Sơn Tùng
14-9-2016
trích từ "Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa: Chuông Gọi Hồn Ai ?"
Trước khi qua đời năm 2000 tại California, Học giả Phạm Kim
Vinh đã viết 37 cuốn sách (Việt ngữ và Anh ngữ) để đề cao chính nghĩa của người
Việt Quốc Gia trong cuộc chiến đấu kéo dài 30 năm (1945-1975) chống lại chủ
nghĩa cộng sản do Hồ Chí Minh và đồng đảng đem từ Nga về núp dưới chiêu bài
kháng chiến, giải phóng, gây ra hai cuộc chiến tranh khốc liệt gieo rắc bao đau
thương, đổ vỡ cho dân tộc Việt Nam.
Trong 37 cuốn sách đã xuất bản tại hải ngoại (1976-1999),
ông Phạm Kim Vinh đã dành hai cuốn để viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa:
cuốn "Thiên Anh Hùng Ca Viết Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa" (1984)
và cuốn "Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh Của Quân Lực VNCH"
(1999).
Trong hai cuốn sách này, tác giả Phạm Kim Vinh, với
bản thân mình cũng từng là một người lính, đã gửi gắm tâm huyết trên hơn 500
trang giấy mà ông muốn người đọc cùng ông đi lại con đường "người lính"
VNCH đã đi như những dòng bi phẫn được ông viết trên bìa sau cuốn sách thứ nhất:
"Mời độc giả làm một cuộc hành hương để đi lại con đường dài mà Quân Lực
VNCH đã bình thản đi trong hơn hai chục năm, - con đường mà kể về sự khắc khổ và chịu đựng còn vượt xa
con đường Vạn Lý
Trường Chinh của Mao Trạch Đông, và về tính cách thiêng liêng, vị tha và cao
quý còn vượt xa các cuộc Thánh Chiến thời Trung Cổ. Cuộc hành hương ấy sẽ giúp
chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về Quân Lực VNCH, và sẽ cung cấp cho chúng
ta chứng liệu cần thiết để đòi thế giới bên ngoài phải trả lại cho quân lực ấy cái
danh dự mà thế giới ấy đã đánh cắp mất, rồi lại còn dám trơ trẽn buộc tội cho
quân lực ấy là ‘không chịu chiến đấu'".
Từ lúc ông Phạm Kim Vinh viết những dòng trên đây đến nay
(2016), 32 năm đã trôi qua. Biết bao đổi thay đã diễn ra, bao nhiêu sự thật đã
được đưa ra ánh sáng, trong đó có những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam đã
hết còn "mật". Những sự thật ấy đã được "thế giới bên ngoài"
nói lên qua những bài báo, những cuốn sách, những cuộc hội thảo, và những cuốn
phim. Những sự thật ấy đã phần nào trả lại danh dự cho Quân Lực VNCH.
Dựa trên những sự thật ấy, gần đây nhất, một cuốn phim tài
liệu về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và Quân Lực VNCH đã được thực hiện, không
phải do "thế giới bên ngoài", mà do chính người Việt ở Mỹ làm.
Cuốn phim này tựa đề là "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân
Đội Biên Hòa", do Vietnam Film Club thực hiện, song ngữ (Việt-Anh), dài
một giờ chiếu.
Cuốn phim 60 phút cho một cuộc chiến dài 30 năm và những gì
xảy ra trong hơn 40 năm sau đó cho một nghĩa trang với 16 ngàn ngôi mộ của quân
đội bên bại trận sẽ nói được gì?
Dĩ nhiên là không nhiều lắm. Nhưng, nó như một tiếng chuông
gọi hồn, không phải chỉ cho 16 ngàn chiến sĩ nằm trong một nghĩa trang điêu tàn
thảm đạm mà còn cho hàng triệu người đã ngã xuống trong hơn 30 năm trên mọi
miền đất nước vì không muốn sống cuộc đời của những con "thú người"
mất tự do, nhân quyền, nhân phẩm.
Cuộc chiến đấu bằng súng đạn đã chấm dứt vào ngày
30.4.1975, nhưng chưa chấm dứt trong lòng người, trong tư tưởng và vẫn còn đang
diễn ra hàng ngày, không tiếng súng, trên một đất nước được cho là đã "hòa
bình" nhưng là "hòa bình của nấm mồ", là cái chết của Tự Do cho
cả một dân tộc.
Thực trạng của "nền hòa bình" ấy người ta có thể
nhìn thấy qua hình ảnh trên cuốn phim những ngôi mộ hoang phế, bị đập phá,
hương tàn khói lạnh trong một khu đất trước đây được gọi là "Nghĩa Trang
Quân Đội Biên Hòa". Cảnh hoang tàn nơi đây tương phản hẳn với những nghĩa
trang dành cho tử sĩ phe thắng trận - huy hoàng, tráng lệ.
Sự kiện trái ngược này cho thấy không thể so sánh cuộc Chiến
Tranh Việt Nam (1945-1975) với cuộc Thế Chiến I (1914-1918) và cuộc Thế Chiến
II (1939-1945), càng không thể so sánh với cuộc Nội Chiến tại Hoa Kỳ
(1861-1865) vì có một khác biệt căn bản không thể bỏ qua: Những cuộc chiến
tranh này đã thực sự chấm dứt khi im tiếng súng với sự toàn thắng của chính
nghĩa.
Trái lại, cuộc Chiến Tranh Việt Nam kéo dài 30 năm giữa Thế Kỷ
20 đã kết thúc với sự thua bại của chính nghĩa. Vì vậy cuộc chiến ấy chưa chấm
dứt và đã chuyển sang một hình thái khác, không có tiếng súng.
Đó là lý
do vì sao những kẻ chiến thắng bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu chưa hết sợ sau
khi chiến tranh đã chấm dứt. Họ sợ những người lính phe địch đã buông súng, và sợ
cả những kẻ thù đã chết. Họ cần phải xóa bỏ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, dấu
tích của một quân đội hùng mạnh đã chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ chính nghĩa
Tự Do mà hàng chục triệu dân miền Nam VN vẫn không thôi tưởng nhớ. Chính điều
này đã khiến CSVN chưa dám thẳng tay phá hủy Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
nhưng đã từng bước thực hiện kế hoạch thâm độc mà bước đầu tiên là đổi tên
thành "Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An" và giao cho địa phương quyền
quản trị và sử dụng khu đất ấy.
Bước thứ hai là để cho dân địa phương lấn đất nghĩa trang,
hủy hoại dần những ngôi mộ, đồng thời cho trồng những loại cây lớn xen kẽ ngay
bên cạnh những ngôi mộ. Những hàng cây này nay đã cao hơn đầu người, năm bảy
năm nữa Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa sẽ biến thành một khu rừng và những nấm
mồ sẽ không còn nữa, xương thịt bên dưới sau nửa thế kỷ sẽ tan biến vào lòng
đất.
Phải là người vô tâm lắm, nếu không dám nói "ngây thơ",
mới không nhìn thấy dã tâm của người cộng sản. Nhưng từ mấy năm gần đây, người
ta đã nghe nói nhiều, và tranh cãi nhiều về việc "trùng tu" Nghĩa
Trang Quân Đội Biên Hòa dù chưa ai thấy có văn kiện nào cho biết UBND Xã Bình
An đã đồng ý
cho ai "trùng tu" Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An.
Trong khi đó đã diễn ra những cuộc thăm viếng của các
phái đoàn người Việt từ hải ngoại về, kể cả vài viên chức ngoại giao Mỹ và VC,
kể cả những cuộc gây quỹ nhân danh "trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa",
dù trên giấy tờ nghĩa trang ấy không còn nữa.
Những hiện tượng ấy đã tạo ra ảo tưởng rằng CSVN đã "thay
đổi", đã "cởi trói" và đồng ý,
cho phép "trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa". Cần phải cảnh giác
về ảo tưởng này, vì nó chỉ là... ảo tưởng trong lúc CSVN muốn mọi người nghĩ như thế, và vì đó là một
xảo thuật lừa gạt dư luận mà CSVN quen dùng.
Cuốn phim "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa"
là một tài liệu "giải ảo", một tài liệu lịch sử rút ngắn về Quân đội
VNCH và về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (xưa và nay) để nhắc nhở mọi người
không thể lãng quên, nhất là những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, để - như
lời Học giả Phạm Kim Vinh - "giúp chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về
Quân lực VNCH" và ghi ơn những chiến sĩ của quân lực ấy, nhất là những
người đã ngã xuống trong khi chiến đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc và
nhân loại, kẻ thù của Tự Do và Tình Người.
Ngay ở đầu cuốn phim, Thiếu Tá Richard Botkin, tác giả cuốn Ride
the Thunder, đã nói "người cộng sản không bao giờ quên và không bao giờ
tha thứ" (the communists never forget and never forgive). CSVN đã phải trả
giá rất đắt trong cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam VN vì sự chiến đấu dũng
cảm trong suốt 20 năm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cộng sản không bao giờ
quên điều ấy và không bao giờ tha thứ.
Nhưng người CSVN cũng không nên quên rằng cái gọi là "Đại
thắng mùa xuân" năm 1975 không phải là chiến thắng cuối cùng. Cái thắng
bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu trước một quân đội đã bị trói tay chưa trả lời
dứt khoát câu hỏi "ai thắng ai". Khối Cộng sản Đông Âu và Liên Sô,
cái nôi của CSVN, đã mồ yên mả đẹp từ một phần tư thế kỷ trước. CSVN không thể
tồn tại mãi để trả thù những người đã chết.
Muốn được nhẹ tội khi ngày phán xét cuối cùng đến để trả lời
câu thách thức "ai thắng ai", CSVN nên bắt đầu sám hối là vừa, trước
tiên là tạ tội với những người đã chết, ngưng ngay kế hoạch xóa bỏ Nghĩa Trang
Quân Đội Biên Hòa. Bằng không, ngày luận tội sẽ không tránh khỏi những bản án
nặng nề, mà cuốn phim "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa" có
thể được dùng như một bằng chứng buộc tội. (*)
---------------------
(*) Phim "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa"
sẽ được chiếu ra mắt (giới thiệu và phát hành) tại Nhà hàng Harvest Moon, Falls
Church, Virginia, vào lúc 3 giờ chiều ngày Chúa Nhật 16.10.2016.
Vietnam Film Club email: vietnamfilmclub@aol.com
Vietnam Film Club website: vnfilmclub.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét