22/3/2016
NCTG: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 sẽ được tổ
chức vào hạ tuần tháng 5 tới được công luận Việt Nam chú ý với số lượng đông đảo
của những người tự ứng cử, một điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay.
Theo các số liệu mà truyền thông trong nước công bố sau Hội nghị hợp thương lần
thứ hai hôm 17-3, tại TP. HCM, danh sách sơ bộ có 48 người tự ứng cử trên tổng
số 90 người. Tại Hà Nội, danh sách sơ bộ cho thấy có 48 người tự ứng cử trên tổng
số 87 người.
Cho dù theo “thông lệ” cũng như suy nghĩ của những ai có quan tâm đến thời sự,
chính trị, khả năng thành công của các ứng viên trong cơ chế tổ chức bầu cử hiện
tại là tối thiểu, nhưng việc số người tự ứng cử tăng vọt cho thấy người dân đã
quan tâm hơn tới chính trị.
Tham gia đời sống chính trị trước đây dường như là “đặc quyền” của những tổ chức
và cá nhân có vai trò độc tôn, thì nay dần dần phải được hiểu như một quyền căn
bản và lành mạnh của bất cứ công dân nào có tấm lòng và khả năng cống hiến cho
dân, cho nước.
Chính vì vậy, cần nhìn nhận nỗ lực tự ứng cử nghiêm túc của các công dân như một
đóng góp cho quá trình dân chủ hóa đất nước và đời sống, thói quen chính trị ở
Việt Nam, bất kể các ứng viên có thành phần xuất xứ, quan điểm chính trị và vị
thế xã hội như thế nào.
Đặc biệt, trong kỳ bầu cử lần này, báo chí Việt Nam đã nhắc nhiều tới sự hiện
diện của một số nghệ sĩ trong danh sách sơ bộ, như nghệ sĩ hài Vượng Râu (Nguyễn Công Vượng) ở Hà Nội,
hay ca sĩ Mai Khôi (Đỗ Nguyễn Mai Khôi), ca sĩ tự do Lâm Ngân
Mai ở TP. HCM.
Điều gì đã khiến một nghệ sĩ quyết định tham gia chính trường? NCTG đã có một
cuộc trao đổi với Lâm Ngân Mai, ca sĩ, diễn viên tự do, người từ nhiều năm
nay đã có mối quan tâm sâu sắc và tâm huyết tới các vấn đề xã hội và chính trị,
như các hoạt động của chị cho thấy.
Lâm Ngân Mai sinh năm 1984, hiện sống tại Gò Vấp, khởi nghiệp ca hát từ năm 2012 với sở trường là dòng nhạc tiền
chiến. Chị cũng từng thủ vai chính phản diện trong serie phim “Không thể ngừng yêu”(2014), và loạt phim hình sự
“Những mãnh đời giông bão” (2012).
Trong một bài viết đăng trên trang cá nhân thuộc mạng xã hội Facebook, Ngân Mai
đã bày tỏ mục tiêu của chị là chống tham nhũng, đại diện cho lợi ích của dân
nghèo, và “thay đổi Việt Nam, thực thi dân chủ dân bầu, phá vỡ tiền lệ từ trước
đến nay để Việt Nam thay đổi” (NCTG).
Cùng nghệ sĩ Chánh Tín trong phim “CKC thợ săn biệt kích” do
Chánh Tín đạo diễn - Ảnh do nhân vật cung cấp
- Từ khi nào, Ngân Mai nảy ra ý định tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH)? Chị có
gặp khó khăn gì trước chính quyền khi làm thủ tục nộp đơn trên tư cách một ứng
viên độc lập hay không?
Đã hơn 5 năm Mai dùng mạng xã hội để phê phán và lên án những bất công trong xã
hội Việt Nam. Bằng cách riêng của mình, Mai làm những video ngắn để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với
cộng đồng. Điều khiến Mai không ngờ là những suy nghĩ ấy lại nhận được rất
nhiều chia sẻ và đồng cảm từ những người Mai hoàn toàn không quen biết.
Chính điều đó khiến Mai nhận ra những suy nghĩ của mình cũng là suy nghĩ của rất
nhiều người. Mai ao ước rằng tiếng nói và suy nghĩ của cộng đồng sẽ không chỉ dừng
lại ở Facebook, YouTube hay các mạng xã hội. Mai mong muốn và khao khát những
tiếng nói ấy sẽ được cất lên ở chính Quốc hội, cơ quan quyền lực do người dân bầu
ra năm năm một lần.
Thế nhưng, Mai cảm thấy thất vọng. Qua các phiên họp Quốc hội được truyền hình
trực tiếp, rất hiếm hoi mới thấy một đại biểu có một phát biểu hợp với lòng
dân. Họ rất cô đơn giữa một tập thể tới 500 người, mang tiếng được người dân bầu
ra nhưng chẳng mấy khi lên tiếng. Việc của họ là thỉnh thoảng đi họp, tiêu tốn
tiền thuế của người dân và đóng vai trò mà chúng tôi gọi là “nghị gật”, vì họ
chỉ biết gật đầu.
Chính điều đó thôi thúc Mai phải hành động, và lần bầu cử Quốc hội này là cơ hội
để Mai làm điều đó.
Về việc khó khăn trong quá trình làm hồ sơ ứng cử, trên mạng xã hội các và các diễn
đàn Internet đã có nhiều thông tin từ những người tự ứng cử khác. Họ phải đi lại
rất nhiều lần, chịu sự hoạnh họa của địa phương chỉ để xin một xác nhận rằng họ
có sống ở nơi mà họ có nhà và hộ khẩu. Mai cũng vậy thôi, mất tới 5 ngày chỉ để
chạy đi chạy lại xác nhận các thông tin đơn giản trong vài trang A4, phải làm
đi làm lại tới vài lần.
Có lẽ Mai đã gặp may chăng vì cuối cùng cũng hoàn thiện được hồ sơ và nộp
được trước ngày hết hạn. Trong khi nhiều người thì thậm chí không thể xong kịp
hồ sơ trước phút cuối cùng. Có lẽ họ thấy trình độ văn hóa của Mai chỉ là 9/12
nên sự vất vả của Mai cũng ít hơn chăng?
- Là một người làm nghệ thuật nhưng qua những phát biểu và hoạt động của Ngân
Mai, có thể thấy chị quan tâm nhiều tới các vấn đề xã hội và chính trị. Thiên
hướng này chị có được từ đâu?
Ở trên Mai có nhắc đến chi tiết trình độ học vấn của Mai chỉ là 9/12, nghĩa là
vừa tốt nghiệp cấp 2 thì Mai đã phải nghỉ học để mưu sinh.
Lúc đó Mai mới 16 tuổi, và gia đình quá khó khăn không có tiền đóng học phí cho
Mai. Sau những ngày tháng mưu sinh vất vả, được tiếp cận với nhiều thông tin về
thế giới bên ngoài, Mai luôn ao ước rằng, phải chi mà học phí được miễn như nhiều
nước khác, có lẽ Mai đã không phải dừng quá sớm việc học hành và chịu rất nhiều
khó khăn khi xin việc làm vì bằng cấp không đủ.
Rất nhiều bất cập xã hội khác hàng ngày mà Mai chứng kiến bằng mắt mình khiến
Mai cứ phải bật ra câu hỏi “tại sao”? Tại sao lại có những sự bất công này? Tại
sao nhiều quan chức quá giàu? Tại sao nhiều người dân cứ mãi khổ cực thế? Cuối
cùng thì tự nhiên Mai quan tâm đến những vấn đề chính trị và xã hội, vì thật ra
đó cũng là quan tâm đến chính số phận của mình.
Nếu xã hội này mà điều kiện an sinh được như các nước xung quanh, có lẽ Mai sẽ
chỉ quan tâm đến thời trang, du lịch và âm nhạc chăng? Nhưng rất đáng buồn là
Mai cứ hàng ngày phải chứng kiến những bất công, vậy nên sự bận tâm tới chính
trị nó đến một cách rất tự nhiên.
- Số người tự ứng cử ĐBQH xưa nay vốn ít, mà trong số đó giới nghệ sĩ lại càng
ít, Ngân Mai có nghĩ điều đó là một thuận lợi, hay hạn chế cho chị trong lần
này?
Một sự bất thường là số ứng viên tự ứng cử ĐBQH rất ít, vì trước nay có thể coi
bầu cử Quốc hội là một màn “độc diễn” của các cơ quan, đoàn thể của Đảng Cộng sản
Việt Nam và chính quyền.
Giới nghệ sĩ tự ứng cử thì lại càng hiếm, vì hoạt động nghệ thuật vốn luôn có
nhiều mối bận tâm, và ngoài ra, họ rất dễ tổn thương trước các áp lực khác
nhau. Có nhiều nghệ sĩ trong nước khi ra nước ngoài và ở lại, thậm chí đã bị cấm
biểu diễn ở Việt Nam trong một thời gian rất dài. Cứ nghĩ xem chuyện gì sẽ diễn
ra nếu một nghệ sĩ bị rút giấy phép biểu diễn hoặc bị gây áp lực khiến các
chương trình nghệ thuật không dám mời họ?
Nói thật lòng là khi quyết định ứng cử, Mai không cho là mình có chút lợi thế
nào, thậm chí còn nghĩ tới những khó khăn mà rồi đây Mai sẽ gặp phải. Điều duy
nhất khiến Mai vẫn đi tới quyết định này, có lẽ là vì ngày nay Mai có cơ hội
chia sẻ quan điểm của mình trên mạng xã hội, và cảm nhận được mình không đơn độc.
Và quả thực, việc đối mặt với rủi ro cũng đã đem lại những động viên lớn cho
Mai. Từ lúc ra ứng cử, Mai nhận được hàng ngàn chữ ký ủng hộ qua mạng xã hội. Mọi
người không ngại để lộ thông tin cá nhân, họ ghi lời ủng hộ lên giấy, chụp hình
kèm với chứng minh thư hoặc bằng lái xe và gửi đến ủng hộ Mai. Có lẽ việc là một
ca sĩ tự do với số lượng người chú ý khá lớn trên mạng xã hội đã khiến Mai có
thế mạnh nhất định khi chia sẻ quan điểm với cộng đồng chăng.
- Ngân Mai có ý kiến ra sao trước những ý kiến “trái chiều”, cho rằng nghệ sĩ
ra ứng cử ĐBQH là do “đã hết trò”, “đánh bóng cá nhân”, “nghị trường không phải phường chèo”?
Họ còn đang nói những điều tệ hại hơn nhiều. Ngay khi chúng tôi ứng
cử, đã có nhiều bài báo trên báo chí Việt Nam đăng công khai rằng có nhiều ứng viên kém trình độ, thiếu nghiêm túc và ra ứng cử để
diễn trò. Ví dụ như nghệ sĩ hài Vượng Râu ở miền Bắc.
Cá nhân Mai họ cũng không hề tha khi đăng báo công khai nhấn mạnh tên tuổi Mai
với trình độ học vấn 9/12. Thậm chí tệ hại hơn nữa, còn có lời cáo buộc từ Tiểu
ban Bầu cử Quốc hội rằng có nhiều ứng viên tự ứng cử nhận tiền từ nước ngoài để
ra tranh cử. Thế nhung khi nhiều người gửi khiếu nại yêu cầu họ công bố rõ với
bằng chứng cụ thể đó là ai thì họ im lặng. Đến tận giờ họ vẫn đang im lặng.
Nghị trường không phải là chốn tuồng chèo, thế nhưng sự thật là trong con mắt
người dân, đa phần các ĐBQH là những người được sắp xếp trong danh sách buộc cử
tri phải bầu (vì không có chọn lựa khác), và trong Quốc hội thường họ cũng chỉ
biết diễn một vai mà chúng tôi gọi đó là vai “nghị gật”. Họ đâu có đại diện gì
cho người dân, họ ngồi đó chỉ để gật mọi điều do chính quyền yêu cầu.
Những người tự ứng cử như Mai và nhiều người khác nữa đang cố gắng để thay đổi
thực trạng ấy. Chính việc có nhiều người giống Mai tham gia ứng cử trong kỳ bầu
cử này đang là nỗ lực để trả Quốc hội về đúng với vai trò của nó: cơ quan đại
diện và cất lên tiếng nói của người dân.
Sự tấn công vào các ứng viên tự ứng cử đang tăng lên với những biện pháp ngày
càng đáng lên án. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ xã hội đang mạnh dần và “họ” đang
sợ.
- Với cơ chế bầu cử hiện tại, đối với các ứng viên tự do, những thủ tục “hiệp
thương” tại địa phương luôn là ngưỡng hầu như không thể vượt qua. Chị đã chuẩn
bị tinh thần như thế nào cho bước đi ấy, bao hàm cả khả năng bị “ném đá” cá
nhân?
Cơ chế hiệp thương hiện nay là một trong những cơ chế phản dân chủ nhất trong
hoạt động bầu cử Quốc hội mà có nhiều phân tích đã chỉ rất rõ rồi. Đầu tiên là
những người như Mai sẽ phải dự một cuộc họp lấy ý kiến cử tri địa phương.
Chính quyền sẽ mời đến đó vài chục cử tri, danh sách do họ toàn quyền quyết định.
Và chỉ có vài chục người thế này thôi, nhưng họ lại được quyền quyết định đến
tín nhiệm của một ứng viên, vốn đại diện cho ít nhất 200.000 cử tri. Mọi người
còn nhớ câu chuyện của luật sư Lê Quốc Quân khi anh ấy bị đấu tố không khác gì
thời cải cách ruộng đất trong một cuộc họp như vậy hồi năm 2011, khi anh ấy ra ứng
cử.
“Trước hết vẫn là một cô gái, cũng
yếu đuối giống như nhiều người, tuy nhiên, trước giờ khi đã dự định làm điều
gì, chỉ cần không thẹn với lương tâm mình...” - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mai và các ứng viên tự nguyện khác cũng sẽ phải đối mặt với điều hoàn toàn giống
thế thôi. Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử 2016 này, nhờ mạng xã hội mà việc tiếp cận
với cộng đồng của Mai đã được làm tốt hơn. Mai nhận được hàng ngàn chữ ký ủng hộ
trên mạng xã hội, là những người thật, việc thật vì họ gửi ủng hộ tới Mai với
thông tin cá nhân cụ thể của họ. Điều đấy khiến Mai vững tin hơn.
Mai đã lên kế hoạch gặp gỡ và tiếp xúc với các cử tri tại nơi mình sinh sống, để
trao đổi về chương trình tranh cử của mình và vận động lấy chữ ký ủng hộ của họ.
Thế nhưng ngay khi vừa tiến hành, Mai đã gặp ngay sự ngăn cản đầy quyết liệt của
chính quyền. Một nhóm rất đông các cán bộ địa phương thuộc đủ mọi ban, ngành đã
đến ngăn cản Mai khi Mai vừa thực hiện những cuộc gặp gỡ với các bà con cô bác
nơi mai sinh sống.
Họ lập biên bản nói Mai phải chấm dứt vì như vậy là trái luật. Thế nhưng đối
chiếu với tất cả các quy định của Luật Bầu cử số 85 được ban hành ngày
25-6-2015 thì rõ ràng chẳng có điều nào cấm Mai tiếp xúc với cử tri cả. Thậm
chí họ còn từ chối cho Mai giữ một bản copy của tờ biên bản đó nữa.
Mai sẽ không ngạc nhiên gì nếu tới đây Mai sẽ phải đối mặt với một cuộc họp
mang kiểu đấu tố với những cử tri đến dự do chính quyền địa phương chọn lựa. Họ
đã sẵn sàng có những hành vi cản trở trái luật thì chẳng điều gì mà họ không sẵn
sàng làm. Tuy nhiên những sự ủng hộ từ cộng đồng khiến Mai tự tin, Mai sẽ không
dừng những nỗ lực của mình trong việc gặp gỡ xin chữ ký ủng hộ.
- Những mục tiêu Ngân Mai đặt ra nếu trở thành một nghị sĩ đều rất hay, có ích,
nhưng chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng để làm được những điều đó phải có một
đội ngũ nghị viên chuyên trách, trên nền tảng một hệ thống chính trị được đổi mới?
Đây là điều hoàn toàn đúng với các nền chính trị tiến bộ ở các nước dân chủ.
Các nghị viên đều có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho cử tri đã bầu họ vào nghị
viện. Nhưng hiện tại, ở Việt Nam điều đó còn hoàn toàn vắng bóng. Phần lớn các
ĐBQH đều là đảng viên và đều công tác ở những cơ quan khác nhau trong bộ máy
chính quyền hoặc các tổ chức chính trị xã hội của Đảng.
Do đó mà việc đầu tiên là cần phải thay đổi cái thực trạng đáng buồn ấy đã. Phải
trả Quốc hội về cho những đại diện của 90 triệu dân một cách thực sự, chứ không
phải chỉ là những đại diện được sắp xếp theo “kịch bản” có sẵn, chẳng hạn việc dùng
cơ chế “hiệp thương” để loại khỏi danh sách những ứng viên tự ứng cử nằm ngoài
ý muốn của chính quyền chẳng hạn.
Bên cạnh đó, giả sử có một điều may mắn kỳ lạ nào đó để những người có cùng
nguyện vọng như Mai đi đến được tới cùng và vào được Quốc hội, thì chắc chắn
Mai sẽ làm với trọn vẹn sức lực của mình để tiếng nói của người dân được cất
lên tại Quốc hội một cách thực sự, và để biến những kiến nghị của họ thành
chính sách phục vụ người dân, chứ không phải cho những nhóm lợi ích và những kẻ
tham nhũng.
- Nếu bất thành trong dịp này thì Ngân Mai nghĩ sao? Sẽ đi tiếp?
Thật ra khi quyết định ứng cử, Mai không hề nghĩ rằng mình sẽ thành công. Vì chắc
chắn là họ sẽ tìm cách loại Mai khỏi danh sách ứng viên qua các vòng “hiệp
thương”. Và bằng cách ngăn cản trái phép Mai tiếp xúc cử tri, và bôi nhọ Mai chỉ
có bằng lớp 9/12 trên báo chí, họ đang dọn đường cho việc đó rồi. Tuy nhiên Mai
không nản lòng.
Kiến thức của Mai đến từ cuộc sống, từ những thứ Mai gặp và những người Mai tiếp
xúc hàng ngày. Mai ngẩng cao đầu dù bằng cấp của Mai chỉ là lớp 9/12, vì đơn giản
Mai biết đến nhiều người nông dân chế ra những cỗ máy khiến đủ các tiến sĩ hay
giáo sư ở Việt Nam phải đỏ mặt vì xấu hổ. Và Mai còn biết đến việc phổ cập bằng
tiến sĩ cho các quan chức ở Việt Nam chẳng hề mang lại cho họ kiến thức.
Họ đâu cống hiến được gì cho nhân loại qua các bài báo khoa học mà họ chẳng bao
giờ có? Và việc đất nước khó khăn như hiện nay thì đã chứng minh tài năng của
các quan chức có bằng tiến sĩ với giáo sư thực sự đang ở đâu rồi đó.
Mai không may mắn vì không có điều kiện học hành trường lớp, mọi thứ Mai học được
là từ những người sống xung quanh mình. Những kiến thức ấy đến từ sự nhọc nhằn,
nhưng nó dạy cho Mai sự kiên định và trọng lẽ công bằng. Vì thế mà dù Mai đi xa
được tới đâu trong kỳ bầu cử này, thì Mai sẽ vẫn không dừng lại, cho đến khi đất
nước này có được dân chủ và văn minh thực sự.
Cá tính của Mai có lẽ cũng không có gì mạnh mẽ như nhiều người lầm tưởng đâu.
Trước hết thì Mai vẫn là một cô gái, cũng yếu đuối giống như nhiều người. Tuy
nhiên, trước giờ khi đã dự định làm điều gì, chỉ cần không thẹn với lương tâm
mình, Mai sẽ đi đến cùng, dù thành hay bại cũng đều không nuối tiếc!
- Chúc Ngân Mai thành công với những ý nguyện của chị!
Xin cám ơn rất nhiều vì không ngờ một người như Mai lại nhận được sự quan tâm từ
một tờ báo của người Việt ở một nơi rất xa. Mai xin được gửi lời chúc bình an
và may mắn đến tất cả các bà con cô bác đang sinh sống tại Hungary và mọi nơi
trên thế giới!
@ Nhịp Cầu Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét