Tri Nhân Media

"LỊCH SỬ KHÔNG PHẢI ĐỂ THÙ HẬN" NHƯNG PHẢI SÁNG TỎ SỰ THẬT VÀ XÉT XỬ KẺ PHẠM PHÁP THEO ĐÚNG PHÁP LUẬT

12-9-2014
trích từ "Đóng Cửa Sau 3 Ngày Rưỡi"

Trái ngược với lễ khai mạc được phô trương ầm ĩ, VTV và một loạt báo đến đưa tin, triển lãm Thành tựu cải cách ruộng đất 1946-1957 đóng cửa âm thầm lặng lẽ sau 3,5 ngày mở cửa. Không biết trong hơn 3 ngày ấy đã có bao nhiêu người kịp đến tham quan? Mở cửa chưa đến 4 ngày, thời lượng ấy đạt bao nhiêu so với kế hoạch ban đầu mở cửa triển lãm đến hết năm?

Gần như ngay tức thì sau lễ khai mạc triển lãm trên, một triển lãm CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT khác được mở ra trên mạng internet, không có hai chữ “THÀNH TỰU”, không giới hạn ở 150 hiện vật, không được trình bày theo chủ đề, không có người thuyết minh cho khách tham quan, không có giám đốc bảo tàng trả lời phỏng vấn, mở cửa tự do, miễn phí cho mọi khách tham quan, vẫn còn mở cửa đến hôm nay và không có thông báo đóng cửa nào.

Cuộc triển lãm nào sẽ có nhiều khách tham quan hơn? Bao nhiêu người vốn chưa có khái niệm gì hoặc mới biết sơ sài về “cải cách ruộng đất” giờ có cơ hội được mục thị cuộc cải cách long trời lở đất như nó vốn dĩ xảy ra như thế? Có choáng váng không? Bao nhiêu người sẽ thốt lên câu hỏi tại sao trước con số hơn 172 nghìn người bị đấu tố và/hoặc bị thủ tiêu trong cuộc cách mạng long trời lở đất ấy? Những hình ảnh đám đông nhao lên chỉ mặt, xỉa xói một con người đơn độc, bị trói gập cánh khuỷu, đầu cúi gục và chỉ giây lát sau là hình ảnh con người đấy gục xuống, máu trào ra bên những nòng súng, sẽ đọng lại trong suy nghĩ của bao nhiêu người, và bao nhiêu lâu lương tâm mới thôi cắn rứt?

Và có nhà báo ngay lập tức được ưu ái đăng bài trên trang nhất báo điện tử có số lượng người xem lớn nhất “Lịch sử không phải để hận thù[VNExpress]. Tôi đã đọc bài ấy 3 lần, lần nào cũng ngắm rất kỹ gương mặt  nhà báo viết bài và phác họa trong đầu một loạt ý nghĩ mà tôi sẽ đối thoại hoặc sẽ viết để trả lời nhà báo ấy. Nhưng nhìn gương mặt nhà báo, tôi lại ngẫm nghĩ có nên viết hay không vì tôi thấy nhà báo đã dụng tâm viết bài kín kẽ quá. 

Nhà báo đã khẳng định cải cách ruộng đất là thành tựu và kể chuyện mẹ mình, gia đình mình như một bài học, như một tấm gương đối nhân xử thế của những nạn nhân cải cách ruộng đất thì liệu rằng một người như thế có sẵn lòng đối thoại không? Dụng tâm kín kẽ như vậy để làm gì? Niềm vui có được khi nhận được ruộng đất hay tài sản bằng cách tước đoạt tài sản của người khác, thậm chí còn là ân nhân có hình hài như thế nào? Có ông hay bà bần cố nông nào đã từng đấu tố địa chủ cách đây 60 năm giờ này sẵn sàng mô tả lại niềm vui ấy? Bộ tràng kỷ xưa là món gia tài không nhỏ trong mỗi gia đình nông dân, có ông hay bà địa chủ nào thấy lòng mát lạnh khi kỷ vật trang trọng kê giữa gian nhà chính được chẻ ra? 

Nhà báo viết dụng tâm đủ làm người đọc thấy đau lòng. Mất mát, đau thương mà coi nhẹ nhàng như thế liệu được mấy người? Tại sao nhà báo không đặt câu hỏi nguồn cơn của những mất mát, đau thương ấy? Tại sao những người bị xử bắn và thân nhân của những người ấy chưa bao giờ được nhận quyết định bản án hay không có cơ hội nào xin ân xá? Luật cải cách ruộng đất có những điều khoản nào quy định địa chủ có bao nhiêu ruộng đất, bao nhiêu gia sản thì bị các đội cải cách đưa ra xét xử, kết án và thi hành án nhanh chóng thế?

Nhưng tôi đồng ý rằng đối thoại và triển lãm không phải để hận thù. Nhưng tôi đòi hỏi đối thoại và triển lãm để làm sáng tỏ sự thật và phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản: không hận thù, thành thực và tuân theo pháp lý.

Chỉ cần tuân theo những điều luật mà chính nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lập ra ngay từ những năm 1950. Khoản 3 Điều 36 Luật Cải cách ruộng đất 1953: “Đối với kẻ phạm pháp thì xét xử theo pháp luật. Nghiêm cấm bắt bớ và giết chóc trái phép, đánh đập, tra tấn hoặc dùng mọi thứ nhục hình khác.” Những người bị đấu tố và bị thi hành án tử trong cải cách ruộng đất không bao giờ biết được những điều luật ấy. Những người được sửa sai liệu đã bao giờ có cơ hội biết đến những điều luật ấy?

Để cho những nguyên tắc pháp lý và thành thực được đem ra áp dụng thêm nhiều lần nữa, lại phải chờ chừng nào đảng cộng sản đưa ra thêm một số triển lãm nữa. Tiện đây, cũng gợi ý luôn một số triển lãm nên được mở trong thời gian tới:

-  Cải tạo tư sản tại miền Bắc 1958-1960.
-  Cải cách công thương nghiệp tại miền Nam 1977-1979.
-  Đời sống nhân dân miền Bắc trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội 1956-1975.
-  Sài Gòn 1956-1975.

Làm được chừng đó cũng đủ giúp cho một lượng không nhỏ người dân được thêm khai trí. 


Pham Minh Thu, FB



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét