Minh Tâm
26-9-2014
Hình bên: Bị cáo Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) cởi áo, chỉ những vết sẹo là do bị đánh trong tù, tại phiên tòa phúc thẩm (lần 3) “Vụ án vườn điều”.
“Hiện nay thì có đến 80% bị can, bị cáo là không có luật sư.
Trong khi hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo còn hạn chế, rồi bị những vấn
đề khác chi phối nên vô hình trung những lời khai báo của họ lại trở thành lời
buộc tội đối với chính họ. Có một thực tế là luật không buộc bị can, bị cáo phải
có nghĩa vụ khai báo nhưng khi bị can, bị cáo không khai báo thì anh lại căn cứ
vào đó làm tình tiết tăng nặng vì ngoan cố, không thành khẩn, không ăn năn hối
cải”. (Ông Trần Văn Độ, phó Chánh án Tòa àn Nhân dân Tối cao).
Không khai sẽ bị đánh
Tranh luận về “quyền im lặng”, Thiếu
tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho rằng “không phù
hợp với thực tiễn văn hóa nước ta bởi đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều
kêu oan, chứ không im lặng”.
Hơn nữa, từ góc độ cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ
quan điều tra, thì “quyền im lặng chờ luật sư” sẽ làm chậm tiến trình khai thác
thông tin sự kiện, điều tra vụ việc hay nói cách khác là sẽ “làm khó” cho cơ
quan tiến hành tố tụng vì phải “chờ luật sư”.
Với điều tra viên hình sự lúc lấy cung thì nếu người bị tạm
giữ, tạm giam “ngậm miệng” sẽ bị khép lỗi không thành khẩn và bị tăng nặng hình
phạt. Còn nếu khai “không trúng ý” của điều tra viên, thì không chừng có khi bị
coi là “khai báo quanh co”…
Không hiếm người bị tạm giam, tạm giữ bắt buộc phải một mình
đối diện với cơ quan điều tra trong khi thiếu hiểu biết về pháp luật, nên buộc
lòng phải “chìu ý” điều tra viên nếu không muốn bị “no đòn”.
Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã
tuyên án đối với 5 công an Tuy Hòa do dùng nhục hình trong quá trình lấy lời
khai khiến công dân Nguyễn Thanh Kiều tử vong do chấn thương sọ não.
Cuối năm 2013, cơ quan chức năng cũng đã phải nhận “búa rìu
dư luận” khi ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được minh oan sau 10 năm ngồi tù
cho hành vi chưa bao giờ gây ra.
Vụ án của ông Chấn đã trở thành tâm điểm tại phiên chất vấn
những người đứng đầu các ngành tố tụng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII
(tháng 11-2013) về chống oan, sai trong tố tụng. Còn phiên tòa xét xử các công
an dùng nhục hình kết thúc trong nỗi đau của gia đình nạn nhân, gia đình các bị
án. Nạn nhân Nguyễn Thanh Kiều đã tử vong, còn ông Nguyễn Thanh Chấn đến khi được
minh oan, trả tự do thì bản thân và gia đình đã hoàn toàn suy sụp cả về kinh tế
và tinh thần, chưa biết bao giờ có thể khôi phục.
Nhìn lại hai vụ án trên và nhiều vụ án oan sai khác đều thấy
có chung một điểm là thiếu sự tham gia của luật sư (LS) ngay từ đầu. Không có sự
trợ giúp của LS, hạn chế về hiểu biết pháp luật cùng với việc không chịu nổi sức
ép tâm lý trong quá trình tố tụng khiến nhiều người mất khả năng tự bảo vệ trước
“bộ máy tố tụng”. Hậu quả là những bản án oan, sai được tuyên, được thi hành và
những khiếu kiện, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm các vụ án ngày càng trở
thành gánh nặng cho tòa án.
Tại nhiều diễn đàn về pháp luật hình sự và bảo đảm quyền con
người, vấn đề quyền được có sự trợ giúp LS trong quá trình tố tụng đã được đưa
ra thảo luận như vấn đề then chốt để xóa bỏ những trường hợp “nhận tội cho
xong” hoặc chỉ vì không hiểu biết pháp luật mà “rơi vào bẫy” như cách ví von của
các LS.
Quyền làm luật nằm trong tay ai?
“Quyền của LS được gặp bị can, bị cáo đã được qui định
cụ thể trong luật. Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, việc thực hiện quyền
này của LS có khó khăn do quá trình tác nghiệp, tiếp cận vấn đề. Đây hoàn toàn
chỉ là vấn đề nhận thức.
Việc LS tham gia vào giai đoạn điều tra còn nhiều trắc trở một
phần do không phải ai cũng biết mình có quyền có LS, mà điều tra viên nhiều khi
cũng “quên” giải thích, một phần cũng vì yêu cầu bí mật và kịp thời của hoạt động
điều tra. Mỗi năm có đến gần 10.000 vụ việc hình sự và hơn 7.000 vụ án hình sự
nên cơ quan điều tra không đảm bảo thời hạn cho LS tiếp cận thân chủ”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công
an), đã “đổ thừa” như vậy khi cho rằng “đây hoàn toàn chỉ là vấn đề nhận thức”.
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến
về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, khi nói về quyền im lặng của bị
can, bị cáo, người bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân
dân Tối cao cho rằng đây là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này
nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ, do đó “chưa dám” đưa vào luật.
Cơ quan điều tra mà ông Nguyễn Hòa Bình nói ở đây là cơ quan
nào, thuộc Bộ Công an hay Viện Kiểm sát? Nếu là cả hai thì đó có phải là quan
điểm chính thức của Bộ Công an và Viện Kiểm sát tối cao hay chỉ là quan điểm của
hai đơn vị trong hai cơ quan này? Nếu chỉ vì cơ quan điều tra phản đối mà chưa
dám đưa “quyền im lặng” vào luật thì có phải cơ quan điều tra đang nắm quyền
chi phối việc làm luật? Liệu đây có phải là lợi ích nhóm trong quá trình soạn
thảo luật?
Quyền im lặng là quyền con người, đã là quyền con người thì
phải được coi trọng và không được xâm phạm. Liệu có quá bi quan hay không khi
phải thảng thốt nhìn nhận rằng: Người dân biết trông cậy vào đâu, hay chỉ còn
biết tự trách mình khi mà “quyền im lặng” tiếp tục là thách thức cho chuyện
nhân quyền.
Tham nhũng tiền bạc, vật chất dù hàng trăm, hàng nghìn tỷ
cũng chỉ là tham nhũng “vặt” so với tham nhũng chính sách, nguy cơ “lỡ đò” của
“quyền im lặng” trong đợt sửa luật lần này đang hiển hiện.
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét