Tri Nhân Media

"SỐNG CÙNG LỊCH SỬ": CÔNG NHIÊN THAM NHŨNG 21 TỈ BẠC ???

Minh Tâm
23-9-2014
trích từ : “Sống cùng lịch sử” dưới góc nhìn Luật Điện ảnh

LTG: Ảnh: Nội dung vẫn một màu hùng ca cũ, những câu chuyện phim không mới hơn những gì trong sách lịch sử, những nhân vật có tính cách đơn điệu, nhàm chán lại cố nhét thêm vào dăm ba bài học tuyên truyền đã quá lạc thời... “Lịch sử” đó, chắc không khán giả nào muốn sống cùng!

Bộ phim “Sống cùng lịch sử” khi ra rạp không bán được một vé nào và đang “tạo sóng” trong dư luận khi ngân sách đã chi khoản tiền tương đương gần 1 triệu USD cho nhóm thực hiện bộ phim theo dạng đặt hàng này.

Bài viết xin được chia sẻ góc nhìn Luật Điện ảnh đối với “Sống cùng lịch sử” để khẳng định rằng: nếu để “chìm xuồng” vụ việc này là người ta đã công nhiên tham nhũng.

Trả lời báo chí, ông Phan Đình Thanh, phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nói: “Về mục đích chiếu trong các dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, bộ phim Sống cùng lịch sử đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó. Tức là khi Nhà nước đặt hàng thì chúng tôi cũng phải có những bộ phim để chiếu phục vụ khán giả. Chưa nói về kinh phí thì bộ phim vậy là đã làm được rất nhiều việc. Chưa kể về mặt nội dung, đạo diễn sử dụng phương pháp đồng hiện để lớp thanh niên hiểu hơn về lịch sử. Nói đi nói lại thì vẫn phải ghi công bộ phim, chứ nếu không ghi công cho nó mà chỉ nói một chiều về tiêu cực thì cũng không được trọn vẹn”. (http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20140920/song-cung-lich-su-da-hoan-thanh-su-menh/648217.html)

Nếu báo chí dẫn đúng lời của ông phó Cục trưởng, thì ở đây hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm những người đặt bút ký nhận số tiền gần 1 triệu USD cho bộ phim “Sống cùng lịch sử”.

Luật Điện ảnh, Khoản 3 Điều 24, ghi: Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế-xã hội.

Khoản quy định trên được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 54/2010/NĐ-CP. Theo đó (trích) chủ đầu tư dự án quyết định lựa chọn dự án sản xuất phim theo hình thức sau: Đối với dự án sản xuất phim đã có kịch bản được tuyển chọn, chủ đầu tư quyết định hình thức đấu thầu phù hợp để chọn doanh nghiệp sản xuất; Đối với dự án sản xuất phim có hồ sơ tham gia đấu thầu bao gồm kịch bản và phương án sản xuất, phát hành, chủ đầu tư quyết định hình thức đấu thầu phù hợp để chọn dự án sản xuất phim.

Trình tự, thủ tục lựa chọn dự án sản xuất phim: Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng NSNN phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về đề tài, yêu cầu của dự án sản xuất phim thực hiện trong năm kế hoạch tài chính tiếp theo và điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân gửi kịch bản tham gia tuyển chọn trong khoảng thời gian 90 ngày, kể từ ngày công bố; Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng NSNN thông báo kết quả lựa chọn dự án sản xuất phim trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thẩm định kịch bản và Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim.

Việc lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng NSNN theo quy định của Luật Đấu thầu dựa trên các tiêu chuẩn sau: Kịch bản phân cảnh và phương án thực hiện; Danh sách thành phần chính tham gia làm phim; Tổng dự toán bộ phim; Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dự án; Năng lực tài chính; Kế hoạch, tiến độ sản xuất; Điều kiện ứng vốn.

“Sống cùng lịch sử” không hề qua bất kỳ khâu nào của trình tự quy định trên mà vẫn nhận 21 tỉ bạc.

Với 21 tỉ đồng tiền thuế của dân đã đổ ra cho bộ phim chỉ dành để cất kho thì không thể nói “Sống cùng lịch sử” đã “hoàn thành sứ mệnh”. Căn cứ theo Luật Điện ảnh, hoàn toàn có thể chỉ được cụ thể từng địa chỉ đã nhân danh “phim đặt hàng” để đưa ra sản phẩm không tìm được người mua – dẫu là chỉ vỏn vẹn 1 vé!

Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét