Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




RICHARD NIXON, HENRY KISSINGER VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM - PHẦN I

26-4-2016

Hình bên: Tổng thống Nixon & Ngoại trưởng Kissinger. 
Ảnh: Jewish Currents

Vấn đề

“Mỹ không thể bỏ Việt Nam” đó là một niềm tin son sắt của chính giới và người dân miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hơn nữa, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với 1 triệu 1 quân nhân, một không lực đứng hàng thứ tư trên thế giới, kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, không ai tin là có thể đầu hàng. Cuối cùng, chuyện không muốn đã đến khi Đồng Minh tháo chạy. Cho đến nay, vẫn còn có câu hỏi đặt ra là tại sao VNCH sụp đổ, vì trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đã chưa có một trường hợp nào tương tự như vây đã xảy ra và các lý giải vẫn chưa thoả đáng.

Lý do thật dễ hiểu: Việt Nam không còn các sử gia chân chính; nhiều cán bộ sử học của phe thắng cuộc đang tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền; các sử gia khả tín của phe thua cuộc không còn cơ hội lên tiếng; sử gia ngoại quốc cũng chẳng soi sáng được nội tình nhiều hơn vì là người ngoại cuộc. Thế hệ tham chiến không thể kể hết tiếng lòng của nạn nhân chiến cuộc; các tự sự qua ký ức cá nhân và ký ức tập thể mờ nhạt qua bụi thời gian. Vì không có một chương trình giáo dục khách quan cho thế hệ hậu chiến, nên các mờ ảo của lịch sử cận đại còn đó.

Tổng Thống Richard Nixon và Cố vấn Henny Kissinger là hai chính khách trực tiếp can dự vào sự sụp đổ của VNCH. Richard Nixon đã thú nhận những sai lầm qua danh tác “No More Vietnam“. Henry Kissinger, vốn là nhà sử học và có nhiều trước tác liên quan; nhưng gần đây ông cũng cho là chưa có một tác phẩm nào về chiến tranh Việt Nam là khách quan và thuyết phục.

Trước đống tro tàn của lịch sử, một câu hỏi được đặt lại là Richard Nixon và Henry Kissinger đã làm gì trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh và ai thắng ai thua trong sự sup đổ của VNCH; đó là nội dung của vấn đề ở đây và bài viết này là một thử nghiệm khiêm tốn.

Nhậm chức Tổng Thống và bổ nhiệm Cố vấn

Sau bao năm thăng trầm trong chính trường, Nixon thắng cử và trở thành Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Ông là một luật sư có tài hùng biện, văn tài diễn đạt trong sáng, mà tác phẩm “No More Vietnam” là một thí dụ điển hình, nhưng thái độ kiên quyết chống Cộng làm ông nổi danh.

Trước đây, trong trận Điện Biên Phủ, ông đã từng kêu gọi Hoa Kỳ phải oanh tạc Bắc Việt, rồi đến việc xây dựng miền Nam, ông ủng hộ Tổng Thống Diệm không điều kiện và sau này ông còn cáo giác Johnson là không có đủ biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề.

Sau khi nhậm chức, ông nhận ra rằng cần phải có một chính sách ngoại giao mới, mà khó khăn nhân sự là hàng đầu. Ngoại Trưởng William Rogers vốn là một người bạn vong niên mà ông tín cẩn, lại thiếu nhạy bén trong các vấn đề ngoại giao, trong khi William Laird, Bộ Trưởng Quốc phòng, luôn tỏ ra là người thừa lịnh hơn là đề xuất sáng kiến.

Để làm việc hiệu năng hơn, ông quyết định bổ nhiệm Henry Kissinger, Giáo sư Đại học Harvard, vào chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia, mà ý kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định liên quan với chiến cuộc Việt Nam đang leo thang.

Chiến cuộc leo thang

Nixon đồng quan điểm với các bậc tiền nhiệm về học thuyết Domino: Việt Nam lọt vào tay Cộng sản là một tai hoạ chung cho các nước Đông Nam Á. Tham chiến là một trò chơi quá nguy hiểm cho uy tín quốc tế của Hoa Kỳ và chiến thắng bằng giải pháp quân sự là khó; vì có nhiều lý do: quân đội cần hiện đại hoá các trang bị để gia tăng hiệu năng tác chiến mà ngân sách đang thâm thủng; kinh phí quốc phòng hằng năm đã lên đến gần 30 tỷ USD, chiếm dụng 40% ngân sách. Nếu rút quân để tránh tiếp tục sa lầy, tình hình sẽ nghiêm trọng. Áp lực chính trị quốc nội ngày càng nặng nề. Phe Bồ câu kêu gọi thương thuyết, trong khi phe Diều hâu chủ trương không kích, nhưng cả hai cùng có một đòi hỏi chung là 543.000 quân nhân Hoa Kỳ phải hồi hương, nhất là khi số lượng tử vong của binh lính lên tới 14.600.

Nixon và Kissinger tin là phải chấm dứt chiến tranh bằng cách thông qua Moscow và Bắc Kinh; nhưng không phải các vấn đề dị biệt ý thức hệ là chính, mà là quyền lợi cụ thể sẽ thuyết phục Moscow và Bắc Kinh quan tâm giải quyết. Nhưng tìm cách nối kết các quyền lợi dị biệt này thành quan điểm chung về ngoại giao đó là mục tiêu, một giải pháp lý tưởng mà Hoa Kỳ chấp nhận được là Moscow và Bắc Kinh phải ngưng viện trợ vũ khí cho Bắc Việt. Dù bang giao với Moscow đã có nhiều cải thiện sau thời kỳ giảm căng thẳng, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn trở ngại với Bắc Kinh. Hai giải pháp tương lai của chiến trường và đàm phán đều còn mờ mịt.

Để thực hiện, ông dựa theo học thuyết Nixon 1969 là tiếp tục ủng hộ VNCH và Đồng minh, nhưng chính phủ VNCH phải chịu trách nhiệm chính trong công cuộc chiến đấu. Hoa Kỳ sẽ trang bị tối đa vũ khí cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) cùng lúc với việc rút quân theo lịch trình dự định và can thiệp quân sự chỉ là trường hợp ngoại lệ.

Khác với các luận điểm trong chiến dịch tranh cử, Nixon đề ra một kế hoạch tuyệt mật và hy vọng là sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng một năm. Ông theo đuổi ba mục tiêu chính: 

- Một là gây ý thức trong công luận về triển vọng kết thúc chiến cuộc, nhưng không nhất thiết phải là chiến thắng quân sự thuần túy. 
- Hai là Hoa Kỳ không bỏ rơi VNCH và từ bỏ mục tiêu cao cả đã cam kết. 
- Ba là kết thúc chiến cuộc là một giải pháp khả thi, nhưng đầy danh dự cho Hoa Kỳ.

Ông đề ra các giải pháp cụ thể: Để phá vỡ hậu cần tại miền Bắc, cần tiếp tục oanh tạc các đường tiếp vận và phong toả hải cảng nơi nhận các quân dụng viện trợ. Để làm suy yếu tiềm lực chiến đấu tại miền Nam, cần tăng cường chiến dịch Bình Định Nông Thôn mà Johnson đã thành công.

Để gây chuyển biến nhanh hơn, Nixon muốn quyết định táo bạo mà ông gọi là lý thuyết của người điên (Madman Theory). Dù không có trên văn bản, nhưng qua các cuộc hội luận với H. R. Haldeman, một công sự viên thân tín, ông nêu các lập luận qua trích thuật 

Tôi sẽ chứng tỏ cho Hà Nội biết rằng khi nổi điên lên đến cực điểm, tôi sẽ làm tất cả những gì để kết thúc chiến cuộc. Chúng ta sẽ cho Hà Nội thấy là khi Nixon căm ghét Hà Nội biết chừng nào, khi Nixon nổi điên, thì không ai kiềm chế được“.

Việc Hoàng thân Norodom Shihanouk thuận cho Cộng sản Bắc Việt (CSBV) sử dụng lãnh thổ Campuchia làm cơ sở hậu cần để cho Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) xâm nhập miền Nam là vấn đề mà Nixon thấy cần phải giải quyết trước. Từ tháng 2 năm 1969, qua cuộc hành quân Operation Menu, Nixon ra lịnh cho Không quân Hoa Kỳ ném bom xuống các căn cứ của CSBV trên lãnh thổ Campuchia. Công luận và các giới chức cao cấp không được thông báo về diễn tiến này. Trong 14 tháng liên tục Hoa Kỳ đã ném 100.000 tấn bom làm cho Hà Nội bị tổn thất nặng nề, nhưng không hề công bố về con số thương vong và tiềm lực suy giảm.

Vào tháng sáu 1969, Nixon đề nghị Hoa Kỳ và CSBV rút quân khỏi Nam Việt Nam và mọi hình thức hoà đàm sẽ do hai phiá Bắc và Nam quyết định. So với Johnson, Nixon và Kissinger mềm dẻo hơn. Ông đề nghị là đến tháng 11 năm 1969, nếu Hà Nội không chấp thuận thì ông sẽ tăng cường các giải pháp quân sự. Nhưng Hà Nội bác bỏ, nên hoà đàm không khả thi.

Thoạt đầu, áp lực của giới phản chiến xuống thấp, khi Nixon tuyên bố rút 25.000 quân vào tháng 6 năm 1969 và tiếp tục rút thêm 60.000 vào tháng 9. Lịnh nhập ngũ được thay thế bằng hình thức rút thăm và giới trẻ cũng như sinh viên ít khi gặp phải. Đến tháng 10 phong trào phản chiến gây sôi động khi Quốc hội thông qua đạo luật cấm đóng quân Hoa Kỳ tại Thái và Lào vào tháng 9. Chống đối lên đến cao điểm khi có 4 triệu người biểu tình trên 200 thành phố. Bài hát của John Lenon “Give Peace a Chance“ và việc trưng bài danh sách các binh sĩ nằm xuống tại bậc thềm Quốc hội là hai biểu tượng chính.

Trước áp lực của công luận, Nixon không có phản ứng thích hợp và ra lịnh cho 300 quân nhân phong toả Toà Bạch Ốc. Trong diễn văn truyền hình ngày 3 tháng Mười một, ông cảnh báo giới phản chiến là một hiện tượng tắm máu sẽ xảy ra khi miền Nam thất thủ và phong trào phản chiến gây khó khăn cho thiện chí đem lại hoà bình của Hoa Kỳ. 

Chính Hoa Kỳ có thể làm suy yếu CSBV, và không có trường hợp ngược lại. Tài hùng biện trong diễn văn này đem lại thành công đáng kể cho Nixon khi gần 70% dân chúng đồng thuận với chính sách. Phong trào phản chiến suy giảm khi tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh bắt đầu.

Việt Nam Hoá Chiến tranh

Khi công luận Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam Hoá chiến tranh và hồi hương các binh sĩ, thì các giới chức tại Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc phòng VNCH bi quan cho rằng sách lược này chỉ là để miền Nam đầu hàng CSBV theo thời gian. Chính quyền VNCH, mặc dù triệt để chống kế hoạch, nhưng không còn cách nào khác hơn là tỏ ra ủng hộ giải pháp này.

Giữa tháng 6 năm 1970 QLVNCH gia tăng quân số từ 850.000 lên đến một triệu, do lịnh Tổng Động Viên ban hành, thanh niên trong tuổi từ 18 đến 35 phải nhập ngủ. Hoa Kỳ trang bị cho QLVNCH vũ khí, quân xa va trực thăng hiện đại. Chiến dịch Bình Định Nông Thôn thành công đem lại an ninh cho các vùng xôi đậu trước đây. Cuối năm 1971, chính phủ đã kiểm soát nông thôn nhiều hơn; không khí bình yên trở lại xóm làng và các cuộc bầu của Hội Đồng Xã là có tự do thật sự. Luật Người Cày Có Ruộng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đem lại ưu thế chính trị hơn cho ông, khi số lượng đất cấp phát từ 29% lên đến 56% trong năm 1972, cụ thể là 800.000 nông dân vô sản có được đất để canh tác. Thành phố sung túc hơn với các mặt hàng tiêu dùng do viện trợ Hoa Kỳ bán ra. Tất cả biểu hiện cho một sự thành công đáng kể của miền Nam trong việc xây dựng một quốc gia dân chủ trong bước khởi đầu.

Dù an ninh vãn hồi, nhưng chiến tranh thay đổi bộ mặt nông thôn, dân chúng bỏ làng ra thành phố mưu sinh, người ở lại cũng không thể sống bằng canh nông, chương trình cấp đất không tạo thu hút dân chúng hồi cư vì không hứa hẹn sẽ đem lại một cuộc sống sung túc. Binh lính VNCH vẫn chưa quen sử dụng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ nên hiệu năng tác chiến vẫn chưa đạt được, trong khi tỷ lệ đào ngủ còn cao. Sự tàn bạo của chiến dịch Phượng Hoàng tạo thuận lợi cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) chiêu phục thêm được nhiều du kích quân.

Tháng Ba năm 1970, Nixon công bố đã có nhiều diễn tiến tốt đẹp trong chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh và rút thêm 15.000 quân nhân để tìm hậu thuẩn nơi phe phản chiến. Thực ra, hoà đàm không chuyển biến làm Nixon lo âu nhiều hơn. Trong khi phong trào phản chiến ngày càng mạnh, nên tháng 4 Thượng viện ra cảnh báo về tình hình nghiêm trọng và yêu cầu Tổng thống kết thúc chiến tranh. Một cơ hội vãn hồi hoà bình cho Việt Nam đến, không phải xảy ra tại Việt Nam mà tại Campuchia.

(Xem tiếp Phần II)
________

Dr. Đỗ Kim Thêm: Non Governmental Advisor of International Competition Network (ICN), Research Associate at United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Bài viết là ý kiến cá nhân và không phải là quan điểm của ICN và UNCTAD.

Thanh Niên Phía Trước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét