Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHỦ NHẬT 12-5-2016

15-05-2016

Sài Gòn chiều nay cực nóng, 15g nắng chiếu nền đá hoa cương của đường Nguyễn Huệ, nắng tha hồ tung tăng trên mặt lộ thênh thang bởi Nguyễn Huệ không một bóng người dù là trên vỉa hè. Tất cả các con đường cắt ngang được rào kín và mỗi ngả tư như vậy có ít nhất hai chiếc motor cảnh sát, vài chục TNXP, an ninh đứng bên gốc cây, ngồi chen trong quán nước, không ai được phép vượt qua sợi dây căng ngang dù dưới nó là hàng rào chắn bện bằng thép gai. Ôi Sài gòn nóng bừng bừng.

Tôi dựng xe vào một góc cuối đường Hồ Tùng Mậu, hy vọng sẽ tà tà qua Nguyễn Huệ chớp mấy tấm ảnh, chưa kịp đạp chân chống, một dân phòng áo xanh nhạt đã đến mời chạy tiếp:
- Thưa chú chỗ này không cho đậu xe.
- Đàng kia thì sao? Tôi hất hàm hỏi.
- Dạ cũng vậy, tất cả đường này đều không cho xe dừng lại, chú thông cảm.

Quên phứt cái đồng hồ đeo tay ở nhà, mà tôi lại cẩn thận không mang theo điện thoại, ngó vào một tiệm trên đường Huỳnh Thúc Kháng 15g20. Tôi chạy thục mạng qua chợ Bến Thành, cắt một vòng dọc theo Lê Lai . Khách sạn New World im ắng không có vẻ gì có một nhóm tập trung ở đây. Mới quẹo trái ở góc Lê Văn Duyệt (cách mạng tháng 8) tôi đã thấy bốn tên áo vàng kè một xe honda và tước máy ảnh của một cô bé, xóa hình tại chỗ.

Thấy mà nóng mặt, tôi chạy về phía phố Tây. Con đường Phạm Ngũ Lão xe cộ tấp nập, dĩ nhiên xe công an đông hơn, quẹo được tới Bùi Viện đã khó rồi. Công an đứng chật con đường bé chút xíu, công an ngồi hai bên đường, trong quán nước, đứng dưới cột điện, bên cạnh ông vá xe, công an ngồi dựa tường trong quán nước mía. công an đi dọc theo vỉa hè, chiếm ngả ba, đậu chắn ngang ngả tư. Cả một khu Tây ba lô đầy nghẹt lực lượng trấn áp của thành phố. Lực lượng chuyên chính vô sản của chính quyền Sài Gòn tràn ra ngăn chặn xuống đường, xem ra nhiều hơn dân và khách du lịch trong khu vực.

Tôi lại trở về Nguyễn Huệ, Huỳnh Ngọc Chênh chưa ra ngồi tọa kháng như thông báo. Phía bên kia xa lắm là Mạc Thị Bưởi hình như có một đám đông. Tôi chạy tới chạy lui khu vực này quan sát, chắc khó cho anh ấy ra được để đặt chân trên mặt đường Nguyễn Huệ.

Phải dùng một câu “con kiến không qua lọt”. Với bề dày thành lũy mà nhà cầm quyền tung ra hôm nay tại cùng khắp phố xá của trung tâm Sài Gòn có lẽ quân số lên đến sư đoàn. Sài Gòn hôm nay lại sản sinh thêm một lực lượng mới: “Dân quân tự vệ” mặc đồ đen đi xe motor 125cc, sau lưng có hàng chữ DQTV trên nền màu cam giống như cảnh sát 113.

Chỉ vì con cá chết trên biển, con tôm bỏ xác trên bãi cát. ghe đánh cá miền Trung bỏ neo trên quốc lộ, chỉ vì tiếng kêu gào của dân là biển đã chết, cả nước bị đầu độc mà chính quyền, một đám cai trị, nhất quyết không nghe, không muốn nghe tiếng dân kêu, không muốn thấy dân xuống đường với biểu ngữ “Biển sạch, chính quyền sạch”.

À ra thế. Biển chết, biển không sạch, chính quyền sợ bị vạch lưng vì cái không sạch của mình.

Chạy xe ngang tòa nhà Hạ nghị Viện xưa, tôi thấy một tấm biển ghi ngày đi bầu, có dăm đứa con nít rời tay cha mẹ nô đùa dưới bậc thềm trước tòa nhà. Chỗ kia là tượng ba người lính biểu tượng của Thủy Quân Lục Chiến. Hàng rào chắn ngang, tôi rẻ phải đi ngang tòa đô chính. Tôi vẫn có thói quen gọi tên đường hay địa điểm bắng danh gọi xa xưa, nên nhiều khi trở thành lạ hoắc trong thành phố này.

Chỉ một đoạn ngắn đó thôi mà hằng hà sa số công an đứng hai bên và trước tòa đô chính, mấy chiếc xe 50 chỗ đậu ngang tòa nhà trên đó công an ngồi nằm la liệt.

Đường Lê Thánh Tôn một chiều nên đông nghẹt, hình như cả Sài Gòn chạy rong trên đường, nín thở, ngó dáo dác tìm xem có một đoàn người nào bung ra khỏi cái khóa đầu tiên để xuống đường không. Tôi chạy tìm. Họ, người Sài Gòn cũng chạy tìm, mặc dù trà trộn trong dòng người này có vô số an ninh chìm đóng đủ vai, đủ kiểu.

16g. Ở chính giữa công viên 23/9 đã dấy lên một nhóm. Ban đầu chỉ vài mươi người, nhưng trong tích tắc, những biểu ngữ căng cao. Tôi tấp xe vào ngay trạm xe buýt ở góc Lê Thánh Tôn - Lê Lai . Cảnh sát hụ còi, loa phóng thanh ra rả giọng điệu cũ “Thưa đồng bào...”

Trật tự, dân phòng tràn ra giữa đường không cho dòng xe dừng lại. Chúng tôi tạo thành một dòng người chạy về phía chợ Bến Thành quẹo vào Phạm Ngũ Lão, sau lưng chúng tôi hàng rào chắn đã khép lại, bọn chỉ huy trấn áp thản nhiên đứng giữa đường điều động chận các lối ra vào khu công viên.

Phía chợ Bến Thành đông lắm, một dòng người nhao nhao bên kia rào chắn, trong quán cafe tại góc đường người ta đã đứng bật dậy bước ra giương mắt nhìn về trung tâm công viên, nơi cuộc biểu tình vừa nổ ra với thấp thoáng biểu ngữ cầm tay khuất sau hàng cây dọc bên đường. Không thể dừng được chúng tôi rẽ về Yersin, tấp vô lề. Đầu ra phía Trần Hưng Đạo đã bị phong tỏa.

Tôi không thể lấy máy ảnh ra được, phía trước tôi một thanh niên vừa bị tước máy và đang đứng cự cãi với một công an áo vàng. Một thanh niên khác bị lôi từ đám đông biểu tình ra mé đường, đẩy mạnh lên chiếc xe buýt đậu sẵn bên lề, sau nó là một xe chữa lửa, tất cả hệ thống chữa lửa đã mở tung trong thế sẵn sàng.

Khoảng 20 motor cảnh sát khóa chặt góc Yersin - Phạm Ngủ Lão. Tôi bỏ xe đứng bên lề, hai tên cớm chìm đi sau lưng từ khi tôi tấp xe vào. Lại một thanh niên rất trẻ bị lôi sền sệt trên đường, có tiếng la lớn “Sao đánh người”. Cái thân thể bé bỏng kia đang bị kẹp chặt bởi hai TNXP to con và bu theo là một đám côn đồ, chúng đánh đá, vói tay đánh tiếp, mặc dù thân thể người trẻ đã bị ném gọn trên xe.
“Dã man” !

Một tiếng kêu nhỏ bên tai tôi, một cặp trai gái hơn hai mươi đứng gần đó. Chỉ một tiếng kêu đã nói lên sự chịu đựng, cái đau đớn của người Sài Gòn trước những đòn thù mà chính quyền dùng tra tấn người dân.

Vâng thực sự dã man, ngoài hai từ này trong tự điển hình như không có từ nào diễn đạt cái khốn nạn trước mắt.

Một bầy, vâng tôi phải gọi là một bầy, mặc áo TNXP chạy từ phía góc Phạm Ngũ Lão - Lê Văn Duyệt trên hành lang đi bộ bên trong hàng rào công viên, chúng chạy như đua marathon về phía đám đông, tràn vào lôi thêm vài người ra đánh đập và ném lên xe buýt, xe nhỏ của cảnh sát. Hai chiếc motor hụ còi chạy băng qua Trần Hưng Đạo về đường Ký Con.
“Kìa tụi nó đánh người trên xe” !

Tôi thấy chứ, tôi thấy rất rõ trên chiếc xe buýt đó đã có sẵn cả chục công an ngồi trước rồi, chiếc xe quẹo qua Yersin nên chậm lại, đám đông đứng dưới đường nhìn thấy rất rõ cảnh đánh người hội đồng trên xe. Thật là tàn nhẫn.

Chính giữa công viên, đám đông đã tản ra. Chúng tôi những người đang đứng tại góc Yersin vẫn cố nhìn theo, dưới bóng chiều của Sài Gòn đám đông thưa dần rồi biến mất, trả lại một công viên trống không, và chung quanh là hằng hà sa số lực lượng trấn áp. Chẳng còn ai trong công viên, chỉ có đám áo vàng, áo xanh, áo đen đang đứng chật con đường Phạm Ngũ Lão. Điểm nóng hổi vừa bung ra một cuộc xuống đường trong ánh mắt tiếc rẻ của biết bao người dân.

Hãy nghe họ nói với nhau:
“Làm sao mà bung ra khỏi cái lũ ác ôn đông như vậy được”
“Tụi nó càng đánh dân càng căm hận”
“Cái đám đầu trâu mặt ngựa này, thiệt không phải là người, đánh gì mà ác thế”
“Mai mốt tụi bây quì dưới chân dân nghen. Đồ trôi sông lạc chợ !”

Tôi đứng tựa gốc cây bên đường thò tay vào túi quần mở máy ảnh, kéo nó ra một chút cho ống kính vừa qua khỏi túi quần bấm vội vài cái, khi hai tên an ninh bước qua bên kia đường. Có lẽ hắn thấy không còn gì nguy hiểm tại khu vực này nữa. Nhưng quanh đây trong số bao người đó biết ai là cớm.

Tôi bước theo đôi nam nữ ra Trần Hưng Đạo, chúng tôi ngồi tại quán nước góc đường. Anh ta tên D. cô gái tên T. Chúng tôi gọi mấy chai nước lọc.

Đại lộ này đang kẹt xe, các con đường song song nó chắc đã bị phong tỏa. D. gọi điện thoại cho một người bạn. Anh ấy quay lại bảo:
- Chú à, anh em mình vừa làm ở An Đông, bị bắt mấy người, không đông lắm.
Tiếng máy rè rè có âm thanh vọng ra nghe như xa xăm lắm, D. ghé sát tôi:
- Anh Chênh bị bắt trước khi ra Nguyễn Huệ.

Tự nhiên chúng tôi quen nhau, không rụt rè. Cái thứ tình cảm lạ lùng khó giải thích, chỉ bằng một cái nhìn, một tiếng than, một cái cau mày. Mình đã nhận ra là cùng hội cùng thuyền.

Trời bắt đầu xuống tối người bạn của D. đến sau cuộc điện thoại, chúng tôi ngồi nán lại trao đổi dăm câu. Anh ta là người đứng trong đám đông xuống đường lúc nãy. Tôi nghe hai người trao đổi với nhau:
- Tui biết mà, thoạt tiên có ba, bốn thằng đứng lên căng biểu ngữ. Tui nắm tay ông già, nói với ổng “đó là tụi bán độ”. Quả y chang một hồi là tụi nó lẻn mất. Có một thằng tui nhớ nó đứng sát tôi hôm ở nhà thờ tuần rồi. Thằng này là thằng lên tiếng đầu tiên và to họng nhất.
- Ông già nói sao?
- Ổng biết nên kêu tôi dạt ra ngoài.

Nghe câu chuyện của hai người. Tôi hiểu ra rằng tuổi trẻ Sài Gòn không cô đơn. Họ được chí ít cũng có một số người đi trước nắm tay họ trên con đường đầy chông gai. Lớp trẻ, lớp già cùng nhau vượt qua cái chiến lũy mà chế độ “ưu việt” hôm nay dành cho họ.

Chia tay nhau, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. sau khi cùng nhau dạo một vòng quanh nhà thờ Đức Bà. Trước mặt chúng tôi cửa bưu điện còn mở, ngoài đường hai xe cảnh sát 113 trong tư thế sẵn sàng, máy nổ, tiếng rè rè của bộ đàm làm mất cái không khí linh thiêng lúc nhà thờ đang hành lễ chiều chủ nhật.

Tôi về ngang Nguyễn Huệ, người ta đang tưới cây, họ dùng vòi rồng của xe chữa lửa phun ướt cả đại lộ. Phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc 17g30 vẫn còn trong tình trạng bị phong tỏa. Con đường không một ai ngoại trừ một lũ côn đồ mượn danh nhà cầm quyền.

Trong một ngày họ đã tung ra ngần này lực lượng: công an áo vàng, công an áo xanh, lực lượng cảnh sát 113, TNXP, dân quân tự vệ, bọn trật tự đô thị, công an phòng cháy chữa cháy, đám dân phòng, công ty cây xanh (xe tưới nước), vô số an ninh chìm... chưa kể đám côn đồ ăn theo. Và tất cả các lực lượng này chỉ làm mỗi việc: “đàn áp người dân”.

Nguyễn Di Ngữ
15-05-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét