Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHÌN LẠI VIỆT NAM 2015

Bùi Văn Phú
31-12-2015

Hình bên: Tứ trụ triều đình ai đi ai ở sau Đại hội Đảng XII? Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (ảnh VOANews)

Năm 2015 đã khép lại, nhưng tình hình chính trị Việt Nam vẫn đang nóng, cái nóng kéo dài từ đầu năm với cái chết không rõ nguyên do của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Cơn sốt chính trị sẽ còn kéo dài cho đến hết mùa đông vì những đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trước Đại hội Đảng XII, dự trù sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng Giêng 2016.

Nguyễn Bá Thanh qua đời đầu năm 2015, sau khi được chữa trị, vì cho là bị nhiễm phóng xạ, ở Singapore rồi đưa sang Mỹ nhưng cũng không cứu được. Sau Nguyễn Bá Thanh đột tử là sự vắng mặt đầy nghi vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng đã gây xôn xao dư luận một thời gian với nghi ngờ là đã có những thanh trừng nội bộ cho đến khi tướng Thanh tái xuất hiện.

Suốt năm qua đã có nhiều dấu chỉ cho thấy tranh giành quyền lực đã diễn ra. Từ đầu năm, Hội nghị 10 Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng có cuộc bỏ phiếu mức tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, theo sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội dành cho gần 50 lãnh đạo chính phủ và các bộ vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, Hội nghị 13 BCHTƯ kết thúc hai tuần trước đây vẫn chưa sắp xếp được nhân sự lãnh đạo cho Đại hội Đảng XII.

Với tình hình Biển Đông cẳng thẳng trong nhiều năm qua, nhất là sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè 2014, và với chính sách xoay trục của Mỹ về Đông Á, có những nhận định cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay chia làm hai phe: thân Trung Quốc và thân Hoa Kỳ.

Thân Trung Quốc thì quá rõ qua các chính sách của Hà Nội đưa ra từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, với vô số dự án kinh tế, phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam do người Hoa làm chủ.

Chủ trương thân Hoa Kỳ nói riêng và thân phương Tây nói chung còn như mờ ảo trong chính trường Việt Nam.

Nếu cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với cô con gái lấy chồng Việt kiều Mỹ là con của một cựu thứ trưởng Việt Nam Cộng hòa, là người có chủ trương thân Mỹ thì đó là một lầm lẫn. Nếu ông Dũng thực sự thân Mỹ, trong hai nhiệm kỳ vừa qua ông đã có thể làm được nhiều điều để chứng tỏ, như đưa ra những cải cách luật pháp cho phù hợp với xu thế thời đại, thả hết những người bất đồng chính kiến bị giam tù. Nhưng ông Dũng đã không làm như thế.

Ông Dũng từng khuyên lãnh đạo Myanmar cải cách chính trị và trong vài năm qua lãnh đạo của đất nước này đã làm được để đưa Myanmar lên đường dân chủ hóa. Còn ông Dũng đã không làm được gì cho Việt Nam, trái lại trong mười năm ông nắm chức thủ tướng, Việt Nam tiếp tục tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực vì kinh tế quốc doanh, tham nhũng tiếp tục lan tràn và chính sách cai trị độc tài với nhiều người bất đồng chính kiến bị bắt giam và kết án tù. Bộ Luật Hình sự Việt Nam chưa có sửa đổi gì liên quan đến các Điều 79, 88 và 258 – tức là những điều thường được dùng để bắt giữ và truy tố những người có quan điểm bất đồng với Nhà nước. Những luật mới về báo chí, luật về biểu tình vẫn chưa được ban hành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rõ ràng là người cực kỳ bảo thủ. Ông kiên quyết đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa dù “chẳng biết nó sẽ như thế nào”. Ông đã được đón tiếp trọng thị tại Hoa Kỳ trong năm nay, ông cũng đã đi thăm nhiều nước tư bản nhưng không học hỏi được gì để giúp kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn hiện tại. Với chủ trương của Đảng Cộng sản do ông lãnh đạo, Việt Nam trong những năm qua đã - và rất có thể trong những năm tới sẽ tiếp tục - sản xuất ra nhiều tiến sĩ có khả năng trí tuệ chỉ để củng cố, bảo vệ và phát triển đảng hơn là phát triển đất nước.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang được xem là có khuynh hướng cải cách chính trị và thân Hoa Kỳ hơn cả. Những người được cho là có đồng quan điểm với ông Sang là giáo sư Tương Lai Nguyễn Phước Tường và nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, đã viết bài quan điểm trên báo The New York Times đòi hỏi một nền báo chí độc lập và sinh hoạt chính trị đa nguyên cho Việt Nam. Giáo sư Tương Lai từng làm cố vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và trong những năm gần đây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi tự do dân chủ cho Việt Nam.

Chính vì thế trong những ngày cuối năm 2015 hàng loạt tài liệu đã được tung ra tố cáo nhà báo Nguyễn Công Khế chiếm đoạt tài sản, kinh doanh bất chính, có con đã mua nhà và sống ở California. Ông Khế hiện không nắm chức vụ quan trọng nào trong chính quyền mà lại nằm trong tầm nhắm của đối thủ chính trị.

Như đã từng xảy ra trong những Đại hội Đảng trước, “Tứ trụ triều đình” không thể nào tránh khỏi bị tấn công, bêu xấu. Đọc những tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật có thể được chọn làm thủ tướng tại Đại hội Đảng XII sắp tới, không thể không quan ngại về khả năng lãnh đạo độc lập của Hà Nội.

Đầu tháng 11 vừa qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sang thăm Hà Nội, đọc diễn văn trước Quốc hội Việt Nam. Tuần trước, chuyến đi Trung Quốc gấp rút của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là dấu chỉ Bắc Kinh có ảnh hưởng đến việc chọn lựa lãnh đạo sắp tới tại Đại hội XII, vì ông Hùng đã được mời sang thăm Trung Quốc nhiều lần trước đây, nhưng ông chưa đi mà lại chọn sang thăm vào đúng thời điểm này.

Trong khi đó, trên mạng thông tin điện tử anhbasam.wordpress.com đã xuất hiện nhiều tố cáo lẫn nhau như một bức thư được cho là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị để giải trình những tố cáo sai phạm của ông và người thân, thư được cho là của Trương Văn Quy đòi kiểm tra tài sản của gia đình Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và những tài liệu tố cáo Nguyễn Công Khế.

Thật khó kiểm chứng những thông tin được liên tục đưa lên mạng nhằm nói xấu đối thủ. Nhưng khi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Trương Minh Tuấn phải lên tiếng về những bí mật trong số tài liệu được phổ biến và yêu cầu mở điều tra về những nguồn tin mật được đưa ra thì giới quan sát tình hình chính trị Việt Nam đồng ý rằng đã có những sự thật được phơi bày.

Trước thềm Đại hội Đảng XII, cuộc bày binh bố trận đến nay cho thấy Trung Quốc vẫn tìm cách gây ảnh hưởng vào chính trường Việt Nam.

Tình hình ngày nay căng thẳng giống như trước Đại hội Đảng VII năm 1991. Sau 5 năm thực hiện chính sách đổi mới kinh tế được Đại hội VI đề ra năm 1986, phe cải cách muốn tiến nhanh hơn trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nhưng trước những biến động ở Đông Âu và Liên Xô, phe giáo điều kiên định với quan điểm Mác-Lê được Trung Quốc ủng hộ đã thắng thế và đưa Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư.

Mô hình phát triển theo đường lối như Trung Quốc đã được Hà Nội chọn từ đó, tức là con đường phát triển kinh tế nhưng giữ độc quyền chính trị. Mọi tiếng nói đối lập, kêu gọi dân chủ đa nguyên đều bị dập tắt và trừng trị bằng những bản án tù.

Sau Đỗ Mười là Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng đều có quan điểm cực kỳ bảo thủ giáo điều.

Nhiều người hy vọng sẽ có thay đổi tại Đại hội XII để đưa Việt Nam vào con đường dân chủ. Nhưng hy vọng này còn rất mong manh vì quan hệ Việt-Trung đã được nối lại 25 năm, trong khi quan hệ Việt-Mỹ mới được 20 năm và còn quá nhiều nghi ngờ lẫn nhau vì quá khứ thù nghịch kéo dài và khác biệt về hệ tư tưởng chính trị.

Năm 2015 Hoa Kỳ đã đón tiếp nhiều lãnh đạo Việt Nam sang thăm, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Hai nước đã cam kết tôn trọng chế độ chính trị của nhau.

Nhưng Hà Nội chưa hết nghi ngờ âm mưu “diễn biến hòa bình” của Mỹ, đơn giản là để phát triển kinh tế hơn nữa, theo lộ đồ trong các hiệp ước thương mại mà Việt Nam đã ký kết, thì cần cải cách chính trị. Mà theo mô hình của Trung Quốc, Hà Nội lại không muốn cải cách chính trị.

Ba mươi năm sau đổi mới, năm 2016 Việt Nam lại đang ở ngã ba đường. Chọn lựa tại Đại hội Đảng XII sắp tới sẽ định hướng tương lai của đất nước.

@VOA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét