Tri Nhân Media

GẠC MA VÀ NHÓM NHẠC HÀN QUỐC T-ARA

19-3-2016

Hình bên: Xe tưới nước đô thị được điều động ngăn cản người tượng Gạc Ma 14/3/2016- Sài Gòn

Vụ thảm sát Gạc Ma 14/3/1988, dường như là vẫn còn một điều xa lạ và chưa nghe đến bao giờ đối với phần đông giới trẻ. Điều này, dĩ nhiên lỗi thuộc về sự bưng bít thông tin bấy lâu cũng như ý thức tuyên truyền giáo dục từ phía nhà trường lẫn cộng đồng. 

Nhưng với tình trạng bùng nổ thông tin như hiện nay, cụ thể là mức độ tương tác từ facebook, các mạng xã hội giới trẻ sử dụng mỗi ngày mỗi giờ, mà không biết hoặc cố tình không biết, thì đó là một điều vô cùng đáng trách.

Được biết nhóm nhạc T-Ara đến TP.HCM giao lưu người hâm mộ từ ngày 12/3 đến ngày 15/3/2016. Sáu cô ca sĩ xinh đẹp xứ Kim Chi đi đến đâu đường tắc đến đấy, từ lúc họ có mặt tại sân bay cho đến lúc họ trở về xứ Hàn. Chỉ vừa nhìn các cô gái bước lên xe, di chuyển đến phòng tập nhảy thì hàng trăm người hâm mộ đã đứng chờ chực sẵn ở khách sạn. Ngay lập tức, họ phi xe máy, taxi,… dàn khắp các nẻo đường để rượt đuổi theo xe thần tượng. Nhiều bạn trẻ mang theo cả ghế, đứng lên yên xe máy để ngắm thật rõ thần tượng bằng xương bằng thịt.

Giới trẻ leo lên cây, để ngắm nhóm nhạc T-ara bằng xương bằng thịt ngày 15/3/2016- Sài Gòn

Mọi nơi mọi lúc, T-Ara có mặt, đường phố hỗn loạn, những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, các tín hiệu giao thông như bị “vô hiệu hóa”; đến mức lực lượng an ninh phải đứng và dang tay can thiệp  Nhiều tuyến đường thuộc quận Gò Vấp, Quận 10, Quận 11 tắc nghẽn gần 1 tiếng đồng hồ. Thậm chí, để thỏa mãn nhu cầu ngắm thần tượng cũng như đạt được mục tiêu cuối cùng là lưu lại những khoảnh khắc của thần tượng, người ta đã không ngần ngại trèo lên cây, leo nên nóc nhà. Bất kể là nam hay nữ, tuổi teen hay trên cả teen. Kể ra, mức độ cuồng nhiệt dành cho T-Ara chẳng kém là bao so với việc hôn lên ghế ngồi của Bi-Rain trước đây tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Đáng chú ý là buổi gặp gỡ nhóm nhạc T-Ara ấy và buổi lễ tưởng niệm Gạc Ma xảy ra cùng một ngày.
Giao thông Sài Gòn náo loạn vì giới trẻ rượt đuổi theo T-Ara.

Giao thông Sài Gòn náo loạn vì giới trẻ rượt đuổi theo T-Ara.

Tại những địa điểm diễn ra lễ tưởng niệm Gạc Ma, lực lượng an ninh được điều động đến mức tối đa. Từ trước. Không phải để đảm bảo giao thông thuận tiện cho người đi tưởng niệm, mà là ngăn cản, cấm đoán.

Tại tượng đài Lê Lợi chưa đầy 100 mét vuông, mà có đến hàng trăm cảnh sát mặc sắc phục lẫn thường phục canh gác. Họ “sáng tạo” đến mức là điều động một xe tưới nước đô thị đậu trong khuôn viên tượng đài và hàng chục nhân viên quét rác, nhân viên vệ sinh công cộng. Họ không cho đậu xe máy gần khu vực này, vì nơi này được xem là nơi “lực lượng chức năng (?) làm việc”.

Và nếu tự an ủi mình, thì buổi tưởng niệm Gạc Ma 14/3/2016, không khí đã có phần “dễ thở” hơn rất nhiều so với những buổi tưởng niệm trước đây. (Cụ thể là ngày 17/2/2016, tưởng niệm chiến tranh Biên giới Việt-Trung 17/2/1979, đã xảy ra tình trạng cướp hoa, phá hoa, ngăn cẳn không người dân đến gần tượng đài, vv. Ở Vũng Tàu, Hà Nội và một vài thành phố lớn khác cũng xảy ra tương tự, chưa kể đến việc canh gác không cho những nhà bất đồng chính kiến, những bloggers ra khỏi nhà.) Như vậy, đây là một dấu hiệu vui mừng, và chúng ta nên biết thỏa mãn trước một sự xin-cho, ban ơn của của các nhà chức trách hay cần đấu tranh, đòi hỏi hơn nữa?

Hình như có một quy luật chung tại Hà Nội, TP.HCM cũng như những thành phố lớn khác: một cuộc gặp gỡ sao Hàn, một cuộc ký tặng sách thị trường sướt mướt diễm tình, đã và luôn tạo nên những hiệu ứng xã hội to lớn, làm lu mờ, xóa nhòa những sự kiện cần lưu tâm khác. Giới trẻ sẵn sàng đổi “trinh trắng”, nhịn ăn nhịn mặc, để có một chiếc vé đi xem thần tượng. Giới trẻ không quản ngại dầm mưa dãi nắng, đường sá xa xôi. Giới trẻ sẵn sàng xô xát giẫm đạp, “hỗn chiến” vì thần tượng. Một trận thua đá bóng của U23 Việt Nam khiến giới trẻ khóc lóc nghiến răng, mất ăn mất ngủ hàng tuần và sa sút tinh thần nghiệm trọng. Nhưng với những ngư dân bị “tàu lạ” bắn giết thì không. Nước mắt họ đã khóc cạn cho những thần tượng âm nhạc, ngôi sao bóng đá, còn đâu nữa mà khóc cho ngư dân hay những chiến sĩ đã ngã xuống vì vì quê hương Đất Nước, vì giống nòi?

Thật khó hiểu tại sao những nhà chức trách tạo mọi điều kiện tối đa cho nhu cầu ngắm thần tượng bằng xương bằng thịt của giới trẻ, nhưng lại “thắt chặt” đối với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, những buổi tượng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì chống ngoại xâm Trung Quốc?

Anh Trần Bang bị đánh hôm biểu tình phản đối 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam, ngày 5/11/2015- Sài Gòn

Xin mạn phép nhắc lại và so sánh những buổi đàn áp người tham gia tưởng niệm tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, để thấy rõ hơn. Nếu như năm ngoái, tại Hà Nội, họ thắt chặt, quấy phá người dân đến tượng đài Lý Thái Tổ thắp hương và dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thì năm nay, họ “nới lỏng” hơn rất nhiều. Không thấy những người tự nhận mình là dư luận viên mặc áo đỏ với dòng chữ “FC DLV’ (câu lạc bộ Dư luận viên) đến tượng đài giật hoa. Không thấy họ mở bài hát “Trống Cơm” lặp đi lặp lại và nhảy múa như “một bầy tang tình con xít”. Cũng chẳng có những người trung niên khiêu vũ bài “Con bướm xinh” trước tượng đài Lý Thải Tổ. Cũng chẳng có nhân viên (an ninh) hì hục cắt đá granite tạo ra tiếng ồn và bụi bặm để phong tỏa người dân tham gia tưởng niệm.

Nhiều người đùa rằng, được như thế là nhờ tân chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung. Phải chăng cựu thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung đang được lòng dân vì thái độ cởi mở? Nếu như vậy, âu cũng là một niềm an ủi.

Còn với ông Đinh La Thăng, tân bí thư TP.HCM, không hiểu vì sao dưới quyền lãnh đạo của ông, người ta lại vẫn khắt khe và keo kiệt với nhu cầu – tạm gọi là tâm linh – của nhân dân đối với các anh hùng liệt sỹ, nhưng lại quá hào phóng, ưu ái đối với giới trẻ cũng như nhu cầu ngắm thần tượng âm nhạc bằng xương bằng thịt theo những cách thức đôi khi là rất ‘cuồng”?


@Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét