Tri Nhân Media

TRUNG QUỐC VÀ HỒNG KÔNG: CHÚNG TÔI CỬ, CÁC ANH BẦU

George Chen, YaleGlobal
Nguyễn Huy Hoàng lược dịch

Trung Quốc lo sợ dân chủ sẽ lan truyền vào đại lục nếu cho phép phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông.

Mười bảy năm sau khi nắm quyền kiểm soát đối với Hồng Kông và cam kết thực hiện phổ thông đầu phiếu ở vùng lãnh thổ này, Bắc Kinh đã biến nguyên tắc mỗi người một phiếu trở nên vô nghĩa bằng cách tự cho mình đặc quyền lựa chọn ứng cử viên. Trong khi Hồng Kông gồng mình trước cú sốc từ sự đảo ngược xu thế dân chủ hóa này, cộng đồng quốc tế nghi ngại về tương lai của Hồng Kông và vị thế của họ trong con mắt của thế giới.

Năm 1997, Hồng Kông trở về với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng lời hứa từng bước chuyển đổi sang một chính quyền dân cử. Năm 2010, Trung Quốc làm dấy lên hi vọng rằng trong cuộc bầu cử năm 2017, quyền phổ thông đầu phiếu có thể sẽ được áp dụng với các chi tiết cụ thể sẽ được làm rõ sau. Lý Phi,[1] quan chức cấp cao của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Tương đương Quốc hội ở Việt Nam – ND), công bố kế hoạch vào ngày 31 tháng 8, và tin tức đã gây choáng váng Hồng Kông: Trung Quốc sẽ sàng lọc ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông và ấn định danh sách cuối cùng từ hai đến ba ứng cử viên, do đó phủ nhận quyền bầu cử cho danh sách ứng cử viên mà họ thích của nhiều người trong số 7 triệu dân ở Hồng Kông.

Động thái này đã làm sứt mẻ uy tín quốc tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới vốn đã cam kết sẽ là một cường quốc đang lên có trách nhiệm hơn. Nếu Bắc Kinh có thể dễ dàng phá bỏ lời hứa của mình đối với Hồng Kông, thế giới cũng nên cân nhắc việc liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết quốc tế khác hay không.

Rất lâu trước cuộc bàn giao năm 1997, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo ngày 18 tháng 3 năm 1993 có đăng một bài báo trích lời của Lỗ Bình,[2] sau này là quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao: “Việc Hồng Kông xây dựng nền dân chủ thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong quyền tự quyết của Hồng Kông. Chính quyền trung ương sẽ không can thiệp.”

Hơn 20 năm sau lời hứa của Lỗ Bình đối với Hồng Kông, chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” của lãnh tụ tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình hiện đang có nguy cơ sụp đổ, phần lớn là bởi các sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp không ngừng của Trung Quốc trên nhiều mặt khác nhau từ việc bầu cử các nhà lập pháp ở địa phương cho đến tự do báo chí, mà trong nhiều thập kỷ được coi là một trong những giá trị cốt lõi của Hồng Kông bên cạnh nền pháp quyền.

Chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” ngụ ý rằng trong khi Trung Quốc đại lục tiếp tục theo con đường chủ nghĩa xã hội, nền dân chủ tư bản có thể song song tồn tại trong các bộ phận khác của Trung Quốc như ở Đài Loan sau khi thống nhất với Trung Quốc Cộng sản. Chính phủ Đài Loan nhiều lần từ chối khái niệm chính trị như vậy kể từ năm 1971 khi Liên Hợp Quốc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ duy nhất của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Đài Loan từ chối một thỏa thuận đại diện kép.

Phong trào ủng hộ dân chủ Hòa Bình Chiếm Trung [3] (Occupy Central movement) của thành phố – đấu tranh cho “mỗi người một phiếu” và phổ thông đầu phiếu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế chứ không chỉ thứ phổ thông đầu phiếu “mang bản sắc Trung Quốc” cho phép Bắc Kinh sàng lọc ứng cử viên trước – đã tổ chức một cuộc biểu tình mang tính bước ngoặt để phản đối tuyên bố của Bắc Kinh về cuộc bầu cử năm 2017.

Trong lịch sử, Hồng Kông không chỉ là một trung tâm tài chính, đóng vai trò chủ chốt trong cải cách và phát triển chính trị trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Hồng Kông từng là nơi cư trú của Tôn Trung Sơn, người sáng lập nên Trung Hoa Dân Quốc, cựu sinh viên của Đại học Hồng Kông, một trong những cơ sở giáo dục lâu đời và uy tín nhất của châu Á. Nhiều quan chức và học giả Trung Quốc từng mong đợi Hồng Kông có thể trở thành một hình mẫu cho sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan với hi vọng rằng hai bên có thể tái hợp một ngày nào đó tương tự như thỏa thuận “Một quốc gia, hai chế độ” với Hồng Kông.

Với lập trường của Bắc Kinh chỉ cho phép hai hoặc ba ứng cử viên – hầu hết có khả năng là các ứng cử viên mà Đảng có thể tin tưởng vào lòng trung thành với chính quyền trung ương – chạy đua trong cuộc bầu cử 2017 cho vị trí lãnh đạo điều hành Hồng Kông, mong ước cuối cùng và có lẽ khả quan nhất cho một cách tiếp cận tiến bộ để nâng cao các giá trị dân chủ trên đất Trung Quốc đang mờ dần đi.

Những phản ứng trên mạng của thế hệ trẻ Đài Loan đối với sự kiểm soát gắt gao chưa từng có của Bắc Kinh đối với cuộc cải cách bầu cử của Hồng Kông cho thấy Trung Quốc có thể cần phải hành động nhiều hơn nữa để giành được trái tim và khối óc của những người Đài Loan với mong muốn một ngày tái hợp hòn đảo tự trị này về với đất mẹ.

Bắc Kinh vẫn đang nhất quyết ngăn chặn phổ thông đầu phiếu. Có lẽ Trung Quốc có mối quan ngại sâu sắc hơn về việc dân chủ kiểu phương Tây bắt rễ tại Hồng Kông, trên đất Trung Quốc, và đóng vai trò như một tín hiệu dẫn đường cho những người ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc đại lục, đặc biệt là những thành phố phát triển nhất bao gồm Quảng Châu và Thượng Hải, nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng có mong muốn mạnh mẽ về công bằng xã hội và cải cách chính trị để bảo vệ lợi ích cho chính cư dân địa phương.

Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã bắt tay vào chiến dịch chống tham nhũng nhằm làm trong sạch Đảng Cộng sản, từ đó củng cố sự cầm quyền của Đảng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, mặt khác chính phủ cũng bịt miệng các trí thức bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động ủng hộ nền dân chủ, đàn áp tự do internet với lý do duy trì nền hòa bình và ổn định trong nước. Với hiện trạng liên lạc lỏng lẻo giữa Hồng Kông và đại lục, việc người dân Hồng Kông được tự do bầu các ứng cử viên không do Bắc Kinh xét duyệt sẽ đem lại một hiệu ứng “lật đổ” với Trung Quốc.

Tuy nhiên, làm mất lòng những khát vọng của nhân dân Hồng Kông bằng việc từ chối thực hiện phổ thông đầu phiếu như Trung Quốc đã hứa có thể sẽ không đem lại hòa bình và ổn định mà mọi người mong muốn.

Bằng cách đe dọa phong tỏa khu trung tâm thành phố, phong trào Hòa Bình Chiếm Trung có thể gây ra một tình huống mà cả Bắc Kinh lẫn Hồng Kông đều phải chịu thiệt hại. Không nên đánh giá thấp sức mạnh của Hòa Bình Chiếm Trung. Phong trào này không chỉ liên quan tới việc có bao nhiêu người chiếm đóng các đường phố trên thực tế, mà nó còn gửi một tín hiệu rõ ràng qua xã hội Hồng Kông và tới Bắc Kinh rằng thực sự có nhiều cá nhân sẵn sàng tranh đấu để bảo vệ ý nghĩa những giá trị cốt lõi của Hồng Kông được ghi nhận trong Tuyên bố chung Trung – Anh – “Các quyền và tự do, bao gồm các quyền và tự do của con người, tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, đi lại, thành lập các phong trào, thư tín, bãi công, lựa chọn nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, và tín ngưỡng tôn giáo được bảo đảm bởi pháp luật của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Sỡ hữu tư nhân, sở hữu doanh nghiệp, quyền hợp pháp của người thừa kế và đầu tư nước ngoài được bảo vệ bởi luật pháp” – những thứ đồng nghĩa với địa vị của một công dân Hồng Kông.

Giáo sư Benny Tai[4] tại Đại học Hồng Kông, cũng là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt và là người đồng sáng lập phong trào Hòa Bình Chiếm Trung, tuyên bố rằng phong trào đã đánh dấu một “kỷ nguyên của sự bất tuân dân sự” hoàn toàn mới cho Hồng Kông, và đây mới chỉ là một sự khởi đầu. Con đường chính trị cho Hồng Kông trong những năm tới, chưa nói đến những thập kỷ tới, sẽ gập ghềnh hơn rất nhiều.

Nhiều người phương Tây cũng như người đại lục thường xuyên đặt câu hỏi, rằng sau tất cả những tranh luận, giận dữ và biểu tình này, người Hồng Kông thực sự muốn Hồng Kông thế nào? Câu trả lời của cựu Ti trưởng Chính vụ ti[5] Hồng Kông, bà Trần Phương An Sinh,[6] là Hồng Kông không nên trở thành “một thành phố như những thành phố khác của Trung Quốc,” ít nhất không phải là bây giờ. Hồng Kông vẫn có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho họ và cho Trung Quốc nếu người dân của họ có thể tiếp tục duy trì được các giá trị cốt lõi của xã hội.

Đề nghị “phổ thông đầu phiếu mang bản sắc Trung Quốc” của Bắc Kinh – giới hạn danh sách bầu cử gồm chỉ những người tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản – sẽ dẫn đến kết quả là Hồng Kông trở thành “một thành phố như những thành phố khác của Trung Quốc” như bà Trần lo ngại. Người dân Hồng Kông muốn giữ bản sắc riêng và tự quyết vận mệnh của họ ngay cả khi thành phố này thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

George Chen là biên tập viên tài chính cho tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) và là học giả Yale World Fellow 2014. Theo dõi ông trên Twitter @george_chen.

Bản gốc tiếng Anh: YaleGlobal
—————–
[1] Lý Phi (李飛) hiện là Phó Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc (ND).
[2] Lỗ Bình (魯平) là Giám đốc Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao (Hong Kong and Macau Affairs Office) trực thuộc Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1990 đến 1997 (ND).
[3] Tên đầy đủ của phong trào là Occupy Central with Love and Peace, tên tiếng Trung là 和平佔領中環 (Hòa bình chiếm lĩnh trung huyện) với mục đích chiếm đóng khu trung tâm thành phố để gây áp lực với chính quyền Bắc Kinh (ND).
[4] Benny Tai (戴耀廷 – Đới Diệu Đình) là Phó Giáo sư Luật tại Đại học Hồng Kông (ND).
[5] Vị trí vận hành nhánh hành pháp của chính quyền đặc khu hành chính, báo cáo trước Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp (NBT).
[6] Anson Chan (陳方安生 – Trần Phương An Sinh) (ND).



Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế



1 nhận xét:

  1. Nặc danh30/9/14 14:14

    Trò hề: đảng cử, dân bầu do thày trò Mao-Hồ diển suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn làm mờ mắt dân ngu cu đen. Mao dạy Hồ: "trí thức là cục cứt, nhân dân là cỏ dại" vì họ có suy nghĩ ngu dân dể trị, họ không cần đất nước phát triển, với của cải vơ vét được họ ăn 8 đời không hết, bản thân họ bất tài mà thừa tàn bạo, nhưng cũng chỉ đến lúc nào đó họ phải trả giá, không sớm thì muộn.

    Trả lờiXóa