Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




"ĂN VẠ" LUẬT PHÁP

Minh Tâm
9-10-2014

Hình bên: Lớp tập huấn tổ chức từ ngày 1- 3/10/2014, tại TP. Cần Thơ.

Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa tổ chức buổi tập huấn “Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn” tại TP.HCM. Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, cùng một số đơn vị tổ chức, kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, giải trí.

Tại buổi tập huấn, những chuyện ồn ào quanh việc thu tác quyền đêm Khánh Ly là “giọt nước tràn ly” khiến Bộ VH-TT-DL đề xuất thay đổi Nghị định 61 về chế độ nhuận bút.

Trước đó, lúc chuẩn bị mở màn show diễn của Chế Linh và cả show Khánh Ly, đã xảy ra chuyện bất ngờ: ông nhạc sĩ giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) giở chiêu “ăn vạ” để “đòi tiền” tác quyền. Bất ngờ còn ở chỗ với một nhà nước pháp quyền thì tróe ngoe cảnh “Chí Phèo” như vậy.

Cò kè bớt một, thêm hai

Theo mô tả ở đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly, ông nhạc sĩ giám đốc lần lượt đến tận nơi biểu diễn của chương trình tại Hà Nội và Đà Nẵng đến đòi thu bằng được tiền tác quyền. Ông đã viện dẫn luật ra rồi cò kè thêm một bớt hai với tuyên bố ít nhiều mang vẻ… ban ơn, khi cho rằng số tiền bản quyền tác giả đêm nhạc được trích 5% của tổng số tiền từ 50% số lượng ghế x bình quân giá vé. Chứ thông thường, là trích 5% của tổng số tiền từ 75% số ghế x bình quân giá vé.

Rất nhiều bài báo đã “bàn ra tán vào” quanh chuyện phần trăm này cùng cách thu mang màu sắc giang hồ, gợi nhớ hình ảnh Chí Phèo ăn vạ. Báo chí cũng đưa tin là thanh tra ngành cũng vào cuộc theo lời mời của vị giám đốc VCPMC, song phía nhà tổ chức vẫn chưa chịu thông.

Ở đây, có thể nói ngay là viện dẫn cơ sở pháp lý của phía nhân danh VCPMC là chỉ đúng một nửa sự thật.

Hiểu luật như vầy là chết…

VCPMC áp dụng khoản 3 Điều 16 của Nghị định 61 để ra giá tác quyền. Trả lời báo chí, ông giám đốc cho biết vì Ban tổ chức chương trình nói vé ế nhiều nên trung tâm này chỉ thu tiền tác quyền 5% doanh thu của 50% số ghế trong rạp. Ông cho rằng đây là cách tính dựa vào giá vé và số ghế bán được cho khán giả, gọi là “trả nhuận bút cho tác giả theo doanh thu” nên không thể chấp nhận giá mà Ban tổ chức chương trình đưa ra là 1,5 triệu đồng/bài.

Tiếc là nhà tổ chức đêm nhạc không bỏ chút tò mò coi thử Điều 16 đó nói gì.

Trích Điều 16. Nhuận bút trả theo doanh thu buổi diễn: (…) “Đối với tác phẩm âm nhạc, bên sử dụng tác phẩm trích từ 15 - 21% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút cho: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, hoạ sĩ theo thoả thuận trong hợp đồng”.

Như vậy với lựa chọn Điều 16 của Nghị định 61 để ra giá tác quyền, thì về nguyên tắc luật định, việc cho trả nhuận bút được căn cứ từ thực tế doanh thu có được từ buổi diễn. Doanh thu sẽ bao gồm cả tiền vé, các khoản tài trợ, quảng cáo. Phòng vé khép lại và khi buổi biểu diễn kết thúc thì mới xác định được doanh thu cụ thể là bao nhiêu để chi trả.

Với hành vi đến trực tiếp đòi tiền của ông giám đốc như xảy ra tại các chương trình vừa qua tại Hà Nội, Đà Nẵng, cho thấy nhà tổ chức chương trình không chỉ được quyền từ chối tiếp, mà còn có thể khởi kiện ông “Chí Phèo” này về dấu hiệu của hành vi gấy rối trật tự công cộng.

Doanh nghiệp bị bắt chẹt

Tại buổi tập huấn, một đại diện thường tổ chức đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ nước ngoài nhận xét, cách tính nhuận bút, tiền tác giả của VCPMC hiện nay cho thấy sự chênh lệch giữa nhạc sĩ trong nước và nước ngoài.

“Khi chúng tôi tổ chức một đêm nhạc của ca sĩ Hàn Quốc, chúng tôi phải trả một mức phí tác quyền khá cao cho các ca khúc sử dụng trong đêm. Mức phí này được trả cho công ty Hàn Quốc vì họ thường sở hữu luôn tác quyền các ca khúc. Bên cạnh đó, chúng tôi mời hai đến ba ca sĩ Việt Nam biểu diễn và chỉ hát chừng năm đến sáu bài hát, nghĩa là phần biểu diễn của ca sĩ trong nước chỉ chiếm 10-20% dung lượng chương trình. Nhưng chúng tôi phải đóng tiền tác quyền theo quy định hiện tại là phần trăm trên tổng doanh thu của cả đêm biểu diễn. Như vậy, con số tác quyền phải trả cho nhạc sĩ Việt Nam khá lớn, đến vài trăm triệu đồng”, vị này chia sẻ.

Về mức phí tác quyền, bà Thu Dung, giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông ý kiến: “Hiện nay, VCPMC đang thu tác quyền theo kiểu giá vé cao thì thu tác quyền cao, giá vé thấp thì thu thấp. Điều này có phần chưa hợp lý, vì với mức giá vé cao nhà tổ chức đơn vị sản xuất chương trình phải bỏ số tiền lớn tương xứng để đầu tư. Tôi nghĩ, Trung tâm cần quy định cụ thể, thông báo rộng rãi mức tối đa và tối thiểu trong chuyện thu phí là bao nhiêu. Căn cứ trên đó, Trung tâm và đơn vị tổ chức có sự thương lượng, trao đổi với nhau trong từng trường hợp cụ thể”.

VCPMC là ai?

Một điều lạ là trên các trang báo, ngay cả giới nhạc sĩ cũng không ít ý kiến phản ứng về cách thu – chi thiếu minh bạch của VCPMC.

Trong Điều lệ của VCPMC, thì đây là “một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được uỷ thác”. (Trích Điều 2). VCPMC là con đẻ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên từ nhân sự đến các hoạt động khác của trung tâm đều chịu sự quản lý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội này thì lại “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý của nhà nước” (Trích Điều 2.2 Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Tổ chức phi lợi nhuận hay tổ chức bất vụ lợi (tiếng Anh: Nonprofit organization - viết tắt NPO hay not-for-profit) được định nghĩa là tổ chức không phân phối các quỹ thặng dư của nó cho các chủ nhân hay cổ đông, mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho các mục tiêu của tổ chức. Các ví dụ của loại tổ chức này có thể là các quỹ từ thiện, hiệp hội thương mại, tổ chức nghệ thuật cộng đồng.

Tuy nhiên tất cả các yêu cầu tối thiểu ấy ở NPO chưa có ở VCPMC, một trung tâm ra đời từ tháng 04-2002. Nội dung ở báo cáo tổng kết năm 2013 của VCPMC cho biết số tiền bản quyền thu được trong năm 2002 là 86.252.650 đồng. Năm 2013 thu được 58 tỷ 650 triệu đồng và chi tác quyền cho các nhạc sĩ là 52 tỷ đồng. VCPMC có vẻ trịch thượng khi trong báo cáo đã dùng từ “phân phối” khi chi tác quyền.

6 tỷ đồng trong 12 tháng dành cho vận hành VCPMC là con số không hề nhỏ nếu đặt trong bối cảnh chuyện quyền tác giả vẫn còn bị xâm phạm tràn lan.

Xét từ góc độ kinh tế, sẽ khó ai chấp nhận cho một đơn vị nhân danh “tổ chức dân sự” - đại diện cho các nhạc sĩ đã ủy quyền cho họ - đơn phương đưa ra một mức phí tác quyền với giá “cắt cổ”, bóp nghẹt ngành công nghiệp ghi âm và biểu diễn. Đặc biệt là khi mức giá ấy được “hợp lẽ hóa”, “không bàn cãi” qua việc tổ chức này phô trương mình như thể đại diện duy nhất cho toàn bộ giới sáng tác, thông qua đó làm hạn chế các thỏa thuận cá nhân giữa nhà tổ chức và người sáng tác trong và ngoài ủy quyền, vốn khiến họ mất đi doanh thu có được từ phần chia lại tiền tác quyền với tác giả.

Doanh nghiệp xã hội

Nhân vụ việc VCPMC nhân danh tổ chức dân sự, song lại tuyên bố “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng”, cho thấy đã đến lúc Luật Doanh nghiệp sửa đổi trình Quốc hội tới đây cần đưa doanh nghiệp xã hội (DNXH) vào luật.

TS Nguyễn Đình Cung cho biết, DNXH được thành lập ra để giải quyết các vấn đề xã hội chứ không đặt mục tiêu chính là lợi nhuận như các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Lợi nhuận thu được của DNXH cũng sẽ được tái đầu tư cho xã hội. Từ đó có thể hiểu rằng, tìm kiếm lợi nhuận chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu cuối cùng của DNXH. DNXH chỉ giải quyết vấn đề xã hội bằng phương thức kinh doanh. Từ đặc trưng đó, DNXH cũng có những đặc thù riêng về chính sách đầu tư, huy động vốn, cách thức huy động vốn...

Giả dụ ở đây việc bảo vệ tác quyền cũng được giao cho DNXH, có lẽ hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều khi không phải chịu một áp lực đao to búa lớn: “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng” như VCPMC trong 12 năm qua.

Ngoài ra, cần thiết có những hội đoàn độc lập, chỉ tuân thủ theo những quy định của pháp luật ở một quốc gia được hiến định là Nhà nước pháp quyền.


Minh Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét