Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




3. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 - TỪ WASHINGTON

Trần Đông Phong
TỪ WASHINGTON - Cắt Giảm Viện Trợ Cho Việt Nam Cộng Hòa

Thực ra thì chẳng cần phải nhờ tới cơ quan Tình Báo KGB mới biết được chiều hướng chính trị đang trên đà giải kết tức là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trong bộ sách The Vietnam Experience, cuốn “The Fall of the South”, các tác giả bộ sách nầy đã nói rằng:

Các cấp lãnh đạo cộng sản chỉ cần đọc báo chí Tây Phương cũng đủ biết rõ về sự suy giảm trong vấn đề viện trợ cho Miền Nam Việt Nam, cả về số tiền viện trợ cũng như là thăm dò dư luận. 

Ngày 22 tháng 5 năm 1974, Hạ Viện biểu quyết không được tăng số tiền viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa trong tài khóa 1974­1975 quá mức 1.126 triệu Mỹ kim dù rằng Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện đã đề nghị 400 triệu. 

Sau đó, đến ngày 22 và 23 tháng 9 năm 1974, cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ lại biểu quyết cắt bớt thêm nữa và chỉ cấp cho Việt Nam Cộng Hòa có 700 triệu Mỹ kim mà thôi (tính luôn cả kinh phí dành cho việc chuyên chở từ Hoa Kỳ sang Việt Nam) vì công luận Hoa Kỳ không muốn nghe nói đến chiến tranh Việt Nam nữa. Sự sút giảm về viện trợ nầy đã đưa đến ảnh hưởng vô cùng sâu đậm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì nếu tính thêm vào sự mất giá của đồng Mỹ kim sau khi Tổng Thống Richard Nixon “thả nổi” đồng dollar và giá nhiên liệu, cũng như là tất cả các hàng hóa khác trên thị trường thế giới gia tăng sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm 1973 thì con số viện trợ khiêm tốn nầy chẳng còn bao nhiêu (ghi chú: The Vietnam Experience: The Fall of The South, trang 11)

Người biết rõ nhất về vấn đề viện trợ quân sự (military aids) cho Quân Đội của Miền Nam Việt Nam không ai khác hơn là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt từ năm 1965 cho đến tháng 4 năm 1975. Vào đầu năm 1974, chính ông đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị phải bay sang Washington để trình bày về tình hình quân sự đang nguy ngập vì những cuộc tấn công quân sự của cộng sản Bắc Việt và vận động với các viên chức trong Ngũ Giác Đài để họ ủng hộ và vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm gia tăng hay ít ra là duy trì mức quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên sứ mạng nầy đã không thành công.

Trong Chương 4 của cuốn The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã dành hầu hết một chương để trình bày rất rõ về “Sự Giảm Thiểu Quân Viện Của Hoa Kỳ” và những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với các hoạt động của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1974 và những tháng đầu của năm 1975. Tướng Cao Văn Viên cho biết rõ ràng hơn về sự giảm thiểu quân sự quá nhiều nầy: 

“Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết tất cả ngân sách phụ trội và trong tài khóa 1975 họ chỉ cho 1 tỷ Mỹ kim, nhưng sau đó con số 1 tỷ chỉ còn 700 triệu. Ngân khoản 700 triệu nầy là kể luôn chi phí dành cho các hoạt động của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO). Con số chính thức về quân viện làm cho Quân Đội và dân chúng Miền Nam hốt hoảng. Sự cách biệt giữa quân viện yêu cầu và con số được chi viện cách nhau quá xa. Không có một sự tiết kiệm, giảm thiểu chi phí hay quản trị ngân quỹ nào có thể lấp đầy được khoảng cách dị biệt đó.

Ngày 2 tháng 1 năm 1975, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xin Quốc Hội một ngân khoản phụ trội là 300 triệu Mỹ kim và ngân khoản nầy đã được Tổng Thống Ford nâng lên 722 triệu khi đề nghị nầy được đưa sang Quốc Hội ngày 11 tháng 4 năm 1975. Quốc Hội đã bác bỏ đề nghị nầy. Khi ngân khoản nầy bị Quốc Hội phủ quyết thì tình hình đã tuyệt vọng. Vận mệnh quốc gia đã được quyết định.

Với ngân khoản viện trợ là 700 triệu, trừ đi ngân khoản trả lương cho Quân Nhân Hoa Kỳ thuộc Văn Phòng DAO thì chỉ còn 654 triệu Mỹ kim, tức chỉ còn 51 phần trăm nhu cầu cần thiết. Hậu quả là hơn 200 phi cơ các loại tức khoảng 50 phần trăm của Không Quân bị đặt trong tình trạng bất khiển dụng, Hải Quân cũng bị giảm hơn 50 phần trăm và 600 giang thuyền bị “nằm ụ”, về phụ tùng quân cụ và súng đạn thì chỉ còn thay thế khoảng 27 phần trăm, hơn 4.000 quân xa do Quân Đội Hoa Kỳ chuyển giao lại sau 1975 thì không sử dụng được vì thiếu phụ tùng, nhiên liệu thì bị thiếu thốn và đến tháng 5 năm 1975, nếu không được viện trợ thêm thì Quân Đội sẽ không còn đủ nhiên liệu nữa. Về phía đạn dược thì từ tháng 7 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975, Quân Đội chỉ xài khoảng 19.808 tấn đạn đủ loại, tức là chỉ có 27 phần trăm so với mức tiêu thụ đạn dược trước đây là 73.356 tấn mỗi tháng. Vào khoảng tháng 2 năm 1975, số đạn dược tồn kho của Quân Đội chỉ còn có khoảng 30 ngày, có nghĩa là nếu không được tăng viện thì cho đến hết tháng 3 năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn một viên đạn.

Đến giữa tháng 4 năm 1975, chúng ta đã xài hết quân dụng, vũ khí tồn kho vào việc tái trang bị cho các đơn vị di tản từ Vùng I và II. Đến giờ phút muộn màng đó, dù chúng ta có nhận được 300 trăm triệu Mỹ kim viện trợ quân sự bổ túc đi nữa thì tình hình cũng đã quá trễ”

Tướng Cao Văn Viên nhận xét thêm:

“Tin tức về việc Quốc Hội Hoa Kỳ bàn cãi, mức độ viện trợ, số tiền viện trợ thực sự được loan truyền rộng rãi và công khai trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Với tin tức đó ta và địch biết được những khó khăn và trở ngại nào sẽ đến trong tương lai. Những tin tức đó đối với chúng ta là những lo âu, nhưng đối với quân thù thì lại là một cơ hội tốt vô cùng”[ Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Kỳ Phong dịch từ nguyên tác "The Final Collapse" (1983) Vietnam Bibliography, Virginia 2003, trang 83-93]

Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford và Ngoại Trưởng Kissinger cũng rất quan tâm đến ảnh hưởng của sự cắt giảm viện trợ đối với tinh thần của các Quân Nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong một phiên họp của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung vào ngày 12 tháng 9 năm 1974, Tổng Thống Ford đã nói rằng:

“Tôi có thảo luận về vấn đề Quốc Hội cắt giảm viện trợ cách đây vài ngày. Thông thường thì khi đi tuần tiểu, mỗi người Quân Nhân (Việt Nam) mang theo 8 trái lựu đạn. Bây giờ thì anh ta chỉ còn mang được 2 quả. Điều nầy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của anh như thế nào ? Tinh thần của họ dĩ nhiên là xuống giốc và điều đó ít nhất cũng đã làm cho tình hình tại Việt Nam càng ngày càng trở nên bất ổn hơn”

Ngoại Trưởng Kissingr tiếp lời:

“Đó là một cái vòng lẩn quẩn. Tình trạng tâm lý thì cũng quan trọng như quân sự. Cho đến tháng 6 (năm 1974) thì người lính Việt Nam Cộng Hòa cảm thấy tốt, không có gì phải lo ngại. Nhưng sau đó thì số đạn dược cấp cho họ bị cắt giảm và tinh thần của họ bị sa sút. Rồi thì họ phải bỏ rơi một vài tiền đồn và sau đó thì tinh thần của họ bị xuống giốc thêm nữa.

Chúng tôi nghĩ rằng Bắc Việt đang sắp sửa phải có một sự quyết định: Có nên chọn con đường tấn công Miền Nam bằng võ lực quân sự hay không ? Trước việc chúng ta cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay thì tôi nghĩ rằng chúng ta đang khuyến khích cho Bắc Việt chọn lựa con đường tổng tấn công bằng võ lực

Về vấn đề quân sự, Tổng Thống Ford nói: 
Tôi hy vọng rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ giữ nguyên quân số vì phe Bắc Việt không hề giảm quân của họ

Ngoại Trưởng Kissinger:
“Trái lại, các lực lượng của cộng sản Bắc Việt đã gia tăng gấp 3 lần kể ngày ngưng chiến sau Hiệp Định Paris. Bắc Việt đã xây dựng một hệ thống xa lộ tối tân đến nỗi họ có thể chuyên chở vũ khí, chiến cụ và bộ đội từ Bắc vào Nam chỉ trong vòng một vài ngày. [Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung, Washington DC ngày 12 tháng 9 năm 1974. Tài liệu "Mật" được giải mật ngày 10 tháng 1 năm 2000, hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo Toàn và Thư Viện Gerald Ford tại Grand Rapids, Tiểu Bang Michigan]

Chiến thuật của người Mỹ cũng là chiến thuật mà người Mỹ đã huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam là dùng võ lực để cứu sinh mạng, nhưng đến mùa Xuân 1974, chiến thuật đó đã bị loại bỏ vì thiếu đạn dược. Trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội sau đó có được ghi lại trong biên bản của Congressional Record ngày 6 tháng 3 năm 1975, Thiếu Tướng John Murray đã nói với giọng đầy cay đắng như sau: “máu của người Việt Nam đã dùng thay thế cho đạn dược Hoa Kỳ” [Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: The Palace file, Harper & Row Publishers, New York, 1986, trang 229]

Vào thời gian đó, Quốc Hội thứ 94 với thêm 75 tân Dân Biểu Đảng Dân Chủ mới đắc cử vào tháng 11 năm 1974, họ cùng với những Dân Biểu và Nghị Sĩ phản chiến nổi tiếng như Mike Mansfield, Edward Kennedy, Hubert Humphrey v.v…đang phát động một chiến dịch chống việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Nhóm tân Dân Biểu Dân Chủ đã cùng với một thiểu số đồng nghiệp trong Đảng Cộng Hòa lập một nhóm gọi là Members of Congress for Peace Through Law (Nhóm Dân Cử Vận Động cho Hòa Bình Qua Luật Pháp), họ đã tuyên bố rằng:“Chúng tôi không thấy có một quyền lợi quốc gia hay nhân đạo nào để mà biện minh cho việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam”.

Bồi thêm vào đó, Thương Nghị Sĩ Dân Chủ Edward Kennedy tuyên bố về việc Tổng Thống Ford vận động xin tăng viện bổ túc cho Việt Nam như sau: “Một lần nữa chúng ta lại nghe những luận điệu cũ rích về một cuộc chiến tranh cũng cũ rích. Cuộc tranh chấp đổ máu đang tiếp diễn cần phải được đối phó bằng phương tiện ngoại giao chứ không cần thêm vũ khí đạn dược của chúng ta nữa”.

Nghị Sĩ Dân Chủ Mike Mansfield, Trưởng Khối Đa Số tại Thượng Viện tức là nhân vật có thế lực hàng thứ 3 của nước Mỹ, đã tuyên bố rằng “tôi cảm thấy chán ngán và muốn bệnh khi thấy hình ảnh những người đàn ông, đàn bà và trẻ em Đông Dương đang bị ‘làm thịt’ bởi súng của người Mỹ, đạn của người Mỹ tại những quốc gia mà chúng ta chẳng có quyền lợi nào cả”.

Khi tuyên bố những lời như vậy, ông Mansfield đã quên rằng người Mỹ đã viện trợ vũ khí chiến cụ cho người Do Thái từ cuối thập niên 1940 cho đến ngày nay và theo tài liệu của Phòng Nghiên Cứu Quốc Hội tại Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ thì sau khi cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1975, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ cho Do Thái mỗi năm 1.800 triệu Mỹ kim, tức là một phần ba ngân sách ngoại viện của Hoa Kỳ dành cho cả thế giới. Người Do Thái đã dùng những chiến cụ do Mỹ viện trợ để đánh người Palestine và Ả Rập, đã dùng phi cơ và xe tăng do Mỹ chế tạo tấn công ngay cả vào những trại tỵ nạn của người Palestine trên nước Lebanon, do đó không có một nước Ả Rập nào, không có một người Ả Rập nào có cảm tình với nước Mỹ và hậu quả là nước Mỹ đang sa lầy tại Iraq như hiện nay.

Một nhân vật có rất nhiều thế lực khác tại Thượng Viện Hoa Kỳ là Nghị Sĩ Hubert Humphrey, cựu ứng viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ vào năm 1968 và cũng là người được xem là “kẻ thù” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã tuyên bố trên chương trình Face the Nation rằng “gia tăng quân viện bổ túc cho Việt Nam chỉ kéo dài nỗi thống khổ cho nhân dân” và ông nói thêm rằng Tiểu Ban Ngoại Viện của ông sẽ biểu quyết để cấp ngân khoản viện trợ dành cho thực phẩm và nhân đạo mà thôi. [The Vietnam Experience: The Fall of the South, trang 31]

Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng cho biết rằng Tổng Bí Thư Lê Duẫn có nhận định như sau vào tháng 10 năm 1974:

“Sự mâu thuẩn càng ngày càng gia tăng trong chính phủ cũng như là các chính đảng tại Hoa Kỳ. Vụ Watergate đã làm rúng động nước Mỹ. Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Saigon đang trên đà suy giảm đến mức độ mà Hoa Kỳ ‘không thể cứu vớt chính phủ Saigon khỏi bị sụp đổ’. Cuộc tổng tấn công năm 1975 sẽ là một trắc nghiệm cho lập luận nầy. Các giới Tướng lãnh (Bắc Việt) đều đồng ý rằng kế hoạch tấn công vào năm 1975 chỉ là một sự khởi đầu cho chiến thắng toàn diện vào năm 1976 hay là 1977″. [Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, trang 19-20]

Như vậy thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, mọi người, kể cả Hà Nội, đều biết rõ và cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa cũng như Hoa Kỳ đều rất lo ngại về việc cán cân lực lượng đang nghiên mạnh về phía cộng sản Bắc Việt. Do đó, sự có mặt của Tướng Kulikov tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1974 cũng là một yếu tố đáng lo ngại mà về phương diện tình báo chiến lược thì cần phải được phân tích kỹ càng.

Mấy tháng sau ngày cộng sản Bắc Việt thanh toán toàn bộ Miền Nam thì chính phủ Hoa Kỳ mới biết được rằng Liên Xô đã tích cực khuyến khích Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, chính Liên Xô lại gia tăng viện trợ quân sự gấp 4 lần cho cộng sản Hà Nội, chính Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội rằng Quốc Hội Mỹ đã nhất quyết không viện trợ thêm về kinh tế cũng như là quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa có nghĩa là Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và chính vì những hành động, những cố vấn và khuyến khích đó của Liên Xô mà cộng sản Bắc Việt đã quyết định mở các cuộc tổng tấn công tại Miền Nam vào mùa Xuân 1975.

Khi người Mỹ biết rõ như vậy thì lúc đó mọi sự đã quá trễ rồi!

(còn tiếp)

◾◾◾◾◾

1 nhận xét:

  1. Rút cục là Thằng Nga muốn giúp VC, ngăn thằng Tầu, mà Tầu biết thế, không muốn Nam VN lọt vào tay Hanoi tức Liênsô !

    Trả lờiXóa