25-7-2016
Anh Ba Sàm
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa 14 khi trả lời
báo chí lần đầu tiên trong tư cách Chủ tịch đã làm cho dân chúng thất vọng. Thất
vọng vì lập luận, vì thói quen cũ mòn của người cộng sản và vì sự thiển cận
quen thuộc của một cán bộ ăn cơm Đảng quá lâu, tuy ngồi ở vị trí nào thì sự sợ
hãi và ơn Đảng đã trở thành hồn cốt khiến bà không thể nói khác, dù một chút,
so với những người đi trước trong căn nhà Quốc hội.
Có hai điều quan trọng nhất hiện nay là tình hình Biển Đông,
sau vụ Trung Quốc thua kiện Philippines, và vụ án Formosa, cái đinh cắm vào
vùng đất miền Trung có khả năng làm cho cả nước sẽ trở thành bệnh nhân Tetanus,
uốn ván.
Về Biển Đông, trả lời báo chí bà nói: “Bảo vệ hòa bình
không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền,
không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những
người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động
các phần tử để làm rối tình hình”.
Có hai vấn đề trong câu trả lời: thứ nhất bà né tránh ý
nghĩa thật của câu hỏi tập trung về các nguy hiểm khi Việt Nam mất dần biển đảo
vào tay Trung Quốc qua các bồi đắp nhân tạo, cấm hành nghề và sát thương ngư
dân Việt Nam. Bà dùng cụm từ “Bảo vệ hòa bình” để né tránh sự thật mà thay vì sự
“xâm lược” của Trung Quốc mà cả nước đều biết.
Bà không cần phải bảo vệ “hòa bình”, mà điều cần phải bảo vệ
là đất nước, là lãnh thổ, là biển đảo đã được gầy dựng bằng xương máu tổ tiên.
Hòa bình chỉ là uyển ngữ mà Đảng này ra lệnh cho chính phủ và quốc hội phải nói
vào bất cứ lúc nào đất nước bị bọn Trung Quốc tàn hại, xâm chiếm.
Hoàng Sa và Trường Sa không cần sử dụng hai chữ “hòa bình”,
chúng cần dùng từ chính xác là “đòi lại”.
Vì không dám đòi, cả tập đoàn của bà rón rén dùng hai chữ
“hòa bình” khi nói chuyện với Trung Quốc, và với những ai không rón rén như bà
cùng với hơn hai trăm Ủy viên Trung ương cộng với 500 khuôn mặt đần độn tại quốc
hội sẽ bị cho là kích động, là làm hại đại cục, là phá hoại sự tận tụy của Đảng
đã và đang âm thầm tranh đấu đòi lại chủ quyền cho đất nước.
Bà nói trong niềm tim mù lòa rằng chỉ có Đảng của bà đang phục
vụ là đúng và mọi thành phần khác trong xã hội là sai lầm, là phá hỏng kế hoạch
nhịn nhục qua ải của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hãy thẳng thắn một lần đi, bà sẽ bớt kiêu ngạo. Kiêu ngạo
không thích hợp với giọng nói tương đối nhỏ nhẹ và dịu dàng của dân Bến Tre
đâu, kể cả kiêu ngạo cộng sản.
Thứ hai, khi bà cho rằng “một số tổ chức, cá nhân lên tiếng
hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước?
Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.
“Làm gì cho đất nước” là cụm từ thú vị nhất mà người dân
chúng tôi muốn hỏi ngược lại cho bà và những người đang nắm chặt quyền hành từ
bao năm nay.
Xin lưu ý cho bà biết, mỗi công dân trong một đất nước đều
đã đóng góp ngay từ lúc vừa biết đi học. Những chữ cái đầu tiên là đóng góp thiết
thực nhất cho tiến trình xây dựng và bảo vệ cũng như phát triển quốc gia. Đi học
không phải để làm quan mà để tự nâng cao dân trí của một công dân, đó không phải
là đóng góp sao?
Qua thời gian, nếu là nông dân, những hạt gạo bà đang ăn là
đóng góp cho xã hội mà không cần phải lên tiếng tranh luận. Cũng vậy, mọi thành
phần trong cộng đồng của một quốc gia đều góp tay vào hình thành đất nước ấy bằng
những hành động thiết thực nhất. Không ai trong họ lên tiếng ca ngợi sự đóng góp
của mình. Chỉ có đảng của bà mới mạnh miệng khoe khoang về sự đóng góp của nó bằng
xương máu người khác.
Những con cá được bắt từ Biển Đông là đóng góp của người ngư
dân. Những hạt muối của diêm dân không những chỉ phục vụ dinh dưỡng cho con người
mà nó còn phải được xem là đóng góp của xã hội. Hỏi những câu đại loại như bà hỏi
trước cửa Quốc hội là phỉ báng người dân, là làm nhơ nhuốc hai chữ quốc hội. Bởi,
vừa ăn lương của dân phát cho lại vặn vẹo người đổ mồ hôi cho những đồng lương ấy.
Chúng tôi không cần chứng minh rằng đã làm gì cho đất nước
mà chính bà và những người đang điều hành đất nước này phải trình báo với chúng
tôi là đã làm gì để cho đất nước tan hoang như hiện nay.
Chúng tôi, những “Tổ chức, cá nhân” mà bà nói là
những trí thức không được lên tiếng trước quốc hội hay trên báo chí như bà. Họ
là những người dân bình thường nhưng đau đớn vì tổ quốc bị hiếp đáp, xâm lăng.
Họ là những người nói hộ cho ngư dân bỏ thây ngoài biển để cho bà và Đảng của
bà còn có chút gì đó bám víu vào cái gọi là chủ quyền biển đảo. Bởi nếu họ
không ra Hoàng Sa đánh cá thì ai sẽ nhắc cho thế giới biết Hoàng Sa từng là của
Việt Nam khi cả chế độ của bà theo chủ trương nhỏ nhẹ rất “hòa bình”?
Họ, những người bị bà cho là kích động ấy không bị ràng buộc
gì với Đảng Cộng sản Trung Quốc nên trong phát biểu của họ đầy chất lửa. Họ
không cam tâm nhìn đất nước mất dần vào tay ngoại bang, thật khác xa với bà và
đồng sự, chỉ thấy đồng nhân dân tệ lấp lánh qua từng dự án, từng cái lót tay êm
ái.
Nếu không êm ái thì làm sao bà lại cam lòng nghe theo chỉ thị
của ông Trọng để làm điều khuất tất ngay những ngày đầu tiên tại thềm quốc hội?
Báo chí hỏi bà vụ Formosa bà trả lời như thế này:
Về việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị Quốc
hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa gây sự cố môi trường biển, bà Kim
Ngân nói hiện chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời.
“Đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm
điều tra sớm. Bộ Chính trị cũng đã nhiều lần nghe báo cáo về vấn đề này. Quốc hội
chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục
theo dõi quá trình giải quyết”.
Bà lừa đã lừa gạt người dân vì trước đó 1 ngày khi trả lời
báo chí tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 vào ngày
22 tháng 7 năm 2016 chính bà đã phê chuẩn cho ông Võ Kim Cự, người đích thân
cho phép Formosa vào Vũng Áng được hoạt động 70 năm, trở thành thành viên
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Làm sao Quốc hội điều tra khi phê chuẩn nghi phạm lớn nhất của
Formosa vào Ủy ban kinh tế, vốn có quyền phủ quyết, hay ít ra lèo lái mọi điều
tra có liên quan đến mình?
Có phải bà đang tự tát vào mặt bà hay là đang tát vào mặt
nhân dân cả nước?
Việc làm này của bà phải chăng là đã “làm gì đó cho tổ quốc”
và do đó từ đây bà có quyền tiếp tục câu hỏi rất “kinh điển” cho bất cứ ai, kể
cả những người trong quốc hội nếu ngứa miệng hỏi điều phải quấy?
Kể cũng không lạ khi bà cho rằng Luật Biểu tình cần phải xem
xét cẩn thận mặc dù đã gần 70 vẫn còn nằm trong ngăn kéo quốc hội, bà nói “Luật
Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn”.
Điều này bà tiên đoán rất đúng, bởi nếu không chận nó thì e
rằng cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam sẽ nổ ra trước cửa Quốc hội vì chính những “đóng
góp” của bà đấy, bà Chủ tịch Quốc hội ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét