18-7-2016
Câu chuyện
Formosa Hà Tĩnh hoá ra không biết bao giờ mới có hồi kết! “Cháy nhà ra… chất thải”!
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, người dân và các cơ quan chức năng đã
liên tiếp phát hiện thêm nhiều “thành tích” phân phối chất thải của Formosa ở
nhiều nơi trên đất liền chứ không phải chỉ trên biển! Chất thải không chỉ bí mật
ẩn náu trong tư gia của sếp Môi trường nữa mà còn nằm trong công viên, ở ngay cạnh
nguồn nước sinh hoạt của dân, và trút lên cả vùng Đất Tổ cách nhà máy thép của
Formosa tới gần 450 km!
Không hiểu tại sao mà những loại rác thải này từ Formosa
(chưa xét tới yếu tố độc hại thế nào) lại có thể được phát tán một cách dễ
dàng đi nhiều nơi như thế? “Con lạc đà Formosa” đã chứng tỏ nó có thể chui qua
mọi “lỗ kim” ở VN, không chỉ từ khâu thẩm định, cấp phép mà còn là trong suốt
quá trình hoạt động.
Căn cứ nội dung xác định các tội phạm về môi trường trong
Bộ Luật Hình sự Việt Nam hiện nay, vụ Formosa nếu xử lý hình sự thì ít nhất
cũng sẽ có căn cứ để khởi tố điều tra theo 4 Điều : Điều 183 (tội gây ô nhiễm
nguồn nước); Điều 184 (tội gây ô nhiễm đất); Điều 185 (tội nhập khẩu công nghệ,
máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi
trường) và Điều 188 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản).
Câu hỏi đặt ra là : Tại
sao không xử lý hình sự Formosa và các quan chức ngành Môi trường liên đới
trách nhiệm? Nếu coi việc bồi thường 500 triệu USD của Formosa là hành vi khắc
phục hậu quả để né tránh trách nhiệm hình sự thì căn cứ nào để đánh giá mức bồi
thường đó là đã đủ hay mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ thiệt hại?
Tại sao
Chính phủ không mời cơ quan giám định quốc tế vào thực hiện giám định toàn bộ
thiệt hại để đưa ra mức bồi thường đầy đủ, hợp lý và khách quan với Formosa mà
lại chấp nhận mức 500 triệu USD? Cơ sở nào để đưa ra và chấp nhận con số này nếu
muốn giải trừ trách nhiệm hình sự cho Formosa? Luật là luật và phải được thực
thi nghiêm túc. Hễ vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự hay
hình sự tuỳ theo mức độ phạm tội và cũng phải có căn cứ để xử lý chứ không thể
phát ngôn theo kiểu cảm tính rất tùy tiện là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh
người chạy lại” như ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã “năn nỉ”
(!?).
Cho nên, tới giờ này, để yên dân và khôi phục lòng tin của
dân, chỉ có một con đường duy nhất là phải chấp nhận một cuộc “đại phẫu thuật”
khối u Formosa theo các hướng:
1/ Cắt bỏ toàn bộ khối u, có nghĩa là Formosa Hà Tĩnh phải
cuốn gói khỏi VN.
2/ Nếu muốn Formosa tiếp tục được hoạt động, cần mời các
cơ quan giám sát và kiểm định quốc tế có uy tín tham gia vào việc thẩm định thiệt
hại đã gây ra cũng như giám sát toàn bộ phương án khắc phục hệ thống xử lý chất
thải các loại của Formosa, theo đúng những tiêu chuẩn chung về an toàn môi trường
quốc tế đối với các dự án luyện kim ở quy mô tương tự. Điều này nhằm đảm bảo
các đánh giá và kết luận là khách quan, chính xác, độc lập, bởi dân đã không
còn tin cậy vào sự nghiêm túc cũng như tính hiệu quả của bộ máy công quyền có
trách nhiệm.
3/ Và cuối cùng, cần kiên quyết làm rõ trách nhiệm để chuyển
qua xử lý hình sự đối với các cá nhân có liên quan. Không thể nói bộ máy cán
bộ quản lý các cấp ngành TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh vô can trong vụ này. Cũng không
thể quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung. Tại sao Formosa có thể lộng
hành và hoạt động bất chấp luật pháp VN như vậy, trong khi chúng ta luôn có một
bộ máy quản lý các cấp, các ngành đan xen, chồng chéo đủ loại? Tại sao các
cán bộ lãnh đạo ngành Môi trường từ cấp TW đến địa phương đều có thái độ bao
che, thậm chí đồng loã tiếp tay cho Formosa? Tại sao Formosa lại nhận được những
ưu đãi đầu tư vượt trên cả luật định? Và trên hết, ai chủ trương chấp nhận để
Formosa vào VN với cái giá rẻ mạt và sự đánh đổi rất đắt như thế cho đất nước?
Nhiều lắm những câu hỏi “tại sao” trong vụ này mà chỉ có sự
nghiêm minh của luật pháp mới trả lời thỏa đáng! Xin đừng lại đưa ra các
chiêu “cảnh cáo, nhắc nhở” hoặc “xử lý hành chính” để mong làm yên lòng dân
lúc này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét