Nguyễn Quang Duy
13-09-2014
Trong bài viết gần đây Luật sư Ngô Ngọc Trai tìm cách trả lời câu hỏi “Quốc hội đã bị tiếm quyền?” bằng cách phân tích thực trạng chính trị 20 năm qua, 1992-2013, ông chỉ rõ Quốc hội đang càng ngày càng yếu kém đã bị Chính phủ lấn quyền.
Từ đó ông đưa đến kết luận: “Chính phủ trở thành một trung tâm quyền lực kinh tế lớn mạnh mà đến Đảng hiện nay cũng không kiểm soát nổi.” Theo ông việc sửa đổi hiến pháp vừa qua chỉ nhằm phù hợp với thực tế và hợp thức hóa những việc làm sai trái trước đây.
Ông cũng so sánh các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyền chi tiêu ngân sách, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam để chứng minh sự khiếm khuyết trong ngành lập pháp và hành pháp tại Việt Nam.
Việt Nam Lập Hiến
Nhận rõ vai trò quan trọng của hiến pháp, ngay khi lên ngôi, vua Bảo Đại đã tỏ ý muốn có một hiến pháp, xây dựng một thể chế Quân Chủ Lập Hiến cho Việt Nam, nhưng ý nguyện của nhà vua không được người Pháp đồng ý.
Nhật đảo chánh Pháp, ngày 11-3-1945 nhà vua cho công bố bản Đế Quốc Việt Nam Tuyên Bố Độc Lập và cho thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ này chỉ tồn tại đến tháng 19-8-1945 thì Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền. Vua Bảo Đại phải thóai vị.
Sau khi thoái vị, vua Bảo Đại đã giữ một vai trò trong việc soạn thảo Bản Dự Thảo Hiến Pháp. Bản Dự thảo được phổ biến trên báo vào cuối tháng 11 năm 1945.
Bản Dự Thảo được sửa đổi và được Quốc Hội Lập Hiến thông qua vào tháng 11 năm 1946, nhưng lại không được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cho ban hành.
Ban hành hiến pháp là một thủ tục luật pháp để xác nhận rằng hiến pháp đã được biểu quyết một cách hợp lệ. Hiến pháp sẽ chỉ có hiệu lực từ lúc được ban hành và mọi người phải tuân theo.
Trên tạp chí Bách Khoa, Đoàn Thêm - một người chuyên ghi lại các sự kiện lịch sử, một chứng nhân trong việc xây dựng và thông qua Hiến Pháp 1946, cho biết Hiến Pháp 1946 chỉ có giá trị ba ngày, nhưng ông không cho biết lý do vì sao hiến pháp này chỉ có giá trị ba ngày.
Trên thực tế trong một thời gian dài, Hồ chí Minh và đảng Cộng sản chỉ sử dụng những sắc lệnh và nghị quyết của đảng, không hề đếm xỉa đến những điều ghi trong Hiến Pháp 1946.
Mấy hôm nay ở Hà Nội triển lãm “Cải cách ruộng đất 1946-1957”, người ta quên nhắc đến việc đảng Cộng sản đã không màng đến Hiến Pháp 1946 để tiến hành cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất này”.
Đến kỳ họp thứ 11 Quốc Hội, Hồ Chí Minh ra thông báo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1946. Ngày 31-12-1959, Quốc Hội đồng ý thông qua hiến pháp sửa đổi.
Ngày 1-1-1960, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố, mà không màng đến việc “đưa ra tòan dân phúc quyết” theo đúng khỏan c điều thứ 70 của Hiến Pháp 1946.
Rõ ràng quyền lập hiến cuả người dân đã bị đảng Cộng sản sang đoạt qua Hiến Pháp 1946.
Các Hiến Pháp Sau Này
Hiến pháp chỉ là một phương thức để đảng Cộng sản thể chế hóa các sách lược cai trị trong từng giai đọan, luật hóa nhiệm vụ chính trị và bảo đảm vai trò lãnh đạo. Các sách lược và nhiệm vụ của đảng Cộng sản đều được Bộ Chính Trị họp kín quyết định, được ra các Đại Hội, Hội Nghị Đảng thông qua, đưa ra Quốc Hội thông qua cho có lệ để đưa vào Hiến Pháp. Dưới chế độ cộng sản Hiến Pháp không khác gì Cương lĩnh của đảng Cộng sản. Quyền lập hiến cuả người dân đã hòan tòan bị chiếm đoạt trong các Hiến Pháp sau này.
Việc Lập Pháp Tại Việt Nam
Ngay Hiến Pháp 1946 mô hình chính trị chỉ duy nhất một viện vừa lo việc hành pháp vừa lo việc lập pháp.
Các Hiến Pháp sau thể chế hóa mô hình đảng trị: Đảng, Quốc Hội, Nhà Nước chỉ là một. Hầu hết đại biểu nếu không là thành viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Trung Ương Đảng thì cũng là đảng viên.
Quốc Hội hình thức, các đảng viên “Đại Biểu” không thể làm trái những gì Bộ Chính Trị đề ra. Như thế mãi đến năm 1986 thực quyền vẫn còn trong tay Bộ Chính Trị.
Mô hình Quốc Hội hình thức chỉ gặp vấn đề khi Việt Nam phải mở cửa giao thương với thế giới tự do (1986) và xây dựng một nhà nước pháp quyền. Càng mở cửa quyền lập pháp càng lọt vào tay chính phủ như bài viết của luật sư Ngô Ngọc Trai dẫn chứng.
Trên thực tế việc lập pháp tại Việt Nam tệ hại hơn bài viết của luật sư Ngô Ngọc Trai rất nhiều.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11-6-2014, đã nhìn nhận: “Hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Vì theo quy định, rất nhiều chủ thể, thậm chí tới cả chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một chủ thể được ban hành rất nhiều loại văn bản”.
Như vậy không phải chính phủ tiếm quyền của quốc hội, mà chính cơ chế và sự chuyển đổi mô hình đã biến đổi chính phủ thành một trung tâm quyền lực kinh tế lớn mạnh mà đến Đảng cũng không còn khả năng kiểm soát.
Nhận xét về Luật Pháp Việt Nam
Ngày 14-5-2014 tại Quốc Hội Liên Bang Úc chúng tôi đã tổ chức một cuộc Hội Thảo về quyền lao động, quyền dân sự và nhân quyền với sự tham dự của 14 dân biểu và nghị sĩ.
Mọi người tham dự đều đồng ý nếu muốn tham gia Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương Việt Nam cần phải có những đạo luật rõ ràng, như Luật Công Đòan, Luật Tổ Chức Dân Sự...
Dân biểu Chris Haynes cho biết ông hiểu rõ việc thi hành luật pháp tại Việt Nam. Bởi thế điều quan tâm của ông không phải là việc có luật hay không có luật, vì nhiều đạo luật đã có nhưng không được thi hành.
Ngày 28-8-2014, một lá thư gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng do 31 Dân biểu Úc đồng ký tên. Các Dân Biểu Úc kêu gọi trả tự do cho hai nhà họat động cho quyền của người lao động ông Đòan Huy Chương và ông Nguyễn Hòang Quốc Hùng.
Các Dân Biểu nhận định: “Mặc dù họ đã bị khép án vi phạm an ninh quốc gia, chúng tôi hiểu rõ những việc làm của họ đơn giản chỉ nhằm hỗ trợ quyền công nhân trong cuộc đình công.”
Và kêu gọi: “Xét rằng Việt Nam là một hội viên của Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, do đó có trách nhiệm cổ vũ và bảo vệ quyền làm người trên tòan thế giới, nay chúng tôi tìm kiếm sự cộng tác, chúng tôi cùng kêu gọi ông thả ngay hai nhà họat động này.”
Bạn có thể tự hỏi tại sao các Dân Biểu gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không phải người khác. Theo tôi không phải họ không biết Việt Nam vẫn là một quốc gia cộng sản, nhưng họ đã phần nào nhận ra sự thay đổi của Việt Nam và đã gởi lá thư đến đúng người có thực quyền.
Quyết định Mới Về Ngân Sách
Đến nay mọi chi thu của đảng Cộng sản đều nhập nhằng chồng chéo vào con số chi thu ngân sách nhà nước. Thông tin và số liệu chi thu ngân sách là căn bản để nền kinh tế thị trường tự do có thể họat động một cách hiệu quả và hội nhập vào nền kinh tế tòan cầu. Chính vì thế, Việt Nam càng ngày càng phải minh bạch mọi thông tin về chi thu ngân sách nhà nước.
Ngày 4-9-2014 vừa qua, thủ tướng ban hành Quyết định về danh mục bí mật nhà nước. Điều 3 của quyết định xếp lọai các tài liệu về dự trữ ngân sách và các khoản thu, chi đặc biệt của đảng Cộng sản là tuyệt mật hay tối mật.
Quyết định là bước đầu của việc tách con số chi thu của đảng Cộng sản khỏi con số chi thu của nhà nước. Về lâu dài một số công việc guồng máy đảng đang điều hành sẽ được nhà nước hóa để ngân sách của các cơ quan này có thể công khai.
Cụ thể là Thành Phố Hà Nội sẽ giảm biên chế. Ngày 14-9-2014, Infonet đưa tin: “Đối với đơn vị hoạt động kém hiệu quả, Hội Đồng Nhân Dân thành phố Hà Nội yêu cầu giải thể, đồng thời có lộ trình chấm dứt tình trạng ký hợp đồng lao động làm nhiệm vụ chuyên môn thuộc trách nhiệm của công chức.”
Điều này đồng nghĩa với việc vai trò và quyền lực của đảng sẽ càng ngày càng ít đi.
Như phân tích của luật sư Ngô Ngọc Trai và thực tế đã chứng minh quyền lực kinh tế chính phủ càng ngày càng lớn mạnh, đã trở thành một trung tâm quyền lực, đảng Cộng sản đang mất dần kiểm soát.
Khi kinh tế càng mở cửa thì quyền lực của nhà nước càng tăng thêm và quyền lực của đảng càng mất đi. Từ đó đã dẫn đến sự phân hóa nội bộ giữa phe đảng và phe nhà nước, phân hóa này càng ngày càng tăng thêm.
Để duy trì mô hình đảng trị, đảng Cộng sản sẽ phải tái cấu trúc.
Kết quả của việc tái cấu trúc thì đã được ông Trần Xuân Bách từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, tiên đóan như sau:
“… quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Bài học được rút ra là muốn xây dựng lại Việt Nam cần phải làm lại từ đầu. Quyền lập hiến phải thuộc về tòan dân. Một Quốc Hội Lập Hiến phải được thành lập qua một cuộc bầu cử tự do với sự giám sát Quốc Tế.
Một Hiến Pháp mới với tam quyền phân lập rõ ràng, được đưa ra trưng cầu và được đồng thuận của đa số người Việt trong và ngòai nước, sẽ là giải pháp tốt đẹp nhất cho tòan dân tộc.
Muốn thế người Việt chúng ta cần đồng tâm, đồng chí, đồng lực Vận Động một Hiến Pháp Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét