Hình bên: Tổng thống Nixon diễn tả về sự cần thiết để lan rộng cuộc
chiến tranh Việt Nam sang Cambodia. Ảnh: CNN
Thủ tướng Lon Nol đảo chính Hoàng thân Norodom Sihanouk vào
ngày 18 tháng 3 năm 1970. Đến nay vẫn chưa xác định được là có CIA nhúng tay
trong vụ này không. Hoa Kỳ thấy có thuận lợi để tấn công các cơ sở hậu cần của
CSBV nằm trong lãnh thổ Campuchia.
Không theo quan điểm của Bộ Quốc phòng và Ngoại giao, Nixon quyết định dùng bộ binh hành quân vào các khu vực biên giới Tây Nam Campuchia, không phải chỉ cách Sài Gòn 70 cây số mà là toàn bộ các khu vực của MTGPMN chưa hề được phát hiện trước đây. Mục tiêu của đợt tấn công này là giúp cho VNCH đủ thời gian tập trung lực lượng cho chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh.
Không theo quan điểm của Bộ Quốc phòng và Ngoại giao, Nixon quyết định dùng bộ binh hành quân vào các khu vực biên giới Tây Nam Campuchia, không phải chỉ cách Sài Gòn 70 cây số mà là toàn bộ các khu vực của MTGPMN chưa hề được phát hiện trước đây. Mục tiêu của đợt tấn công này là giúp cho VNCH đủ thời gian tập trung lực lượng cho chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh.
Ngày 1 tháng Năm, Hoa Kỳ mang 31.000 quân và VNCH mang
43.000 quân tấn công Campuchia. Do có mật tin tình báo mà các bản doanh của
MTGPMN di chuyển trước nên QLVNCH không thể nào tìm ra. Thành công của đợt hành
quân này quá giới hạn; mức tử vong của Cộng quân là 2.000 và một số kho vũ khí
căn cứ bị huỷ diệt. Phản ứng đầu tiên của CSBV là phải rút sâu hơn trong nội địa
của Campuchia. Với vũ khí của CSBV và Trung Quốc cung cấp, lực lượng Khmer Đỏ
có thêm phương tiện gia tăng kiểm soát nhiều các khu vực khác. Dĩ nhiên, các cuộc
hành quân hỗn hợp này làm cho xung đột vốn dĩ lâu đời của Khmer Đỏ và chính quyền
Campuchia trầm trọng hơn.
Thoạt đầu, dân chúng Hoa Kỳ tỏ ra đồng ý dè dặt về việc tấn
công Campuchia. Trong một cuộc biểu tình của giới phản chiến tại khuôn viên Đại
học Kent State, Ohio, Vệ binh Quốc gia đã nổ súng làm chết 4 và bị thương 15
sinh viên vào ngày 4 tháng năm 1970. Tình hình căng thẳng hơn khi 100.000 sinh
viên liên tục biểu tình trước Toà Bạch Ốc. Trước áp lực nặng nề, Nixon tuyên bố
sẽ chấm dứt tấn công Campuchia vào tháng 6. Nixon khó xử hơn bao giờ hết vì thấy
rằng Hoa Kỳ không thể thắng, nhưng lại không muốn kết thúc và cũng không dám
công khai thú nhận là thua.
Sau cuộc xâm lăng Campuchia, tinh thần dân chúng mệt mỏi và
cho là một sai lầm đạo đức, nhất là khi các cơ quan truyền thông đồng loạt khai
thác vụ tàn sát Mỹ Lai và Bí mật Ngũ Giác Đài.
Pentagon Papers
Muà hè 1971, The New York Times phổ biến tài liệu gọi là Bí
mật Ngũ Giác Đài, tức Pentagon Papers, làm hoang mang dư luận. Tài liệu
này do Daniel Ellsberg tổng hợp theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng
MacNamara. Ông cáo giác chính sách tham chiến dựa trên quan điểm là do bị đe doạ
nhiều hơn trên các nhận định quyền lợi thực tế. Các chính quyền Kennedy và
Johnson thông báo tin tức sai lạc cho dân chúng và lý tưởng hoá về tầm vóc tham
chiến tại Việt Nam.
Để đối phó với mặt trận truyền thông ngày càng gay gắt,
Nixon phải xin lệnh Toà án ngưng công bố các tài liệu này, nhưng gặp thất bại.
Nixon yêu cầu các giới chức an ninh hỗ trợ để chận đứng tình hình. Một mặt, ông
cáo buộc Daniel Ellsberg bị bịnh tâm thần; mặt khác, ông dùng các thủ thuật bất
hợp pháp như tổ chức đánh cắp tài liệu mật, nghe lén, theo dõi thư tín và đời
tư các người liên quan.
Quốc hội ý thức hơn về tầm vóc vấn đề và theo dõi các hoạt động
của Tổng thống. Tháng Tư và Năm có hàng trăm ngàn dân phản chiến tham gia biểu
tình và có vài thành quả nhất định. Dù các đài truyền hình ít đưa tin về các hoạt
động phản chiến hơn, nhưng các bất ổn tâm lý lan tràn.
Bất ổn tâm lý
Từ khi phát động chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, từ
Tướng Tư lệnh Abhrams cho đến binh sĩ có cảm tưởng chung là mục tiêu cao cả của
cuộc chiến đấu vì tự do đã mất đi. Vì chỉ còn chờ ngày hồi hương, nên họ mang
tâm trạng phòng thủ và bất ổn tinh thần.
Tinh thần xuống cực thấp qua việc sử dụng ma túy. Theo một ước
lượng, có khoảng 40.000 binh sĩ Hoa Kỳ lâm cảnh nghiện ngập. Các vấn đề phân biệt
màu da và bất tuân thượng lệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả chính trị của
vấn đề càng nghiêm trọng, khi có tin một số tướng lãnh VNCH cũng tham gia việc
mua bán ma túy.
Ngay khi còn ở Việt Nam, binh sĩ Hoa Kỳ không thể suy đoán hết
về các diễn biến của các phong trào phản chiến. Lúc hồi hương, họ càng gặp khó
khăn trong việc tái hội nhập xã hội và nhận ngay ra các bất ổn tâm lý cá nhân,
“họ không thể tập trung, lo sợ trước bóng tối như trẻ con, thường bị mệt mỏi
nhanh, ác mộng thường xuyên, phản ứng quá mức trước tiếng động không bình thường,
đột qụy trước trong cơn giận dữ hay xung động.” Các chứng bệnh tâm thần kéo dài
không thể trị hết làm cho nhiều người thất nghiệp, phạm pháp và vào tù. Trong
chiến tranh, họ được ca ngợi là anh hùng, khi hồi hương họ mới nhận ra mình là
một phương tiện cho một chính sách thất bại. Chính quyền không quan tâm giải
quyết các vấn đề tâm lý cá nhân cũng như gia đình họ. Họ mang tâm trạng làm điều
vô ích cho kẻ vô ơn.
Tinh thần binh sĩ VNCH cũng sa sút vì mặc cảm bị Hoa Kỳ bỏ
rơi và phải tự chiến đấu trong trong hoàn cảnh thiếu yểm trợ. Khi Quốc hội cấm
binh sĩ Hoa Kỳ hành quân trên lãnh thổ Lào, QLVNCH gặp vấn đề trầm trọng hơn,
mà thảm bại của Hành quân Lam Sơn 719 là thí dụ chính.
Mục tiêu Hành quân Lam Sơn 719 nhằm phả huỷ các đường hậu cần,
buộc CSBV trở lại hoà đàm khi nhận ra được khả năng thiện chiến của QLVNCH. Do
mật tin của các cơ quan tình báo mà mọi kế hoạch đều bị CSBV phát hiện và kết
quả là QĐNDVN đã gây thảm bại nặng nề cho QLVNCH. Nếu không có các cuộc oanh tạc
của Hoa Kỳ yểm trợ vào giờ chót, thì tầm vóc thiệt hại càng thảm khốc hơn. Con
số thương vong của QLVNCH lên tới 8.483 chết, 12.420 bị thương, 691 mất tích. Quân
đội Mỹ có 215 chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích, 168 trực thăng bị bắn
rơi và 618 chiếc khác bị bắn; QĐNDVN bị thương vong là 2.163 chết, 6.176 bị
thương; các số liệu đều là ước đoán.
CSBV và MTGPMN trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh
Tổng công kích Tết Mậu Thân mang lại thành công về ngoại vận
cho CSBV và MTGPMN, nhưng là một thất bại quân sự nặng nề và hiệu năng tác chiến
trở nên cực kỳ suy yếu. Chiến dịch tấn công sang Campuchia và Chương trình Phượng
Hoàng của QLVNCH làm cho CSBV chỉ duy trì thế thủ; MTGPMN cần có thời gian để
phục hồi và không còn đánh phá mạnh ở mức độ địa phương.
Nhưng tiến trình Việt Nam Hoá làm thay đổi tình hình; Quân lực
Hoa Kỳ không thể phát triển được nửa khi quân số đã lên đỉnh điểm và QLVNCH khó
khăn hơn khi phải tự đảm nhận các cuộc hành quân. MTGPMN và CSBV nhận ra rằng
đã đến lúc phải phản ứng trước tình hình thuận lợi, nghĩa là phải công kích đối
phương nhiều hơn, kể cả ngoại vận, cho dù thực lực đang suy giảm.
Thực ra, nỗ lưc kiện toàn cơ sở và tăng cường tiềm lực không
gặp trở ngại vì CSBV nhận nhiều viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước
thuộc khối Đông Âu trong các lĩnh vực phòng
không, xây dựng, kỹ thuật và huấn luyện. Theo một ước lượng, CSBV nhận viện
trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc khoảng 7 tỷ USD, và riêng Trung Quốc mỗi
năm khoảng 200 triệu Đô la về trang bị vũ khí nhẹ.
Sau khi Hồ Chí Minh chết vào năm 1969, đấu tranh giành độc lập
dân tộc, chống Mỹ xâm lược và thống nhất đất nước là mục tiêu cao cả của CSBV.
Để đạt mục tiêu này, các lãnh đạo Đảng Lao động ý thức được các tác động chuyển
biến của Việt Nam Hoá chiến tranh. Vào tháng Giêng 1970, họ thay đổi chiến lược
bằng cách sử dụng Hoà đàm Paris là một trận tuyến mới, mà trước đây họ xem là một
công cụ tuyên truyền.
Vùng châu thổ sông Cửu Long, một khu vực đông dân và nhiều
lúa gạo, có ý nghĩa chiến lược, nên MTGPMN đã tăng cường mọi biện pháp để bám
khu vực. Hành quân tấn công sang Campuchia của QLVNCH đã làm phân tán sức bảo vệ,
nhưng sau đó đành phải rút về để bám đất và giữ dân.
Điểm ngạc nhiên nhất là đến giữa năm 1971, tiềm năng chiến đấu
của hai bên đều suy yếu, một tình trạng bất phân thắng bại, không bên nào chứng
tỏ có ưu thế quân sự để có thể chiến thắng. Thuận lợi nhất cho CSBV là Hoa Kỳ bắt
đầu rút quân theo lịch trình, cứ sáu tháng là có 50.000 binh sĩ hồi hương.
Nga-Hoa đang nỗ lực cải thiện bang giao với Hoa Kỳ để có nhiều
thoả ước thương mại và giải giới vũ khí. Để đánh đổi mặc cả này, cả hai sẳn
sàng gây áp lực Hà Nội trong việc mưu tìm một giải pháp hoà bình. Dù xung đột
có vũ trang tại biên giới Nga–Hoa vào mùa hè 1969 tại vùng Ussuri cũng không
làm cho tình hình bang giao của Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô xấu hơn.
Chuyến đi bí mật của Kissinger vào ngày 9 tháng 6 năm 1971 đến
Bắc Kinh là để mở đường cho chuyến thăm viếng chính thức của Nixon vào ngày 21
đến 28 tháng 2 năm 1972. Triển vọng tái lập bang giao Hoa–Mỹ tạo bất lợi cho Hà
Nội, vì một trong những điều kiện tiên quyết mà Kissinger đặt ra cho Bắc Kinh
là tạo áp lực cho Hà Nội phải đàm phán. Lo sợ trước chuyển biến này, Phạm Văn Đồng
sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông tìm cách ngăn trở.
Mao phản bác yêu cầu của Phạm Văn Đồng bằng một hình ảnh
bóng bẩy: “Chổi của Trung Quốc quá ngắn không thể nào quét sạch lính Mỹ tại
Đài Loan, chổi của các Đồng chí ở miền Bắc còn ngắn hơn, thì làm sao quét
sạch miền Nam.“ Bắc Kinh chống đề nghị này là một thất bại cho Hà Nội. Nhiều
tư liệu giải mật về sau cho thấy, dù viện trợ cho Bắc Việt tối đa, nhưng Trung
Quốc không hề tin CSBV sẽ chiến thắng.
Bảng Tuyên bố chung Thượng Hải vào ngày 28 tháng 2 mở đầu
giai đoạn bang giao mới giữa hai nuớc, mà mục tiêu chung là xây dựng một cấu
trúc về hoà bình và công lý cho thế giới (the goal of building a world
structure of peace and justice). Nội dung không đề cập đến các dị biệt ý thức hệ
hay giải quyết các vấn đề Đài Loan, Việt Nam và Bắc Hàn, nhưng là một thay đổi
quan trọng về thế giới quan về hợp tác.
Từ quan điểm của một vị Tổng thống chống Cộng cực đoan,
Nixon chuyển sang lợi dụng các xung đột Nga–Hoa hầu tìm một cấu trúc mới cho
chính trị thế giới, mà cũng không quên quyền lợi chính của Hoa Kỳ. Giải pháp
cho vấn đề Việt Nam tất nhiên bị ảnh hưởng trong sự thay đổi này.
Đợt tấn công mùa hè 1972
Bất chấp thành công của Nixon trong chuyến Hoa du và đợt vận
động tranh cử tại Hoa Kỳ vừa kết thúc, CSBV mở một đợt tấn công miền Nam vào
mùa hẻ năm 1972 với 120.000 quân qua ba ngả phi quân sự, vùng cao nguyên và
biên giới Campuchia, lần này có trang bị nhiều chiến xa tối tân của Liên Xô.
Vào thời điểm này, Hoa Kỳ chỉ còn 6.000 binh sĩ chiến đấu trong tổng số 95.000
quân. CSBV tấn công năm tỉnh phía Bắc, khởi đầu là Quảng Trị, rồi đến Komtum
thuộc cao nguyên, với hy vọng là cắt đôi miền này, và điểm cuối cùng là biên giới
Tây Nam, cách thủ đô Sài gòn 70 cây số. Tổng Thống Thiệu phải ra lệnh cứu nguy
các thành phố và tạo vòng đai an toàn cho dân chúng.
Để làm cơ sở bao vây Sài Gòn, MTGPMN đã bắt đầu kiểm soát
vùng châu thổ sông Cửu Long; tấn công này làm cho tinh thần chiến đấu của
QLVNCH lung lay vì thiếu yểm trợ.
Nixon kiên quyết không bỏ rơi miền Nam và không thể chịu thất
bại trong năm tranh cử khi ông đưa ra cuộc hành quân Linebacker I vào
ngày 8 tháng Năm. Ông quyết định phong tỏa hải cảng Hải Phòng và mở các đợt
không kích mạnh bạo nhất, cho dù các chuyên gia có cảnh báo về hậu quả nghiêm
trọng của quyết định “điên khùng” này.
Lập luận chung là ai cũng sợ Hoa Kỳ bị trả đũa; để tỏ tình
đoàn kết với CSBV, Trung Quốc sẽ trực tiếp can thiệp và Liên Xô sẽ cắt đứt ngoại
giao với Hoa kỳ. Nixon bất chấp cảnh báo này và cho ném 112.000 tấn bom xuống
miền Bắc.
Điểm ngạc nhiên là Liên Xô phản ứng yếu kém khi một chiếc hạm
của Liên Xô bị phá hủy ở hải cảng Hải Phòng. Sau đó, Leonid Breschnew tiếp
Nixon vào tháng Năm với nghi lể trang trọng dành cho một quốc khách. Trung Quốc
cũng tỏ ra không gay gắt trước những thiệt hại nặng nề của miền Bắc. Dù Thượng
Viện nổi giận, nhưng công luận Hoa Kỳ tỏ ra đồng thuận với việc ném bom miền Bắc,
vì dẫu sao cũng ít gây hậu quả tệ haị hơn là hành quân bằng bộ binh. Nixon nhận
nhiều ủng hộ chính trị hơn trong thời gian này.
Cuộc hành quân mùa hè 1972 là một thất bại cho Hà Nội; vì mọi
hoạt động hậu cần bị tê liệt và với trên 100.000 quân của QĐNDVN bị thiệt mạng
cùng 700 xe tăng Liên Xô bị tiêu hủy, trong khi quân của VNCH tử vong khoảng
25.000. Chua chát nhất là Liên Xô đã cắt giảm viện trợ, còn Trung Quốc gây sức
ép để buộc ngừng chiến đấu. Hà Nội đang trong tình trạng hoàn toàn kiệt quệ
mọi mặt và nhận ra rằng không thể kéo dài chiến lược vừa đánh vừa đàm, vì thiệt
hại nhiều hơn trong khi Hoa Kỳ còn tiếp tục oanh tạc; dù Đảng Dân chủ của
McGovern có thắng cử, thì tình hình cũng không thể thuận lợi hơn.
Ngược lại, vì đang được dân chúng ủng hộ, nên Nixon và
Kissinger nhận ra một lối thoát trong danh dự cho Hoa Kỳ đã đến. Dù Hoa Kỳ vẫn
tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam, nhưng Nixon thấy không thể kéo dài mưa bom và áp
lực phản chiến trong nước lên đến đỉnh điểm. Theo công luận thì những thuận lợi
về việc xây dựng nền tảng dân chủ của VNCH cũng như triển vọng thành công trong
chương trình Việt Nam Hoá không còn nữa.
Cả Hoa Kỳ và CSBV cùng nhận định là phải trở lại hòa hội
Paris trong một thái độ nghiêm chỉnh hơn.
Hiệp Định Paris
Các cuộc hoà đàm chính thức tại Paris khởi đầu từ ngày 10
tháng 5 năm 1968 trong thời Johnson, nhưng vì có quá nhiều dị biệt nên không đạt
kết quả. Từ ngày 4 tháng 8 năm 1969, Kissinger đã có nhiều mật đàm với Lê Đức
Thọ và cũng không có tiến triển. Thực ra, vị thế đàm phán của Kissinger kém hơn
CSBV, khi ông đòi hỏi hai bên cùng rút quân. Lúc này, Hoa Kỳ chỉ còn 27.000
binh sĩ và phương tiện duy nhất là tiếp tục đe doạ không kích.
Cuối cùng, qua hai cuộc thương thảo 26 tháng 9 và 10 tháng
10 năm 1973, cả hai bên đạt đến một thoả hiệp chung: CSBV đồng ý cho chế độ
VNCH tồn taị và thành lập một Uỷ ban Quốc gia Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc
(UBQGHGHHDT) gồm có đại diện VNCH, MTGPMN và các thành phần thứ ba cùng làm việc
chung. Mục tiêu của ủy ban là chuẩn bị cho cuộc phổ thông đầu phiếu toàn quốc.
Cùng với nỗ lực này là một thỏa ước đình chiến và trao trả tù binh cho các bên
liên quan. Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến sẽ hỗ trợ cho hai miền trong tiến
trình này.
Một bất ngờ trong lúc thương thảo cho Kissinger là gặp phản ứng
cực kỳ mãnh liệt của Tổng thống Thiệu. Ông thấy nguy cơ sống còn cho chế độ nên
không thể ký hoà ước. Kissinger nhận ra rằng vấn đề không còn phải là chuyện soạn
thảo các điều kiện rút quân hay hoà giải mà sự dị biệt nền tảng trong quan điểm
đấu tranh. Miền Nam không muốn mất vào tay Cộng sản và cần có một phương cách để
bảo đảm cho chiến thắng. Qua hinh thức ký kết này Hoa Kỳ cũng sẽ không hỗ trợ
gì đặc biệt hơn cho VNCH.
Kissinger nổi giận vì các mật đàm giữa Hà Nội và Washington
đều không đạt kết quả, nhất là không làm cho Tồng thống Thiệu tin tưởng thiện
chí của Hoa Kỳ. Dù Kissinger dấu nhẹm mọi tin tức về tiến trình đàm phán, tình
báo của Tổng thống Thiệu cũng tìm ra được nội dung các điều kiện, nhất là
Kissinger cũng sẽ không thương thảo với Tổng thống Thiệu, mà chỉ với MTGPMN; chỉ
với lý do này cũng đủ làm cho Tổng thống Thiệu từ chối ký kết hoà ước.
Tình thế khó khăn hơn, nhưng Kissinger vẫn hy vọng tìm ra một
thỏa hiệp. Ngày 19 tháng 7 năm 1972, ông gặp lại Lê Đức Thọ để thương thuyết. Đến
ngày ngày 31 tháng 10 là ngày trước ngày bầu cử tổng thổng một tuần, ông tuyên
bố: “Hòa bình đang ở trong tầm tay“ (“Peace is at hand”). Đây là một kết luận vội
vàng gây nhiều hậu quả tai hại, trong khi ông không tham khảo ý kiến của Tổng
thống Thiệu cũng như Nixon. Nixon thú nhận là những lo âu của Tổng thống Thiệu
là hợp lý và nếu ông thắng cử thì cơ hội cho một hoà ước thuận lợi hơn. Kissinger
cũng không thể lưòng được là 61% dân chúng ủng hộ Nixon thằng cử, MacGovern
thua đậm là một thành tích hiếm thấy cho Nixon.
Sau khi thắng cử vào ngày 7 tháng 11 năm 1972, Nixon bày tỏ
thiện chí ủng hộ miền Nam. Ngay sau cuộc hành quân Enhence Plus, ông quyết
định trao cho miền Nam một số lượng vũ khí quan trọng. Đáng kể nhất trong đợt
viện trợ này là 600 máy bay, trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc
cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính. Tổng số máy bay VNCH
lên đến 2.075 chiếc và không lực đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng.
Ngoài ra, trong các mật thư với Tổng thống Thiệu, Nixon còn
cam kết là dù có ngưng bắn, ông sẽ tiếp tục ném bom miền Bắc khi CSBV vi phạm
thoả ước. Cả Nixon và Kissinger về sau cũng không hề nhắc đến mật ước này, chỉ
có Tổng thống Thiệu gián tiếp công bố khi lưu vong.
Muốn chứng tỏ không bỏ rơi miền Nam, một lần nữa, Nixon kiên
quyết tiếp tục ném bom Hà Nội và Hải Phòng qua cuộc hành quân Linebacker
II. Cuộc không kích kéo dài từ 18 cho đến 29 tháng 12 năm 1972, ngoại trừ đêm
Giáng Sinh. Mưa bom này làm kinh động công luận thế giới, cả Đức giáo Hoàng
Paul VI cũng lên tiếng phản đối Nixon. Khoảng 2000 thường dân chết và 1500 bị
thương, nhưng thiệt hại các khu dân cư quá nặng nề.
Tại Paris, Kissinger buộc Hà Nội trở lại đàm phán. Hà Nội hoảng
sợ phải trở lại bàn hội nghị; VNCH lên tinh thần hơn, tin tưởng là mật ước của
Nixon sẽ tiếp tục không kích miền Bắc là khả thi và cũng đồng ý thương thuyết.
Cuối cùng, Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh và Vãn hồi Hòa bình được ký vào ngày
27 tháng Giêng năm 1973 với bốn bên là CSBV, VNCH, MTGPMN và Hoa Kỳ.
Các điểm chính trong Hiệp định Paris là ngưng mọi cuộc giao
tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam; QĐNDVN được ở lại
miền Nam; bù lại Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ. UBQGHGHHDT sẽ làm việc
trong khi VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình. Khu phi quân sự
là một lằn ranh tạm thời và không được quốc tế công nhận theo luật quốc tế.
Trong một mật ước với Hà Nội, Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho CSBV và sẽ
không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia.
Hiêp Định Paris không phải là một thoả hiệp giữa hai phe thắng
và thua, nhưng CSBV và MTGPMN có ba thắng lợi thuộc loại bất chiến tự nhiên
thành: một là toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là công nhận sự hiện
diện của 140.000 quân chính quy QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ ”ma” MTGPMN; ba
là quy chế khu phi quân sự sẽ không đuợc luật quốc tế công nhận và không ai sẽ
can thiệp khi vi phạm.
Dù VNCH kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, nhưng
là một thất bại nặng nề khi ký kết, vì không có tiếng nói chính thức trong hội
nghị. Hai mục tiêu chính của VNCH là duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ
QLVNCH chiến đấu và phải trục xuất binh sĩ CSBV ra khỏi miền Nam đều không có kết
quả.
Thắng lợi cho Hoa kỳ là mang binh sĩ hồi hương, một lối
thoát danh dự, một thành quả của Nixon mà Kennedy và Johnson không đạt được.
Nixon còn buộc Hà Nội phải công nhận chính phủ VNCH là một thực thể chính trị để
đối thoại, làm cho CSBV phải từ bỏ yêu sách là một chính phủ liên hiệp không có
chính quyền Thiệu tham gia. Nixon ý thức về khó khăn của việc thực hiện Hiệp định
Paris vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam và việc tiếp tục ném bom miền Bắc trong
tương lai là khó khả thi.
Khi cải thiện bang giao với hai nước Nga–Hoa, Nixon và
Kissinger đem lại ưu thế cho Hoa kỳ; vì mở rộng vị thế siêu cường, nên các áp lực
quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam giảm đi.
Nixon vẫn còn lo âu về mật ước với Tổng thống Thiệu.
Kissinger, vốn dĩ không dành thiện cảm cho VNCH, nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn và
không quan tâm đến vận mệnh tương lai của miền Nam. Ông tiên đoán sẽ có một khoảng
cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của miền Nam. Khi đuợc hỏi miền
Nam sẽ còn sống được bao lâu sau ngày ngưng bắn, ông trả lời: ”Nếu có may mắn
chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưỡi.”
(Đọc tiếp Phần III)
________
Dr. Đỗ Kim Thêm: Non Governmental Advisor of International
Competition Network (ICN), Research Associate at United Nations Conference on
Trade and Development (UNCTAD). Bài viết là ý kiến cá nhân và không phải là
quan điểm của ICN và UNCTAD.
@ Thanh Niên Phía Trước
RICHARD NIXON, HENRY KISSINGER VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM - PHẦN II
Trả lờiXóaTS Đỗ Kim Thêm
26-4-2016
(Phần I, Phần III)