Tri Nhân Media

MỘT CÁI NHÌN SƠ LƯỢC VỀ ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA

Nguyễn Văn Trần
4-4-2016

Đảng và Phái

Khi nói về một tổ chức hoạt động cho mục tiêu tranh thủ chánh quyền quốc gia, người ta có thói quen gọi đó là « Đảng Phái » mà thường không có chủ ý phân biệc Đảng và Phái để biết hai từ ngữ đó có nội dung khác nhau không ?

Đảng và Chánh đảng

Đảng do tiếng la-tinh “ pars ” có nghĩa là một phần, một bộ phận trong một cái lớn, cái toàn thể .

Nếu đảng là một nhóm người, tức một phần hay một bộ phận của nhân dân một quốc gia kết hợp lại để cùng chia sẻ với nhau chung những quyền lợi, những quan điểm, những tư tưởng và nhắm mục tiêu đắc cử vào chánh quyền để thi hành quyền lực thực hiện một dự án chánh trị hoặc một chương trình chung thì đó là Chánh đảng, tức đảng chánh trị . Chánh đảng hoạt động cho mục tiêu khác hơn các tổ chức khác như nghiệp đoàn, hiệp hội, …

Do đó Chánh đảng được định nghĩa, một mặt, dựa theo hệ thống tư tưởng của Chánh đảng theo đuổi, mặt khác, dựa theo định chế vì hình thức chánh đảng nói lên bản chất chế độ chánh trị quốc gia là dân chủ hay độc tài .

Mục đích tối hậu của Chánh đảng là tranh thủ Chánh quyền, lập Chánh phủ để binh vực cho những tư tưởng trong chương trình của mình bằng bầu cử, chớ không chỉ nhằm gây ảnh hưởng lên Chánh phủ .

Chánh đảng xuất hiện theo sự ra đời của chế độ đại nghị . Ở Anh, Chánh đảng xuất hiện vào thế kỷ XVII . Từ lúc ban đầu cho tới hậu bán thế kỷ XIX, Chánh đảng chỉ gồm những Đại biểu họp nhau lại theo những vấn đề chánh trị quốc gia họ đồng ý để cùng nhau bênh vực . Khi cử tri gia tăng và người ta đưa vào sanh hoạt chánh trị phổ thông đầu phiếu, Chánh đảng thành hình bên ngoài Quốc Hội gồm cả những thành viên không phải Đại biểu, trở thành cơ cấu tổ chức có hệ thống .

Sau Anh, Chánh đảng xuất hiện ở Huê kỳ vào đầu thê kỷ XIX .

Chánh đảng được tổ chức ở cấp Quốc gia hay địa phương . Cơ quan quyết định vẫn là Đại Hội Đại biểu định kỳ . Giữa hai kỳ Đại Hội, mọi việc đều do Ban Thường vụ, tức Cơ quan trung gian giữa 2 Đại Hội quyết định .

Chánh đảng khác nhau do căn bản ý thức hệ . Thông thường có 4 dạng sanh hoạt chánh trị Chánh đảng : đa đảng là một tập hợp hay liên minh nhiều đảng nhỏ để hội đủ đa số cầm quyền bởi không đảng nào một mình có đủ đa số ở Quốc Hội hay thành lập chánh phủ (Ý, Bỉ, Đức ); hai đảng lớn, các đảng nhỏ khác bị loại , Chánh phủ do một trong hai đảng thành lập (Huê kỳ); một đảng đa số áp đảo cầm quyền suốt thời gian dài , các đảng khác giử vai trò đối lập (Ấn độ từ năm 1947 tới năm 1980) .

Chánh đảng không do luật pháp tạo ra, mà do văn hóa chánh trị hay hệ thống tổ chức bầu cử của quốc gia . Nhưng trong chế độ dân chủ, Đảng Phái được luật pháp bảo vệ theo luật Chánh đảng. Hệ thống đa đảng dẫn tới thể thức bầu cử theo tỷ lệ . Bầu cử đơn danh do hai đảng tranh cử .

Sau cùng còn một dạng đảng đặc biệc, không giống ai hết vì không do nhân dân chọn lựa người đại diện mà vẫn cầm quyền và cố giữ chánh quyền lâu dài, đó là đảng độc nhứt và độc tài của các chế độ công sản như ở Tàu và Việt nam ngày nay . Loại đảng này có nhiệm vụ là dùng dối trá và bạo lực cướp chánh quyền và cầm quyền . Dối trá để che dấu bạo lực và bạo lực để làm cho dối trá hiệu quả mạnh . Khi cầm quyền, đảng chỉ lo sợ kẻ thù duy nhứt là nhân dân họ cai tri. Họ sẳn sàng phụ thuộc vào ngoại bang  chống lại nhân dân để giữ quyền lực đã cướp được .

Phái

Phái là một từ ngữ mang ý nghĩa xấu để chỉ một nhánh nhỏ, một bộ phận nhỏ, tách rời khỏi cái lớn , cái nguyên chánh thống , một cách không được chánh đáng, không hợp lệ .

Một nhánh của một Chánh đảng gọi là hệ phái . Một nhánh của một tôn giáo gọi là giáo phái.

Khi nói Đảng Phái, người ta không thể không hiểu đó là muốn nói đảng nguyên gốc, đảng chánh và những nhánh nhóc, những phe nhóm khác nhau, những xu hướng khác nhau trong một đảng cùng vận hành tranh giành quyền lực hoặc ảnh hưởng . Nhưng khi nói “tinh thần đảng phái ” thì chắc chắn đó là điều xấu vì “ tinh thần đảng phái ” thường lấn ác tinh thần quốc gia dân tộc nên đặt quyền lợi đảng phái trên quyền lợi đất nước . Đảng cộng sản ở Việt nam là trường hợp điển hình .

Đảng Phái ở Việt nam

Từ sau khi thực dân pháp đô hộ, và sau khi Phong trào Cần Vương thất bại, ở Viêt Nam bắt đầu xuất hiện những tổ chức do giới trí thức tây học hay giới sĩ phu mới đứng lên thành lập để tranh đấu chống thực dân giành độc lập dân tộc . Vì hoàn cảnh lúc đó, những tổ chức này phải chọn con đường võ trang tranh đấu . Tuy nhiên có vài tổ chức trương đường lối ôn hòa vì biết võ trang không thể thắng được địch thủ lợi hại hơn nhiều .

Đảng Lập Hiến

Vào năm 1923, ông Bùi Quang Chiêu, kỹ sư Canh nông tốt nghiệp ở Pháp về  Sài gòn làm việc cho Chánh quyền thực dân Pháp, cùng với các ông Trương văn Bền, Nguyễn Phan Long, Phan văn Trường thành lập một đảng chánh trị lấy tên là Đảng Lập Hiến . Đây là một Chánh đảng đầu tiên ở xứ Nam kỳ

Đảng Lập Hiến có đảng viên là đại điền chủ, tư sản dân tộc, trí thức tiểu tư sản ở Nam kỳ . Đảng chủ trương tranh đấu ôn hòa, thỏa hiệp với thực dân Pháp nhằm trước tiên dành quyền lợi kinh tế cho người Việt, dành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân, gia tăng lợi tức, mở mang văn hóa mới theo Âu tây .

Đảng Lập Hiến có cơ quan ngôn luận là tờ  La Tribune Indigène . Đó là tờ báo tiếng Pháp ở buổi đầu của người Việt, ra đời vào năm 1917 tại Nam kỳ, do ông Nguyễn Phú Khai xuất bản để bài xích Hoa kiều, kêu gọi dành quyền kinh tế ở người Tàu đem về cho người dân Việt nam. Ông Nguyễn Phú Khai cũng là người Việt nam đầu tiên lập nhà máy xay lúa, cạnh tranh với người Tàu ở Mỹ Tho . Khi đảng Lập Hiến ra đời thì báo La Tribune Indigène được dùng làm cơ quan ngôn luận của đảng . Tiếp theo 2 tờ L’ Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam cũng thuộc đảng Lập Hiến cùng rầm rộ phát động chiến dịch tẩy chay hàng hóa Ba Tàu, kêu gọi người Việt nam có tiền tham gia các hoạt động tài chánh, ngân hàng để mở mang nền kinh tế nước nhà .

Các báo này, sau đó, lên tiếng đòi quyền bình đẳng giữa người Việt với người Pháp nên nhà cầm quyền thực dân buộc phải đóng cửa năm 1925 . Qua năm sau, La Tribune Indochinoise ra đời tiếp tục phổ biến tiếng nói của đảng Lập Hiến cho tới năm 1942 .

Việt nam Quốc Dân Đảng

Năm 1927, ông Nguyễn Thái Học, sau khi Nam Đồng Thư xã đóng cửa dưới sự đàn áp của thực dân, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, dựa theo mô hình của Trung Hoa Quốc Dân đảng của Tôn Dật Tiên .

Việt nam Quốc Dân Đảng kết nạp đảng viên trong giới giáo chức và trí thức nên xa rời giới thợ thuyền và nông dân, tổ chức thành những tiểu tổ bí mật . Việt nam Quốc Dân Đảng chủ trương cách mạng võ trang dành độc lập . Năm 1928, Việt nam Quốc Dân đảng gây được sự chú ý rộng rãi bằng những vụ ám sát nhân viên chánh quyền thực dân và những cộng sự viên người Việt nam (Việt gian ). 
Năm 1929, vụ ám sát Hervé Bazin, một người Pháp tuyển mộ phu đồn điền cho Nam kỳ, bị nhiều người ghét và căm thù, dẫn đến hậu quả là Việt nam Quốc Dân đảng bị thực dân đàn áp thô bạo . Trong số 1500 đảng viên, có tới từ 300-500 người bị thực dân bắt . Đảng trưởng Nguyễn Thái Học nhờ đồng chí bí mật giải thoát .

Kế hoạch tấn công đồn Pháp để đưa đến quần chúng nổi dậy cướp chánh quyền thất bại, đảng trưởng và một số các đồng chí bị tử hình . Việt nam Quốc Dân đảng bắt đầu suy yếu .

Trong Đệ II Thế chiến, Việt nam Quốc Dân đảng đã một lần liên minh chiến thuật với đảng cộng sản của Hồ Chí Minh và bị Hồ Chí Minh ngấm ngầm sát hại để chỉ còn Việt Minh là tổ chức duy nhứt lãnh đạo kháng chiến dưới sự chỉ huy của đảng cộng sản .

Sau Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, Viêt Nam Quốc Dân đảng di tản vào miền nam phải ngưng hoạt động vì bị chánh quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp . Cán bộ lãnh đạo bị đi tù hoặc trốn ra ngoại quốc tỵ nạn . Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Việt nam Quốc Dân đảng cùng với các đảng phái khác mới phục hoạt được cho tới 30/04/75, một lần nữa, di tản ra hải ngoại và tiếp tục hoạt động .

Tôn chỉ của Việt nam Quốc Dân đảng : Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc .

Để tiến tới thực hiện tôn chỉ đó, Việt nam Quốc dân đảng nhận lãnh nhiệm vụ làm « cuôc cách mạng dân tộc, cách mạng xã hội và xây dựng nền Dân chủ trực tiếp, cụ thể dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến để lập một nước Việt nam độc lập Cộng Hòa, đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu dành độc lập của họ, đặc biệc là các dân tộc Lèo và Miên »

Đại việt Quốc dân đảng

Năm 1939, ông Trương Tử Anh cùng các đồng chí thành lập Đại Việt Quốc Dân đảng và ông được các đồng chí tín nhiệm làm Đảng trưởng .

Đại Việt Quốc Dân Đảng xây dựng trên chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn với bài hát là bài Việt nam Minh châu Trời Đông .

Năm 1944, trước những biến chuyển gay gắt của tình hình việt nam, Đại Việt Quốc Dân Đảng kết hợp với Đại Việt Quốc Xã của ông Nguyễn Xuân Tiếu, Đại Việt Duy Dân của ông Lý Đông A và Đại Việt Dân Chính của ông Nguyễn Tường Tam thành lập một mặt trận chung Đại Việt Quốc Gia Liên Minh nhằm mục đích liên kết với Nhựt đánh thực dân Pháp . Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống cũng gia nhập Liên Minh . Ông Nguyễn Xuân Tiếu được bầu làm Chủ tịch Liên Minh .

Năm 1945, Nhựt đảo chánh Pháp, Liên Minh tranh thủ lập Chánh phủ nhưng Nhựt không muốn . Trước sự thắng thế của cộng sản, Đại Việt cùng với Việt nam Quốc dân đảng, Đại Việt Dân chính thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đảng chống lại cộng sản .

Năm 1946, Hồ Chí Minh không cho các đảng phái quốc gia tham gia ứng cử Quôc Hội lấy cớ các đảng phái quốc gia liên hệ với ngoại bang âm mưu phá hoại nền độc lập dân tộc .

Đại Việt chống lại Việt Minh trong cuộc bầu cử Quốc Hội .

Ngày 6/3/46, Chánh phủ Hồ Chí Minh ký Hiệp ước sơ bộ với Pháp, cho quân đội Pháp đổ bộ lên Hà nội với âm mưu thâm độc hướng dẫn thực dân Pháp tiêu trừ các đảng phái quốc gia . Hồ Chí Minh giải thích với cán bộ thân tín « Thà để thực dân Pháp đô hộ thêm năm mười năm nữa còn hơn có độc lập ngay bây giờ mà trong tay các đảng phái quốc gia » . Đại Việt chống lại thỏa ước đó đồng thời tách rời Việt nam Quốc dân đảng . Việt Minh và các đảng phái quốc gia tranh chấp ngày càng gay gắc, với cả võ trang . Việt Minh lợi dụng sự hợp tác với Pháp tấn công vào chiến khu Đại Việt và Việt nam Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên, Thái Nguyên, ám hại đảng viên các đảng phái . Vào thời điểm này, Đảng trưởng Trương Tử Anh bị mất tích .

Liên Minh các đảng phái

Đại Việt lập được nhiều chiến khu ở cả 3 miền Việt nam, có cả trường huấn luyện sĩ quan . Riêng ở Nam kỳ, Đại Việt liên kết với Việt nam Quốc dân đảng, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo và Bình Xuyên thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, vào tháng 4/1946, theo đuổi mục tiêu tranh thủ độc lập cho Việt nam, tập hợp những thành phần dân chúng không muốn theo Việt Minh . 

Mặt Trận do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ làm Chủ tịch . Việt Minh cũng gởi đại diện tham gia Mặt Trận, nhưng chỉ một tháng sau, rút lui . Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, ngoài lực lượng tôn giáo, còn thành lập Dân Xã đảng để tranh đấu cách mạng chánh trị dựa trên giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo làm nền tảng . Dân Xã Đảng (Việt nam Dân chủ Xã hội đảng ) là một  đảng cách mạng ở Việt nam đầu tiên theo lý thuyết Dân chủ Xã hội mà ngày nay, ta thấy phổ biến ở gần khắp Âu châu .

Qua năm 1948, Đại Việt tham gia vận động giải pháp Bảo Đại để tiến tới thành lập trên cả nước một Chánh phủ chánh thức không công sản . Chánh phủ Quốc Gia Việt nam ra đời  cùng với Quốc kỳ, tức cờ vàng 3 sọc đỏ còn tồn tại ở hải ngoại ngày nay .Và từ đó, tiếng Quốc Gia được lưu hành để phân biệt tách bạch với cộng sản . Khi nói Quốc gia là biểu thị cái gì hoàn toàn khác với cộng sản, hay không phải là cộng sản .

Sau Hiệp định Genève, hầu hết cán bộ đảng viên và các cơ sở của Đại Việt Quốc dân Đảng ở bên kia vĩ tuyến 17 đều di tản vào miền Nam .

Năm đảng viên Đảng Đại Việt chiếm 5 trong số 19 ghế của Nội các trong Chánh phủ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam .

Dưới thời Đệ I Cộng Hòa các đảng phái quốc gia chống Cộng sản và Thực dân từ trước khi ông Ngô Đình Diệm lập Chánh phủ đều bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp thô bạo . Trong số ba chiến khu của Đảng Đại Việt là Ba Lòng (Quảng Trị), Nguyễn Huệ (quận Tuy Hòa, Phú Yên) và Châu Đốc, thì Ba Lòng bị Ngô Đình Diệm cho quân đội tiến đánh tan vỡ. Hoạt động của Đảng phải tạm ngưng vì chánh sách độc tài của Ngô Đình Diệm . 

Điều đáng lấy làm lạ là Ông Ngô Đình Diệm " ... từng lê gót nơi quê người,thề tranh đấu cho tự do ..." lại có chung kẻ thù với thực dân và cộng sản, đó chính là các đảng phái quốc gia !

Sau khi Đệ I Cộng Hòa sụp đổ năm 1963, Đảng Đại Việt và các đảng phái khác bắt đầu tranh thủ dân tâm trở lại. Một số đảng viên kỳ cựu tham chính trong các Chánh phủ sau nền Đệ I Cộng Hòa và trong nền Đệ II Cộng Hòa .

Số đảng viên của Đại Việt vào cuối thập niên 1960 là khoảng 20.000 người.

Mặc dù phục hoạt sau khi Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ, năm 1964 Đảng Đại Việt lại bị phân hoá chia ra thành mấy nhóm . Đại Việt Cách mạng đảng do ông Hà Thúc làm đảng trưởng . Ông Nguyễn Ngọc Huy, tránh tình trạng đảng tranh đã có nhiều thành tích thảm hại, thành lập Tân Đại Việt và Phong Trào Quôc Gia Cấp Tiến, một Chánh đảng đầu tiên ở Việt nam, dưới sự lãnh đạo của Tân Đại Việt, tranh đấu chánh trị, giữ thế đối lập với chánh quyền Sài gòn, tuy lúc bấy giờ ở Sài gòn chưa có Qui chế Chánh đảng  .

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, đại bộ phận của Đại Việt thoát ra nước ngoài và tiếp tục tranh đấu chống cộng sản ở Việt nam . Theo mô hình ở Việt nam trước 30/04/75, ông Nguyễn Ngọc Huy cũng tổ chức Liên Minh Dân Chủ Việt nam mở rộng hoạt động trong Cộng đồng Việt nam hải ngoại dưới sự lãnh đạo kín đáo của Tân Đại Việt .

Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn mất vào tháng 9 năm 2001, sau Đại hội Đảng tại Garden Grove, California, Đại Việt Quốc dân đảng lại thêm một lần nữa phân hóa vì ảnh hưởng truyền thống đảng tranh.  Tiến sĩ Phan Văn Song là một Chủ tịch Đảng chánh thức với kỹ sư Trương Việt Hoàng làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương .

Đại Việt Cách mạng đảng, sau khi Chủ tịch Hà Thúc Ký lớn tuổi, bị bịnh và mất, được ông Bùi Diễm, Cựu Đại sứ VNCH, một đảng viên kỳ cựu, đảm nhiệm và tổ chức lại đảng ở các nơi, với một số hoạt động trong Cộng đồng Việt nam hải ngoại . Sau đó, ông cũng rút lui .

Giáo phái miền Nam

Ở Miền nam, ngoài Đảng Lập Hiến của ông Bùi Quang Chiêu và Phong trào tranh đấu chống thực dân vào đầu thế kỷ của những nhà ái quốc như các ông Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà, lần lược bị Hồ Chí Minh âm mưu sát hại, …còn có thêm các tập hợp võ trang như Bình Xuyên và tôn giáo như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo ra đời trước Đệ II Thế chiến theo đuổi mục tiêu giải phóng dân tộc dành độc lập . Những tổ chức chánh trị-tôn giáo-quân sự này bị chánh quyền Ngô Đình Diệm gọi miệt thị là Giáo phái .

Đây là những lực lượng chánh trị võ trang vừa tranh đấu chống thực dân Pháp, vừa chống Cộng sản Việt minh . Họ giữ được an ninh cho miền Đông và miền Tây Nam Việt . Riêng Bình Xuyên, sau khi ly khai với Cộng Sản Việt minh, rút về vùng Bình Xuyên, giữ an ninh cho vùng Sài gòn Gia định . Hoạt động của Việt minh gần như bị vô hiệu hóa ở khu vực rộng lớn này.

Sau Hiệp định Genève, ông Ngô Đình Diệm về nước lập Chánh phủ do Quốc trưởng Bảo Đại ủy nhiệm, cho rằng Giáo phái « dơ dáy » nên thẳng tay thanh toán, từ khước mọi đề nghị cho giải pháp ôn hòa, nổi cộm hơn hết là trường hợp của Tướng Ba Cụt, để tự đề cao vai trò lãnh đạo quốc gia « anh minh » của ông .

Nhận định

Tất cả các Đảng Phái quốc gia, tức không cộng sản, đều là những tổ chức chánh trị và võ trang tranh đấu nhằm lật đổ chế độ thực dân, khôi phục nền đôc lập dân tộc, không khoang nhượng, do lòng yêu nước chân thật . Trong tranh đấu, họ bị áp lực vừa của thực dân vừa của cộng sản nên dần dần bị suy yếu nên phải phân hóa để tự tồn .

Đến lúc ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, các đảng phái quốc gia, thay vì hợp tác xây dựng và bảo vệ đất nước, thêm một lần nữa bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp dã man không thua gì trước đây dưới thời thực dân và công sản .

Ngày nay ra hải ngoại, các đảng phái như Việt nam Quốc Dân đảng, Đại việt Quốc Dân đảng, Đại Việt Cách mạng đảng, Tân Đại việt, Dân Xã đảng, …đều lâm vào một hoàn cảnh nghịch lý khách quan . 

Ra đời làm đảng cách mạng võ trang, tranh đấu theo đường lối cách mạng chống thực dân và cộng sản . Bị truy lùng, đàn áp nhưng các đảng phái vẫn có đối tượng và hoàn cảnh để tranh đấu và xác định địa vị của mình trong lòng dân tộc . Địch hung hãn thì sự tranh đấu của họ càng bộc lộ tính can trường . 

Nay ở hải ngoại, các đảng phái vẫn duy trì chủ trương cách mạng mà hoàn cảnh lại khác đi . Tranh đấu cách mạng không còn thích hợp . Có chuyển qua tranh đấu chánh trị , thành chánh đảng, thì cũng không có môi trường hoạt động . Đảng phái cách mạng nay đành phải tham gia hoạt động với Cộng đồng người việt hải ngoại như những hội ái hữu . Năm vài lần, đảng đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm đảng trưởng quá cố, mít-tinh ngày 30/04, ngày quốc tế nhân quyền, …

Tự lột xác như sâu hóa bướm thì không đành vì nặng lòng với tiền nhân . Riêng đối với bản thân mình cũng thấy khó xử vì làm như vậy không tránh khỏi bị rơi vào tình trạng lạc lỏng, bơ vơ như kẻ vừa mất nước vừa mất nhà .

Thôi thì cùng nhau lấy đảng phái làm tấm gương thất bại để soi rọi làm hiển lộ bài học mới giúp chúng ta nỗ lực cho tương lai trong một tâm thức mới và tình hình mới .
                                                                                                                                                                   Nguyễn văn Trần





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét