-2016
Nguồn: Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét