Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




QUYỀN DÂN, QUYỀN NƯỚC

Nguyễn Phương Uyên
4-10-2014


Trí Nhân Media: Tác giả Nguyễn Phương Uyên vừa cho biết, bài viết này không phải là bài viết dự thi "Đèn Cù". TNM xin đính chính cùng bạn đọc và gỡ bỏ câu " GIẢI NHẤT BÀI DỰ THI "CUỘC THI ĐÈN CÙ" trong tựa đề, thành thật xin lỗi tác giả và bạn đọc về nguồn tin không chính xác.

----------------------

“…Khi chính quyền hiện tại đã không còn hữu dụng và người dân không thể trao “khế ước xã hội” cho chính quyền được nữa mà họ vẫn cố thủ bám víu vào quyền lực bằng đủ mọi phương cách thì người dân phải làm gì?

Triết gia Rousseau cho rằng người dân có quyền làm cách mạng để bảo vệ ý nghĩa ban đầu của “Khế ước xã hội” và có quyền lập nên một chính quyền khác hợp pháp và hữu dụng hơn. Một chính quyền hợp pháp và hữu dụng là một chính quyền phải được tạo nên trên nền tảng là sự ưng thuận của toàn dân và chính quyền đó phải đảm bảo thực hiện được các chức năng của nó. Có phải đã đến lúc chúng ta cần tỏ rõ thái độ với nhà cầm quyền?…”

*
Ở thế kỷ 18 các triết gia như Locke, Hobbes đều cho rằng việc hình thành quyền lực quốc gia xuất phát từ sự trao quyền tự nguyện của người dân cho nhà cai trị dựa trên “Khế ước xã hội” mặc nhiên. Thuở sơ khai loài người sống hợp quần thành các cộng đồng nhỏ, hoặc theo bầy đàn, hoặc theo bộ tộc. Sự tư hữu tài sản xuất hiện đã khiến một nhóm thiểu số trong cộng đồng nảy sinh ý định và thực hiện hành động thâu tóm quyền lực trên số đông cư dân. Thêm vào đó chiến tranh giữa các bộ tộc khiến một cộng đồng phải tự kiện toàn sức mạnh nội tại thông qua một tổ chức quản lý chặt chẽ để điều khiển bộ máy chiến tranh của cộng đồng ấy, cũng là yếu tố giúp hình thành nên quyền lực quốc gia.

Theo triết gia Aristotle và Rousseau, khi kết hợp với một hoặc nhiều người để tạo thành cộng đồng xã hội, con người đã hy sinh sự tự do tuyệt đối của cá nhân nhằm đổi lấy một sự tự do khác, và sự tự do này bị hạn chế hơn trong khuôn khổ một loại pháp luật vốn khởi đầu bằng các giao ước, từ đó dẫn đến nhu cầu về một thực thể đủ quyền lực điều hành cộng đồng xã hội với mục đích bảo đảm phúc lợi và tự do cho mọi người dân trong cộng đồng đó.

Như vậy, con người đã miễn cưỡng từ bỏ quyền tự do nguyên thủy để nhận được quyền tự do hạn chế hơn, thông qua việc nhượng lại nhiều quyền cho một thực thể khác mang tên “chính quyền”. Thực thể này ấn định những điều được mọi người trong cộng đồng “thỏa thuận”, mà Rousseau gọi đó là “Khế ước xã hội”. Trên cơ sở đó một bộ máy chính quyền được hình thành dưới sự điều khiển của ý nguyện chung trong toàn dân, do đó toàn dân có chủ quyền tối cao, còn những người nắm chính quyền chỉ là những nhân viên được trả lương để thực hành giao ước trong “Khế ước xã hội”.

Trong xã hội văn minh “Khế ước xã hội” hiện diện dưới dạng Hiến pháp, do quốc hội lập hiến biên soạn và được toàn dân thông qua. Tuy nhiên, lòng tham của con người là vô hạn trong khi quyền lực lại mang đến quyền lợi, nên những người nắm quyền thường lạm dụng quyền hành và thâu tóm quyền lực nhằm tư lợi riêng. Để hạn chế tình trạng này, những người soạn thảo hiến pháp đã cân nhắc cần trao quyền lực tương xứng cho những người đã ủy thác quyền cho chính quyền bằng cách trao cho họ quyền phủ quyết nhằm thi hành cưỡng bức, và thu hồi quyền lực qua các cuộc bầu cử tự do, trường hợp nếu chính quyền không chịu từ bỏ quyền lực đã bị nhân dân thu hồi qua bầu cử hoặc các hình thức khác trong ôn hòa thì “khế ước xã hội” đó vô tình đã bị chính quyền giũ bỏ, cũng như một hợp đồng xã hội đã bị xé bỏ nhân dân không cần phải tôn trọng nó nữa và họ có quyền lập nên chính quyền khác bằng các cuộc cách mạng hoặc thay thế những viên chức không còn được ủng hộ thông qua đảo chánh.

Trong lịch sử Việt Nam qua các chế độ chính trị, suy cho cùng người dân chưa từng làm chủ đất nước của mình, trái lại họ chỉ là nô bộc và nạn nhân của quyền hành chính trị. Đặc biệt dưới chế độ cai trị của Đảng cộng sản, quyền lực của nhân dân càng bị chế tài. Đảng cộng sản Việt Nam dùng điều 4 trong hiến pháp để khẳng định quyền lãnh đạo của đảng bởi theo lập luận của Lenin: “vì đảng là đảng của giai cấp tiên phong nên đương nhiên có quyền lãnh đạo đất nước mà không cần sự đồng ý của quần chúng thông qua bầu cử.”.

Hơn nữa các nhà lý luận của chế độ cộng sản tại Việt Nam đã cố tình nhập nhằng quan niệm về chế độ chính trị với quốc gia dân tộc để biện minh sự duy trì quyền lực độc tôn của đảng cộng sản và dễ dàng bắt dân chúng phục tùng. Hiến pháp và quốc hội trở thành công cụ để đảng cầm quyền nhân danh toàn dân để áp đặt ý chí riêng của mình lên toàn xã hội.

Bản hiến pháp gần đây được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại Chương V, Điều 69, quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”. Có một số vấn đề cần suy ngẫm.

Thứ nhất nếu quả thật Quốc hội là cơ quan đại biểu của nhân dân thì tại sao Quốc hội không có lấy một nhân vật nào không phải là thành viên của Đảng cộng sản hay thực chất quốc hội này chỉ là cơ quan đại diện của Đảng cộng sản mà thôi? Điều này dẫn đến quyền phủ quyết của cơ quan hành pháp trở nên vô nghĩa khi trao cho thủ tướng, vì thủ tướng do đa số trong quốc hội bầu ra nên dĩ nhiên không thể bác bỏ một điều luật nào do quốc hội thông qua.

Thứ hai, nếu Quốc hội là cơ quan duy nhất vừa có quyền lập hiến, lập pháp vừa có quyền sửa đổi hiến pháp, sửa đổi luật trong khi chính hiến pháp là bản khế ước khởi sự khai sinh ra quyền lực của chính quyền thì việc chính quyền thông qua Quốc hội tự ban hành và sửa đổi nó liệu có mâu thuẫn với nhau không? Quốc hội tạo ra những công cụ là các điều khoản trấn áp, cưỡng chế sự phục tùng dân chúng đối với chế độ để bảo vệ lợi ích cho họ là việc hiển nhiên. Để giải thích vì sao Việt Nam không có quốc hội lập hiến họ đã trưng ra lý do vì điều kiện chiến tranh nên chính quyền cộng sản đã xác nhập hai Quốc hội lại. Tuy nhiên gần 40 năm trôi qua vẫn không hề có một sự thay đổi nào nữa trong thủ tục lập hiến. Trưng cầu dân ý hay những gì tương tự như thế đều mang tính hình thức.

Một ví dụ điển hình là sự kiện sửa đổi hiến pháp năm 2013 vừa qua. Nếu tồn tại thực sự “người dân làm chủ đất nước” rõ ràng điều 4 đã không còn nằm trong hiến pháp nữa… Ở những nước văn minh, chỉ có Quốc hội lập hiến mới có quyền lập hiến. Quốc hội này do nhân dân trực tiếp bầu chọn ra những vị đại diện cho họ theo từng vùng và Quốc hội này chỉ có chức năng soạn thảo hiến pháp.

Quốc hội đã không hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của nó bởi vì mọi hoạt động đều bị Đảng cầm quyền chế tài. Trong khi quốc hội chỉ là bù nhìn thì chúng ta thử xét xem chính quyền cộng sản đã thực hiện đúng chức năng của nó hay chưa? So sánh chính quyền cộng sản Việt Nam với các chính quyền hợp pháp và hữu hiệu trong tổng quan về ba chức năng của chính quyền, ta dễ dàng nhận thấy:

- Chính quyền không thực hiện được chức năng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tự do, tài sản và tính mạng của người dân. Một vài ví dụ cử thị là:

Trường hợp của cô Thúy Nga, nhà cô thường xuyên bị công an rải truyền đơn đe dọa truy sát và đốt nhà kèm theo những lời tục tĩu. Cô cho biết tất cả những lần như thế cô đều làm đơn trình báo với lực lượng công an nhưng bị công an làm ngơ, ngày 10/06/2014 cô bị an ninh mật vụ mặc thường phục, đeo khẩu trang dùng gậy sắt đánh gãy tay và chân.

Trường hợp của anh Trịnh Xuân Tình là một người bán hàng rong, bị dân phòng và Trật tự quản lý đô thị phường 25, quận Bình Thạnh còng tay và đánh dã man đến ngất khi đang bán hàng sáng ngày 9/12/2013.

Một ví dụ điển hình khác về việc chính quyền cộng sản không thể thực hiện chức năng bảo vệ tự do, tài sản, tính mạng của người dân là những cái chết bí ẩn trong đồn côn an như chị Trần Hải Yến chết trong đồn công an Phú Yên (tháng 10/2013), ông Trần Văn Tân chết tại đồn công an xã Kim Xuyên – Kim Thành – Hải Dương (01/2013), anh Đỗ Văn Bình chết tại nhà tạm giam Công an Huyện Hòa Vang – Đà Nẵng (04/2014). – theo Rfa đưa tin.

- Chính quyền không bảo đảm thực hiện chức năng phục vụ phúc lợi xã hội: tỷ lệ trẻ em nhóm 6 – 17 tuổi không được đi học chiếm con số khá cao gần 10% – theo báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) Việt Nam năm 2012. – Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập khác như không có cầu bắc qua sông Re, suối Nậm Pồ người dân phải đu dây thừng thay thế, hay chui vào túi nilon đầy mạo hiểm, hay chuyện những cây cầu kém chất lượng không biết cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng người dân trong các vụ sập cầu ở Cần Thơ, Lai Châu…

- Chính quyền không thực hiện được chức năng bảo vệ quyền lợi dân tộc và lãnh thổ trước cộng đồng quốc tế. Nhà cầm quyền đã tỏ ra lúng túng khi Trung Quốc tuyên bố về đường lưỡi bò và càng lúng túng hơn khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam ngày 02/05/2014. Phản ứng của nhà cầm quyền quá yếu ớt nếu như không muốn nói là vô hiệu. Thay vì đưa ra những biện pháp hữu hiệu như kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thì nhà cầm quyền lại ngăn cản quyền tự do ngôn luận bằng cách bỏ tù những người có những bài viết được cho là nhạy cảm với quan hệ ngoại giao Việt – Trung như Nguyễn Hữu Vinh có nick name là Anh Ba Sàm, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2007 đến năm 2014 cũng bị ngăn chặn và đàn áp.

Cho đến nay, nhà cầm quyền vẫn không có một động thái nào được cho là tích cực. Công hàm năm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng lại càng chứng minh rõ ràng hơn về sự bất lực không thể thực thi chức năng của nhà cầm quyền ngay từ đầu với nội dung chuyển nhượng lãnh thổ, thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ngoài ra, gần đây nhiều lãnh đạo trong quân đội nhân dân Việt Nam và người dân đòi hỏi việc minh bạch hóa một hội nghị được tổ chức tại Tứ Xuyên – Trung Quốc vào năm tháng 9/1990 đó là hội nghị Thành Đô. Theo đài RFA (ngày 8/06/2014) hội nghị này liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc nhưng bị lại bưng bít, tài liệu về nó rất hiếm, tờ Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã đã công bố “Kỷ yếu hội nghị”, nội dung như sau:

“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….”. Trung quốc chấp thuận đề nghị này và cho Việt Nam thời hạn 30 năm để sát nhập Việt Nam vào Trung Quốc. Vậy mà nhà cầm quyền vẫn chọn giải pháp im lặng chưa thể hiện thái độ hay giải thích nào về công bố này.

Như vậy, chính quyền cộng sản vừa không thể thực hiện các chức năng cơ bản của nó, vừa lãng phí tài nguyên quốc gia, làm tiêu tốn tiền của của nhân dân và còn là mối hiểm họa để đất nước bị bắc thuộc.

Khi chính quyền hiện tại đã không còn hữu dụng và người dân không thể trao “khế ước xã hội” cho chính quyền được nữa mà họ vẫn cố thủ bám víu vào quyền lực bằng đủ mọi phương cách thì người dân phải làm gì? Triết gia Rousseau cho rằng người dân có quyền làm cách mạng để bảo vệ ý nghĩa ban đầu của “Khế ước xã hội” và có quyền lập nên một chính quyền khác hợp pháp và hữu dụng hơn. Một chính quyền hợp pháp và hữu dụng là một chính quyền phải được tạo nên trên nền tảng là sự ưng thuận của toàn dân và chính quyền đó phải đảm bảo thực hiện được các chức năng của nó.

Có phải đã đến lúc chúng ta cần tỏ rõ thái độ với nhà cầm quyền?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét