Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHÍ SĨ TRẦN VĂN THẠCH (1905-1945) VÀ GIAI ĐOẠN THANH TRỪNG ĐEN TỐI NHẤT CỦA LỊCH SỬ

Nguyễn Văn Trần
6-10-2014
trích từ : Trần văn Thạch : Tấm gương ái quốc thất bại  " Mạng ấy yểu nhưng danh ấy thọ " 

Cách nay vài hôm, tôi nhận được thư mời tham dự buổi giới thiệu quyển sách "Trần văn Thạch (1905 – 1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức" do bà Phan thị Trọng Tuyến, nhà văn có tiếng và nhà hoạt động rất quen thuộc của Việt nam hải ngoại gởi tặng . Phải nói đó là một niềm vui lớn của tôi . Trước nhứt, vui vì từ lâu lắm, ở Paris mới có một sanh hoạt chữ nghĩa, sách vở, tuy người việt nam « tao nhơn mặc khách » ở Paris cũng khá đông . 

Nhưng điều bất ngờ kế tiếp không khỏi làm cho tôi ái ngại là Bà Phan thị Trọng Tuyến lại yêu cầu tôi có vài lời về nhà ái quốc tiền bối Trần văn Thạch. Tôi không dám từ chối vì lòng ngưỡng mộ sâu xa của kẻ hậu sanh đối với bậc tiền bối . Một bậc tiền bối vĩ đại !

Thật vậy, lúc trẻ, tôi có cái may mắn được gần gũi lớp người lớn, thầy học như Cụ Võ Thành Cứ, cha chú như các Cụ Nguyễn văn Đính, Trần văn Ân, Đào Hưng Long, …Những vị này là những người tranh đấu ái quốc giành độc lập cho Việt nam . Các cụ là bạn thân, bạn học, bạn tranh đấu với Cụ Trần văn Thạch nên có dịp là nhắc lại Cụ Trần văn Thạch như một tấm gương sáng tranh đấu ái quốc. Từ đó, tôi ngưỡng mộ Cụ như thần tượng của tôi, một cách trực tiếp vào tiềm thức, không qua sách vở .

Mà đúng như vậy vì quyển sách viết về Cụ được giới thiệu hôm nay là quyển sách đầu tiên .

Sự xuất hiện quyển sách nói về một nhơn vật của một giai đoạn đen tối của lịch sử Việt nam gần đây mà hậu quả là thực tế của đất nước ngày nay dưới ách thống trị bạo ngược của cộng sản Hà nội là điều vô cùng quan trọng, đầy ý nghĩa tốt đẹp . Việc làm này là một bổ khuyết chẳng những cần thiết làm sáng tỏ một giai đoạn hệ trọng của lịch sử Việt nam đầy mâu thuẫn và phức tạp, trong đó những ngưòi ái quốc không có chỗ đứng, mà còn cần cho tủ sách của người Việt nam vốn đông đảo mà thiếu sách vở . 

Về giai đoạn lịch sử hiện đại, người ta chỉ nhắc nhở, đề cao, tâng bốc một cách quá đáng như huyền thoại những nhơn vật cướp được chánh quyền ở Hà nội. Những người ái quốc thật sự, lương thiện, quên hạnh phúc gia đình, hy sanh cho đất nước, bị bỏ quên . Có khi còn bị lên án là kẻ thù của cách mạng, của nhơn dân chỉ vì dám chống lại những kẻ chủ tâm cướp chánh quyền mà không nhằm phục vụ quyền lợi của dân tộc và đất nước .

Sơ lược về quyển sách

Dưới cái tựa nhẹ nhàng "Trần văn Thạch (1905 – 1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức", sách thành hình và được giới thiệu hôm nay là do Bà Trần Mỹ Châu, ái nữ của Cụ Trần văn Thạch, dày công sưu tầm tài liệu và biên soạn với sự góp công của nhà văn Phan thị Trọng Tuyến phiên dịch những bài báo bằng pháp văn của Cụ Trần văn Thạch .

Sách dày 447 trang, theo bản thảo Bà Phan thị Trọng Tuyến gởi cho, với nhiều hình ảnh của Cụ Trần văn Thạch và bạn tranh đấu cùng thời, những bài báo của cụ viết nguyên văn, cả bút tích của cụ. Riêng về phần tài liệu liên quan tới nhơn vật lịch sử, phải nói là cả một công trình sưu tầm dài hơi. 

Để phát họa lại con người Trần văn Thạch, tác giả Mỹ Châu đã phải đi nhiều nơi lục tìm trong văn khố để có được chừng đó tài liệu gốc . Trong gia đình và quan hệ gia đình, không có một vết tích gì về cụ . Không ai dám giữ một tài liệu nào về Cụ vì sợ bị Tây bắt về tội liên hệ tới kẻ chống Nhà nước. Mặt khác, vì gia đình ly tán, kẻ ở nơi này, người ở nơi khác. 

Bản thân Cụ Trần văn Thạch cũng không có được một chỗ ở yên ổn lâu dài vì phải nay đây, mai đó, vừa cho nhu cầu tranh đấu, vừa lo trốn tránh thực dân pháp ruồng bố. Hoàn cảnh chung của những người tranh đấu ái quốc lúc đó, không ai có thể sống yên ấm dưới mái gia đình . Có người còn không nuôi được con cái, phải gởi bạn nuôi dưỡng. 

Tạ Thu Thâu gởi con cho một gia đình bạn tranh đấu người Pháp thợ thuyền nuôi dùm người con trai duy nhứt . Đến lúc thuận tiện, Bà Tạ Thu Thâu tới gia đình bạn xin lại con nhưng vợ chồng người bạn nói « Chúng tôi nuôi nó tứ đó tới nay, chúng tôi thương nó như con ruột . Nay, chị bắt nó đi, chúng tôi mất con » . Người mẹ đành ôm hun con, gạt nước mắt ra về, sống thui thủi tuổi già với một người con gái nuôi. 

Cụ Trần văn Ân, vợ chết, không lo ma chay cho vợ được vì phải trốn Tây. Một tháng sau, Cụ từ Singapour vừa về tới nhà, các bạn Trần văn Thạch, Nguyễn văn Lịnh (cùng Đệ Tứ), Nguyễn Thạnh Cường, …của cụ từ Sài gòn xuống Long Xuyên tìm Cụ . Cụ Trần văn Thạch là bạn thân của Cụ Ân nên nói ngay với Cụ Ân là, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hòa hảo mời Cụ trở lên Sài gòn gấp để tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt (không phải Front unique của La Lutte trước đó) cho kịp ứng phó với thời cuộc đi quá mau . Thế là Cụ Ân đành để 5 người con nhỏ nhờ em gái trông nom. Đầu thập niên 50, Cụ có cơ hội dẫn 2 người con qua Tây gởi đi học . Cụ chỉ kịp mua cho con một cái áo lạnh, hẹn kỳ tới sẽ mua thêm một cái nữa . Về Sài gòn bị nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đày Côn Đảo 9 năm sau khi không thi hành bản án tử hình . Tới những năm gần đây, trước khi Cụ mất, hai người con trai này vẫn còn oán hận cụ bỏ con không nuôi .

Cụ Phan văn Hùm, trước viễn ảnh, không biết sẽ còn gặp lại vợ con nữa hay không, đã phải âm thầm đau đớn và bày tỏ sự can đảm, để cho nước mắt chảy ngược vào tim :

« …. Gia đình cũng muốn chìu đầm ấm,
         Non nước trông ra luống nảo nề .
         Đại nghĩa xưa nay trên tiểu tiết,
         Gắng nuôi đôi trẻ trọn lời thề » (Phan văn Hùm)

Tôi nhắc lại những chuyện này để bày tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng lớp tìền bối đã vì đại nghĩa mà xa gia đình, hy sanh cả mạng sống và đồng thời cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tác giả, đến tuổi thất thập, hoàn thành đươc một công trình giới thiệu khá đầy đủ, trung thực, đượm đầy tình thương người cha đã mất không để lại một dấu vết từ hơn nửa thế kỷ qua . Một nhà tâm lý học người Nhựt nói « Con có nhu cầu tình cảm từ trong tâm thức đi tìm cha khi thiếu vắng cha » . Không biết điều này có liên hệ xa gần với tác giả khi biên soạn quyển sách về Trần văn Thạch trong đó có Chương "Tìm cha, gặp mẹ" ?

Tác giả thuật lại lời má kể cảnh má đi thăm ba ở khám lớn Chí Hòa, Sài gòn, trước khi bị đày ra Côn Đảo « Má mua một chai dầu Nhị Thiên đường và vài cái bánh đem cho ba vì má không có tiền . Ngồi ngăn cách, nói chuyện với ba không được nhiều … » . Đọc tới đây, ai mà không rơi nước mắt ? Cảnh vợ thăm chồng ở tù vì tội chánh trị của hơn bảy mươi năm trước không khác hoàn cảnh của hằng vạn người vợ cũng đi thăm nuôi chồng sau ngày 30/04/1975 của Miền nam . 

Lý do Cụ Trần văn Thạch ở tù thực dân Pháp cũng không khác những thanh niên Việt nam yêu nước tranh đấu cho nhơn quyền và chống giặc tàu xâm lăng ngày nay « Tập họp lực lượng bất hợp pháp, vận động lật đổ chánh quyền » . Có khác là tù chánh trị ngày trước, dưới chế độ thực dân pháp, có bản án và có thời hạn rõ ràng. Phạm văn Đồng, cố Thủ tướng ở Hà nội, một hôm nói chuyện về cán bộ cộng sản bị tù thực dân đã bảo « Ngày xưa, nếu thực dân pháp có chế độ tù tội như ta thì ngày nay cấp lãnh đạo đảng đã không còn người nào. » !

Trần văn Thạch, Ái quốc và Đệ Tứ

Cái đặc điểm của những người tranh đấu ái quốc Nam kỳ là những người thuộc thành phần tư sản hoặc tiều tư sản và trí thức tây học . Họ đúng là những người nối tiếp thế hệ nho sĩ trước kia . Họ học trường Tây, giởi chữ nghĩa không thua Tây nhưng không chịu làm việc cho Tây để có đời sống sung sướng. Dùng cái học ở Tây để chống lại Tây, khôi phục nền độc lập cho Việt nam . 

Phần lớn những người cộng sản như Hồ Chí Minh, nếu được địa vị như Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Hồ văn Ngà, Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, …chắc chắn đã không phải vất vả « xuống tàu tìm đường cứu nước » .

Xin nhắc lại Hồ Chí Minh từng viết đơn xin học trường thuộc địa để mong sẽ trở thành người hữu ích cho chế độ thực dân . Điều này bộc lộ rõ bản chất của một con người phục vụ hơn là lãnh tụ . Hơn nữa, cứ nhìn lại đám cộng sản cầm quyền ở Hà nội, từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười…cho tới cái đám Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng ngày nay, nếu họ không đi làm cách mạng thì có thể làm gì hơn ? Làm cách mạng cộng sản là đem cái mạng, vốn liếng cuối cùng, ra thí . Nếu cướp được chánh quyền thi làm quan cách mạng, giàu có, sung sướng ít nhứt cũng một thời . Nếu chẳng may, thì chỉ mất có cái mạng cùi . 

Trong quyển “ Xe lên - Xe xuống ” của Nguyễn Bình Phương, nhà văn đang ở Hà nội, có đoạn đối thoại giữa trùm thổ phỉ Chu Chồ-Sền với Tướng cộng sản Chu văn Tấn “ Chúng mầy vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng cộng sản . Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp .Thế là giống nhau ". Ông Chu văn Tấn bảo khác nhau . Nhưng khác nhau thế nào thì lúc ây Ông Chu văn Tấn và các đồng chí của ông không giải thích được (Diển Đàn Thế Kỷ, California, Huê kỳ, 2011 ) . Nên không thể nói những người cộng sản là những người tranh đấu vì lòng yêu nước. Nhìn lại lịch sử cộng sản cầm quyền, có chánh quyền cộng sản nào là yêu nước ? Có chánh quyền cộng sản nào không xem nhơn dân là kẻ tử thù ?

Trần văn Thạch và các bạn của cụ đều là những người học giỏi, đỗ đạt cao . Vào thời đó, họ đi làm việc cho Tây rất dễ dàng, còn được nhiều ưu đãi nữa . Không thiếu những người chỉ có bằng Diplôme (DEPSI) hoặc cao hơn, là bằng Brevet Supérieur, thi vào ngạch hành chánh, lên tới Đốc phủ sứ, giàu sang một bực . Trần văn Thạch có văn bằng Cử nhơn Văn khoa ở Pháp về, đi dạy học trường tư, kiếm sống qua ngày, để có hoàn cảnh thuận tiện mà chống Tây. Cụ dạy học ở các trường tư như Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh, là những nơi cũng của những « bạn đồng chí hướng », mở trường với mục đích « khai dân trí, chấn dân khí » đào tạo một lớp thanh niên biết ý thức hoàn cảnh nước nhà bị thực dân cai trị mà sớm ung đúc lòng yêu nước và tinh thần quật khởi .

Tôi nói những người « bạn đồng chí hướng » là có ý muốn nhắc lại lời của tác giả khi đề cập tới những người bạn tranh đấu, cùng Đệ Tứ với Cụ Trần văn Thạch, không dùng từ ngữ phù hợp là "đồng chí" . Cụ Trần văn Ân thường nói với bạn tiếng « đồng chí » đẹp quá, nhưng bị cộng sản dùng rồi và tiếng « đồng chí » vì đó đã bị mất đi ý nghĩa đẹp của nó . Nay mình dùng tiếng « đấu sĩ » hay bạn « đồng đức » để thay thế . Và cụ tự giới thiệu cụ là « Đấu sĩ » Trần văn Ân .

Cụ Trần văn Thạch và các bạn của cụ đều là những người yêu nước trước tiên . Tư tưởng ái quốc của cụ được phơi bày rõ qua lời viết của cụ « Chương trình hành động tốt nhứt mà chúng ta có thể chấp nhận được là chương trình bao gồm giải pháp cho vấn đề xã hội, vừa là giải pháp cho quốc gia dân tộc … » . Cụ gắn liền xã hội với quốc gia vì « giải pháp cho vấn đề xã hội » là xây dựng một xã hội hài hòa, bình đẳng để cho quốc gia phát triển và vững mạnh . Chánh sách sociale mà không phải socialiste .

Các cụ chống thực dân chỉ vì lòng yêu nước thôi thúc phải giành độc lập cho đất nước . Đó là lý tưởng trước sau như một . Các cụ trở thành Đệ Tứ khi nhận thấy phải cần dựa vào một thế lực mới đủ sức chống thực dân . Với các cụ độc lập, thoát khỏi ách thực dân là trên hết . Trong lúc đó, phe Đệ Tam của Trần văn Giàu, Nguyễn văn Trấn, Nguyễn văn Tạo, …đều là bạn của các cụ, họ cũng chống thực dân nhưng chống cho cộng sản nga-tàu nắm quyền ở Việt nam và tóm thâu Đông Nam Á .

Nhưng đặc điểm có một không hai trong lịch sử là chỉ có ở xứ Nam kỳ : Đệ Tam và Đệ Tứ nhiều lần hợp tác nhau . Đệ Tứ hợp tác thật lòng vì muốn có sức mạnh chống thực dân . Trái lại, Đệ Tam hợp tác chỉ để giải quyết khó khăn giai đọan . Như trong dịp đưa người ứng cử Hội đồng Thành phố hay Hội đồng Quản hạt, phe Đệ Tam không có người đủ khả năng và uy tín lập danh sách riêng nên đã phải thương lượng với Đệ Tứ . Cụ Trần văn Thạch đắc cử với số phiếu cao nhứt .

Khi phải tiếp xúc với Đồng Minh tới giải giới Quân đội Nhựt, Trần văn Giàu đã phải nhờ Luật sư Huỳnh văn Phương, Trần văn Thạch, Bs Nguyễn thị Sương ( Bà Hồ Vĩnh Ký ) thành lập Ủy Ban Ngoại giao. Nhưng khi gặp Đồng Minh để xin khí giới thì Trần văn Giàu lại nói «Để Việt Minh đi vì Việt Minh có thành tích chống Tây và chống phát-xít Nhựt » . Khi thấy khí thế hùng hậu của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt, tổ chức biểu tình ở Sài gòn qui tụ tới 200 000 người, Trần văn Giàu bèn xin gia nhập, nói là để tăng cường thế lực tranh đấu .

Phái Bộ Quân sự Anh thay mặt Đồng Minh ra lịnh quân đội Nhựt phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự cho Việt nam . Nhựt liền đưa bảy tiểu đoàn vào Sài gòn giải tán các tổ chức võ trang, cấm tụ tập, cấm báo chí việt ngữ . Lâm Ủy Hành chánh phải giao nạp võ khí .

Giàu vội vàng chỉ thị cho công an của Giàu là Lý Huê Vinh đi tìm ám sát những người cùng tranh đấu nhưng chống lại Giàu như các ông Vũ Tam Anh, Hồ văn Ngà, Trần Quang Vinh, Lương Trọng Tường, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ . Lý Huê Vinh bao vây Trụ sở Việt nam Độc lập Vận động Hội ở đường Miche (sau này là đường Phùng Khắc Khoan), Sài gòn I, đê bắt Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo nhưng Ngài thoát được .

Tướng Douglas Gracey tới Sài gòn giải giới quân đội Nhựt từ vĩ tuyến 16 trở xuống . Ông không nhìn nhận Lâm Ủy Hành chánh, thả hết tù nhơn người Pháp và phát võ khí để họ tự vệ. Ngày 23/09/1945, người Pháp bắt đầu tấn công các cơ sở Việt Minh. Lập tức, bốn sư đoàn Quân dân cách mạng của các tổ chức ái quốc (không cộng sản) xuất quân với đủ loại võ khí thô sơ tới súng ống lấy được của Pháp và do Nhựt cho . Các ông Kha Vạng Cân, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà, Trần văn Ân thành lập Ủy ban Phong tỏa Sài gòn-Chợ lớn . Cuộc kháng chiến ở Nam kỳ ( hay Nam Bộ kháng chiến) bắt đầu !

Ngày 25/09/1945, Tướng Douglas Gracey đuồi Lâm Ủy Hành chánh ra khỏi Dinh Gia Long. Họ phải khăn gói đùm túm nhau rút êm về Chợ Đệm lánh nạn . Sài gòn-Chợ lớn lâm vào cảnh binh lửa vì không đèn, không nước, … Dân quân kháng chiến và quân pháp với chà chóp, trong bóng tối, từng bước, tranh thủ từng góc phố, từng con đường .

Ủy viên Cộng hòa Pháp, Đại tá Cédille, đề nghị hưu chiến để cải thiện tình hình ngột ngạt của thành phố . Hai bên Việt-Pháp thỏa thuận .

Lợi dụng lúc hưu chiến, công an của Trần văn Giàu đi tìm ám sát những chiến sĩ ái quốc không đi với Việt Minh. Các ông Hồ văn Ngà, Dương văn Giáo, Huỳnh văn Phương, Trần Quang Vinh, Bùi Quang Chiêu, và các lãnh tụ tên tuổi của Đệ Tứ như Trần văn Thạch, Phan văn Hùm, Phan văn Chánh, Nguyễn văn Sổ…đều lần lượt bị bắt, có người bị sát hại ngay tại chỗ. 

Riêng 64 người vừa đảng viên Đệ Tứ, vừa những người tranh đấu ái quốc không đảng phái, sau buổi họp tại Thủ Đức, lấy quyết định « ở lại thà chết hơn trở ra thành mang tiếng Việt gian » đều bị Việt Minh giết hết và thả xuống sông Lòng Sông ở Phan Thiết . Riêng Tạ Thu Thâu, vừa là thầy học vừa là người thương Giàu như em, bị Giàu giết tại Quảng Ngãi, trên đường ông từ Bắc về .Trần văn Giàu chối ? Nhưng phải do lệnh từ Hà nội, tức từ Hồ Chí Minh .

Mục đích của Hồ chí Minh thanh toán những người tranh đấu ái quốc không theo cộng sản và Đệ Tứ để phong trào kháng chiến không có lãnh đạo, Việt Minh mới có thể giành trọn quyền lãnh đạo kháng chiến . Năm 1946, bị triệu hồi về Hà nội, Trần văn Giàu trên đường, ghé qua Bangkok nghe ngóng tình hình, gặp ông Trịnh Hưng Ngẫu, ngày 12/03/1946, đưa cho ông Trịnh Hưng Ngẫu coi một danh sách 2500 người trí thức ở Nam kỳ mà Giàu chưa kịp giết (Trịnh Hưng Ngẫu, Hồi kỳ 3 tập, 2b Phan thanh Giản, Sài gòn, 1973) .

Riêng với Đệ Tứ, Trần văn Giàu thẳng tay tìm sát hại vì ganh tỵ . Những người Đệ Tứ tài giỏi hơn, đạo hạnh sáng ngời, uy tín mạnh trong quần chúng . Còn Hồ Chí Minh căm thù Đệ Tứ, ra lịnh tìm tiêu diệt Đệ Tứ ở Việt nam là làm cho Staline « Bọn trostkistes, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào . Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát-xít . Phải tiêu diệt chúng về chánh trị » . Phải chăng Hồ Chí Minh đã học thuộc lòng lời dạy của Lê-nin « Phải biết làm cách mạng xâm lược và bạo lực để làm cho xã hội xáo trộn tận gốc rễ. Tức chánh sách khủng bố, thanh trừng và thanh lọc trên qui mô lớn nhằm nhiều thành phần dân chúng … » (Nicolas Werth, Lénine, những văn kiện không xuất hiện trong Lê-nin Toàn tập) .

Trần văn Thạch, Chí sĩ Nam kỳ

Ngay từ lúc học Trung học ở Trường bổn quốc Chasseloup-Laubat Sài gòn, Cụ Trần văn Thạch đã lập chí phải học cho thật giỏi để làm chánh trị tranh đấu trực tiếp với người pháp, đem lại độc lập cho đất nước . Cụ luyện thêm tiếng pháp hằng ngày với ông thầy dạy pháp văn Paul Baudet . Có giỏi, khi đấu lý lẽ với người Pháp mới được họ nể trọng .

Về mặt nhận xét, đánh giá tầm vóc Trần văn Thạch trong lịch sử Việt nam, có thể nêu lên 3 điểm để có kết luận : lập Đức, lập Công và lập Ngôn . Trần văn Thạch là người ở tuổi 40 đã hội đủ 3 điều kiện này .

Lập Đức, bản tánh can trường, ngay thẳng, dám nói, dám làm, cụ hy sanh hạnh phúc gia đình, tánh mạng, coi thường bả vinh quang lúc đất nước bị thực dân độ hộ, quyết chí tranh đấu giành độc lập cho đất nước .

Lập Công, luôn luôn sát cánh với lớp dân nghèo như giới thợ thuyền, phu kéo xe, phu xe ngựa để bênh vực quyền lợi chánh đáng cho họ . Cụ còn ứng cử Hội đồng Thành phố và Hội đồng Quản hạt để có tiếng nói chánh thức chống những bất công xã hội như cụ cùng với Cụ Phan văn Hùm chống lại mức lương quá chênh lệch giữa người Pháp và người dân bản xứ . Lương của người Pháp quá lớn và chiếm mất một phần quá lớn của ngân sách quốc gia . Ngoài ra, việc tham gia cơ quan Đại diện dân còn nhằm huấn luyện người dân hìểu biết về quyền lợi chánh đáng của mình, chớ hoàn toàn không vì danh lợi .

Lập Ngôn, cụ gởi gắm lại qua nhiều buổi diễn thuyết, nhiều bài báo, những tư tưởng về ý chí tranh đấu của người dân mất nước, quyền lợi của người dân, quyền lao động, cả sách giáo khoa . 

Sự nghiệp của cụ, chi có chừng đó ở tuổi đời 40, tưởng cũng đã đủ để đưa cụ bước vào lịch sử dân tộc bằng cửa chánh như một Chí sĩ nam kỳ.

Khác hẳn với một người chưa có mấy ngày thật sự  tranh đấu cho đất nước, gần gũi dân chúng, bỗng một hôm tự suy tôn nguyên thủ quốc gia, thi hành chánh sách độc tài, bàn tay bết máu đồng bào, mà lại muốn được gọi là chí sĩ  ?

Cụ Vương Hồng Sển, bạn học cùng trường với Cụ Trần văn Thạch, trong Hồi ký « Hơn nửa đời hư », nhắc lại bạn xưa với lòng đầy cảm mến « Mạng ấy yểu, danh ấy thọ » .

Trong cuộc chiến Việt nam từ 1945, phe những người Việt nam yêu nước, không riêng gì Chí sĩ Trần văn Thạch, đã thất bại vì năm 1954, cộng sản làm chủ được phân nửa nước, năm 1975, làm chủ trọn cả nước . 

Người cộng sản thắng, ngoài yếu tố quốc tế, còn yếu tố đặt sệt cộng sản mà phía quốc gia yêu nước không có, và cũng không dám có nữa, đó là họ dám thẳng tay sát hại mọi người bị xem là kẻ thù của cách mạng để đạt mục tiêu . 

Nên nhớ với cộng sản, chỉ có mục tiêu là trên hết . Đạt cho được mục tiêu, bằng mọi phương tiện, đó chính là "đạo đức cách mạng" cộng sản. Sức mạnh của cộng sản xưa nay vẫn là bạo lực và dối trá . Dối trá để che dấu bạo lực và bạo lực để làm cho dối trá được tin là sự thật .

Lời sau cùng, tôi thật lòng cảm ơn tác giả, Bà Trần Mỹ Châu, đã gởi cho một tác phẩm, khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình bỗng trở thành người của thời cuộc Việt nam những năm trước và sau Đệ nhị Thế chiến bởi bị cuốn theo, không kịp ý thức, những biến cố lịch lịch sử do tác giả dẫn lại quá rõ ràng, thật sống động bằng những tài liệu giá trị đầu tay .

Nguyễn văn Trần


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét