Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TỴ NẠN GIÁO DỤC: NẠN CHẢY MÁU CHẤT XÁM Ở VIỆT NAM

Kris Hartley, Diplomat
Trần Văn Minh dịch
04-10-2015

Hình bên: Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG. Nguồn: Shutterstock.com

Một làn sóng di dân mới đang thoát khỏi Việt Nam

Hơn hai thập niên sau cuộc di cư của “thuyền nhân” Việt Nam đạt mức cao nhất, một cuộc di cư mới lại đang diễn ra. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ở độ tuổi đại học đang tìm kiếm bằng cấp ở nước ngoài. 

Những di dân mới – có thể được gọi là “book people” [đọc gần giống “boat people”, chỉ thuyền nhân vượt biển trốn khỏi chế độ CSVN trước đây – ND] – nhận biết giá trị cao của bằng cấp từ trường học ở Mỹ, Anh và Úc. Hơn nữa, nhiều người đã ở lại các nước mà họ theo học sau khi tốt nghiệp, do bị thu hút bởi các công việc lương cao, phù hợp với năng khiếu của họ. Có hai phương cách có thể đảo ngược tình trạng chảy máu tài năng này: sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp quốc nội có giá trị gia tăng cao và tiếp tục cải thiện các trường đại học quốc nội. Hai chiến lược này cũng có thể là lộ trình cho những nước đang phải đối mặt với những thách thức về di dân tương tự.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ tăng gấp 7 lần từ năm 2000 đến năm 2014 (từ 2.266 đến 16.579). Thăm dò này cho thấy rằng, hơn một phần ba số sinh viên Việt Nam ở Mỹ học về kinh doanh. Đây có phải là một bằng chứng về khả năng tệ hại của Việt Nam trong việc giáo dục những nhà lãnh đạo công nghiệp cho thế hệ kế tiếp? Trong một bài báo gần đây, một cựu bộ trưởng giáo dục Việt Nam than phiền về hệ thống giáo dục của đất nước, đã nói rằng “Giáo dục đại học thật là tệ hại. Sách giáo khoa đầy dẫy lý thuyết tẻ nhạt, không cần thiết”. Trong cùng bài báo, một nữ công chức Việt Nam và là mẹ của sinh viên du học mô tả hệ thống “toàn là thúc ép và dối trá”. Than phiền về việc học vẹt và bóp nghẹt sáng tạo vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài những yếu tố lực đẩy này, những yếu tố lực kéo cũng đang khuyến khích luồng di cư của dân tị nạn giáo dục. Một số nước tích cực khuyến dụ sinh viên nước ngoài để tăng doanh thu học phí. Ví dụ, vào năm 2014, chính phủ Canada thông báo ý định tăng gấp đôi số lượng ghi danh học của sinh viên nước ngoài lên khoảng nửa triệu vào năm 2022; Việt Nam được xác định là một “thị trường ưu tiên”, cùng với Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Trong một bài báo tháng 9 trên nhật báo CBC, một nhân viên tại một trường đại học ở Ottawa (không thuộc hàng 50 trường đứng đầu của Canada) đã mô tả việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài là sự cạnh tranh rất “khốc liệt”,” dấu hiệu cho thấy nhu cầu vẫn còn nhiều, ngay cả đối với các học viện kém nổi tiếng.

Các đại học Việt Nam cũng không rút lui trong lặng lẽ. Đầu tư vào cơ sở và tuyển dụng đội ngũ giảng viên quốc tế là xu hướng phổ biến trong cạnh tranh. Một cuộc chạy đua xây dựng cơ sở đại học gần đây đã khiến các trường đại học Mỹ nhảy vào cuộc đua xây dựng ký túc xá, sân chơi thể thao, và trung tâm giải trí cho sinh viên. Nhiều phân khoa đại học hiện nay giống như các câu lạc bộ xa hoa của giới trưởng giả, thậm chí được lọt vào các loại xếp hạng mới [thay vì xếp hạng theo học vấn, có loại xếp hạng theo mức tân kỳ của cơ sở học viện]. Không chịu thua kém, Đại học FTP [đại học tư đầu tiên ở Việt Nam] ở thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố kế hoạch cho một khuôn viên trường “xanh”, mà kiến trúc hùng vĩ của nó mang lại hình ảnh của các trường đại học giàu có nhất thế giới.

Giáo dục là vấn đề cần phải đề cập khi thảo luận về tăng trưởng kinh tế. Không một quốc gia nào muốn bị rơi vào một cuộc chiến tranh chi phí lao động rẻ, bởi vì cuộc rượt đuổi ở dưới thấp sẽ tạo ra một vị thế cạnh tranh không bền vững. Do đó năng suất cao thông qua việc phát triển kỹ năng là một chiến lược thông thường. Tuy nhiên, sản xuất [các mặt hàng] giá trị gia tăng cao có thể phải linh động như [các mặt hàng] giá trị gia tăng thấp, và người ta có thể sẽ phải chứng kiến sự cạnh tranh về đầu tư toàn cầu khi nhu cầu tìm kiếm giáo dục lan rộng. Trong nền kinh tế như Việt Nam, sản xuất công nghiệp – bất kể mức giá trị của nó – vẫn còn bị lệ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay cả việc tiến lên mức thang giá trị gia tăng cũng không thay đổi thực tế rằng, nhiều việc làm trong ngành công nghiệp, bao gồm cả việc ở cấp kỹ sư, được trường đại học đào tạo, được các nhà đầu tư – chủ sở hữu nước ngoài mướn, chỉ vì lợi thế chi phí lao động rẻ. Làm thế nào một quốc gia có thể thoát ra khỏi chu kỳ giá trị gia tăng này để nhảy vọt được?

Loại sản xuất kỹ năng cao cuối cùng vẫn là công việc “dây chuyền”; chúng không phải quản trị mà cũng không phải sở hữu. Mô hình tăng trưởng kinh tế chuyển biến sẽ không xảy ra cho đến khi các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu và quản lý của nhiều doanh nghiệp quốc nội hơn nước ngoài. Điều này không có nghĩa là các công ty nước ngoài không có phận sự tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc nội sẽ giúp luân chuyển lợi nhuận và vốn tốt hơn vào kinh tế Việt Nam; đất nước có thể thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào việc thuê mướn bên ngoài và hướng tới tự túc. Quan điểm này không cổ súy chủ nghĩa biệt lập và cũng không bảo hộ mậu dịch. Doanh nghiệp quốc nội mạnh hơn có thể và nên khai thác các thị trường quốc tế và đầu tư ra nước ngoài. Hủy bỏ các hạn chế thương mại và trợ cấp công nghiệp cũng sẽ giữ áp lực cạnh tranh lên các công ty để họ tiếp tục cải tiến. Cuối cùng, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp quốc nội phải là một nỗ lực từ dưới lên, với sự hỗ trợ của những chính sách giáo dục có chất lượng và thiên về phát triển công cộng.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào giáo dục có thể góp phần để đạt tới mục tiêu này. Sinh viên Việt Nam phải có đầu óc kinh doanh, và hệ thống đại học của đất nước nên chuẩn bị đầy đủ cho họ. Sự gia tăng gần đây của các chương trình học về kinh doanh – nhiều chương trình trong các học viện tư nhân – dường như không thể làm chậm luồng di cư của người “tỵ nạn giáo dục”. Trong một bài báo năm 2013, một cựu hiệu trưởng đại học RMIT – Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên về số lượng sinh viên tốt nghiệp của RMIT ra mở cơ sở kinh doanh riêng. Có lẽ kiểu giáo dục Tây Phương (trong hoặc ngoài Việt Nam) thu hút những người đã có khuynh hướng kinh doanh, nhưng các kỹ năng thu thập được ở các trường đại học nước ngoài cũng có thể định hình chiến lược nghề nghiệp và triết lý kinh doanh của sinh viên theo hướng mới.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể từ cuộc Đổi Mới năm 1986. Tăng trưởng sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự khéo léo và tham vọng của người dân Việt Nam. Thật vậy, Việt Nam gần đây đã tiến lên 19 bậc (tới thứ 54) trong bảng xếp hạng toàn cầu về sáng tạo của Tổ chức Tài sản Trí tuệ Thế giới. Hơn nữa, hệ thống trường trung học của nước này gần đây đã tạo sự chú ý do đứng thứ 12 về toán và khoa học trong các bài kiểm tra PISA quốc tế. Tuy nhiên, một phần đáng lo ngại về tiềm năng sáng tạo to lớn và trẻ trung của Việt Nam tiếp tục bị thua sút phương Tây.

Việt Nam phải làm việc tích cực để thúc đẩy hình ảnh hệ thống giáo dục đại học của mình, không chỉ trong bảng xếp hạng toàn cầu mà còn trong số các công dân của mình. Để cạnh tranh thành công về tài năng, các trường đại học trong nước phải tiếp tục chỉnh đốn chương trình và phong cách giảng dạy mang hình ảnh tự do hơn của các trường đại học phương Tây. Đây là những gì thị trường hiện nay đòi hỏi, và sẽ là một bước quan trọng hướng tới sự tăng trưởng kinh tế có năng lực chuyển biến.


Kris Hartley là giảng viên thỉnh giảng về Kinh tế tại Đại học Quốc gia Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh, và là một ứng viên tiến sĩ tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét