30-10-2014
Hình bên: Ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm) bị nhà cầm quyền CSVN bắt ngày 5/5/2014 khi Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng vì giàn khoan HD981 của Trung Quốc ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Internet)
HÀ NỘI (NV) .- Blogger Nguyễn Hữu Vinh có thể sắp bị kết
án tù về một số bài của nhiều người viết trên một số blogs nên bị quy chụp tội
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”
Trên trang mạng Ba Sàm (Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA
HÈ) hôm Thứ Năm 30/10/2014 phổ biến “Bản kết luận điều tra” của Cơ quan Điều
Tra thuộc Bộ Công An CSVN mà theo kinh nghiệm của các trường hợp trước đây, ông
Nguyễn Hữu Vinh có thể sắp bị lôi ra tòa một ngày không xa.
Bản kết luận điều tra của Công an dùng 24 bài viết mà họ nói
rằng do ông Nguyễn Hữu Vinh phổ biến trên hai blogs Chép Sử Việt và Dân Quyền.
Những bài này có nội dung bị vu cho là “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ,
tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
bôi nhọ một số cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đưa ra
cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin
của quần chúng nhân đân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc
hội và Nhà nước...”
Theo sự quy chụp này, ông Nguyễn Hữu Vinh và một cộng sự
viên, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị cột vào điều 258 của Bộ luật hình sự CSVN “lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước...”. Nếu bị kết án,
ông Vinh có thể bị đến 7 năm tù.
Khi “bắt khẩn cấp” ông Vinh ngày 5/5/2014, báo chí thuật lại
tin của Công an tại Việt Nam nói ông “liên lạc với một số đối tượng cầm đầu
phần tử phản động sống ở nước ngoài” cũng như nói “từ năm 2009 đến nay, ông
Vinh thành lập và quản lý 12 địa chỉ tên miền lấy tên 'Anh Ba Sàm' và 'Chép sử
Việt' đăng tải hàng chục nghìn bài viết.”
Việc bắt ông Nguyễn Hữu Vinh khi vừa bắt đầu sự đối đầu giữa
lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam với các lực lượng hải giám, hải
cảnh ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng của Việt Nam muốn xua đuổi giàn
khoan HD981 của Trung Quốc ngang ngược khoan tìm dầu khí tại vùng biển đặc quyền
kinh tế, nhưng chỉ chạy lòng vòng xa xa phía ngoài.
Nhiều bloggers, các người bình luận trên mạng đều cho rằng
các blogs mà ông Nguyễn Hữu Vinh thực hiện có rất nhiều bài viết chống Trung Quốc
rất mạnh bên cạnh những bài viết chỉ trích lãnh đạo chóp bu của
đảng CSVN tham nhũng, cửa quyền, bè đảng, đi ngược lại quyền lợi tối thượng của
quốc gia dân tộc. Đó là cái chính yếu để ông bị bắt.
Đáng để ý là, tuy khi bắt ông, báo chí tại Việt Nam đều nói
ông được biết với cái biệt danh “Ba Sàm” và blog Ba Sàm, nhưng trong “Bản kết
luận điều tra” của Bộ Công an CSVN lại không hề đề cập gì tới cái biệt danh đó
và cái blog đó.
“Kết luận điều tra” chỉ cáo buộc ông đã lập hai blogs
là diendanxahoidansu.wordpress tức blog Dân Quyền và blog Chép Sử Việt.
Theo “Bản kết luận điều tra” cả ông Nguyễn Hữu Vinh và bà
Nguyễn Thị Minh Thúy “không chịu khai báo” nên Công an “không có điều kiện xác
minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết” dùng để buộc tội. Bởi vậy,
Công an chỉ căn cứ vào “tập thể giám định viên của Bộ Thông Tin và Truyền
Thông' ngày 19/9/2014 để quy chụp tội trạng lên đầu hai người.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ và quốc
hội tây phương cũng như các tổ chức công dân độc lập tại Việt Nam đã nhiều lần
đòi chế độ Hà Nội trả tự do cho ông Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh cũng như bà Nguyễn
Thị Minh Thúy. Họ chỉ sử dụng quyền tự do phát biểu như hiến pháp của chế độ
công nhận.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế đã nhiều lần đả
kích một số điều luật hình sự mù mờ của CSVN, như 87, 88, 245, 258 chỉ có mục
đích bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Cũng bị bỏ tù vì cái điều luật 258, blogger Trương Duy Nhất
bị bắt ngày 26/5/2013 và bị kết án 2 năm tù. Blogger Phạm Viết Đào bị bắt ngày
13/6/2013 và bị kết án 15 tháng tù. Ông Đào mãn hạn tù hồi tháng trước.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, 58 tuổi, người từng là trung tá an ninh
của Công an Việt Nam, sau đó xin ra khỏi ngành. Ông lập trang web có tên là “Ba
Sàm” khoảng 8 năm trước, chuyên tổng hợp, giới thiệu các thông tin, sự kiện, ý
kiến về những vấn đề có liên quan đến hiện tình Việt Nam. Kể cả những thông
tin, sự kiện, ý kiến được xem là cấm kỵ (biểu tình chống Trung Quốc, phản kháng
cưỡng đoạt đất đai, yêu cầu bỏ Điều 4 trong Hiến pháp).
“Ba Sàm” đã từng là một trong những trang web dẫn đầu về số
lượng truy cập tại Việt Nam và bị tin tặc tấn công, cướp quyền kiểm soát nhiều
lần. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, bộ phận điều hành trang web này
đã giành lại được quyền kiểm soát và trang web tiếp tục hoạt động theo tôn chỉ
“phá vòng nô lệ”.
Trước khi ông bị bắt khoảng một tháng, nhóm điều hành trang
web Ba Sàm tuyên bộ tạm ngưng điểm tin vì thiếu nhân sự. Tuy nhiên, sau khi ông
bị bắt vài ngày thì nhóm điều hành quyết định khởi động trở lại. (TN)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét