17-11-2014
Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do
Quốc Hội bầu và phê chuẩn trong phiên họp sáng ngày 15 Tháng Mười Một, 2014.
Vào Tháng Năm, 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc Hội Việt
Nam triển khai thực hiện nghị quyết số 35 của Quốc Hội về việc lấy phiếu, bỏ
phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân bầu hoặc
phê chuẩn.
Quốc Hội Việt Nam đề ra ba tiêu chuẩn, tín nhiệm cao, tín
nhiệm và tín nhiệm thấp, có nghĩa là những người bị (được) bỏ phiếu ai cũng có
tín nhiệm cả, chỉ cao hay thấp mà thôi! Và bỏ phiếu xong thì huề cả làng, chẳng
một ai bị sứt mẻ gì.
Trong đợt 2013, ông Nguyễn Tấn Dũng có số tín nhiệm thấp khá
cao, 160, chiếm 32.13%, còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, mặc
dù đã tổ chức đi “mua” phiếu tại các tỉnh, nhưng có kết quả thảm hại nhất, tới
209 phiếu tín nhiệm thấp, chiếm 41.97%.
Thực ra, trong hệ thống chính trị độc đảng hiện thời, Quốc Hội
Việt Nam không có quyền lực gì. Hiến Pháp của CHXHCN Việt Nam đã xác định trong
điều 4 rằng Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội.
Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong một nhà nước chỉ về danh nghĩa,
trong thực tế chịu sự lãnh đạo của ÐCSVN.
Hơn 90% đại biểu Quốc Hội là đảng viên ÐCSVN, thuộc diện “đảng
cử dân bầu.” Bộ Chính Trị ÐCSVN là cơ quan tối thượng đưa ra mọi chủ trương,
chính sách, kể cả vấn đề nhân sự cao nhất của bộ máy nhà nước. Quốc Hội trở
thành công cụ chỉ để hành chính hóa, hợp thức hóa các quyết định của đảng.
Quốc Hội thực chất chỉ là một công cụ trang điểm cho bộ máy
công quyền của ÐCSVN, đúng như câu tục ngữ của người Mỹ “Trát son vào con heo
thì nó vẫn chỉ là con heo” mà thôi.
Tuy nhiên, người đứng đầu Quốc Hội là ủy viên Bộ Chính Trị
Trung Ương ÐCSVN và một số thủ tục vẫn phải đưa qua nó bàn bạc, dù chỉ là hình
thức, ví dụ như duyệt các dự án đầu tư lớn, phê chuẩn các chức danh trong nội
các của chính phủ, hay thông qua ngân sách, v.v... nên Quốc Hội vẫn được sử dụng
như một diễn đàn trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quyền lực và lợi ích trong bộ
tứ, tổng bí thư-chủ tịch nước-chủ tịch Quốc Hội-thủ tướng.
Quốc Hội mới vừa bỏ phiếu tín nhiệm hồi Tháng Năm năm 2013
nay lại làm tiếp nhằm mục đích gì?
Người ta không thể bỏ qua sự kiện gần đây, khi Chủ Tịch Quốc
Hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn phê phán, nếu không nói là phủ nhận, báo cáo
về kinh tế của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trong phiên họp thường kỳ, chính phủ đã đánh giá tình hình
kinh tế xã hội với nhiều gam màu hồng. Rằng, khả năng tăng trưởng kinh tế cả
năm có thể đạt 5.9% và năm 2015 dự tính đạt 6.1%; thu ngân sách vượt 9%, xuất
siêu hơn 5 tỷ USD, ngoại tệ dự trữ tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm, v.v...
Thế nhưng, hai tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã đưa tin dường như
trái ngược, qua lời của ông Nguyễn Sinh Hùng. Ông Hùng có những phát biểu mạnh
gây hoang mang dư luận, như:
“Phải cân bằng thu-chi. Thu lấy mà chi, chứ bây giờ cứ phát
hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi.”
“Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, chi đầu tư các
đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy thì làm sao phát triển được đất
nước, rồi trả nợ không được thì sụp đổ.”
Nói về sự yếu kém trong việc điều hành về tài chính, tiền tệ
gây ra nợ công cao, ông Hùng nói: “Tôi thấy xấu lắm rồi. Trước đây chúng ta vay
hạn 10, 15, 20 năm. Bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu chỉ có 2, 3 năm
và thậm chí chỉ 1 năm. Vậy cái việc trả nợ đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được...”
Ông Nguyễn Sinh Hùng nói không sai. Bức tranh nền kinh tế Việt
Nam bế tắc và ảm đạm chứ không như báo cáo của chính phủ. Nhưng thái độ của ông
Nguyễn Sinh Hùng được xem là sự phản ứng trước việc công an bắt giam Tổng Giám
đốc Tập đoàn Bảo Việt Trần Trọng Phúc, một thân hữu của ông, và tiếp theo là Hà
Văn Thắm, chủ tịch Ocean Bank, người được cho là cùng với Nguyễn Hồng Phương,
em gái của Nguyễn Sinh Hùng, thôn tính ngân hàng Bảo Việt, với sự trợ giúp của
Nguyễn Sinh Hùng.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội lần này không có nội
dung nào khác ngoài sát hạch dư luận, nhằm hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng và nội
các, xử lý những xung đột lợi ích, đồng thời chuẩn bị cho ý đồ nhân sự trong đại
hội đảng 12 của Nguyễn Sinh Hùng. Nếu kết quả tương tự như trong 2013, Nguyễn
Sinh Hùng sẽ có con bài quan trọng để mặc cả, thỏa hiệp trong cuộc tranh giành ảnh
hưởng với Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, điều mà Nguyễn Sinh Hùng mong muốn đã không thực
hiện được. Với Nguyễn Tấn Dũng, số phiếu tín nhiệm cao lần này tăng lên 110 phiếu,
tức 320 phiếu, chiếm 64.39% số đại biểu Quốc Hội. Số phiếu tín nhiệm thấp cũng
giảm 92 phiếu, còn 68 phiếu, chiếm 13.68% số đại biểu Quốc Hội.
Các nhân vật khác trong chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng nói
chung đều tăng mức tín nhiệm cao, đặc biệt Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn
Văn Bình, một nhân vật đang cùng với Nguyễn Tấn Dũng khuynh đảo khu vực tài
chính-ngân hàng, đạt 323 phiếu tín nhiệm cao.
Ông Ðinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, phiếu tín
nhiệm cao từ 186 tăng lên gần gấp đôi, đạt 362 phiếu, chiếm 72.84% số đại biểu
Quốc Hội, cho dù các dự án mà Bộ Giao Thông Vận Tải đảm trách đều bê bối, nhất
là đường cao tốc.
Trừ bà Nguyễn Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y Tế, số phiếu tín nhiệm
cao từ 108 của 2013 giảm xuống còn 97 phiếu, chiếm 19.52% số đại biểu Quốc Hội,
số phiếu tín nhiệm thấp từ 146 cũng tăng lên 192 phiếu chiếm 38.63% số đại biểu
Quốc hội.
Thắng lợi của kỳ bỏ phiếu tín nhiệm này của Nguyễn Tấn Dũng
là tiếp tục thắng lợi của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa 11 vào Tháng Năm,
2013. Trong kỳ bỏ phiếu tại Trung Ương Ðảng, Nguyễn Tấn Dũng đã đè bẹp cuộc phản
công của Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang bằng cách lôi kéo được sử ủng hộ về
phía mình đa số trong 175 ủy viên trung ương, cứu một bàn thua tưởng như nắm chắc,
lật ngược thế cờ và củng cố vị thế.
Nguyễn Tấn Dũng từ lâu đã trở thành chủ chăn của các con tin/ủy
viên trung ương trong một hệ thống mafia nhà nước. Dũng phân phối các lợi ích vật
chất cho họ thông qua chức vụ, quyền lực được ân huệ ban phát. Sự tồn tại của
Nguyễn Tấn Dũng là mối quan hệ sống còn của rất nhiều quan chức trong bộ máy.
Có thể vận dụng câu “còn đảng còn mình” thành “còn Dũng còn mình.”
Trong cuộc chơi này, ông Nguyễn Sinh Hùng khó có thể chiếm lợi
thế vì không những chỉ là chủ chăn, Nguyễn Tấn Dũng còn kiểm soát cả sân sau là
an ninh, tình báo công an và quân đội.
Tới đại hội 12 trong năm 2016, Nguyễn Tấn Dũng đã đạt ngưỡng
65 tuổi để về hưu, nhưng nếu đặc cách trong đảng, ông ta có thể tại nhiệm với
chức vụ tổng bí thư. Ðây là một trong những dự đoán có nhiều khả năng xảy ra.
Cấu trúc quyền lực hiện nay không tập trung vào một cá nhân mà
dường như được phân chia trong đó lợi ích của phe này tương đối ngang bằng với
phe khác. Tuy vậy, Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù có nhiều lợi thế, vẫn chưa thể kiêm
nhiệm chủ tịch nước như lời đồn, nhưng người được đặt vào ghế thủ tướng sẽ nằm
trong phe cánh của ông ta.
Nguyễn Sinh Hùng, một con người cơ hội, ích kỷ, khôn lỏi và
tráo trở, sẽ lãnh phần thất bại, nếu vẫn giữ ý đồ đối đầu với phe cánh Nguyễn Tấn
Dũng và mơ ngồi vào ghế thủ tướng trong đại hội đảng lần thứ 12.
Như vậy, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục chìm đắm, không lối
thoát, trong sự cai quản của tập đoàn mafia nhà nước Nguyễn Tấn Dũng.
Rồi những Vinashine, Vinalines với thất thoát và nợ hàng tỷ
USD, những kiểu dự án như an toàn giao thông giữa đường bộ và đường sắt được
duyệt kinh phí 521.5 tỷ đồng, thực chất chỉ cần 57 tỷ, hay dự án Làng Văn Hóa
Dân Tộc Việt Nam với 3,200 tỷ đồng nay bỏ hoang phế, sẽ còn tiếp diễn.
Và trái phiếu quốc tế sẽ được phát hành hàng loạt để đảo nợ.
Nợ chồng lên nợ. Còn Viet Capital, công ty của Nguyễn Thanh Phượng, con gái của
Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ chiếm 10% cổ phần của Vietcombank, một ngân hàng lớn
có và uy tín, mà sẽ tiến tới thâu tóm luôn.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét