4-11-2015
Cuộc biểu tình chống Trung Cộng tại Hà Nội sáng ngày 3 tháng
11 năm 2015 diễn ra được là điều thật bất ngờ. Vì lực lượng an ninh Cộng Sản
đã có kế hoạch đàn áp từ nhiều ngày trước, khi 21 tổ chức cùng ký tên kêu gọi đồng
bào tập họp phản đối chuyến đi của Tập Cận Bình.
Ngoài những biểu ngữ quen thuộc
như: Ðả đảo Trung Quốc xâm lược, hoặc Hoàng Sa-Việt Nam, Trường Sa-Việt Nam, bà
con còn trương lên một khẩu hiệu mới: “Phản đối lệ thuộc Trung Cộng.” Bốn chữ
“Lệ thuộc Trung Cộng” có thể coi như một danh từ, gọi đích danh thủ phạm, tên của
một đảng và một chính quyền!
Hai chữ NO XI, viết tiếng Anh cho cả thế giới hiểu, nghĩa là
không đồng ý đón tiếp Tập Cận Bình (tên là Xi Jin Ping, phiên âm lối Bắc Kinh).
NO U nghĩa là không chấp nhận vùng biển hình chữ U của Cộng Sản Trung Quốc bao
gồm tất cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa coi là lãnh hải Trung Hoa, người
Việt còn gọi là “đường lưỡi bò,” Trung Cộng gọi là “Cửu Ðoạn Tuyến.” Ngực áo NO
U có vẽ bản đồ biển Ðông Nam Á, tô đậm vùng chữ U này với hai nét gạch chéo xóa
bỏ.
Phong trào NO U mới tổ chức cuộc họp mặt kỷ niệm bốn năm kể
từ ngày phát động phong trào. Từ mấy tuần qua trên Facebook khắp thế giới cũng
được coi hình ảnh bốn người Việt yêu nước đeo tấm bảng NO XI trên ngực, đứng giữa
đường với những khuôn mặt tự tin rạng rỡ. Họ đã biểu tình trên mạng trước khi
thực hiện trên đường phố Hà Nội.
Những người dự cuộc biểu tình ngày hôm qua biết chắc sẽ bị
đàn áp, vì trong tuần trước cuộc họp mặt kỷ niệm bốn năm hoạt động của anh chị
em NO U đã bị công an trấn áp từ trước khi bắt đầu. Khi các thành viên NO U mới
tề tựu, đã có mấy người vào trong quán, chiếc xe của họ bị chụp hình cho thấy
cái mũ sĩ quan công an. Anh chị em NO U đang họp mặt thì đèn trong quán tắt
ngúm, trong cả khu vực chỉ có một nhà hàng này bị cúp điện. Sau đó, một nhóm
côn đồ chạy vào quán phá phách, đánh đập nhiều người rồi biến đi rất nhanh.
Trong lúc điện tắt, mấy tay công an ngồi nhậu từ trước cũng biến luôn, cũng
không trả tiền thức ăn và tiền rượu! Công an Cộng Sản không bỏ được thói ăn quỵt
trong lúc làm nhiệm vụ trấn áp người Việt yêu nước!
Trước khi Hà Nội trải thảm đỏ đón rước Tập Cận Bình, báo chí
quốc tế đã nghe nhiều người Việt lên tiếng và đăng lại. Ông Lã Việt Dũng nói với
đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA rằng khi nào Trung Quốc vẫn còn tiếp tục chính sách
bành trướng ở Biển Ðông thì dân Việt không muốn tiếp ông Tập Cận Bình. Blogger
Lê Anh Hùng nhận xét rằng nhân dân Việt Nam lo cho chủ quyền đất nước hơn là giới
lãnh đạo chính quyền. Ông yêu cầu họ phải lắng nghe tiếng nói của người dân.
Chính quyền Cộng Sản không nghe mà còn đàn áp không cho dân
Việt được phát biểu ý kiến. Họ cấm các báo, các đài không được cho những người
dân khác nghe những ý kiến chống Trung Cộng. Chắc phải rất hài lòng về hiệu quả
đàn áp dân của đám đàn em, cho nên trước khi Tập Cận Bình qua nước ta tờ Hoàn Cầu
Thời báo ở Bắc Kinh đã khen ngợi, viết rằng: “…vấn đề Biển Ðông trong năm nay
có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt trong dư luận Việt Nam!”
Tại sao họ có thể nói phong trào phản kháng của dân Việt “hạ
nhiệt rõ rệt?” Ký giả tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan chính thức của Cộng Sản
Trung Quốc, viết rằng: “Mở một trang báo Việt Nam bằng tiếng Anh hôm 29 tháng
10, chỉ thấy tin tức về các vấn đề kinh tế, dân sinh (mà không thấy tin dân
chúng biểu tình chống Trung Cộng). Nhưng ngay người dân Trung Hoa cũng hiểu lý
do: Cộng Sản Trung Quốc vẫn kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông. Ðám tay
sai của chúng ở Việt Nam không bao giờ dám loan tin dân phản đối Trung Cộng!
Cũng vì bộ máy tuyên truyền ở nước ta phải làm tay sai cho cả
Cộng Sản Trung Quốc, cho nên không một báo, một đài nào loan tin về bản tuyên bố
của các nhà trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, phản đối cuộc công du sang
Hà Nội của Tập Cận Bình. Nhưng bản tuyên bố này, được đưa lên mạng lấy chữ ký,
đã trình bày những ý kiến thâm sâu, tha thiết của tất cả mọi người Việt, trước
cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lấn và đè nén.
Bản tuyên bố mở đầu với những lời khẳng định dân Việt Nam
không thù nghịch mà biết xem trọng mối quan hệ hữu nghị láng giềng giữa nhân
dân hai nước. Nhưng những người ký tên phải nêu lên những yêu cầu đối với giới
lãnh đạo đảng Cộng Sản và nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Những lời yêu cầu
tóm tắt như sau:
Thứ nhất, Cộng Sản Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động
đe dọa tính mạng, tài sản và quyền tự do đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam
trên vùng biển thuộc chủ quyền của dân Việt, cụ thể là ở hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa.
Thứ nhì, bản tuyên bố “khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ và
lãnh hải của Việt Nam mà nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã dùng vũ lực cưỡng
chiếm năm 1974.” Vì vậy, cũng cảnh cáo: “Quyết tâm và nguyện vọng của toàn thể
dân tộc Việt Nam chúng tôi trong lịch sử ngàn năm chống xâm lược” là “không bao
giờ quên mục tiêu giành lại từng tấc đất của tổ quốc!”
Bản tuyên bố nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi cực lực phản đối việc
nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và bãi
đá thuộc chủ quyền Việt Nam trong quần đảo Trường Sa và đang bồi đắp thành những
cứ điểm quân sự ngăn chặn tự do hàng hải trên Biển Ðông.” Sau đó còn khẳng định:
“Mọi âm mưu kìm hãm sự phát triển của đất nước chúng tôi để buộc đất nước này
mãi mãi ở thế chư hầu là bất xứng với trí tuệ loài người, sẽ bị lịch sử nguyền
rủa, và chắc chắn sẽ thảm bại!”
Sau những ý kiến nhắn cho ông Tập Cận Bình và Cộng Sản Trung
Quốc, hai điểm còn lại của bản tuyên bố vạch rõ, dù không gọi đích danh, thái độ
nhu nhược, hèn yếu của chính quyền Việt Nam hiện tại đóng vai trò tay sai nước
ngoài.
Trước hết, bản tuyên bố minh định rằng “tình hữu nghị với bất
cứ quốc gia nào” chỉ bền vững nếu hai bên tôn trọng lẫn nhau, khi một nước
“luôn ở thế yếu hèn, không xứng tầm với đối tác” thì không thể nào kéo dài được.
Tiếp theo, những nhà soạn thảo bản tuyên bố nhắc đến giai đoạn
“nước Trung Hoa bị đế quốc Nhật đô hộ từ năm 1937 đến năm 1945” để nhớ lại rằng
“đã có một chính phủ tay sai Nhật được thành lập năm 1940 tại Nam Kinh” trong
thời gian bốn năm (mà người Trung Hoa vẫn gọi là bọn Hán gian). Dùng thí dụ đó
bản tuyên bố nói thẳng rằng hiện nay “chúng tôi chắc chắn rằng một số người Việt
Nam cam tâm làm tay sai cho bọn bành trướng bá quyền, mà trong lịch sử chúng
tôi đã có những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc,…” Những người đó “sớm muộn sẽ bị
nhân dân Việt Nam chúng tôi vạch mặt.”
Cuối cùng, bản tuyên bố xác nhận, “Tình hữu nghị thật sự giữa
nhân dân Trung Hoa và Việt Nam không thể dựa trên những phần tử phản bội dân tộc”
và khẳng định rằng “nhân dân và đất nước chúng tôi chắc chắn sẽ loại bỏ trong
tương lai” bọn phản bội này.
Từ khi phong trào phản kháng Trung Cộng cướp chiếm Hoàng Sa,
Trường Sa và bắn giết ngư dân Việt Nam, những người Việt viết kiến nghị hoặc đi
biểu tình chưa hề công khai lên án những người Việt có trách nhiệm làm cho dân
Việt thành nạn nhân của kế hoạch bành trướng của Cộng Sản Trung Quốc. Ngay
trong các lễ tưởng niệm và các cuộc biểu tình nhân ngày giỗ các tử sĩ khi Trung
Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đảo Gạc Ma năm 1988, ban tổ chức cũng
tránh không nói thẳng đến thái độ nhu nhược của đảng Cộng Sản Việt Nam về những
biến cố này.
Cho nên bản tuyên bố phản đối chuyến công du của Tập Cận
Bình, và cuộc biểu tình nêu đích danh bọn người “lệ thuộc Trung Cộng” cho thấy
phong trào chống bành trướng đang thay đổi. Lịch sử sẽ ghi nhận biến chuyển
này: Lần đầu tiên người dân đã công khai lên án “những người Việt Nam cam tâm
làm tay sai cho bọn bành trướng bá quyền” và gọi đích danh đó là “những phần tử
phản bội dân tộc,” là bọn “lệ thuộc Trung Cộng”
Chính “những phần tử lệ thuộc và phản bội” này đã âm mưu phá
đám cuộc họp mặt của nhóm phát động phong trào NO U trong tuần trước. Ðó là một
âm mưu được bí mật hoạch định và dàn dựng từ lâu, vì chúng đã ngăn cản cả những
người biết rằng sẽ tham dự buổi họp này. Trong buổi chiều ngày 30 tháng 10, cô
Ðoan Trang đã bị bắt vào công an phường Cát Linh trên đường đi tham gia kỷ niệm
sinh nhật NO U. Nhà báo Gió Lang Thang (Nguyễn Anh Tuấn) bị 10 tên cảnh sát, an
ninh và côn đồ canh giữ trước nhà. Khi Tuấn vẫn quyết tâm ra khỏi nhà thì bị
chúng tấn công, phải quay vào.
Nhóm NO U nhận định: “Những kẻ tấn công NO U phải có lòng
căm ghét chủ quyền của Việt Nam lắm, phải căm thù những người chống Trung Cộng
lắm.” Và họ đặt câu hỏi: “Những kẻ này là ai? Ít nhất, chúng đã một lần lộ mặt
khi phá đám lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm nay
mà báo chí trong nước cũng loan tin. Tiến Sĩ Nguyễn Quang lên án: “Những kẻ nào
phá NO U là chống lại tổ quốc, chống lại nhân dân Việt Nam!”
Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng trong một tương lai
không xa, “nhân dân và đất nước chúng tôi chắc chắn sẽ loại bỏ” những kẻ phản bội
này. Bản tuyên bố gửi cho Tập Cận Bình cũng như cuộc biểu tình ngày hôm qua
phát xuất từ Hà Nội, đánh dấu một chuyển hướng. Người Việt Nam đã nhận thức rõ
ràng là muốn thoát khỏi âm mưu bành trướng của Trung Cộng thì Việt Nam phải
thay đổi những người lãnh đạo đất nước.
Không thể nào “Thoát Trung” nếu chưa
“Thoát Cộng!” Không U, Không XI cũng có nghĩa là Không Cộng Sản!
@Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét