Nguyễn Văn Sâm
20-11-2015
1. Chưởng đưa tay cầm ly cam vắt trước mặt. Bàn tay run run
nhè nhẹ làm sóng sánh ly nước chưa được nhấc lên khỏi bàn. Tôi biết Chưởng cố kiềm
chế. Mặt anh biểu lộ sự cố gắng như không muốn người chung quanh thương hại khi
nhận thấy nỗi ương yếu của mình. Giây phút kinh hoàng anh mới trải còn hằn sâu
trong trí, hiện tại hình ảnh đó chắc chắn diễn ra bằng sự liên tưởng khi trước
mặt có những gợn sóng lăn tăn.
‘Mừng anh thoát nạn! Nên ngó về tương lai để sống!’
‘Thoát chết nhưng thoát nỗi ám ảnh để sống bình thường là điều
cần thiết.’ Tính chen vô:
‘Tôi biết mình hư tổn tâm lý nhưng đã thấy ở đó bài học để sống
tốt hơn khoảng đời còn lại.’ Chưởng chậm rãi nói sau khi uống một ngụm nước cam. Anh tiếp: ‘Thôi thì cái cảnh chết chóc không cần tả nhiều các bạn chắc đều đã
tưởng tượng ra được. Mình chỉ muốn nói về sự phải làm gì trong giây phút thập tử
nhứt sanh chờ phát súng kết liễu đời mình và câu chuyện năm phút tương thoa giữa
cõi nầy và cõi nọ.’
Chưởng không nói là cõi tử sanh hay những từ ngữ tương tợ. Sự
kiện đó làm cho chúng tôi đều sửa lại thế ngồi, chắc là tai mọi người đều đã vễnh
ra… Chưởng điềm đạm đưa ly lên môi, thưởng thức chầm chậm từ hớp như để tận hưởng
từng giây phút của cuộc đời. Chắc chắn anh mệt và khủng hoảng. Mấy ngày nay có
thể bớt chút đỉnh nhưng vẫn còn tiềm ẩn trong từng động tác ngập ngừng.
Trong khi chờ đợi, ai nấy đều ngó vô cánh tay băng bó anh
treo trước ngực. Ngực cũng bị quấn ngang dọc, một chút máu tươm ra mờ mờ ở chỗ trên
đầu trái tim. Thấy chúng tôi ngó vô vị trí bị đạn, anh đưa bàn tay mặt rờ rờ lớp
băng, giọng tếu:
‘Nhờ con chuột của cánh tay trái hơi lớn đở đòn nên đạn né trái
tim khiến cho mình thắng thằng cha Thần Chết.’ Chưởng cười như mếu. Anh chàng nầy
lúc nào cũng vậy, chuyện vui buồn, chuyện thắng thua anh nhảy tới nhảy lui, qua
lại như con sóc đùa giởn với hột dẽ.
‘Bốn năm ngày nằm trong bịnh viện, dây nhợ chằng chịt, khi nào
hé mắt được thì ngắm mấy cô y tá trẻ để thấy cuộc đời thiệt là tươi đẹp. Hứng
chí bèn moi lục trí nhớ một bài thơ tặng vợ thấy trên internet phù hợp với hoàn
cảnh khóc ba tiếng cười ba tiếng, từ đó đến giờ thường đọc cho bả nghe mỗi ngày
vài bận trả ơn mưa móc:
Một mai rũ áo ra đi,
Chỉ là quay gót trở về cố hương.
Tạ ơn trăm nhớ ngàn thương,
Buông tay chỉ những vô thường thế thôi.
(Thơ
Dương Kiền.)
Chị Chưởng trong bếp vui vẻ lên tiếng để che giấu thẹn thùng:
‘Anh Chưởng khoe với bạn là mình yêu vợ đó. Bao nhiêu tuổi đầu
mà còn muốn được khen.’
Chưởng gõ ly leng keng để mọi người chú ý….
Ngoài kia tháp Eiffel danh tiếng trong bao nhiêu năm nay sáng
rực mỗi khi hoàng hôn xuống, bây giờ trời đã bắt đầu nhá nhem, vẫn như mấy ngày
trước, đèn đuốc tắt ngúm để tang cho Paris, để tang buồn cho lòng thù hận được
lên ngôi.
***
2. Tôi đương ở trong đám đông xếp hàng dọc, chờ đợi được
nhích lên từng bước, bên trái tôi thì không có hàng nào nhưng bên phải thì có
hai hàng người. Trước, sau tôi đều đầy người. Thiên hạ đương chờ đợi nhích lên
từ từ để tới quầy order thức ăn. Bữa nay đặc biệt bên sân vận động có sự tranh
tài của hai đội bóng tròn Pháp-Đức nên khách hàng tụ lại đây đông quá xá đông.
Ai ai cũng ngó mông lung, chờ đợi trong kiên nhẫn phải phép của xứ văn minh,
không có sự xen hàng hay nói năng ồn ào như ở mấy tiệm trong khu phố Tàu quận
13.
Có tiếng của người nào đó, giọng Pháp Á Rập:
‘Không biết có còn món mà mình ưa thích không, Khi tới phiên
mình chỉ còn lại thứ thiên hạ chê thì tức chết.’
Tiếng cười của ai đó:
‘Có thể lắm. Nhưng không chờ thì sẽ không có gì vô bụng, đêm
còn dài!’
Người đứng ngang hàng với tôi lạc quan:
‘Nếu hàng hết thì người ta đã báo cho chúng mình biết rồi.’
Tôi cũng chêm vô:
‘Ở đời nên lạc quan. Như chúng mình đây, đã tới trước cửa tiệm,
chắc ăn hơn người còn ở ngoài xa. Trời lại lạnh.’
Những tiếng cười vỡ vui và những cái nhún vai. Tôi giết thời
giờ bằng cách ngó chung quanh. Thiên hạ hồn nhiên như thiên nhiên sông núi. Cô
gái trẻ đứng ngay sau lưng tôi nói tiếng Pháp giọng Mỹ:
“Chờ đợi cũng là cách thế tu dưỡng nội tâm và thể hiện sự
thư thái.’
Tôi quay đầu lại cười thưởng câu nói thông minh của cô ta.
Cô ta cười đáp lễ, nheo mắt thân thiện.
Bỗng một tràng súng nổ, âm thanh chát chúa, người ta bắt đầu
nhốn nháo, rã tan, tán loạn như sóng bạc đầu đánh mạnh vô ghềnh đá. Cái đuôi
người phía sau cách tôi chừng năm sáu người đã biến mất trong hoảng loạn. Tôi rùng
mình sợ hãi và ngơ ngác ngó chung quanh quên hai bàn tay ôm ngang hông mình của
cô gái đứng phía sau. Một tràng chát chúa khác dài hơn rít xé tai. Tôi nghe tiếng
thét của cô gái và cảm nhận một sự đau buốt vô cùng trên lồng ngực. Tôi té quỵ xuống
ngay tại chỗ cùng với những người mới một phút trước còn trao đổi nầy nọ, cười
đùa… Hai bắp vế tôi nghe lành lạnh, ướt mẹp.
Đưa tay rờ trước ngực thấy máu chảy và cánh tay mình tê dại
lần. Tôi cựa mình vì mặt và tóc quyện đầy máu của cô gái bây giờ úp trên cổ, trên
má tôi. Nghe nho nhỏ như tiếng thì thào: ‘Tôi bị nặng lắm, chắc chết, nhưng anh
phải nằm im.’ Một tràng súng nữa sau tiếng hô lớn như là Allahu Akbar. Allahu
Akbar. Đạn bay sát bên cạnh tỏa ra hơi nóng xả tàn lửa vô đám người rên la lăn
lộn. Tôi ngộ ra rằng mình phải giả chết và dùng cái đầu cô gái che chắn cho
mình chút nào hay chút nấy. Những giây phút yên lặng chết chóc từng lúc từng lúc
bị phá tan bằng tiếng hét lớn cuồng nộ Allahu Akbar, Allahu Akba, dẫn đường cho
một tràng đạn và những tiếng thét đau đớn tiếp theo sau đó.
Hình như là hung thủ đứng phía trái tôi cách không xa lắm,
chừng 3, 4 thước là cùng, bắn rất dè xẻn đạn, đối tượng là những người rên la,
giẩy dụa hay còn ngồi.
Như một thần hộ mạng cho tôi, cô gái thều thào: ‘Nhắm mắt lại,
nín thở!’
Tôi nhắm mắt lại, nín thở thiệt lâu để bụng mình khỏi nhấp
nhô. Khi phải hít vô thì tôi hít từ từ và dùng thiệt ít không khí trong buồng
phổi vì hít vô thì đau ít thôi nhưng thở ra thì sao mà đau thấu trời xanh.
Tôi tưởng tượng Thần Chết cầm cái lưỡi liềm đi quần trong quán,
thấy ai còn cục cựa thì cắt đứt hồn ra khỏi xác. Rồi tôi thấy hung thủ sao bận
đồ trùm đầu giống Thần Chết quá đỗi. Cái liềm bây giờ thì biến thành cây súng máy
ông cầm trên tay và thản nhiên nhả đạn như là làm một bổn phận nhàm chán. Thấy
mình sẵn sàng theo ông ta khi nghe tiếng bước chưn của hung thủ bước nhầu trên
những xác người. Chỉ có cách độc nhứt là khinh thường, ngạo nghễ thách thức với
Thần Chết mới làm cho tôi khỏi run sợ.
Nói ra xin quí bạn đừng cho là tôi ba xạo. Tôi nhắm mắt lại,
kéo tâm trí ra khỏi hiện trường, tưởng tượng mình đương đứng sừng sưng trên mõm
núi cao lộng gió. Tôi đã gieo vần, cấu tứ và đủ bình thản để chọn vần cũng như
lẩm nhẩm trong trí để nhớ bài thơ trong trạng thái quên thực tại. Cuối cùng bài
thơ cũng hoàn thành. Chắc không hay nhưng tác dụng của nó là giúp tôi thoát ra
cái hiện tại kinh khủng của nửa giờ nằm chờ chết.
Cho đến khi tôi tỉnh dậy ở trong nhà thương…..
Anh chàng Tính không nhịn được, hỏi như gắt:
‘Thế còn bài thơ kia đâu ông? Thi sĩ Chưởng như vậy ngon hơn
Tào Thực nhiều.’
‘Làm gì mà nóng vậy ông? Đừng làm tôi quên nha. Nó đây!’ Rồi
tác giả đọc với giọng hiên ngang:
Ta nhổ toẹt vào mặt ngươi, Thần-Chết,
Hiểu lẽ đời Ta ngán sợ chi ngươi.
Liềm tận cổ, xá gì, lo thêm mệt,
Về cõi ngươi Ta không mất nụ cười.
(Thơ
NVS)
Không khí im lặng trầm lắng. Tiếng máy sưởi thì thầm nghe rõ
ràng. Chừng mấy phút sau Chưởng tiếp tục câu chuyện.
Tỉnh dậy trong nhà thương tôi hỏi cầu âu người y tá đứng gần
về cô gái gác đầu trên mình tôi. Anh ta trả lời với bộ mặt đưa ma là cô gái dùng
thân mình cứu mạng ông chết rồi, chết trước khi chúng tôi tới nơi. Có lẽ trước
cả khi hung thủ bị hạ gục.
Tôi như là muốn hét lên một tiếng lớn làm bùng vỡ căn phòng.
Thiệt kỳ lạ, trong lúc mê sâu tôi thấy cô nàng rõ ràng mà. Trong chiêm bao hay trong
cơn mê ngất hễ mình thấy ai rõ nét và đứng trong ánh sáng bình thường thì người
đó còn đương sống. Trái lại người đã chết rồi thì hiện ra lờ mờ ở trong một không
gian có vẽ âm u, hư hư thực thực.
Xin anh Tính và quí bạn khác đừng ngắt lời. Để tôi kể tiếp.
Giấc mơ nầy đặc biệt lắm.
Tôi thấy mình nằm ngay đơ trên giường phủ vãi trắng. Những y
tá bắt đầu tháo ra mấy dây nhợ trước kia gắn vô mạch máu tay tôi để truyền dịch.
Ba, má tôi qua đời ba thập niên trước và thằng Tuấn người em chết trong tù cải
tạo đã mười lăm năm nay đứng kế bên giường ngoắc tôi theo họ. Tôi nghe tiếng má
tôi nói tôi nên về với người thân. Hình ảnh của ba người nầy tôi nhận ra nhưng
hơi mờ và họ như đương đứng ở chỗ có ánh sáng hoàng hôn. Tôi nói là mình còn nhiều
việc chưa làm xong, chưa thể đi được. Thằng Tuấn đưa tay nắm tay tôi biểu đi. Cái
lạ là tay nó không đụng tay tôi nhưng lại xuyên qua tay tôi, mà lạnh buốt. Còn đương
bở ngở thì thấy hiện ra ở bên kia giường cô gái Mỹ không quen đã ngã trên mình
tôi và kêu tôi nằm im giả chết. Kế bên cô ta là đứa cháu ngoại gái bốn tuổi mà
mỗi ngày tôi đều dắt cháu đến trường và đón cháu về nhà giữ cho đến chiều tối
cha mẹ cháu lại rước. Cả hai nắm hai tay tôi dắt vô một cánh cửa sáng trưng. Tới cửa thì tôi đi xuyên qua, bên kia là một vùng
sáng chói chang. Tôi chóa mắt và giựt mình thức dậy, dẫy dụa thiếu điều rớt xuống
giường.
Chuyện sau đó thì thường thôi. Các y tá đương gắn lại những
dây nhợ. Hai ba bác sĩ lăng xăng… Tôi hỏi tin tức nầy nọ, an ủi vợ con, rờ đầu
cảm ơn đứa cháu gái đương đứng bên giường ngó ông ngoại chăm chăm. Tôi không thể
giải thích làm sao cháu lại có thể đi vào giấc mê của tôi. Cháu còn quá trẻ chưa
nhuốm ô uế gì của cuộc đời chăng?
Tôi nghĩ như vầy nè! Có một sự tranh giành giữa người cõi
kia và người cõi nầy khi một bịnh nhơn nào đó tới tình trạng cuối cùng. Cháu gái
tôi và cô gái Mỹ là người cõi nầy. Vậy tại sao cô ta lại phải ra đi? Khôgn hiểu nôi! Thôi thì coi như Bề Trên cần thêm
một người tốt nữa cho công việc ở cõi kia. Tôi tự an ủi như vậy về sự lìa đời của
thần hộ mạng mình.
Còn về việc tại sao cô gái Mỹ kia lại là thần hộ mạng của tôi
thì chịu thua không thể giải thích được.
Trầm, với bản tánh như cái tên của mình, nói trong tiếng thở
dài mà tất cả chúng tôi đều cho là có ý nghĩa:
‘Những cái chết tức thời, dính dáng xa lắc xa lơ tới nguyên nhơn thiệt là
vô lý. Nhưng những người còn sống, dầu ở đâu cũng vậy, phải sống đời mình sao
cho có nghĩa lý.’
Tôi biết tánh Trầm nên không hỏi truy bức, nhưng với tôi đó
là tùy theo quan niệm sống của từng người. Vật chất hay tinh thần mà thôi.
Chưởng trở về từ cõi khác trên hình thể. Chúng ta, những người
không có mặt ở sáu địa điểm bi kịch kia phải trở về từ cõi khác trong tâm hồn
nhân sự kiện kinh hoàng vừa rồi. Câu nói của Đức mấy năm trước khi chúng tôi bắt
đầu thân nhau ù ù trong tai tôi: ‘Cái chết của hồn nước trong tâm thức mới thiệt
sự ghê rợn. Nó làm chết một số đông không thể đếm được.’ Tôi lập lại câu đó trong
bữa tiệc nhỏ hôm nay.
Và hình như sau đó cả bốn người chúng tôi đều lặng thinh, mỗi
người với những quyết định mới.
Bỗng ở cửa sổ nhà có tiếng chị Chưởng kêu lên mừng rỡ:
‘Coi kìa, tháp Eiffel đã đốt đèn lên trở lại. Mà đốt thành
ba màu lá cờ của nước Pháp. Mừng quá!
Ba người chúng tôi đều chạy ra phía cửa sổ để xem cảnh rực rỡ
của Paris, trong đó có ngọn tháp oai hùng tỏa sáng trên nền trời đen đậm. Chỉ
riêng có Trầm, anh giống như cái tên của mình, ngồi trầm ngâm trong tư tưởng.
3. Đức nói nhỏ với tôi là Chưởng thú nhận mình không biết tại
sao lại có thần hộ mệnh nhưng Đức biết. Đó là những hoạt động không mệt mỏi của
Chưởng khi theo con tàu Đảo Ánh Sáng cứu người vượt biển. Đó là sự tham dự trường
kỳ những sinh hoạt cộng đồng dầu vẫn đi làm tuần 38 tiếng như mọi người. Và nhứt
là lời tự hứa sẽ mời dẫn lần lượt một trăm người đi Genève thăm đài kỷ niệm
thuyền nhân và giới thiệu căn phòng lịch sử trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, nơi hơn
sáu mươi năm trước những phe phái tranh quyền đã nhẫn tâm ký kết chia cắt nước
Việt Nam. Con số một trăm anh đặt ra cho chính mình nhưng hai mươi mấy năm nay
chỉ mới hoàn thành độ chừng một nửa…
Tôi liếc nhìn Chưởng bằng cắp mắt xanh khi nghe Đức nói. Người
bạn bị băng bó trước mặt tôi không còn là anh chàng hom hem tay run rẫy nữa mà
biến hình thành một người hùng mạnh mẽ quyết đoán.
Dọn tuần trà đãi khách trước khi chia tay, chị Chưởng vừa rót
nước cho chồng vừa ca nho nhỏ ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…. Tiếng người
đàn bà đã tới tuổi bắt đầu xế chiều vẫn còn gợi cảm nhờ những nốt nhạc tài hoa
của người nhạc sĩ mà tôi cảm phục.
Vẫn vui tánh như lúc nào, Chưởng chọc vợ với giọng cười kéo
dài, dòn tan:
‘Bà nhà đương tôi sử dụng thứ khí giới độc đáo của mình để
giết thời giờ!’
Không cần nhìn hai người, tôi cũng biết rằng sau cơn mưa nước
mắt của Paris, họ đã khắng khít càng khắng khít hơn, đã có một nhận thức tốt hơn
về cuộc đời để bỏ qua những xấu xa kể cả lòng thù hận chủng tộc mà tôi không
bao giờ nghe họ nhắc tới. Họ đương đứng thẳng dậy, tươi vui để trở thành người
khác, thực hiện những gì có ý nghĩa cho chính họ, cho cuộc đời của người chung
quanh.
Nguyễn Văn Sâm
(Victorville, CA, một tuần sau vụ Thứ Sáu 13
ở Paris)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét