Minh Tâm
31-12-2014
Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao cho rằng là người có trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của VietinBank mà trước đó bản án sơ thẩm xác định số tiền này do Huyền Như lừa đảo của các doanh nghiệp.
Ở phiên sơ thẩm diễn ra vào cuối năm 2013, về trách nhiệm dân sự, giữ quyền công tố, đại diện Viện KS cho rằng Vietinbank không bị thiệt hại.
Dù bào chữa cho các đơn vị khác nhau, trong từng vụ việc có các chi tiết khác nhau, nhưng tựu trung các luật sư (LS) đều phản bác quan điểm trên của Viện KS và cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.
Theo LS Nguyễn Minh Tâm, Viện KS “biến” Công ty Saigonbank - Berjaya trở thành pháp nhân bị thiệt hại do chính hành vi lừa đảo của Huyền Như gây ra, là chưa đi sâu phân tích mối quan hệ nhân - quả, giữa thủ đoạn gian dối của Huyền Như với hậu quả chiếm đoạt tiền do các sơ hở của Vietinbank. “Việc xác định trách nhiệm thiệt hại quy kết cho Huyền Như chịu trách nhiệm là để “giải thoát” cho Vietinbank”, LS Tâm nêu quan điểm.
LS Tâm phân tích: Như dùng nhiều thủ đoạn, dụ Saigonbank - Berjaya ký hợp đồng, chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị này mở ở Vietinbank. Sau khi chuyển tiền, nếu Như không chiếm đoạt thì tiền vẫn còn trong tài khoản ở ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến Saigonbank - Berjaya bị chiếm đoạt tiền là do Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối: giả chữ ký chủ tài khoản, giả con dấu của Saigonbank - Berjaya đóng vào lệnh chuyển tiền để rút tiền từ tài khoản hợp pháp của Saigonbank - Berjaya. Công ty Saigonbank - Berjaya không phải là người bị lừa trong thủ đoạn gian dối này, nạn nhân chính là Vietinbank, họ mới là bị hại bị Như chiếm đoạt 210 tỉ đồng. Ngoài ra, theo giao kết giữa hai bên, Vietinbank phải thông báo in sao kê các giao dịch tài khoản hằng tháng nhưng đơn vị này không thực hiện nên Saigonbank - Berjaya không biết để ngăn chặn kịp thời.
Về trách nhiệm dân sự, LS Trấn phân tích: Huyền Như và Võ Anh Tuấn đều là người của pháp nhân Vietinbank, do Vietinbank bổ nhiệm, quản lý. Cả hai được Vietinbank giao trách nhiệm huy động vốn cho Vietinbank. Theo quy định của điều 618 bộ luật Dân sự thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao.
Tương tự, LS Trần Minh Hải (bào chữa cho Công ty CP CK Phương Đông) lập luận: từ khi tiền của khách hàng chuyển vào tài khoản tiền gửi mở tại Vietinbank, trách nhiệm quản lý tiền gửi của Vietinbank đã phát sinh. “Nếu như tiền gửi của khách hàng đang nằm trong sự quản lý an toàn của cả hệ thống Vietinbank bao gồm các yếu tố công nghệ, con người, quy trình… mà bị thất thoát do lỗi của ngân hàng, thì đương nhiên Vietinbank phải gánh chịu trách nhiệm”, LS Hải nói.
Bào chữa cho ACB, LS Lưu Văn Tám đề cập đến việc đại diện Vietinbank thừa nhận tại tòa “Đối với các hợp đồng do Vietinbank xác lập với khách hàng, có chữ ký, con dấu thật thì Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm trả cho khách hàng” nhưng chưa được công tố viên ghi nhận vì có 32 hợp đồng của ACB là hợp đồng thật, chữ ký và con dấu thật của Vietinbank và đã chuyển tiền cho Vietinbank”.
Phiên phúc thẩm: Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường
Phiên phúc thẩm diễn ra vào cuối năm 2014, Viện KS cho rằng khách hàng không có lỗi trong việc gửi tiền, theo quy định của pháp luật, khách hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nghĩa vụ quản lý này là của VietinBank. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền, việc này là lỗi quản lý của VietinBank.
Viện KS đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền cho các khách hàng khi đánh mất tiền của họ, và tư cách tố tụng của năm công ty này chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, VietinBank mới là nguyên đơn dân sự của hành vi tham ô của Huyền Như.
Các LS không đồng ý và khẳng định “Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường”. Lời lẽ của 5 thầy cãi, gồm: Nguyễn Văn Trung, Trương Thị Hòa, Lê Hồng Nguyên (đều thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM), Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), và Nguyễn Thị Bắc (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về chuyện này khá… hằn học. Xin được trích nguyên văn lời bào chữa:
“Giao dịch giữa Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi họ chuyển tiền vào Vietinbank đều là các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, không thể cắt khúc vụ án ra, chỉ xem xét hành vi của cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như sau khi tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank, cố tình loại bỏ nguyên nhân, động cơ, mục đích và các hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận, thậm chí móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài khoản và chuyển tiền, để cho rằng Huyền Như đã tham ô tài sản của Vietinbank do Huyền Như quản lý, hoặc Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Vietinbank quản lý, như một số ý kiến, quan điểm phiến diện, một chiều chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản!”.
“Cũng có quan điểm cho rằng, căn cứ Điều 618 Bộ Luật Dân sự quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”, để yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ với lý do Huỳnh Thị Huyền Như là cán bộ của Vietinbank! Họ quên rằng đây là một vụ án hình sự. Hơn thế nữa, việc Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, chi ngoài hợp đồng, giả mạo con dấu, tài liệu của Vietinbank và nhiều cơ quan, tổ chức khác là hành vi phạm tội hình sự, hoàn toàn không phải thực hiện nhiệm vụ được Vietinbank giao. Do đó, lập luận này hoàn toàn không có căn cứ, trái pháp luật và mâu thuẩn ngay với quy định tại Điều 618 Bộ Luật Dân sự do chính họ viện dẫn!”.
“Cũng có ý kiến cho rằng Hợp đồng giữa người gửi tiền với Vietinbank là “Hợp đồng vay tài sản” hoặc “Hợp đồng gửi giữ tài sản”. Từ đó, họ suy ra rằng Vietinbank phải có nghĩa vụ trả nợ vay hoặc trả lại tài sản gửi giữ theo quy định của Bộ Luật Dân sự! Lập luận theo kiểu so sánh, suy diễn này hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật! Thậm chí có ý kiến còn so sánh với trường hợp gửi giữ xe cộ! Mọi sự so sánh đều khập khiểng!”.
“Nếu lấy ví dụ gửi xe thì cho phép tôi ví dụ trong trường hợp nhân viên bãi xe thông đồng với chủ xe bằng cách không lấy tiền giữ xe và chủ xe giao thẻ xe của mình cho nhân viên bãi giữ xe mượn sử dụng (giống như cho mượn tài khoản), dẫn đến hậu quả là nhân viên giữ xe chiếm đọat xe, thì xin hỏi chủ bãi giữ xe hay chủ xe phải tự chịu trách nhiệm? Nếu xem đây là các giao dịch dân sự thuần túy và chỉ cần căn cứ Bộ Luật Dân sự để giải quyết, thì có lẽ Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không phải cất công soạn thảo Luật các Tổ chức tín dụng, các Nghị định, Thông tư và các Quy định áp dụng riêng cho ngành ngân hàng!”.
“Vì vậy, căn cứ Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”, Tòa sơ thẩm buộc Huỳnh thị Huyền Như bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại là hoàn toàn áp dụng đúng quy định của pháp luật và bản chất của vụ án”.
Cãi vì công lý hay vì tiền?
“Như có ý định chiếm đoạt từ trước khi các khoản tiền này được gửi vào VietinBank...”, câu này có nghĩa là Như đã thực hiện hành vi chiếm đoạt sau khi tiền vào Vietinbank. Bởi lẽ Như có thể lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank để chiếm đoạt dễ dàng chứ đâu phải các doanh nghiệp trao số tiền cho cá nhân Huyền Như. Luật sư biện hộ như vậy là tự bày tỏ tội tham ô của Như rồi.
Nếu Huyền Như không được VietinBank bổ nhiệm trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thì làm sao có thể xảy ra vụ án này được?. Vì tất cả các khách hàng gửi tiền vào VietinBank đều là các cao thủ trong kinh doanh. Huyền Như vô danh tiểu tốt không có chức và chữ ký trưởng phòng thì… 1 xu khách hàng cũng không cho vào túi cá nhân Huyền Như. Nếu không là tội tham ô thì tên gọi ở đây là gì?.
Tuy nhiên nếu phiên phúc thẩm vẫn tuyên xử Huyền Như tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì vừa có lợi cho Huyền Như, vừa có lợi cho VietinBank. Lý do: Huyền Như chỉ bị án chung thân, còn VietinBank không phải bồi thường tiền cho khách hàng. Còn xử Huyền Như tội lợi dụng chức vụ tham ô tài sản thì Huyền Như sẽ bị tử hình, VietinBank phải bồi thường tiền cho khách hàng.
Minh Tâm
tôi không biết tại sao những cây đa cây đề trong giới luật sư lại có quan điểm như vậy. tôi thấy đơn giản hơn như thế này, Như có ý định chiếm đoạt tiền đó từ trước nhưng đó là chuyện trong lòng Huyền Như và huyền như chưa thực hiện, do vậy chưa cấu thành tội phạm. nhưng tiền của khách hàng chuyện vào VietinBank trên cơ sở hợp đồng, và lúc đó Như là người của Vietin và đại diện cho vietin, vậy nên tiền chuyển vào vietin theo đúng trình tự thủ tục mà việt tin và pháp luật quy định. huyền như lấy tiền của vietin nên phạm tội tham ô, còn vietin phải bồi thường cho khách, đó mới dúng pháp luật tôi không giỏi nhưng tôi sẽ làm đúng pháp luật.
Trả lờiXóa