Dr. Nguyễn Văn Tuấn
11-12-2015
Báo chí trong nước tuần vừa qua đưa tin ngài thủ tướng VN, thủ tướng Đức Angela Merkel, và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được vinh danh vì đóng góp cho hoà bình và an ninh (1). Thời điểm trao giải này cho ngài thủ tướng rất thú vị, vì nó diễn ra trước ngày đại hội đảng khoảng 1 tháng. Nhưng nếu tìm hiểu một chút về sự vinh danh này thì tôi nghĩ ngài thủ tướng cần phải cân nhắc có nên nhận giải thưởng hay không.
Cái tổ chức vinh danh ba vị trên là Boston Global Forum (BGF). Tuy nghe tên thì rất toàn cầu, nhưng tổ chức này rất ư là khiêm tốn về danh tiếng và prestige. Thật ra, cái tên nghe đã giống như là tờ báo nổi tiếng "The Boston Globe" (và do đó cách đặt tên BGF giống như mấy tập san khoa học dỏm nhái tên của các tập san khoa học nghiêm chỉnh).
Các bạn có thể vào trang web của BGF (2) để thấy tổ chức này chỉ là một nhóm người có vẻ quen biết nhau và đứng ra thành lập một câu lạc bộ. Người điều hành chẳng ai khác hơn là Nguyễn Anh Tuấn, cựu tổng biên tập tờ báo điện tử Vietnamnet. Tìm hiểu trong trang web chút nữa, các bạn sẽ thấy anh Tuấn đóng cả 3 vai trò: giám đốc điều hành, ban tư tưởng (board of thinkers), và tổng biên tập! Chắc vì tổ chức thiếu người hay ngân sách nên anh ấy phải phụ trách hết các vai trò chủ chốt? Còn tiếng Anh thì cũng còn khá ư là lôm côm (3). Nói chung, cái ấn tượng đầu tiên về tổ chức BGF này có vẻ không tốt mấy.
Có lẽ vì BGF chẳng có uy tín gì nên chẳng thấy báo chí nào (ngoại trừ VN) đưa tin về cái "World Leader for Peace, Security and Developmetnt Award" của BGF trao cho ngài thủ tướng Việt Nam và Đức. Thật vậy, các bạn có thể google cái tên giải đó, và chẳng thấy báo chí độc lập đưa tin, cũng chẳng có tờ báo nào của Đức đưa tin bà Merkel được trao giải. Không biết có báo Nhật nào đưa tin về giải thưởng này, nhưng tôi đoán là không có.
Tôi không biết giải thưởng của BGF sẽ còn tồn tại bao lâu nữa. Đó là câu hỏi không ngẫu nhiên, bởi vì Nguyễn Anh Tuấn cũng từng lập ra một giải thưởng gọi là "Tran Nhan Tong Reconciliation Prize" (4). Cũng đình đám trao giải thưởng cho ông U Thein Sein và bà Aung San Suu Ky vào năm 2012 (5). Dĩ nhiên, hai nhân vật được trao giải không đến nhận. Do đó, cái show này có vẻ như là một "exercise" về tuyên truyền hay PR hơn là một giải thưởng nghiêm túc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng thấy tổ chức Tran Nhan Tong Academy trao giải cho ai nữa.
Ở nước ngoài, lập ra giải thưởng hay lập ra một tổ chức thì khá dễ dàng. Nhưng tạo uy danh của tổ chức hay giải thưởng thì khó gấp vạn lần so với lập ra giải thưởng. Người ta đánh giá một giải thưởng không phải qua cái tên, hay những tuyên bố rình rang trên báo chí, mà qua sứ mệnh của tổ chức và thành viên của những người ngồi trong hội đồng xét giải thưởng. Giải Nobel có giá trị không phải vì tiền, mà vì sứ mệnh của ông Nobel để lại, và những người xét giải thưởng toàn là những nhà khoa học ưu tú được cả thế giới chuyên ngành công nhận. Nhìn qua hai tiêu chí này thì BGF và cái giải "World Leader for Peace, Security and Developmetnt Award" và tổ chức BGF chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Do đó, không ngạc nhiên khi BGF không tạo nên một tiếng vang, và cái giải thưởng càng rất ít được ai quan tâm.
Phải nói Nguyễn Anh Tuấn là một người năng động. Tôi không có quen biết cá nhân với anh ấy, nhưng qua những hoạt động thực tế ngoài đời, anh ấy là người có nhiều ý tưởng hay. Thời còn ở Vietnamnet anh ấy lập ra những chuyên trang, kể cả chuyên trang Người viễn xứ rất thành công một thời. Nhưng chuyên trang đó rồi cũng ... chết. Sau đó, anh ấy lập ra giải thưởng "Vinh danh nước Việt" để ghi nhận những "Việt kiều" có đóng góp gì đó cho Việt Nam. Giải này được trao 3 lần (vào năm 2004, 2005, và 2006) cho 51 người, nhưng rồi cũng chấm dứt. Rất nhiều người được trao giải Vinh danh Nước Việt không về Việt Nam nhận (mà lí do thì ai cũng hiểu), nhưng cũng có một số người hân hoan về Việt Nam nhận.
Do đó, với một quá trình và thành tựu như thế, tôi sợ là cái giải "World Leader for Peace, Security and Developmetnt Award" của Nguyễn Anh Tuấn sẽ khó tồn tại lâu dài. Có lẽ ngài thủ tướng cũng không nên gắn cái tên mình vào một giải thưởng hay tổ chức mong manh như thế. Tuy nhiên, trước ngày khai mạc đại hội đảng và những qui hoạch nhân sự đang diễn ra, thì giải thưởng này có thể là một dấu cộng cho sự nghiệp của ngài thủ tướng.
====
(3) Ví dụ như câu "The Japan’s Prime Minister Shinzo Abe is named as the recipient of The World Leader in Cybersecurity Award which is granted to individuals whose outstanding contributions have contributed to the advancement of cybersecurity."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét