Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
19-7-2016
Philippines đã có một chiến thắng pháp lý lịch sử. Vượt trội
phần lớn các dự đoán, họ đã thắng gần như toàn bộ 15 điểm được đưa ra trước
Tòa.
Trên phương diện pháp lý, họ đã “đuổi” không chỉ Trung Quốc
mà cả Việt Nam và Đài Loan ra khỏi phần lớn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải
lý tính từ đảo Palawan và Luzon.
Phán quyết của Tòa có lợi ích lớn lao cho Việt
Nam, nhưng cũng đem lại rủi ro tiềm tàng.
Có lợi: yêu sách biển Trung Quốc bị đẩy lùi về các
vòng tím
Với việc phán quyết bác bỏ hai lập luận “quyền lịch sử đối với
EEZ” và “Trường Sa có EEZ 200 hải lý”, không nước nào có thể lợi dụng tranh chấp
Trường Sa để đòi quyền lợi trên biển cách các đảo này hơn 12 hải lý.
Như vậy, mọi lập luận của Trung Quốc nhằm lấn lướt Việt Nam
trong các khu vực Nam Côn Sơn, Tư Chính và bể trầm tích Phú Khánh lên đến khoảng
vĩ tuyến 14°30’ (giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi) đã bị bác bỏ. Những động thái như
gây áp lực với các tập đoàn dầu khí, cắt cáp tàu Bình Minh và Viking sẽ bị thế
giới thấy rõ ràng là gây hấn trong EEZ của nước khác.
Nếu tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong EEZ cách bờ biển Việt
Nam dưới 200 hải lý nam khoảng vĩ tuyến 14°30’ (giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi),
thì đó cũng rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm EEZ của nước khác.
Việc Trung Quốc ngăn cản và đàn áp ngư dân Việt Nam đánh bắt
trong lãnh hải 12 hải lý của các đảo Hoàng Sa cũng rõ ràng là bất hợp pháp, vi
phạm quyền đánh cá lịch sử bên trong lãnh hải các đảo Hoàng Sa, dù thế giới
không nghiêng về bên nào trong tranh chấp các đảo này. Nếu Trung Quốc xây đảo tại
Hoàng Sa, thì đó cũng rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường
biển.
Việc tàu thuyền nhà nước của Trung Quốc đâm húc tàu thuyền
Việt Nam cũng rõ ràng là bất hợp pháp.
Như vậy sẽ thuận tiện cho Việt Nam trong việc tranh thủ sự ủng
hộ của thế giới, và hy vọng là Trung Quốc sẽ bớt ngang ngược phần nào. Họ sẽ
khó ngụy biện đó là vùng có tranh chấp và hành động của Việt Nam là khiêu khích
trước, họ phải phản ứng.
Cho đến nay, nội bộ Việt Nam, từ người dân đến lãnh đạo, vẫn
chưa quyết định về Trường Sa có nên được hưởng quy chế EEZ hay không.
Có quan điểm cho rằng Trường Sa là của Việt Nam, do đó nếu
quần đảo này được hưởng quy chế EEZ thì sẽ có lợi cho Việt Nam, cũng như có quan
điểm cho rằng một số bãi ngầm và bãi lúc nổi lúc chìm là của Việt Nam bất kể
chúng cách xa các đảo bao nhiêu.
Có quan điểm ngược lại cho rằng quy chế EEZ cho Trường Sa là
con dao hai lưỡi mà Trung Quốc có thể dùng để đẩy vùng tranh chấp sâu vào các
vùng biển ven bờ Việt Nam. Có lẽ phán quyết của Tòa sẽ giải quyết sự lưỡng lự
cho Việt Nam và nhờ đó Việt Nam sẽ có quan điểm nhất quán và rõ ràng hơn.
Những hệ quả tốt này rất quan trọng cho Việt Nam trong việc
chống lại các yêu sách trên biển quá lố của Trung Quốc.
Bất lợi
Bất lợi: Philippines, Malaysia được khoảng
3/4 vùng biển giữa các đảo Trường Sa
Phán quyết của Tòa cũng có hệ quả xấu cho Việt Nam.
“Xấu” không phải là nó bất công cho Việt Nam - phán quyết của
một Tòa án quốc tế là thước đo khách quan nhất cho sự công bằng trong việc diễn
giải luật quốc tế. “Xấu” cũng không phải vì nó gây thiệt hại vật chất cho Việt
Nam hay buộc Việt Nam phải làm gì bất lợi - Việt Nam không phải là bị cáo của
phiên tòa và không bị ràng buộc bởi phán quyết. “Xấu” chỉ là vì nó có hệ quả
pháp lý mà một ngày nào đó Philippines hay Malaysia có thể dùng để chống, hay
kiện, Việt Nam nếu họ muốn.
Theo phán quyết của Tòa, bãi Cỏ Rong, bãi Cỏ Mây và đá Vành
Khăn thuộc về EEZ Philippines. Đối với người có quan điểm các thực thể đó là của
Việt Nam thì đó là hệ quả xấu.
Mặc dù Philippines không kiện Việt Nam và không đề cập đến một
số bãi lúc nổi lúc chìm cách đảo hơn 12 hải lý, thí dụ như đá Long Điền
(Boxall), đá Tốc Tan (Alison), đá Núi Le (Cornwallis), đá Kiệu Ngựa (Ardasier
Reef), đá Suối Cát (Dallas) theo nguyên tắc được áp dụng trong phán quyết thì
chúng có thể sẽ thuộc về EEZ của Philippines hoặc Malaysia.
Philippines và Malaysia có thể viện dẫn phán quyết để ngăn cấm
Việt Nam đánh cá hoặc khai thác kinh tế trong EEZ 200 hải lý tính từ Palawan và
Sabah và bên ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo Trường Sa.
Bản đồ vùng Biển Đông với "đường chín đoạn"/"đường lưỡi
bò" do Trung Quốc vạch ra
Giả sử như trong tương lai có một tòa án quốc tế phán quyết
rằng tất cả các đảo Trường Sa là của Việt Nam và các nước kia tuân thủ thì những
hệ quả xấu này vẫn sẽ áp dụng, tức là vẫn không có quyền khai thác tài nguyên
trong phần lớn khu vực Trường Sa, vẫn không được đòi một số bãi lúc nổi lúc
chìm.
Nhưng bất kể những hệ quả xấu trên, Việt Nam không nên phản
đối phán quyết. Điều đó sẽ là sai lầm.
* Phán quyết của Tòa là thước đo khách quan nhất cho sự công bằng.
* Nếu Việt Nam phản đối thì Trung Quốc sẽ hưởng lợi.
* Với tương quan lực lượng giữa các nước trong tranh chấp, nếu
không có phán quyết này thì trên thực tế Việt Nam cũng không giành được đá Vành
Khăn từ Trung Quốc, bãi Cỏ Mây từ Philippines, đá Kiệu Ngựa từ Malaysia, vv.
* Vì Việt Nam không bị ràng buộc bởi phán quyết này, những hệ
quả xấu trên chỉ có tính tiềm tàng.
* Tổng cộng lại thì các hệ quả tốt vẫn to lớn hơn các hệ quả xấu.
Mục đích chiến lược của Philippines
Để đánh giá chính xác các hệ quả xấu, chúng ta cần đặt chúng
vào văn cảnh mục đích chiến lược của Philippines.
Mục đích ban đầu và cho tới hiện nay của Philippines không
phải là đẩy Việt Nam ra khỏi các bãi lúc nổi lúc chìm, hay ra khỏi vùng biển
trong phần chính của quần đảo Trường Sa.
Mục đích của họ là bảo vệ (a) bãi Cỏ Rong, (b) khu vực
Scarborough, (c) bãi Cỏ Mây, vốn đang bị Trung Quốc phong tỏa, (d) khu vực rìa
phía Đông của quần đảo Trường Sa và sâu trong EEZ Palawan.
Mục đích của họ là chống lại các yêu sách biển của Trung Quốc,
đặc biệt là tại những khu vực trên.
Chiến thắng của Philippines, tuy mục đích là để chống Trung
Quốc, có hệ quả phụ là cho họ một vị trí pháp lý mà họ có thể dùng để “thừa thắng
xông lên” giành quyền lợi từ Việt Nam nếu họ muốn.
Trên thực tế, trong khi Trung Quốc còn là mối đe dọa cho
Philippines thì khả năng là Philippines sẽ không muốn vận dụng phán quyết này để
chống lại Việt Nam, và những hệ quả xấu chỉ là tiềm tàng.
Các bãi lúc nổi lúc chìm cách các đảo khác hơn 12 hải lý
không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý và quy chế EEZ 200 hải lý. Do đó,
chúng không phải là nguồn lợi cho Việt Nam hay Philippines.
Ngược lại, chúng là một mối nguy cho cả hai nước: Trung Quốc
có thể chiếm đóng và xây căn cứ quân sự. Vì vậy, mục đích của việc đóng quân
không phải là để giành tài nguyên mà là để không cho Trung Quốc chiếm. Do đó,
có thể Philippines thấy họ không cần tìm cách giành lại từ Việt Nam.
Hải quân đưa ba nghị sĩ Philippines ra cắm cờ
tại
Scarborough Shoal, 1997, đánh dấu chủ quyền nước này.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng trong quá khứ Philippines
cũng đã có những hành động bất lợi cho Việt Nam, thí dụ như năm 2009 họ phản đối
các báo cáo thềm lục địa của Việt Nam, trong khi lại không phản đối việc Trung
Quốc gửi bản đồ đường lưỡi bò cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, và năm 2004 họ
ký thỏa thuận song phương với Trung Quốc để khảo sát chung trong khu vực Trường
Sa. Do đó, Việt Nam vẫn cần có biện pháp để dự phòng.
Dù sao đi nữa, mối đe dọa lớn nhất cho Việt Nam tại Biển
Đông vẫn là Trung Quốc.
Tương lai
Phán quyết này mới chỉ là chiến thắng pháp lý, chưa là chiến
thắng trên thực tế. Điều thay đổi là phương tiện và điều kiện thuận lợi cho
kháng cự sự bành trướng từ phương Bắc. Điều không thay đổi là Việt Nam vẫn còn
phải kháng cự.
Hải quân Mỹ và Philippines diễn tập quân sự tại
Scarborough
Để không phí phạm những hệ quả tốt, Việt Nam phải vừa vận dụng
chúng trong lĩnh vực ngoại giao, vừa phải sẵn sàng kiện Trung Quốc. Điều đáng
lo là Việt Nam đã quá dè dặt về việc kiện Trung Quốc.
Có thể hỏi:
* Vì sao Philippines kiện Trung Quốc xây đảo là vi phạm nghĩa
vụ bảo vệ môi trường biển, và thắng kiện, trong khi Việt Nam đã không kiện? Nếu
Trung Quốc xây đảo với quy mô lớn tại Hoàng Sa thì Việt Nam có sẽ kiện không?
* Vì sao Philippines kiện Trung Quốc cấm cản ngư dân họ đánh bắt
tại Scarborough, và thắng kiện, trong khi Việt Nam không kiện Trung Quốc cấm cản
ngư dân Việt Nam đánh bắt trong lãnh hải các đảo Hoàng Sa và bắn họ khi họ vào
tránh bão? Bao giờ Việt Nam mới kiện?
* Vì sao Philippines kiện Trung Quốc sử dụng tàu thuyền chấp
pháp một cách nguy hiểm, có thể gây đâm húc, và thắng kiện, nhưng Việt Nam
không kiện tàu chấp pháp và tàu tư nhân Trung Quốc đâm húc tàu thuyền Việt Nam
hàng loạt, thậm chí đâm chìm? Nếu việc đó tái diễn, Việt Nam có kiện không?
* Vì sao Philippines kiện Trung Quốc lấn lướt trong khu vực
bãi Cỏ Rong, và thắng kiện, nhưng Việt Nam không kiện Trung Quốc lướt trong các
khu vực Nam Côn Sơn, Tư Chính, bồn trầm tích Phú Khánh? Nếu việc đó tái diễn,
Việt Nam có kiện không?
Nếu Trung Quốc lấn lướt hay gây hấn trong khu vực ngoài khơi
miền Trung cách quần đảo Hoàng Sa dưới 200 hải lý, nhưng cách Hải Nam hơn 200 hải
lý, Việt Nam có chọn quan điểm Hoàng Sa không được hưởng quy chế EEZ và có kiện
hay không?
Những vấn đề trên để lại nghi vấn về có hay không những vấn
đề nội bộ và đối ngoại có thể ảnh hưởng đến khả năng của Việt Nam trong việc tận
dụng những hệ quả tốt của phán quyết.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của
tác giả, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Tác giả cảm ơn Phạm Quang Tuấn, Phan Văn
Song và các thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã góp ý cho bài viết.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét