9-06-2016
Hình bên: cô Lan và ông Luttrell. Ảnh do FB Hien Son sưu tầm
Cuộc chiến đầy tranh cãi của Mỹ tại Việt Nam kết thúc với vô
số quyển sách và bài báo. Thái độ của người Mỹ thời hậu chiến rất rõ ràng. Họ
muốn mổ xẻ tận cùng những sai lầm chiến lược lẫn sai lầm chính trị. Điều không
thể phủ nhận nữa là họ muốn hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong nhiều trường
hợp, sự dằn vặt lương tâm đã không vắng mặt trong những câu chuyện hàn gắn như
vậy…
Trời nóng hầm hập, hệt mọi hôm, giống như trùm áo khoác ủ
mình trong buồng xông hơi. Người lính Rich Luttrell, 18 tuổi, không biết kẻ thù
đang đứng cách anh chỉ vài mét. “Liếc bên phải, tôi nghe tiếng động” – Luttrell
kể – “Tôi thấy một người lính Bắc Việt ôm khẩu AK47”. Đó là lần đầu tiên
Luttrell đối mặt địch quân. Luttrell bỗng sợ điếng người. Toàn thân anh tê cứng.
“Phải hành động, phải làm cái gì đó…”. Đối phương đang trong tầm bắn. Cái chết
chỉ trong gang tấc. Luttrell nhìn kẻ thù. “Dường như hai chúng tôi nhìn nhau rất
lâu”. Và rồi, Luttrell bóp cò. “Tôi bắn, hoàn toàn tự động. Anh ấy gục xuống.
Trận giao chiến giữa hai bên bắt đầu và tôi còn bàng hoàng đến nỗi không kịp phản
xạ nằm xuống. Có ai đó kéo tôi…”.
Một vết thương chiến trường đã đưa Luttrell trở về Mỹ. Ông cố
gắng để Việt Nam lại phía sau và tập trung vào cuộc sống mới với người vợ
Carole. “Trong nhiều năm, anh ấy không nói gì về Việt Nam” – Carole kể. Tuy
nhiên, quá khứ Việt Nam chưa rời khỏi tâm trí Luttrell. Tấm ảnh anh lính Bắc Việt
vô danh cùng cô gái nhỏ vẫn còn trong ví ông. Năm 1989, hơn 20 năm từ ngày về Mỹ
từ chiến trường Việt Nam, Luttrell và Carole đi nghỉ hè. Họ quyết định đến Đài
tưởng niệm cựu binh chiến tranh Việt Nam ở Washington.
Chỉ đến khi đó Luttrell mới biết mình nên làm gì. Trong buồng
khách sạn, Luttrell suy nghĩ. Cuối cùng, ông viết: “Thưa anh, trong 22 năm, tôi
mang bức ảnh của anh bên mình. Tôi chỉ 18 tuổi vào cái ngày mà chúng ta đối mặt
nhau trên con đường tại Chu Lai. Hãy tha thứ cho việc tôi cướp mất mạng sống
anh. Rất nhiều lần trong suốt ngần ấy năm, tôi nhìn vào bức ảnh anh và cô con
gái. Mỗi lần, tim tôi như bị thiêu đốt bởi ân hận và nỗi đau tội lỗi. Hãy tha
thứ cho tôi, thưa anh”. Hôm sau, Luttrell đặt bức ảnh và lá thư tại chân Đài tưởng
niệm, dưới bức tường ghi tên 58.000 lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. “Anh ấy hy
sinh cho niềm tin của mình. Và đó là cách tôn vinh và tôn kính anh” – Luttrell
nói. Lúc đó, “anh ấy không còn là kẻ thù mà là người bạn. Và tôi chào tạm biệt
một người bạn…”. Bức ảnh được bỏ lại. Gánh nặng lương tri được dỡ bỏ và tội lỗi
dường như cũng được rửa xong…
Mỗi ngày, hàng trăm người viếng Đài tưởng niệm cựu binh chiến
tranh Việt Nam đều để lại nhiều vật và được nhân viên công viên dọn vào thùng.
Phần tiếp nối của câu chuyện đáng lý không xảy ra nếu cái thùng chứa bức ảnh của
Luttrell không nằm trên cùng trong hàng đống thùng, nếu tấm ảnh không nằm ngửa
mặt, nếu tấm ảnh không được một cựu binh Mỹ khác nhìn thấy. Duery Felton – người
quản lý kho vật dụng thu dọn từ Đài tưởng niệm – từng thấy nhiều thứ nhưng lần
này là bức ảnh một người lính Bắc Việt. Felton xúc động khi đọc lá thư tạ lỗi của
Luttrell và sau đó in tấm ảnh và cả bức thư vào tập sách Offerings at the Wall.
Sau đó, tấm ảnh người lính Bắc Việt lại lởn vởn, khi Offerings
at the Wall xuất hiện trong văn phòng dân biểu Ron Stephens, người từng nghe
anh bạn Luttrell kể nhiều lần câu chuyện chiến trường ngày nào. Lúc đó là năm
1996, bảy năm sau khi Luttrell để bức ảnh tại Đài tưởng niệm cựu chiến binh. Vội
vàng lái xe đến văn phòng Luttrell, Stephens lấy cuốn sách để lên bàn. “Lật xem
trang 53!” – Stephens nói. “Tôi bật khóc” – Luttrell kể. Đó lại là cô gái nhỏ,
nhìn Luttrell bằng cặp mắt ám ảnh, dường như trách móc tại sao Luttrell cố bỏ
rơi cô. Luttrell quyết định đi tìm tông tích cô gái…
Việc đầu tiên Luttrell làm là đánh động dư luận. Ông kể lại
toàn bộ và câu chuyện được đăng trên trang nhất tờ St. Louis Post Dispatch. Cắt
bài báo và kèm một lá thư, Luttrell gửi đến Tòa đại sứ Việt Nam tại Washington
DC nhờ giúp đỡ. Một tờ báo Hà Nội đã đăng câu chuyện, kèm bức ảnh với hàng chữ:
“Có ai biết người này không?”. Sự việc diễn biến khá bất ngờ khi một người ở Hà
Nội gửi quà về quê cho mẹ mình. Tình cờ, anh dùng tờ báo đăng tin trên để gói
hàng. Thật lạ lùng, người đàn bà nhận gói hàng từ con trai đã không xé bỏ tờ giấy
báo gói hàng hay quẳng nó vào bếp lửa mà còn nhận ra người trong bức ảnh nhăn
nhúm. Bà biết người lính ấy. Mang tờ báo xuống làng kế bên, bà chỉ vào ảnh: “Bố
chúng mày này!”, khi nói với hai anh chị em một gia đình.
Cách đó hàng ngàn dặm, Luttrell nóng lòng đợi tin. Vài tuần
sau, một lá thư từ Tòa đại sứ Việt Nam gửi đến. “Một người tên Nguyễn Văn Huệ
nói rằng người lính trong ảnh chính là bố mình và cô gái trong ảnh là em mình”.
Cô gái vẫn còn sống. Cô ấy tên Lan. Khi Luttrell đang suy nghĩ về chuyến đi trở
lại Việt Nam, phía Việt Nam bỗng thông báo rằng cha của Lan không phải là người
lính trong ảnh vì bố cô tử trận tại nơi khác vào thời điểm khác. Và rồi có thêm
ba gia đình tự nhận người lính tử trận là thân nhân họ. Cuối cùng, một bức thư
khác gửi đến Luttrell, từ một cựu chiến binh Việt Nam, nói rằng ông biết bố Lan
từ hồi nhỏ và hai người từng chiến đấu bên nhau. Luttrell quyết định trở lại Việt
Nam, trong tâm trạng lo lắng. Gia đình Lan sẽ đối xử ra sao khi biết ông là kẻ
giết bố họ? “Tôi thà ôm súng ra trận còn hơn đối mặt với cô gái” – Luttrell kể.
Đó là một buổi sáng thứ tư, năm 2000, tại Hà Nội. Trời chuyển
mưa khi Luttrell lái xe cùng vợ xuống ngôi làng của Lan. Cuối cùng, họ gặp
nhau. Trong vài giây, họ không biết nói gì. Dường như họ hoàn toàn xa lạ nhau.
Luttrell bắt đầu nói câu tiếng Việt mà ông học thuộc: “Hôm nay, tôi trả lại tấm
ảnh của cháu và bố cháu mà tôi đã giữ trong 33 năm. Xin tha thứ cho tôi”. Lan
òa khóc và ôm chầm Luttrell, như thể ông là cha của cô, vừa trở về từ chiến trường.
Lúc ấy đã 40 tuổi, Lan lần đầu tiên cầm bức ảnh chụp mình và cha. Cô úp tấm ảnh
vào mặt. Đây là lần gần gũi nhất với bố từ khi Lan lên 6. Người lính Bắc Việt
tên Nguyễn Trọng Ngoan. Lan và Huệ đặt tấm hình lên bàn thờ. Luttrell đến vái.
Hình ảnh xúc động trong câu chuyện không chỉ là cảnh Lutrell
và cô Lan ôm nhau khóc nghẹn, mà còn là cảnh Lutrell đứng nghiêm chào trước mộ
người lính Bắc Việt trước khi ra về. Ông đứng đó, lặng im, nhưng dường như ông
đang nói với người lính Bắc Việt chết dưới viên đạn của ông, rằng chiến tranh
và giết chóc là điều không thể tránh được, nhưng chiến tranh cũng không có
nghĩa là mãi mãi ghim viên đạn hận thù vào xác chết cuộc chiến, sau khi súng đạn
không còn đụng với súng đạn…
Câu chuyện Lutrell là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự
về thái độ của người Mỹ sau cuộc chiến của họ tại Việt Nam. Thái độ hậu chiến của
người Mỹ rất khác với thái độ hậu chiến của Việt Nam đối với họ, cũng hoàn toàn
khác với thái độ hậu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam sau cuộc chiến 1979.
Với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, người Mỹ không chỉ bày tỏ. Họ hành động
cụ thể. Tôi tin là sẽ không có người Mỹ nào đặt câu hỏi, như một thuyết âm mưu,
rằng, tại sao Mỹ phải mở một trường đại học phi lợi nhuận tại một nước cộng sản,
cựu thù, không đồng minh, như Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét