Tri Nhân Media

TRUNG QUỐC ÂM THẦM TẠO RA NHỮNG "SỰ ĐÃ RỒI"

16-9-2014

Trao đổi với VnExpress, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công An, cho biết đá Gạc Ma mà Trung Quốc đang xây dựng có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng trên Biển Đông.

"Vị trí của Gạc Ma giúp Trung Quốc vừa tiến công vừa phòng thủ, đó là điểm quan trọng nhất của đá này", ông Cương nhấn mạnh.

Theo ông Cương, khi các cơ sở hạ tầng ở Gạc Ma hoàn tất, máy bay J-10 của Trung Quốc có thể hạ cánh ở đây, tàu ngầm 5.000 tấn cũng có thể hoạt động.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Philippines hồi mùa hè, và mới đây là BBC, đưa ra các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang biến các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành công trường xây dựng khổng lồ, hút cát đắp thành các đảo và xây dựng công trình trên đó. Giới quan sát dự đoán Bắc Kinh sẽ cho xây đường băng máy bay trên ít nhất một trong số các đảo mới được tạo ra.

Tướng Cương phân tích rằng khi trở thành một đảo nhân tạo, Gạc Ma cùng với các quần đảo ở Hoàng Sa (mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam trước đây) sẽ tạo nên thế liên hoàn gắn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. "Chuỗi thực thể đó đóng vai trò khu vực phòng thủ từ xa khiến Trung Quốc có thể ngăn chặn sự tiếp cận của các loại tàu của nước ngoài, kể cả tàu chiến và tàu ngầm", ông nói.

Chuỗi đảo này cũng giúp Trung Quốc hình thành thế kiểm soát các loại tàu thuyền di chuyển trên con đường hàng hải thương mại nhộn nhịp từ eo biển Malacca lên.

Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Ban Lịch sử Viễn Đông, Khoa Nghiên cứu châu Á và châu Phi, Đại học St. Petersburg, Nga, cho rằng việc Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Gạc Ma có thể chứng tỏ rõ ràng kế hoạch bành trướng để kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

"Nếu như Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng để bành trướng cơ sở quân sự, thì điều đó nói về cái gì, về phương châm hòa bình hay là cái gì khác?", ông Kolotov đặt câu hỏi. "Điều đó rất dễ nhận ra".

Theo ông Kolotov, nhìn vào những hành động mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông những năm gần đây thì có thể hình dung được chiến lược Bắc Kinh đang theo đuổi.

Thời điểm này, Trung Quốc đang áp dụng kế sách "thanh Đông, kích Tây", tức là tận dụng tình hình căng thẳng tại các vùng khác trên thế giới để đẩy mạnh quyền lợi của mình ở "vùng gần nhà", bởi so với các sự kiện lớn gây chú ý trên thế giới thì những bước lấn dần của Trung Quốc có vẻ không đáng kể.

Chuyên gia phân tích người Nga cho rằng Trung Quốc dần dần và không ngừng xây dựng hệ thống kiểm soát từng bộ phận trên Biển Đông. "Họ cũng tính đến việc các nước vừa và nhỏ trong khu vực sẽ lên tiếng phản đối, nhưng họ có thể bỏ qua được vì sự phản đối đó không có sự cộng hưởng và tiếng vang toàn cầu rộng lớn", ông Kolotov nói.

Ông Lê Văn Cương dẫn thông tin trên báo chí cho hay song song với việc xây dựng ở đá Gạc Ma, Trung Quốc cũng tiến hành bơm cát lên xây dựng căn cứ quân sự ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đá này có diện tích lớn gấp ba lần Gạc Ma. Nếu như đường băng ở Gạc Ma dài 1,6 km thì đường băng ở Chữ Thập có thể dài 2,4 km.

"Khi hai đá này biến thành đảo, Trung  Quốc sẽ có thể lập ra một căn cứ hải quân lớn ở Biển Đông, có quy mô tương đương với căn cứ Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương", ông Cương dự đoán. "Bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ có thể là thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) như đã làm ở biển Hoa Đông, tạo nên vòng khép kín toàn bộ khu vực, đặt Việt Nam vào thế kẹt và đẩy các nước khác ra xa vùng này".

Đồng tình với nhận định trên, ông Don Emmerson, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Đại học Stanford, Mỹ, khi trao đổi với VnExpress qua email, lưu ý rằng các nhà phân tích của Trung Quốc từ năm 2013 đến nay khi đề cập tới vấn đề quân sự đều nói đến một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh đơn phương áp đặt vùng này ở Hoa Đông. Cuối năm 2013, họ đòi hỏi ngư dân nước ngoài trên một vùng rộng đến nửa Biển Đông phải xin phép khi muốn đánh bắt cá. Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan vào đặt ở gần Hoàng Sa.

"Những việc làm này, cùng với việc đào đắp và xây dựng hiện nay, cho thấy rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để thiết lập sự thống trị cuối cùng và độc nhất" đối với Biển Đông, ông Emmerson viết.

Nếu đó quả thực là ý định của họ, người ta sẽ thấy Bắc Kinh tiếp tục đơn phương tạo ra những sự đã rồi cả ở trên không, trên mặt biển, trong lòng biển và trên các thực thể ở Biển Đông, chuyên gia của đại học Stanford phân tích.

"Các bên tuyên bố chủ quyền trong đó có Việt Nam, và các thế lực bên ngoài trong đó có Mỹ, sẽ bị buộc phải coi những sự đã rồi này như điều kiện dài hạn, và như vậy dần chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc", Emmerson tiếp. "Nếu chiến lược từng bước một này thành công, sự thắng thế của Trung Quốc sẽ trở thành 'thực tế mới' trong vùng trung tâm của hoạt động hàng hải Đông Nam Á".

Việt Anh

Nguồn: VnExpress


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét