26-10-2015
Hình bên: Khu trục hạm tên lửa hành trình USS Lassen (DDG 82) đã vào phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây thuộc Trường Sa vào hôm nay, 27-10-2015 (Reuters)
Việc Mỹ đưa tàu chiến tiếp cận sâu vào khu vực các đảo biển
Đông mà Trung Quốc cho rằng thuộc “chủ quyền” mình đã dẫn đến câu hỏi rằng, liệu
có khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai bên? Thật ra căng thẳng trong quan
hệ Mỹ-Trung không chỉ là biển Đông và tự do hàng hải. Mà nó nằm trong lý thuyết
chiến tranh mà sử gia Thucydides từng đúc kết trước Công nguyên.
Như Graham Allison, giám đốc Trung tâm Belfer về khoa học và
các vấn đề quốc tế thuộc Trường Harvard Kennedy, viết trên The Atlantic
(24-9-2015), 12 trong 16 trường hợp trong 500 năm qua, trong đó một sức mạnh
đang lên đối đầu một sức mạnh đang trị vì, đều có kết quả dẫn đến chiến tranh
thảm khốc. Điều này đã được sử gia Thucydides thống kê một cách khoa học hàng
ngàn năm trước đó. Dựa vào dữ liệu cụ thể trong quan hệ hai nước Mỹ-Trung hiện
nay, đặc biệt kinh tế, khó hình dung chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, mậu dịch Mỹ-Trung đạt khoảng 600 tỉ USD/năm. Các công ty Trung Quốc đầu
tư vào Mỹ gần 12 tỉ USD năm 2014, so với không đến 700 triệu USD trước đó 5
năm. Hơn 80.000 người Mỹ hiện làm việc cho công ty Trung Quốc so với không đến
15.000 người cách đây 5 năm. Công ty Trung Quốc hiện có mặt tại 340 trong 435
khu vực bầu cử dân biểu tại Mỹ… Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu, việc xảy ra xung
đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ không phải không có khả năng.
Cách đây hơn 2.400 năm, sử gia thành Athens Thucydides nhận
xét: “Nếu sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ này lan truyền ở Sparta thì việc dẫn
đến chiến tranh là không thể tránh khỏi”. Thucydides đã chỉ ra những động lực
chủ yếu: một bên thể hiện ham muốn khẳng định sức mạnh và luôn cảm thấy tầm vóc
quan trọng trong vị thế mới của mình; trong khi bên kia là nỗi sợ bị giành mất
quyền lực và sự quyết tâm bảo vệ vị trí đang có.
Trong trường hợp Thucydides ghi nhận vào thế kỷ thứ năm TCN,
Athens, trong nửa thế kỷ, bắt đầu trỗi dậy dữ dội với sự bùng nổ triết học, sử
học, kiến trúc, mô hình chính trị dân chủ và sức mạnh hải quân. Điều đó khiến
Sparta, trong suốt cả thế kỷ là sức mạnh vô địch trên bán đảo Peloponnese, cảm
thấy bất an. Thucydides cũng nói đến chiến lược xây dựng đồng minh của hai bên
vào thời điểm đó. Cuối cùng, khi xung đột xảy ra giữa đồng minh hai bên
(Corinth và Corcyra), Sparta cảm thấy cần thiết phải bảo vệ Corinth; khiến
Athens cũng xuất binh che chở đồng minh mình. Thế là cuộc chiến Peloponnese nổ
ra. Khi nó kết thúc vào 30 năm sau, Sparta chiến thắng. Cả hai bên đều tổn thất
nặng nề…
Lịch sử luôn cho thấy một khi lợi ích chính trị bị đe dọa thật
sự, người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và sẵn sàng dùng nắm đấm phân
biệt hơn thua. Trước Thế chiến thứ nhất, Anh và Đức là hai đối tác thương mại
chính của nhau. Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến giới chính trị chóp bu London xem
sức mạnh đang lên của Đức là mối đe dọa cho vị trí đế quốc thực dân của họ cũng
như sự ổn định chính trị châu Âu nói riêng về lâu dài. Và dù quan hệ mậu dịch gắn
kết với Anh vẫn tăng đều, Đức vẫn đi đến kết luận rằng Anh đang tìm cách khống
chế, cố tình ngăn cản và “trù dập” sự lớn mạnh của họ.
Ngày 6-5-1910, Vua vương quốc Anh Edward VII từ trần. Dự đám
tang ông, có người kế nhiệm, Vua George V; Hoàng đế Đức Wilhelm; cùng cựu Tổng
thống Theodore Roosevelt đại diện nước Mỹ. Trong buổi gặp, Roosevelt hỏi
Wilhelm rằng liệu ông có thể xem xét việc ngưng chạy đua vũ trang hải quân giữa
Đức với Anh không. Ông hoàng Đức trả lời, Đức không thể dừng kế hoạch hiện đại
hóa hải quân nhưng chuyện chiến tranh giữa Đức và Anh, ông khẳng định, là phi
thực tế; vì “tôi đã được nuôi dạy chủ yếu ở Anh; tôi cảm thấy một phần trong
mình là người Anh. Ngoài nước Đức, tôi quan tâm đến Anh hơn bất kỳ quốc gia nào
khác. Tôi yêu nước Anh!”. Dù vậy, cuối cùng, bất chấp quyền lợi kinh tế song
phương, bất chấp quan hệ huyết thống, chính trị hai nước xấu dần và chiến tranh
xảy ra.
Chiếc bẫy Thucydides thế kỷ 21
Lịch sử đang lập lại, dưới dạng thức mới, thể hiện trong mối
quan hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Trung Quốc không chỉ ngoi lên như một cường quốc
kinh tế mà còn là một sức mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ - như dự báo của Tổng
thống Theodore Roosevelt (nhiệm kỳ 1901-1909) cách đây hơn 100 năm, khi cho rằng:
“Lịch sử tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi vị trí của chúng ta ở
Thái Bình Dương đối mặt với Trung Quốc hơn là vị trí của chúng ta ở Đại Tây
Dương trực diện với châu Âu”.
Vấn đề của thế giới ngày nay, quan sát kỹ sẽ thấy, không phải
là lực lượng khủng bố ISIS; không phải các cuộc tranh giành thể hiện vị thế
chính trị tại những nước như Ukraine hay Syria mà là thách thức địa chính trị,
như một kết quả tất yếu của sự trỗi dậy Trung Quốc, trở thành mối đe dọa lớn nhất
vai trò Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ông Lý Quang Diệu từng nhận xét:
“Kích cỡ sự soán chỗ yếu tố cân bằng thế giới của Trung Quốc trở nên dữ dội đến
mức thế giới buộc phải tìm kiếm một sự cân bằng mới”. Sự cân bằng mới này không
chỉ nằm ở hồ sơ đối ngoại mà còn quân sự.
Nếu cần phải giải quyết mâu thuẫn bằng quân sự, ít nhất là
giao tranh cục bộ ở diện hẹp, thì năm nay là thời điểm “thích hợp” đối với cả
hai bên. Với Trung Quốc, nội loạn xã hội và những cơn sóng ngầm tranh quyền phe
nhóm tại Trung Nam Hải đang căng thẳng hơn bao giờ hết; trong khi đó, mùa bầu cử
tổng thống Mỹ là thời gian tốt nhất để Trung Quốc càn quét biển Đông nếu Obama
không tận dụng thời gian còn lại của nhiệm kỳ để khẳng định bằng hành động cụ
thể về cái gọi quyền tự do hàng hải mà lâu nay ông chỉ nói bằng mồm.
………
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét