Bình Luận Án
15-7-2016
Ảnh Internet: Trần Ích Tắc hoảng sợ chạy trốn theo Thoát Hoan qua biên giới (tranh lịch sử). Nhân vật này được xem là điển hình của một kẻ có hành vi phản bội Tổ Quốc
Một con người, trong mối quan hệ bạn hữu hay tình cảm, nếu có hành vi phản bội,
phản trắc - đã là một kẻ xấu, không đáng tin cậy. Bị coi khinh.
Phản bội đảng không phải là tội phạm
Trong quan hệ đội nhóm, đồng chí, đồng nghiệp, hành vi phản bội có tính chất
nghiêm trọng hơn. Vì liên đới đến nhiều người, đến tổ chức. Kẻ phản bội chắc chắn
sẽ bị xử lý kỷ luật, bị loại khỏi đội ngũ. Trong quân đội thì đó là tội đào
ngũ. Tức là bị xác định đào ngũ là hành vi nguy hiểm, là tội phạm.
Con người ta khi lớn lên, có nhận thức, có quyền và có thể tham gia vào các hội,
đoàn thể chính trị. Chẳng hạn người có khả năng và yêu nghệ thuật thì vào Hội
nghệ sỹ nhiếp ảnh, người lại xin gia nhập Hội nhà văn ... Ai có xu hướng thích
làm chính trị, lý lịch "tốt", thì có thể chọn gia nhập vào đảng cộng
sản.
Chính vì hiện nay ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị là đảng
cộng sản, và đảng cộng sản lại là đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, cho nên mặc
dù Hiến Pháp (2013) quy định: quyền công dân về chính trị được tôn trọng và bảo
đảm; công dân được "bình đẳng trong đời sống chính trị" - thì có thể
thấy là để có thể thăng tiến trên con đường chính trị, được làm tới những chức
quan to, hay rất to... tất yếu phải vào đảng cộng sản. Nếu ai không vào đảng,
thì đừng có hy vọng.
Chẳng hạn như một giáo viên, nếu muốn (tôi dùng từ "nếu" vì không phải
ai cũng muốn làm "quan" ) thăng tiến trong chức vụ, trở thành hiệu
phó, rồi hiệu trưởng chẳng hạn - thì trước tiên phải vào đảng cộng sản.
Khi vào đảng, đảng viên bắt buộc phải thề tuyệt đối trung thành với đảng, tuân
thủ kỷ luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Người nào vi phạm kỷ luật đảng
sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị khai trừ khỏi đảng. Điều này cho thấy đảng rất
nghiêm trong việc ngăn chặn hành vi "phản bội" của đảng viên.
Nói về chuyện ngăn chặn sự phản bội trong đảng, tôi nhớ có đọc bài viết của một
vị lãnh đạo tiền bối của đảng (mà tôi không tiện nêu tên ở đây, trong một cuốn
sách được Nhà nước xuất bản chính thức), từng đưa ra đề nghị về nghi thức lễ kết
nạp đảng viên rất nghiêm như sau: lễ kết nạp phải được tổ chức vào buổi tối,
nơi vắng vẻ. Người được kết nạp phải cắt cổ uống máu một con gà trống và thề độc
"nếu phản bội đảng thì số phận sẽ như con gà này"!
Thế nhưng, hành vi phản bội đảng, suy cho cùng cũng chỉ mới là phản bội các đồng
chí của mình, phản bội con đường hay xu hướng chính trị mà mình đã chọn. Chứ
không có nghĩa là bị nhân dân hay những người ngoài đảng ghét bỏ, khinh bỉ, hay
bị đánh giá là xấu...
Lịch sử các đảng cộng sản nhiều nước trên thế giới cho thấy từng có rất nhiều vị
đảng viên từng giữ những vị trí lãnh đạo rất to, những vẫn phản bội đảng hoặc bị
xem là phản bội đảng. Chẳng hạn như bên Trung Quốc có các vị Lưu Thiếu Kỳ, Lâm
Bưu - làm tới Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng quốc phòng vẫn bị "phe"
Mao Trạch Đông kết luận là phản bội đảng cộng sản Trung Quốc và nhận kết quả rất
thảm khốc!
Hay như tổng thống đầu tiên của nước Nga, ông Boris Yeltsin, nguyên là bí thư
thành ủy Moskva - thủ đô Liên Xô. Ông Yeltsin đã tuyên bố rời khỏi đảng cộng sản
Liên Xô và sau đó được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Nga hiện đại vào
năm 1991. Hành động rời bỏ đảng cộng sản của ông Yeltsin chính là "phản bội
đảng" chứ còn gì nữa. Thế nhưng thật kỳ lạ, là ngày nay không mấy người
Nga "chửi" ông Yeltsin về việc phản bội ấy. Mà thậm chí còn ghi nhận
ông là người có công trong việc hình thành một nước Nga dân chủ, đa đảng như
ngày nay.
Điều đáng lưu ý, là hành vi phản bội đảng tuy khá nghiêm trọng, nhưng rốt lại
thì vẫn không phải, không bị xem là hành vi tội phạm - theo luật hình sự. Pháp
luật Việt Nam, cụ thể là trong Bộ luật hình sự không có tội "phản bội đảng
cộng sản".
Phản bội Tổ quốc là tội lớn nhất
Thế nhưng, hành vi phản bội Tổ quốc mới là nghiêm trọng nhất. Đáng khinh bỉ nhất
và kẻ phản bội Tổ Quốc bị xem là tội phạm, sẽ bị trừng phạt rất nặng.
Điều 44 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) quy định rất rõ như
sau: "công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc
là tội nặng nhất".
Cụ thể hơn, tại điều 108 Bộ luật hình sự 2015, tội danh "Tội phản bội Tổ
quốc" được xếp đầu tiên trong phần tội phạm, quy định như sau: "Công
dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, (...), tiềm lực quốc phòng, an
ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Với những quy định như trên, tóm gọn lại, dù là ai, một công dân bình thường,
hay là một đảng viên, thậm chí là đảng viên nắm giữ chức vụ quan trọng - nếu phản
bội Tổ Quốc - thì sẽ bị xem là tội phạm, bị xử rất nặng. Và tất nhiên sẽ bị
nhân dân nguyền rủa suốt đời. Thậm chí nguyền rủa hàng ... ngàn năm!
Lịch sử dân tộc ta, thời nhà Trần từng có Trần Ích Tắc, một đại quan trong triều,
thân là máu mủ ruột thịt của nhà vua (chú vua Trần Nhân Tông) mà vẫn chỉ vì ham
danh vọng, đã phản bội Tổ quốc, chạy sang Trung Quốc rước giặc Nguyên vào nhà
(được nhà Nguyên phong là An Nam quốc vương). Đến nỗi sau phải chết nơi xứ người,
bị kết án phản bội vắng mặt. Gần ngàn năm qua vẫn bị mọi người khinh bỉ. Trần
Ích Tắc nay đã trở thành một "điển hình xấu" về hành vi phản bội Tổ
Quốc vậy!
Nói đến thời nhà Trần, tưởng cũng nên nhắc lại chuyện nhà vua vì có phần khiếp
sợ sức mạnh của giặc Nguyên, nên đã hỏi Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn "hay
là trẫm hàng giặc để cứu muôn dân?", để nghe Trần Quốc Tuấn trả lời "nếu
bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã". Khiến nhà vua giật mình,
không dám hèn với giặc nữa!
Nhớ chuyện xưa, nghe chuyện nay, thấy đất nước Việt Nam mình đang ở trong tình
trạng khá khó khăn, hiểm nghèo.
Ngoài biển khơi Trung Quốc không ngừng và ngày càng tăng các hành động xâm lấn,
chiếm giữ chủ quyền biển đảo nước ta. Trong đất liền, từ kinh tế cho đến văn
hóa, du lịch ... Trung Quốc cũng không từ một thủ đoạn nham hiểm nào. Mà thật
buồn khi đâu đó, thấy thấp thoáng có sự liên quan, tiếp tay hay dung túng, bao
che của người có trách nhiệm.
Những năm tháng này, có lẽ bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cảm thấy có phần
suy tư, hay thậm chí là lo lắng cho vận mệnh đất nước.
Hơn lúc nào hết, theo tôi, chúng ta và những cấp có trách nhiệm cần phải kiểm
tra đối chiếu lại các quy định của pháp luật hiện hành, xem có ai đó, kẻ nào đó
có hành vi "câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tiềm lực quốc phòng, an
ninh" - như theo điều luật hay không?
Nếu kẻ nào đó có hành vi như vậy,
hay dấu hiệu như vậy, thì cho dù có thể chưa đến mức kết luận có tội phản bội Tổ
Quốc hay không, cũng cần phải cách chức, chặt vòi - để tránh gây nguy hại cho đất
nước, cho Tổ quốc Việt Nam!
................
Quy định của pháp luật Việt Nam:
Điều 44 Hiến pháp 2013
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.
Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
Bộ luật hình sự 2015: Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ
nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an
ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07
năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
.............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét