Trí Nhân Media
12-12-2014
Hình bên: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Ngày 6 và 7/12/2014, tại miền nam California đã có hai ngày hội thảo " Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975" tại hội trường báo Người Việt (ngày 6/12/2014) và hội trường báo Việt Báo (7/12/2014) .
Quả thât đây là một sinh hoạt văn hóa lớn chưa từng có trong cộng đồng người Việt tị nạn CS trong gần 40 năm qua. Với những thuyết trình viên tên tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới, với các bài viết đươc soạn thảo đầy công phu đã giải tỏa những thắc mắc về một nền văn học tuy non trẻ nhưng bộc phát phát triển nhanh chóng tại miền Nam Việt Nam.
Buổi hội thảo được kết thúc bằng một bài thuyết trình rất đặc biệt của Trang Đài Glassey - Trần Nguyễn, một chuyên gia về nhân chủng học tại Hoa Kỳ, một người trẻ Việt Nam thuộc thế hệ hậu chiến.
Bài viết đã chất chứa tâm tình của một người thuộc "thế hệ hậu chiến" muốn giữ gìn và phát triển nền văn học "thất thủ". Và "Thất thủ không có nghĩa là bị huỷ diệt, mà ngược lại, chính trong sự bức chế đó, mà những mầm sống mới vượt lên, một mùa văn học mới đâm chồi, nẩy lộc" (Trang Đài) .
Trang Đài khẳng định: "Chúng tôi đã từng mồ côi, nhưng không chấp nhận mồ côi". Và không thể không xúc động khi Trang Đài phát biểu :"Muốn có một văn khố lưu giữ tinh hoa nền văn học miền Nam trước 1975, thì chỉ những ‘người trong cuộc' mới làm công việc này đến nơi đến chốn. Giới trẻ cầm bút tại hải ngoại có bắt được nhịp cầu với quá khứ để tiếp tục bồi thố cho văn chương Việt trong thế kỷ 21 trên thế giới hay không, còn tuỳ thuộc vào những thừa kế văn chương cụ thể mà họ nhận được từ thế hệ đi trước. Xin hãy trao Văn Học Miền Nam cho Giới Trẻ Việt Nam toàn cầu.".
Trang Đài quả thật là một nhân tố hiếm quí của đất nước. Và xin mượn lời nhà văn Bùi Bich Hà (chủ tọa buổi thuyết trình) để giới thiệu về Trang Đài.
Quả thât đây là một sinh hoạt văn hóa lớn chưa từng có trong cộng đồng người Việt tị nạn CS trong gần 40 năm qua. Với những thuyết trình viên tên tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới, với các bài viết đươc soạn thảo đầy công phu đã giải tỏa những thắc mắc về một nền văn học tuy non trẻ nhưng bộc phát phát triển nhanh chóng tại miền Nam Việt Nam.
Buổi hội thảo được kết thúc bằng một bài thuyết trình rất đặc biệt của Trang Đài Glassey - Trần Nguyễn, một chuyên gia về nhân chủng học tại Hoa Kỳ, một người trẻ Việt Nam thuộc thế hệ hậu chiến.
Bài viết đã chất chứa tâm tình của một người thuộc "thế hệ hậu chiến" muốn giữ gìn và phát triển nền văn học "thất thủ". Và "Thất thủ không có nghĩa là bị huỷ diệt, mà ngược lại, chính trong sự bức chế đó, mà những mầm sống mới vượt lên, một mùa văn học mới đâm chồi, nẩy lộc" (Trang Đài) .
Trang Đài khẳng định: "Chúng tôi đã từng mồ côi, nhưng không chấp nhận mồ côi". Và không thể không xúc động khi Trang Đài phát biểu :"Muốn có một văn khố lưu giữ tinh hoa nền văn học miền Nam trước 1975, thì chỉ những ‘người trong cuộc' mới làm công việc này đến nơi đến chốn. Giới trẻ cầm bút tại hải ngoại có bắt được nhịp cầu với quá khứ để tiếp tục bồi thố cho văn chương Việt trong thế kỷ 21 trên thế giới hay không, còn tuỳ thuộc vào những thừa kế văn chương cụ thể mà họ nhận được từ thế hệ đi trước. Xin hãy trao Văn Học Miền Nam cho Giới Trẻ Việt Nam toàn cầu.".
Trang Đài quả thật là một nhân tố hiếm quí của đất nước. Và xin mượn lời nhà văn Bùi Bich Hà (chủ tọa buổi thuyết trình) để giới thiệu về Trang Đài.
(Nhà văn Bùi Bích Hà) Trangđài Glassey-Trầnguyễn (trangdai.net), một
chuyên gia nghiên cứu về Cộng đồng người Việt hải ngoại, là học giả duy nhất
trên thế giới đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu với người
Việt ở cả bốn châu lục: Á, Âu, Úc, và Mỹ.
Một tác giả song ngữ đoạt nhiều giải
thưởng, Trangđài tiên phong ghi lại lịch sử của người Việt tại Quận Cam qua Dự
án Vietnamese American Project từ thập niên 1990 bằng chính student loans của
mình, và đoạt giải quán quân tại cuộc tranh tài nghiên cứu của CSU năm 2004 với
bài viết “Quận Cam, Sử Vàng.”
Cô là người Việt duy nhất được Bộ Ngoại Giao Hoa
Kỳ cấp học bổng Fulbright tòan phần, bậc tối ưu, để nghiên cứu về người Việt tại
Thụy Điển. Cô tốt nghiệp 4 cử nhân cùng lúc, là thủ khoa 2 ngành và cũng tốt
nghiệp cao học Sử Học với hai giải thủ khoa tại CSUF. Trangđài tốt nghiệp Cao học
ngành Nhân chủng học tại Đại học Stanford, và hiện đang hoàn tất chương trình
tiến sĩ.
***********
40 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM THẤT THỦ: THẾ HỆ HẬU CHIẾN
***********
40 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM THẤT THỦ: THẾ HỆ HẬU CHIẾN
KHƯỚC TỪ THÂN PHẬN MỒ CÔI
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Xin cám ơn Nhà văn Bùi Bích Hà,
Xin trân trọng kính chào quý vị,
Trong phần trình bày của mình, tôi xin
nhắm tới bốn điểm chính.
1.
Thứ
nhất, 40 năm Văn học miền Nam thất thủ từ cái nhìn của thế hệ hậu chiến;
2.
Thứ
hai, một số hệ quả văn học và ngôn ngữ đối với thế hệ hậu chiến;
3.
Thứ
ba, chúng tôi từng mồ côi, nhưng không chấp nhận mồ côi;
4. Và
để kết, tôi xin đưa ra một vài gợi ý về căn tính sắc tộc trong sáng tác của những
thế hệ ngoại biên, nhất là tương quan của họ với tiếng Mẹ đẻ trong quá trình
sáng tạo.
Bài nói này được soạn riêng cho chương
trình Hội Thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975 cuối tuần này, và là một đề tài liên
quan trực tiếp đến những chuyên đề nghiên cứu về người Việt hải ngoại mà tôi thực
hiện từ đầu thập niên 90s. Phần trình bày của tôi cũng mang tính bắc cầu, không
thuần tuý chỉ nói về giai đoạn văn học hai-mươi-mốt-năm này, mà hướng tới ảnh
hưởng của nó đối với những thế hệ sáng tác sau đó tại hải ngoại. Vì giới hạn về
thời gian, tôi chọn nói về căn tính di dân và căn tính sắc tộc trong tương quan
với đề tài của cuộc Hội Thảo, và do đó, chỉ trích dẫn một số tác giả nhất định
trong giai đoạn văn học này. Cánh đồng Văn học Miền Nam mênh mông nhiều màu sắc,
và có nhiều tác giả cũng như tác phẩm liên quan đến đề tài này mà tôi chưa có dịp
tham khảo vì không có đủ tài liệu. Tôi tin tưởng rằng, khi có một văn khố quy tụ
những tác phẩm của Văn Học Miền Nam (và khi tôi dành dụm đủ thời gian để đọc những
tác phẩm đó), thì tôi có thể bổ túc thêm cho phần trích dẫn của mình.
I.
40 năm Văn học
miền Nam thất thủ từ cái nhìn của thế hệ hậu chiến:
Tôi gọi nền văn học miền Nam 1954-1975
là nền văn học thất thủ vì hai lý do. Thứ nhất, cũng như chính thể Việt Nam Cộng
Hoà lúc đó, giềng mối của cả một nền văn học đã bị cầm tù, bị đày vào biệt
giam, đã đi di tản, đã đi kinh tế mới, đã đi vượt biên, đã chết trong tù, đã bị
cấm khẩu, đã bị truy sát. Thứ hai, cũng như cộng đồng di dân Việt hải ngoại đi
từ miền Nam, nền văn học thất thủ này cũng đã được tái thiết và chuyển mình,
thoát thai thành một nền văn học hải ngoại mạnh mẽ và đa dạng. Thất thủ không
có nghĩa là bị huỷ diệt, mà ngược lại, chính trong sự bức chế đó, mà những mầm
sống mới vượt lên, một mùa văn học mới đâm chồi, nẩy lộc.
Trong bài nói này, tôi nhìn về văn học
miền Nam từ kinh nghiệm của một người thuộc thế hệ hậu chiến, và nhìn về nền
văn học đó trong tương quan với cộng đồng Việt hải ngoại trên thế giới. Cho nên
hai chữ ‘thất thủ' chính là tiền đề cho một cuộc đổi đời, một khởi đi tang
thương nhưng trên một lộ trình nhiều hy vọng và vận hội. Đâu là những vận hội?
Tôi xin nhắc qua khía cạnh văn hóa. Cộng đồng chúng ta may mắn đã đến Mỹ trong
một thời điểm thuận lợi cho việc duy trì văn hoá và ngôn ngữ gốc. 50 năm trước
đó, người dân thiểu số ở Mỹ, chẳng hạn như người Nhật, không có quyền sở hữu bất
động sản và không được nói tiếng mẹ đẻ. Ngay cả trẻ em gốc Mễ Tây Cơ cũng bị phạt
khi nói tiếng Tây Ban Nha tại trường. Nhờ phong trào tranh đấu dân quyền của thập
niên 50s, 60s, và nhờ vào trào lưu đa văn hoá (dù có những giới hạn của nó), mà
khi người Việt tỵ nạn đặt chân đến Mỹ, chúng ta có nhiều ưu đãi so với các sắc
dân thiểu số khác khi họ mới định cư tại Hoa Kỳ trước đó. Chẳng hạn như ngay từ
những ngày đầu, học sinh Việt Nam được hướng dẫn song ngữ trong các lớp học,
vân vân.
Để hiểu cái nhân diện lưu vong của người
Việt hải ngoại, thì cần hiểu kinh nghiệm của người Việt trước khi di cư. Vì phần
lớn dân số gốc Việt tại hải ngoại ra đi từ miền Nam, kinh nghiệm của họ ở miền
Nam trước 1975 là mấu chốt để hiểu về tâm tư và đời sống của họ ở hải ngoại, nhất
là của thế hệ thứ nhất. Văn chương là một cửa ngõ lý tưởng để hiểu về
kinh nghiệm con người, vì nó giúp chúng ta thấu hiểu những ẩn áo
của một xã hội, một thời đại qua những vi tế về tình cảm và tâm
lý của con người trong xã hội và thời đại đó.
Khi nhìn về chiều dài lịch sử, thì người
Việt đã có kinh nghiệm tỵ nạn từ trong nước, chứ không phải đến khi di cư
ra hải ngoại cách ồ ạt từ năm 1975. Tuy kinh nghiệm di dân của người Việt (hay
bất cứ dân tộc nào trên thế giới) đã bắt đầu từ hàng trăm năm trước, trong
khuôn khổ của bài nói này, tôi chỉ đề cập đến giai đoạn từ thế kỷ hai mươi cho
đến hôm nay vì giai đoạn này có ảnh hưởng trực tiếp đến nền văn học mà chúng ta
đang bàn đến. Việt Nam ở thập niên 1940-1950 đối diện với sự khánh chung của chế
độ đô hộ Pháp, sự hiện diện của quân đội Nhật, và sự can thiệp của Mỹ. Người
dân đã phải thường xuyên chạy loạn, tránh bom tránh đạn, và lưu lạc ở các nước
lân cận. Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954 là một biến cố gây nhiều xáo trộn,
và hơn hai triệu người đã rời Bắc đi vào Nam. Sáu mươi năm sau, nhiều gia đình
vẫn còn thất lạc nhau hay sống trong ngăn cách cho đến ngày hôm nay. Những biến
cố khác cũng đẩy người Việt vào kinh nghiệm tỵ nạn ngay trên quê hương mình,
như cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Tác phẩm “Giải Khăn Sô cho Huế"
của nhà văn Nhã Ca ghi lại những kinh hoàng và tuyệt vọng của người dân trong
biển chết.
Do đó, tôi cho rằng với một lịch sử đầy
di tản và lưu lạc như vậy ngay trên quê hương mình, người Việt đã có một căn
tính di dân trước khi Sài Gòn thất thủ tháng Tư năm 1975. Tuy nhiên, mức độ và
sự đột ngột của biến cố này đưa căn tính di dân lên mức độ quốc tế. Sự ra đi của
người dân miền Nam kèm theo một nỗi mất mát to lớn: mất quê hương, mất gia
đình, mất đất nước, mất quá khứ cá nhân. Nhiều người ra đi với ý nghĩ là mình sẽ
không bao giờ được nhìn thấy quê hương lần nữa. Đây có lẽ là niềm mất mát lớn
nhất vì tâm tình gắn bó với quê hương, xứ sở của người Việt. Năm 1975 là một thời
điểm mới và một bước ngoặt dứt khoát trong tâm thức di dân của người Việt, khi
chúng ta bị đặt ra ngoài đất nước, không như năm 1954 hay 1968. Bên cạnh đó,
văn hoá Việt Nam cọ xát với văn hoá phương Tây một cách dữ dội hơn, không chỉ
như trong thời Pháp thuộc hay thời chiến tranh Việt Nam, vì khi còn trong nước,
môi trường vẫn mang Việt tính, văn hoá chủ lưu tiềm tàng trong đời sống hằng
ngày vẫn là văn hoá Việt. Ở hải ngoại, văn hoá Việt trở thành văn hoá di dân,
văn hoá sắc tộc, văn hoá thiểu số, phải chịu sự chi phối của văn hoá chính ở đất
nước tạm dung.
Vì vậy, ở năm
1975, căn tính di dân của người Việt mang một ý nghĩa mới, vì người Việt đã thực
sự lưu vong. Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cận đại, nếu chúng ta nhìn vào năm
1954 và 1968 như là khởi điểm cho cuộc xuất hành năm 1975, thì có một sự tiếp nối
của căn tính di dân khởi đi từ giữa thế kỷ hai mươi từ trong nước, và mở rộng
ra thế giới năm 1975. Vì sự tiếp nối này, nền văn học miền Nam 1954-1975 là
điểm bắt đầu cần thiết cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về người Việt
hải ngoại. Từ cái đứt đoạn Bắc Nam năm 1954, đến cái vỡ nát của miền Nam
1975, tâm thức của người dân Việt bị phân tán ở hai mức độ: quốc gia, và quốc tế.
Nếu nhà văn quá cố Mai Thảo, qua tâm tình của Phượng trong “Đêm Giã Từ Hà Nội,”
đã cảm thấy xa Hà Nội dù chưa rời Hà Nội, thì người Việt tỵ nạn sau tháng
Tư 1975 đã cảm thấy xa quê hương đến chừng nào khi đã phải lìa bỏ
đất nước trong cấp bách và đau đớn.
Chúng ta cùng nghe lại tâm tình của cố
nhà văn Mai Thảo trong truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, do Người Việt
xuất bản tại Sài Gòn năm 1955.
“...Phượng nhìn xuống vực thẳm.
Hà Nội ở dưới ấy.
Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia.
Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái
Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một
phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi
niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.
Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia,
đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không
đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt
đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ
vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt
đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn
đường cấm, những vùng không người.
Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn
là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội
hình như đã ở bên kia.”
Nhưng Phượng dù lưu luyến Hà Nội, đã dứt
áo ra đi, vì anh đi cùng với trào lưu của thế giới Tự Do. Anh không đi một
mình:
“...Đứng một
mình trong đêm dài, trước một Hà Nội ngủ thiếp, Phượng nghĩ đến những người bạn
đường đã vượt Hồng Hà, đã bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc trước anh, vượt vĩ tuyến về tiếp
tục cuộc đấu tranh cho tự do, cho con người, trên phần đất nước còn lại. Anh biết
rằng thời đại, trong ngày tới sẽ nối kết con người bằng một ý niệm một hệ thống
tự do. Tâm trạng của Phượng đêm nay cũng là tâm trạng của một người thợ máy Đức,
một người dân cầy Triều Tiên, đang ngày đêm vượt khỏi những vĩ tuyến tù đày để
tìm một hướng đi, một chân trời có không khí và ánh sáng.”
Dù Phượng cảm thấy một tình liên đới với
những người đang đi tìm tự do khác trên thế giới, anh vẫn đang ở trên mảnh đất
quê hương. Cái ý thức liên quốc gia ấy chỉ làm cho anh thêm mạnh mẽ, vững tin
vào chọn lựa của mình và tương lai phía trước. Đó là tâm tình của người Việt rời
Bắc vào Nam. Trong khi Phượng đau đớn chia lìa Hà Nội nhưng ra đi với tâm trạng
đầy hy vọng, đi về vùng sáng, đi về miền tự do, thì người Việt ly hương năm
1975 đã ra đi - vẫn đi tìm tự do - nhưng với tâm trạng ly hương, mất mát khôn
cùng. Khi người Việt rời miền Nam để đi vào thế giới, thì tuy họ cũng đi tìm “một
chân trời có không khí và ánh sáng,” nhưng nỗi đau chia lìa quê hương đã phủ lấp
bất cứ một vùng sáng nào, để như nhà thơ Du Tử Lê diễn tả trong bài thơ “Thơ Viết
từ Camp Pendleton” (tháng 6, 1975), người Việt di tản năm 1975 cảm thấy mình
không còn là mình nữa. Thưa quý vị, tôi nói đến bài thơ này dù nó không nằm
trong dòng văn học miền Nam 1954-1975, bởi vì nó có liên hệ máu mủ với dòng văn
học đó, trong sự nối dài của căn tính di dân của người Việt.
“cám ơn
cám ơn Pendleton
đã cho ta túp lều
chui ra chui vào
thập thò và rụt
rè
như một con chuột
con chuột da
vàng
với một óc rỗng
không
và đôi tay thừa
thãi”
II.
Một số hệ quả
văn học và ngôn ngữ đối với thế hệ hậu chiến:
Tôi chào đời sau chiến tranh, cuối năm
1975, và là ‘ba rọi' thứ thiệt - hay đối với quý vị nào thích sữa thì có thể
nói, tôi là sữa ‘half and half' - vì đã sống đúng nửa đầu đời ở Việt Nam và nửa
sau ở hải ngoại. Với kinh nghiệm sống đó, và với niềm đam mê văn chương Việt
Nam cận đại, tôi đã tìm hiểu về giai đoạn
văn học này với những thuận lợi từ những phương pháp tra khảo tôi dùng trong học
thuật. Tôi lại được ở ngay tại Quận Cam, và với bình nguyên internet rộng lớn,
tôi có thể dò dẫm xếp những mẩu puzzle lại với nhau cho bức tranh văn học này,
và đây là một công việc gian nan. Tôi nghĩ, với các bạn trẻ khác không có những
điều kiện thuận lợi như tôi, thì chắc chắn việc tìm hiểu về giai đoạn văn học
này còn khó khăn, mù mịt hơn nhiều.
Lập ra một văn khố về giai đoạn văn học
miền Nam 1954-1975 là một công trình to lớn, đòi hỏi một thời gian dài nhiều
năm và nhiều công đoạn. Tôi mong rằng công trình này sớm được thực hiện, để những
thế hệ như tôi và trẻ hơn có thể tìm được nhịp cầu, đi vào một nền văn chương rực
rỡ đã giúp định hình cho văn học hải ngoại, mà nền văn chương ấy, tuy xán lạn,
nhưng vẫn còn ẩn mình đối với thế hệ bo bo và thế hệ ngoại biên chúng tôi.
Tuy những người phụ nữ trong gia đình
tôi hay kể chuyện ‘đời xưa' chúng tôi nghe, nhưng mãi đến khi tôi mang thai đến
lần thứ ba, thì có những điều Mẹ tôi mới nói cho tôi biết về tuổi thơ của tôi.
Có lẽ, tôi cần làm mẹ thì mới biết mà nói về những đề tài này. Mẹ kể, khi Mẹ
sanh tôi mới bốn tuần, Mẹ đã bị điều đi về vùng kinh tế mới để dạy học, còn Ba
tôi đã đi cải tạo cả mấy tháng trước đó, mà gia đình cũng không biết Ba tôi
đang ở đâu. Chuyện tôi chào đời không cha là chuyện tôi biết từ nhỏ, vì tôi
cũng lớn lên không cha đến năm 19 tuổi. Nhưng chuyện mà tôi là một đứa trẻ sơ
sinh không mẹ là chuyện làm tôi ngạc nhiên và phẫn nộ. Đối với tôi, một đứa trẻ
có quyền được ở bên mẹ nó khi mới chào đời. Mẹ tôi phải dứt sữa tôi khi tôi
chưa được đầy tháng. Có lẽ đó là một trong những lý do mà trong cả cuộc đời,
tôi luôn cảm thấy một lỗ trống trong tâm tư, dù tôi cảm kích tình thương và sự
hy sinh mà mẹ tôi dành cho chị em chúng tôi, và cả con cái chúng tôi nữa. Tôi
không chỉ bị dứt sữa cách oan ức lúc chưa đầy tháng, mà quan trọng hơn hết, tôi
bị tước đoạt cái quyền của một đứa bé được mẹ ôm ẵm, vỗ về, nâng niu, chăm sóc
khi còn đỏ hỏn.
Nói về mặt văn chương, thì dòng văn học
miền Nam (cả nền văn học Việt Nam trước đó, vì thế hệ cải cách giáo dục chúng
tôi phải học nền văn học nhồi sọ) chính là mạch sữa mà thế hệ chúng tôi đã bị
tước đi. Khi đọc “Bụi và Rác" của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tôi mới biết
những cái tréo ngoe của ngôn ngữ miền Nam sau khi “bị giải phóng.” Tôi đọc tác phẩm này vào khoảng năm 2005. Nếu ở
trong nước, chắc chắn tôi sẽ không được biết tác giả lẫn tác phẩm. Bây giờ, tác
phẩm này được phổ biến ở nhiều nơi trên mạng internet, và những rào cản của sự
trao đổi thông tin trong nước đã bị giật sập, dù vẫn còn đó những tường lửa và
những hàng rào kẽm gai kềm hãm tư tưởng con người. Nếu tôi không sống ở hải ngoại,
thì có lẽ tới bây giờ, tôi mới có dịp đọc “Bụi và Rác,” NẾU - và đây là một chữ
nếu rất lớn - nếu tôi cố tâm đi tìm hiểu dòng văn học đã bị trù dập 40 năm qua.
Trong một bài nghiên cứu chuyên đề, tôi
đã lập luận rằng nền văn học (và nghệ thuật) theo chủ đề tỵ nạn và di dân ở hải
ngoại được xây dựng trên bệ phóng vững vàng của nền văn học miền Nam 1954-1975.
Khi đọc “Đêm Giã Từ Hà Nội” của nhà văn Mai Thảo, tôi nhận ra rằng, tác giả đã
là người tỵ nạn, đã ly hương trước khi ông rời Hà Nội. Cái quyết định ra đi vốn
dĩ đã là một sự cách ngăn lớn lao, dù chỉ đi về phương Nam, vẫn còn thuộc về mảnh
đất Việt Nam, nhưng là “vùng ánh sáng, miền tự do.” Đọc “Giải Khăn Sô cho Huế”
của nhà văn Nhã Ca, thì rõ ràng, sự bất an và bất định trong đời sống của người
dân thời loạn đã biến đời sống hằng ngày thành đời sống tỵ nạn với những dời đổi,
sống chết, còn mất của nó.
Chính quyền mới sau 1975 đã áp dụng nhiều
chương trình cải cách đối với miền Nam và cả nước: cải cách ruộng đất, cải cách
kinh tế, cải cách giáo dục. Nhưng có một chương trình cải cách rốt ráo nhưng
bán công khai, không có danh xưng, là cải cách ngôn ngữ. Người ta dùng những
ngôn từ mới để phân biệt những thành phần phản động, và để loại trừ những cá
nhân không được chế độ mới chấp nhận. Như cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã tỉ mỉ
ghi lại, người ta chỉ cần vịn vào một từ để kết án người nói là phản động. Do
đó, về mặt ngôn ngữ, thế hệ hậu chiến không chỉ phải ăn bo bo, mà còn phải ăn cả
khoai mì độc. Mà vì nền văn học miền Nam đã thất thủ và đã đi lưu vong, nên những
thế hệ hậu chiến hoàn toàn mù tịt về nền văn học đó, và không biết rằng, mình
đang sử dụng một thứ tiếng Việt đã bị nhiễm độc và nhồi sọ. Cho đến khi chúng
tôi đầu thai ra hải ngoại.
III.
Chúng tôi đã từng
mồ côi, nhưng không chấp nhận mồ côi:
Thế hệ chúng tôi sinh ra mồ côi, vì cha
thì đi cải tạo, mẹ thì đi kinh tế mới, văn học thì bị chôn sống. Nhưng sau bốn
thập niên, chúng tôi đã đoàn tụ với cha mẹ, đã truy ra được những manh mối để
đòi lại di sản văn học mà chúng tôi bị tịch thu. Chúng tôi khước từ làm kẻ mồ
côi trong gia đình chữ nghĩa của Việt Nam và của thế giới.
Tôi may mắn được sống nửa cuộc đời
ở Việt Nam và nửa cuộc đời ở Mỹ. Nhưng tôi không may mắn rơi vào lớp
đầu tiên trong chương trình cải cách giáo dục của chính quyền hậu
1975. Như đã nói, điều này cũng có nghĩa là tôi biết rất ít hoặc không
biết gì về nền văn học của miền Nam trong giai đoạn trước khi tôi
chào đời. Trong bài nói ngắn này, tôi sẽ không nói đến những người
trẻ cầm bút viết bằng Tiếng Việt. Tôi nghĩ, ở nhiều cách, cái quan
hệ huyết thống giữa những thế hệ sáng tác trước 1975 tại miền Nam
và những thế hệ ngoại biên tại hải ngoại sáng tác bằng Việt ngữ đã là
điều rõ ràng. Ở đây, tôi xin mạo hiểm và nhìn vào thế hệ gốc Việt
sáng tác bằng Anh ngữ là chính, và nhận định rằng, cho dù họ không trực tiếp thừa hưởng
nền văn học miền Nam 1954-1975, thì họ vẫn chịu ảnh hưởng của nền
văn học này qua chính kinh nghiệm sống và môi trường cộng đồng.
Có lẽ nhiều vị sẽ cho rằng tôi hơi lạc quan. Xin trấn an qúy vị ngay,
rằng tôi mắc bệnh lạc quan mãn tính, và không có ý định điều trị. Tôi xin
phép đưa ra một vài lý do tôi dám lạc quan trong trường hợp này.
Một điều hiển nhiên là nền văn học
miền Nam trước 1975 chính là nền tảng vững vàng cho văn học và
truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại trong suốt 40 năm qua. Đối với
tôi, phục hoạt văn học miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 tại hải ngoại
là một giấc mơ đẹp nhưng bất bất khả thi, vì điều kiện sống và làm
việc ở hai thời điểm và địa điểm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, từ
tâm tư của một thế hệ hậu chiến, tôi thiết tha muốn nhận cái di sản
từ giai đoạn văn học này vì nếu không có được di sản này, thế hệ
của tôi và các thế hệ sau sẽ là những cái cây không có rễ, với
những cái gốc ghép nối từ giống toàn cầu hay địa phương mà thiếu đi
cái căn tính Việt. Thêm vào đó, nền văn học miền Nam là nguồn tư tưởng và
ngôn ngữ gần nhất đối với thế hệ hậu chiến về mặt thời gian, và có thể trực tiếp
khai mở cho chúng tôi về xã hội miền Nam về những thế hệ ngay trước chúng tôi.
Đây là nhịp cầu cần thiết để chúng tôi biết về quá khứ của cộng đồng và gia
đình mình, giúp chúng tôi hiểu thêm mình đã đến từ đâu và đến như thế nào. Việc
hiểu về lịch sử cá nhân và cộng đồng có ảnh hưởng quan trọng đối với nhân diện
và tâm lý của một người. Tiến sĩ Eliza Noh, trong luận án từ nhiều năm nghiên cứu
của cô tại Đại học Berkeley, đã kết luận rằng một trong những lý do khiến nhiều
thiếu nữ Mỹ gốc Á tự vận là vì họ cảm thấy mất liên lạc với quá khứ của gia
đình. Nếu những người cầm bút thế hệ hậu chiến không giữ được liên lạc với văn
học miền Nam qua những tác phẩm cụ thể, họ có thể lâm vào sự bế tắt tương tự,
và bỏ sáng tác.
Khi nền văn học miền Nam bị bức
tử, thì những tinh hoa của nó bị dùng để truy sát và cưỡng bức
người dân miền Nam, nhất là giới trí thức và sáng tác. Trong tác
phẩm kinh điển "Bụi và Rác," cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã
ghi lại những cái vi tế trong cuộc thảm sát chữ nghĩa, mà tôi cho
rằng là một cuộc cải cách không tên được thực hiện rốt ráo ngay từ
sau ngày Hồng quân Bắc Việt tiến chiếm miền Nam. Chính quyền mới hô
hào và thực hiện nhiều cuộc cải cách một cách công khai và rầm rộ,
nhưng cuộc cải cách bỉ cực nhất lại là một hành trình nô lệ vô
danh. Tiếng Việt đã bị nô lệ hóa và bần cùng hóa, để những thế hệ
hậu chiến như tôi không chỉ còi cọt về thể chất vì ăn độn bo bo, mà
còm cõi vật vờ về chữ nghĩa vì bị trúng độc. Khổ nỗi, chính
chúng tôi không biết mình trúng độc, cho đến khi không còn sống trong
môi trường nhiễm độc nữa. Để giải độc, chính chúng tôi phải ý thức
và chấp nhận cắt bỏ những phần cơ thể bị trúng độc của mình, như
một người bị ung thư phải giải phẫu để bỏ đi những gì đã bị hư
thối.
Một điều đáng mừng là có nhiều
gia đình gốc Việt có phụ huynh là người cầm bút đã nuôi dưỡng tình
yêu chữ nghĩa trong thế hệ con cháu, và như vậy, ảnh hưởng của nền
văn học miền Nam có ảnh hưởng rõ rệt xuyên thế hệ. Thi sứ Đỗ Lệnh Ái
Linh, ái nữ của Nhà văn/Luật sư Đinh Từ Bích Thuý và cháu ngoại của Nhà
báo/Bình luận gia Đinh Từ Thức, là một trường hợp. Để di sản của nền văn
học miền Nam không bị mai một và để ảnh hưởng của nó được rộng
khắp, thì cái di sản đó cần được hệ thống hóa và trao lại cho những
thế hệ tiếp nối. Tuy vậy, chữ nghĩa là một phạm trù rắc rối và phức
tạp. Nó không rõ ràng như bài toán cộng. Tôi không thể nói một cách
chắc chắn rằng, vì tác giả X của thế hệ 1 đã ảnh hưởng đến tác
giả Y của thế hệ 2, hay tác giả Z của thế hệ 3. Nhưng những sợi tơ
vô hình vẫn đan xuyên các thế hệ của người Việt hải ngoại - và cả
những người trẻ có quan tâm còn ở trong nước nữa.
IV.
Vài gợi ý về căn
tính sắc tộc trong sáng tác của những thế hệ ngoại biên, nhất là tương quan của
họ với tiếng Mẹ đẻ trong quá trình sáng tạo:
Văn chương chữ nghĩa là một thế giới
mông lung. Không như trong toán học, người ta có thể nói: có hai điểm A và B,
và đây là đường thẳng nối hai điểm ấy. Trong văn chương, đôi khi từ điểm A đến
điểm B là biết bao vùng mù khơi, biết bao cõi trừu tượng, biết bao miền trí huệ,
biết bao trập trùng tâm thức. Ắt nhiều vị từng góp mặt trong giai đoạn văn học
miền Nam 1954-1975 cảm thấy rằng thế hệ hậu 1975 - nhất là những thế hệ lớn lên
ở hải ngoại - chắc gì đã gắn bó với nền văn học đã thất thủ này. Tôi xin mượn
hai câu thơ trong bài “Thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mạc Tử để lạm bàn về vùng mù
khơi giữa nền văn học miền Nam và giới sáng tác thuộc thế hệ hậu chiến tại hải
ngoại. Nếu cõi văn học 1954-1975 là một Thôn Vỹ, thì từ cõi ấy, một số nhà văn
của giai đoạn này có lẽ từng cảm thán:
Ở đây sương khói
mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai
có đậm đà
Điều mà những thế hệ di dân luôn lo lắng
về các thế hệ sinh ở hải ngoại là: Không biết những thế hệ đi sau có còn đậm đà
với những gì ông bà, cha mẹ đã trãi qua, đã gầy dựng? Trong gia đình văn học ắt
cũng thế. Những tác gỉa của miền Nam chắc cũng đã từng hỏi: không biết có bao
nhiêu người trẻ sinh sau 1975 đọc tác phẩm của mình, và đọc như thế nào? Bỏ quê
hương xứ sở ra đi là một sự đứt đoạn, và những đứt đoạn trong đời sống tỵ nạn
cũng đưa đến nhiều đứt đoạn khác. Nhưng giữa những đứt đoạn và đổ nát, người Việt
hải ngoại đã ươm mầm và vun bồi cho những thôn làng Việt Nam mới, những mùa văn
học mới.
Để nền văn học tiếng Việt hải ngoại thực
sự thăng hoa, thì các thế hệ cầm bút hậu 1975 cần nhận được di sản từ nền văn học
trước 1975 để tiếp tục sáng tạo bằng tiếng mẹ đẻ, để họ nhận chân được nền tảng
của những sinh hoạt mà họ vẫn tham gia một cách thấu đáo và có hệ thống. Muốn có
một văn khố lưu giữ tinh hoa nền văn học miền Nam trước 1975, thì chỉ những
‘người trong cuộc' mới làm công việc này đến nơi đến chốn. Giới trẻ cầm bút tại
hải ngoại có bắt được nhịp cầu với quá khứ để tiếp tục bồi thố cho văn chương
Việt trong thế kỷ 21 trên thế giới hay không, còn tuỳ thuộc vào những thừa kế
văn chương cụ thể mà họ nhận được từ thế hệ đi trước. Xin hãy trao Văn Học Miền Nam cho Giới Trẻ Việt Nam toàn cầu.
Thưa quý vị, mặc dù có những rào cản
ngôn ngữ và những khoảng cách thế hệ, tôi cho rằng tuy chúng ta chưa có những
nghiên cứu để đưa ra mối liên hệ giữa nền văn học miền Nam và giới sáng tác thuộc
thế hệ hậu chiến, nhưng chắc chắn có những sợi tơ vô hình nối kết một nền văn học
thất thủ đã đặt nền tảng cho đời sống chữ nghĩa của người Việt hải ngoại, với
những mùa văn chương mới đang vươn mình ở xứ người. Một trong những điểm giúp
chúng ta nhận diện mối liên hệ này, là đề tài và tâm thức di dân mà một số người
trẻ chọn cho công việc sáng tạo của mình. Hơn nữa, không chỉ những người cầm
bút trẻ mới truy nhận căn tính sắc tộc và di dân/tỵ nạn, mà cả những nghệ sĩ trẻ
gốc Việt trong nhiều lãnh vực nghệ thuật khác nhau.
Tôi xin lạm bàn đến những vùng nghệ thuật
khác ngoài văn chương, để thấy rằng những thế hệ hậu chiến sinh trưởng hay chào
đời tại hải ngoại cũng tìm về với di sản sắc tộc của mình - không chỉ qua những
sáng tạo hướng theo các đề tài nổi bật của người Việt hải ngoại, mà còn bằng việc
dùng tiếng Việt trong tác phẩm của mình. Từ những hoạ sĩ như Laura Nguyễn với bức
tranh chì than “Nấp,” hoạ sĩ Jerry Trương với tác phẩm “Lớp/Vỏ,” hay hoạ sĩ
Danh Võ với tác phẩm “Go Mo Ni Ma Da,” thì những
hoạ sĩ trẻ này không chỉ sử dụng tiếng Việt cho tựa đề hoạ phẩm, mà còn đưa
kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam vào những vùng diễn đạt mới.
Đi sâu hơn việc đặt tên cho tác phẩm của
mình bằng tiếng Việt là chọn lựa sử dụng tiếng Việt trong sáng tạo. Đây là một
thử thách lớn đối với những ai sinh trưởng ở hải ngoại, vì họ vẫn sử dụng ngôn
ngữ chính là tiếng Anh hay một ngôn ngữ địa phương khác. Trong một cuộc phỏng vấn
bằng tiếng Việt với Tiến sĩ Việt Hồ Lê, vốn là một thi sĩ và hoạ sĩ ở tầm vóc
quốc tế, chào đời ở Sài Gòn và cùng gia đình vượt biên năm hai tuổi tôi đã hỏi
liệu anh có muốn thay đổi gì trong sự nghiệp của mình, Việt đã trả lời, “Nếu có
thể đi ngược thời gian, Việt sẽ cố gắng học tiếng mẹ đẻ chăm chỉ hơn để có thể
trả lời phỏng vấn hấp dẫn hơn!” Tôi có vinh hạnh phỏng vấn rất nhiều bạn trẻ
sinh tại hải ngoại nhưng nói, viết, đọc tiếng Việt lưu loát.
Ngược lại, cũng có những thi sĩ trẻ khác
không dám dùng tiếng Việt, vì sợ xúc phạm đến ngôn ngữ được dùng riêng trong
gia đình - một ngôn ngữ mà đối với họ rất thiêng liêng. Nhà thơ Ocean Vương
sinh ở Sàigòn, Việt Nam năm 1988, và đến Mỹ khi mới một tuổi rưỡi. Ocean là tác giả của hai tập thơ: “No”
(Nxb YesYes Books, 2013) và “Burnings” (Nxb Sibling Rivalry Press, 2010), vốn nằm
trong danh sách American Library Association’s Over The Rainbow và được dùng rộng
rãi trong các trường đại học tại Mỹ và các nước khác. Ocean nhận giải Pushcart
năm 2013, bên cạnh các vinh dự khác. Ocean bắt đầu làm thơ khi Bà Ngoại của anh
qua đời. Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh năm 2013, tôi đã hỏi, nếu có
thể viết bằng tiếng Việt, liệu Ocean có cảm thấy có một cách hoàn toàn khác để ở
bên Bà Ngoại và tưởng nhớ Bà không? Anh trả lời (tôi dịch sang tiếng Việt),
“Không. Tiếng Việt rất quý giá đối với tôi vì nó là ngôn ngữ tôi sử dụng trong
bếp, với gia đình. Đó là ngôn ngữ mà tôi học từ những cái chết và sự ra đời của
người thân. Qua đó, tiếng Việt hoàn toàn độc lập với nghệ thuật và những gì phức
tạp. Khi tôi nói tiếng Việt, tôi nói trong mạch nước trong. Tôi thoải mái nhất.
Tôi có thể nói tất cả và không nói gì cùng một lúc. Nên tôi không muốn sáng tác
bằng tiếng Việt. Tôi không muốn dùng ngôn ngữ đó cho thơ ca. Tôi không muốn làm
hoen ố nó. Hơn nữa, âm nhạc, âm điệu trong tiếng Việt thì đã thơ đủ rồi.”
Bên cạnh lý do tình cảm khiến cho một số
người cầm bút trẻ không sử dụng tiếng Việt trong sáng tác, thì cũng có những lý
do rất thực tế khiến cho họ chọn viết bằng tiếng Anh. Trong những buổi nói chuyện
về kỹ thuật viết và nghiệp viết cho các lớp tiếng Việt tại Westminster High
School ở Quận Cam, California, đầu năm 2014, tôi đã đưa ra một cuộc thăm dò ngắn
với gần 100 em học sinh trung học. Đa số các học sinh trong những lớp này giỏi
tiếng Việt hơn tiếng Anh vì mới định cư ở Mỹ. Các em được yêu cầu tự nhận định
về khả năng tiếng Việt của mình, bên cạnh một loạt câu hỏi về chọn lựa viết tiếng
Việt hay tiếng Anh. Câu hỏi như thế này: Em sẽ chọn công việc nào? Viết 800 chữ, nhuận
bút $500; hay Viết 1,200 chữ, nhuận bút $50? Tiếp theo, cũng câu hỏi
đó, nhưng có thêm hai yếu tố khác cho câu trả lời. Chọn lựa thứ nhất: Viết 800 chữ,
nhuận bút $500, tiếng Anh, đề tài được định sẵn. Chọn lựa thứ hai: Viết 1,200
chữ, nhuận bút $50, tiếng Việt, đề tài do chính em chọn. Em sẽ chọn
công việc nào: thứ nhất, hay là thứ hai? Và đây là câu hỏi sau cùng: Khi
biết thêm về chọn lựa và ngôn ngữ cho mỗi công việc, em có thay đổi quyết định
của mình không? Tại sao?
Có lẽ quý vị cũng đoán được, tất cả các
em đã chọn viết 800 chữ, nhuận bút $500, vì như đa số các em nói, “Nhiều tiền,
ít chữ, đỡ cực.” Sau khi biết thêm hai yếu tố về ngôn ngữ và đề tài thì đa số vẫn
không thay đổi quyết định. Một em đã viết, “Không, vì bây giờ thứ em cần là tiền,
sau này thì có thể suy nghĩ lại!” 14% đổi quyết định và chọn viết tiếng Việt,
theo đề tài mình chọn, dù với nhuận bút thấp, vì như một em nói, “Em sẽ biết
cái topic em cần viết;” và một em khác, “Tôi muốn được viết cái gì tôi thích;”
hoặc vì một lý do rất thực tế, “Em chưa giỏi tiếng Anh;” hay là vì không muốn
“Mất công đi lấy thêm lớp tiếng Anh tốn tiền!”
Có một em hỏi ngược lại tôi: “Cô ơi, có
việc nào viết 100 chữ được $100,000 không Cô?” Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào
rao việc như vậy, nên nếu quý vị biết thì xin cho tôi thông tin để chuyển đến
em sinh viên này. Thưa quý vị, tôi nhắc đến cuộc thăm dò này, vì nó phản ảnh
cái thực tế là nghề cầm bút bằng tiếng Việt ở hải ngoại không phải là một chọn
lựa kinh tế khả thi. Trong cuộc phỏng vấn do Lê Quỳnh Mai thực hiện trên Hợp
Lưu, Nhà văn Trần Vũ đã nói, “Tôi chỉ mong muốn, các tập san văn chương VN trên
giấy cũng như trên mạng, cùng nhà xuất bản ngoài nước trả tác quyền và nhuận
bút cho các tác giả, ký kết văn kiện hợp đồng đàng hoàng y như Tây phương...
Dương Thu Hương có lần tuyên bố: Cái nhục lạc hậu nghèo đói, cũng nhục như cái
nhục mất nước. Tôi muốn thêm: Cái nhục không trả tiền nhuận bút, cũng nhục như
cái nhục mất nước. Muốn vậy, nhưng tôi biết rõ các tạp chí không có lợi tức.
Không nhuận bút ở ngoài nước đã thành một thông lệ. Một truyền thống. Và hơn một
truyền thống, một định mệnh.”
Cho nên, tự bản thân việc sử dụng tiếng
Việt trong sáng tác ở hải ngoại đã là một chọn lựa đắt đỏ, chưa kể đến những yếu
tố về số lượng độc giả, và những giới hạn ngôn ngữ tất yếu cho các bạn sinh trưởng
ở hải ngoại. Đây cũng là một trong những lý do cần phải trao di sản văn học miền
Nam 1954-1975 cho những thế hệ hậu chiến, để giúp họ có một nguồn vốn dồi dào
cho một con đường khá cam go. Điều đáng quý, là dù những thế hệ sinh ở Mỹ không
thông thạo tiếng Việt, họ vẫn cố gắng dùng tiếng Việt như một phần của căn tính
văn hoá gốc. Qua nhiều Dự án nghiên cứu khác nhau về người Việt hải ngoại tại Bắc
Mỹ, Úc Châu, và Âu Châu trong 21 năm qua, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ sinh ở hải
ngoại nhưng thông thạo tiếng mẹ đẻ. Họ sử dụng tiếng Việt lưu loát ở cả các mặt:
nghe, nói, đọc, viết. Mà không chỉ những người trong giới cầm bút, mà trong nhiều
ngành khác như dược, luật, thương mại, vv. Bên cạnh đó, còn có những bạn trẻ
không phải người Việt ở khắp nơi trên thế giới chọn theo học những ngành về văn
hoá, ngôn ngữ, văn chương Việt Nam. Nếu chúng ta có một văn khố chính thức về
văn học miền Nam trong giai đoạn này, thì sẽ giúp tất cả giới trẻ hải ngoại -
dù gốc Việt hay không - dễ dàng tìm hiểu về văn học Việt Nam trong giai đoạn cận
đại. Nếu không, họ sẽ tìm thấy một ngõ cụt, và có thể chuyển hướng tìm hiểu về
những đề tài khác với tài liệu có sẵn.
Kinh nghiệm của người di dân ở
bất cứ nơi nào trên thế giới cũng thường bị mai một và lấp đi
bởi rào cản ngôn ngữ, vật lộn mưu sinh, và sự nín lặng của quá
khứ tang thương. Người Việt ở hải ngoại đã may mắn có điều kiện
thuận lợi để mở một bước ngoặc mới. Năm 2004, tôi có thực hiện một dự
án về truyền thông Việt ngữ tại Little Saigon, và phỏng vấn một số vị trong báo
giới về việc sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam trong vài chục năm tới.
Đa số đều cho rằng, có lẽ cũng giống như các cộng đồng di dân gốc Á khác, cộng
đồng Việt Nam của chúng ta sẽ duy trì được tiếng Việt chỉ trong một hai thế hệ
đầu. Những thế hệ sau sẽ đi vào dòng chính, và tiếng Việt không còn quan trọng
đối với họ. Ở năm 2014 này, chúng ta có ngót bốn mươi năm duy trì văn
hoá, lịch sử, và tiếng Việt qua các sinh hoạt văn học, văn hoá, Việt
ngữ, và truyền thông tại hải ngoại. Trong những năm gần đây, với
phong trào giáo dục song ngữ Anh Việt nở rộ trong hệ thống giáo dục
công lập ở Hoa Kỳ, chúng ta đã có những vận hội mới, từ những chương trình
song ngữ Anh Việt từ bậc tiểu học, đến các lớp tiếng Việt ở bậc trung học,
chương trình cử nhân hoàn toàn bằng tiếng Việt ở bậc đại học, và nhiều chương
trình về văn hoá và ngôn ngữ Việt khác. Chúng ta có thể tin rằng, các thế
hệ tương lai sẽ có đủ khả năng ngôn ngữ để lãnh hội những tác
phẩm của nền văn học Miền Nam bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, mà
không cần đi vòng qua một bản dịch Anh ngữ. Nhưng trước hết, chúng ta cần trao nền văn học đó cho họ.
Những thế hệ hậu chiến phải đối diện với
nhiều khoảng cách khi họ tìm về quá khứ của gia đình và cộng đồng: khoảng cách
thế hệ, khoảng cách ngôn ngữ, khoảng cách về kinh nghiệm sống, khoảng cách về
nhận thức về lịch sử. Trong trường hợp của Ocean Vương, anh chào đời mười ba
năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng lịch sử gia đình đã đặt Anh
ngay vào giữa cuộc chiến – với công việc mà Bà Ngoại của Anh đã làm để sống
còn, với những cái chết của những người nam trong gia đình, và mọi việc khác.
Khi được hỏi, lúc nào thì anh bắt đầu ý thức được về chiến tranh Việt Nam, và
anh có quan hệ cá nhân như thế nào với cuộc chiến, Ocean đã nói, “Tôi trở nên ý
thức về chiến tranh khi tôi cứ thấy người Việt, thường được đóng bởi những diễn
viên da trắng với khuôn mặt vàng, bị John Wayne bắn trên màn hình TV. Tôi nghĩ
thật là kỳ quặc khi nhiều người Việt bị bắn chết bởi ‘người tốt.’ Tôi nghĩ tôi
phải là một ‘người xấu.’ Nên tôi đi thư viện để thử tìm hiểu xem tôi xấu như thế
nào. Đó là khi tôi khám phá ra sách và chữ. Và qua sách, tôi biết rằng bạn có
thể dùng chữ để biến một người thành người tốt hay người xấu. Như thể ảo thuật
(hết trích).” Đó là một trong những khoảng cách có thể được khoả lấp nếu những
thế hệ hậu chiến tại hải ngoại có được di sản cần thiết, là những tác phẩm của
văn học miền Nam, giúp họ hiểu được mình đến từ đâu, và đã có một quê hương như
thế nào.
Để kết, tôi mời quý vị cùng nghe một bài
nhạc rap của John Vietnam Nguyễn, một nhạc sĩ trẻ quá cố. Mẹ anh là một phụ nữ
Việt tỵ nạn, và cha anh là một cựu quân nhân Mỹ. Anh chào đời tại Chicago năm
1993, và mất cũng tại đây khi cứu một người bạn khỏi chết đuối tháng Chín năm
2012. John Vietnam đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng nghệ thuật, sinh viên, và
địa phương, và người ta đã vẽ một mural cũng như dành một con đường tại Chicago
để vinh danh anh. Anh sáng tác bằng tiếng Anh, nhưng có một bài với nhan đề ‘a
hapa rap in Vietnamese’ - tựa thì tiếng Anh, nhưng ca từ hoàn toàn bằng tiếng
Việt (https://www.youtube.com/watch?v=V3U-hqQ3kGo). Ở đây, tôi chú trọng vào việc
John Vietnam dùng hoàn toàn tiếng Việt trong bài nhạc rap của mình - và đưa cả
phụ đề song ngữ, dù phần tiếng Việt có sai chính tả. Tôi xin phép không bàn đến
ca từ, vì điều đó liên quan đến việc phân tích nhạc rap, vốn không phải là đề
tài của ngày hôm nay. Điều tôi muốn nhấn mạnh là có thể đây là tác phẩm táo bạo
nhất của người nhạc sĩ trẻ này, vì chọn lựa ngôn ngữ. Những chữ sai chính tả
trong phần phụ đề cho thấy có lẽ John cũng rất vất vả để soạn phần phụ đề. Như
chúng ta thấy, Ocean Vương tuy sinh ở Việt Nam, nhưng có một thái độ hoàn toàn
khác với John Vietnam về tiếng Việt trong việc sáng tác. Đối với Ocean, tiếng
Việt rất thiêng liêng, chỉ để nói với người thân, nên Ocean không dám dùng đến
trong sáng tạo. Ngược lại, John Vietnam chọn dùng tiếng Việt, tuy anh nói tiếng
Việt với âm hưởng của những người Việt gốc ‘hải ngoại.’
Qua tác phẩm này, John Vietnam đã đưa tiếng
Việt ‘hội nhập' vào dòng chính, qua một bộ môn nghệ thuật trình diễn rất phổ biến
đối với người trẻ. Như vậy, anh đã giúp đưa tiếng Việt gần hơn với những thế hệ
mới, và với cả những người hâm mộ anh không phải là người Việt hoặc không biết
tiếng Việt. Qua đó, anh cũng giúp phản bác một lý thuyết trong khoa học xã hội
về kinh nghiệm di dân, đó là những cộng đồng di dân thường bị ‘frozen' hay đóng
băng trong quá khứ, và sống trong quá khứ. Qua những mạng xã hội của mình, John
Vietnam mời gọi mọi người tưởng niệm tháng Tư như một cách giữ gìn và công nhận
gốc gác của mình. Anh tìm hiểu và gắn bó
với lịch sử di dân của mình, nhưng đồng thời, anh cũng dùng chính lịch sử đó để
định hướng cho hiện tại và tương lai một cách sống động. Và tác phẩm ‘a
hapa rap in Vietnamese' là một thí dụ cụ thể.
Một bài tham luận hay và giá trị. Một cành hồng cho Trang Đài Glasey-Trần Nguyễn.
Trả lờiXóa