1-1-2016
Tôi là người lính của phía bên này, bên mà Huy Đức gọi là
bên thắng cuộc, đã đi một quãng đường dài từ Quảng Trị tới Sài Gòn từ 1972 tới
1975, giai đoạn cuối của cuộc chiến thống nhất đất nước. Bàn về cái đúng cái
sai của cuộc chiến này nên để cho các nhà làm sử và hậu thế phán xét. Là người
lính của phía bên này nhưng toi không nghĩ những người lính Việt phía bên kia
là kẻ thù nhất là sau ngày 30 tháng tư năm 1975 bởi chúng ta, những người linh
phía bên này hay phía bên kia cùng là người Việt máu đỏ da vàng. Suy nghĩ của
tôi thời chiến tranh, sau chiến tranh và hiện nay rất đơn giản, là công dân của
thể chế nào khi đi lính thì phục vụ thể chế đó đúng phận sự của người lính, điều
này là một thực tế, muốn thay đổi cũng không được.
Có lẽ sai lầm trong cách xử lý của thời hậu chiến của các nhà lãnh đạo thời bấy
giờ đã để lại vết thương lòng quá lớn cho những người linh kể cả những người đã
mất phía bên kia và gia đình họ. Sau chiến tranh, mất mát nhiều nhất là những
người lính cả hai phía kể cả gia đình họ. Tôi không phải là người lính phía bên
kia nên bàn về sự mất mát của họ và gia đình họ có thể thiếu chính xác.
Là người
trong cuộc tôi muốn giải bày những gì tôi và đồng đội tôi, những người lính của
bên thắng cuộc để các bạn thấy chúng tôi được hay mất.
Khoảng giữa tháng 12 năm
1975 cánh lính sinh viên chúng tôi được giải ngũ về học tiếp. Mỗi người được cấp
93 đồng tiền giải phóng ( đồng tiền được sử dụng tại miền Nam từ tháng 9 năm
1975). Tôi không biết 93 đồng giải phóng lúc bấy giờ tương đương với bao nhiêu
đồng thời nay chỉ biết số tiền đó đủ để mua một con búp bê, một võng dù cho
cháu, một áo phao cho em gái, tiền xe đò đi từ Bến Cat về Sài Gòn và ngược lại,
còn dư 10 đồng để tiêu vặt từ Bến Cát tới Quảng Trị.
Nếu coi đây là tiền "
xương máu" mà chúng tôi được trả trong bốn năm rưỡi đi linh cũng được. Khi
nhập ngũ, chúng tôi được trống giọng cờ mở đưa tiễn, lúc trở về lại âm thầm lặng
lẽ. Chúng tôi ở xa về muộn nên không chịu cảnh mắc võng đấu tranh ở bộ quốc
phòng và bộ đại học đòi được nhập học tiếp, nhiều bạn sinh viên đồng ngũ ra
quân vào tháng 7 tháng 8 năm 1975 đã làm giúp chúng tôi điều này. Có lẽ ưu đãi
lớn nhất của cánh linh sinh viên trở về học tiếp là được hưởng sinh hoạt phí 30
đồng một tháng, hơn 8 đồng so với sinh viên ngành sư phạm ngày đó. Ưu đãi thứ
hai và cũng là ưu đãi cuối cùng mà nhà nước dành cho tôi và những người cùng cảnh
ngộ với tôi, những người lính của bên thắng cuộc là không phải hai năm tập sự
sau khi ra trường.
Tôi, một người lính có chút ít chữ nghĩa, kiếm được việc làm ổn định, ở cái thời
khốn khó về kinh tế từ 1976 đến 1988 về vật chất chắc chẳng hơn gì gia cảnh của
những người linh phía bên kia. Nhiều đồng ngũ của tôi, những người bỏ áo lính
trở về làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, quản lý theo kiểu công xã còn khốn
khó hơn nhiều.
Những đồng ngũ thương bình với trợ cấp 20 đồng hàng tháng đủ mua
được 20 kg gạo theo giá thị trường, nếu không tự bươn chải, tự vươn lên để sống
liệu có vượt qua cái thời khốn khó đó không? Tôi có một người bạn đồng học đồng
ngũ mang trong mình 25% máu Hoa, nhà bạn tôi có ba anh em tham gia cuộc chiến
thống nhất đất nước, thế mà sau cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc ở biên giới
phía Bắc gia đình bạn tôi đã bị trục xuất ra khỏi Việt Nam mặc dù gia đình anh
không muốn đi và sẵn sàng vào định cư tai Lâm Đồng để tránh xa Trung Quốc nhưng
không được chấp nhận.
Nếu các thương phế binh ở phía bên kia là nạn nhân của một
cuộc chiến thì bạn tôi, một người lính của bên thắng cuộc liệu có phải là nạn
nhân của hai cuộc chiến hay không? Là người Việt trực tiếp cầm súng ở phía bên
này hay phía bên kia sau chiến tranh chúng ta không thắng cũng không bại, chỉ
có đất nước này, dân tộc này là chiến thắng vì đã kết thúc một cuộc chiến tranh
lâu dài, nồi da xáo thịt. Nếu thật sự yêu nước, yêu dân tộc Việt, dù đang sống
trong nước hay ngoài nước, dù chấp nhận ý thức hệ kiểu này hay kiểu kia lẽ nào
chúng ta lại muốn khoét sâu vào vết đau của chiến tranh.
Quá khứ không phải là cái chết, nhưng đôi khi phải quên nó để mà sống để mà đi
lên. Các bạn, những người lính phía bên kia nếu có mặc cảm đau lòng vi mình thuộc
bên chiến bại, thì chúng tôi, những người lính thuộc bên thắng cuộc còn đau
lòng hơn vì những lý tưởng tốt đẹp mà chúng tôi đã phụng thờ một thời chỉ là ảo
tưởng.
Còn gì đau lòng hơn lòng tin bị đổ vỡ, chúng tôi cảm thấy mình đã bị phản
bội. Một lớp người cơ hội, phần đông đã tránh không phải tham gia chiến tranh,
bằng cách này hay cách khác leo vào bộ máy công quyền, phụng sự đất nước, phụng
sự dân tộc thì ít, mưu cầu lợi ích cá nhân thì nhiều.
Họ và gia đình họ, có lẽ
là lớp người hưởng lợi nhiều nhất sau chiến tranh. Đáng lên án là những kẻ dựa
vào thể chế để trục lợi, vì trục lợi cho bản thân nên họ đã xem nhẹ lợi ích quốc
gia, lợi ích dân tộc, làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Dù tôn thờ và
theo đuổi thể chế chính trị nào cũng nên đặt đất nước và dân tộc lên trên tất cả,
đấy mới là người Việt Nam chân chính. Ngày đầu năm muốn chia sẻ cùng các bạn một
vài cảm nghĩ của tôi về hậu quả của cuộc chiến trong quá khứ, mặc dầu cuộc chiến
thống nhất đất nước đã qua hơn 40 năm, nhưng dư âm của nó vẫn còn nặng nề trong
lớp người thuộc thế hệ chúng tôi, những người thuộc phía bên này hay phía bên
kia.
Mong rằng các thế hệ người Việt chúng ta hãy đồng lòng vì đất nước, đấu
tranh quét sạch lũ sâu mọt hại dân hại nước. Chỉ vậy mới hy vọng người dân Việt
có thể ngẩng cao đầu và không xấu hổ với bè bạn bốn phương.
@Vinh Le, FB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét