Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




GIÁ TRỊ VÀ SỰ LỢI HẠI CỦA LÒNG HẬN THÙ

Nguyễn Chính Kết
1-9-2014


Trong cuộc đời, có những điều tốt và cần thiết cho việc này, nhưng lại không tốt hoặc có hại cho việc khác, hoặc tốt cho lúc này nhưng không còn tốt vào lúc khác. Chẳng hạn, khi quả trứng còn là trứng thì cái vỏ trứng là vật tối cần thiết và rất ích lợi để bảo vệ sinh mạng quả trứng; nhưng khi quả trứng đã hình thành được con gà bên trong thì cái vỏ trứng lại trở thành vật cản trở, con gà phải phá vỡ vỏ trứng để thoát ra mới sống được. Nếu không phá vỡ được vỏ trứng, con gà sẽ chết ngộp trong đó. Lúc đó, vỏ trứng không còn bảo vệ sự sống con gà như trước mà còn có thể giết chết con gà vừa mới thành hình bên trong. Sự thay đổi tương quan đó không phải do vỏ trứng đã thay đổi mà do ruột quả trứng thay đổi. Vỏ trứng vẫn là vỏ trứng, nhưng ruột quả trứng đã nở thành con gà.

Tương quan hay giá trị của một vật đối với đối với một vật khác có thể thay đổi khi cả hai hay ít nhất một trong hai thay đổi. Chẳng hạn khi ta đói, những chén cơm đầu tiên rất cần thiết để duy trì mạng sống cũng như sức khỏe của ta. Nhưng khi ta ăn đã no (tức chính ta thay đổi), những chén cơm còn lại (vẫn y hệt những chén cơm ta đã ăn) không còn cần thiết nữa. Nếu ta bị ai đó ép buộc phải ăn cho hết những chén cơm còn lại, thì chúng chẳng những không cần thiết, không ích lợi, mà còn có hại cho sức khỏe ta nữa. Như vậy, những chén cơm không hề thay đổi, nhưng sự cần thiết hay giá trị của chúng đối với ta đã thay đổi sau khi ta ăn no. Cũng tương tự như vậy trong lãnh vực kinh tế: các hàng hóa sẽ bị hạ giá nếu số cung cao hơn số cầu, và sẽ tăng giá khi số cầu lớn hơn số cung.
Trong cuộc đấu tranh xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho Việt Nam, việc tiên quyết và cần thiết phải làm là làm sao lật đổ được chế độ độc tài, đảng trị, vừa gian trá vừa tham tàn đang hiện hành. Như vậy là có hai giai đoạn khác nhau: trước hết là lật đổ chế độ cộng sản, và sau đó là xây dựng lại đất nước. Nhưng cũng như vai trò của cái vỏ trứng vừa kể, có những điều tốt và có thể cần thiết cho việc lật đổ chế độ cộng sản, nhưng có thể không tốt thậm chí có hại cho việc xây dựng một đất nước tự do dân chủ. Chẳng hạn, lòng thù hận chế độ cộng sản cũng như lòng căm thù những con người phục vụ cho chế độ cộng sản là một động lực rất tốt thúc đẩy người dân đứng lên lật đổ chế độ bạo tàn hiện tại. Nhưng nó sẽ không còn cần thiết, cũng không còn ích lợi, mà còn có thể có hại cho việc xây dựng đất nước hậu cộng sản.
Mục đích của việc lật đổ chế độ cộng sản là để sau đó xây dựng một thể chế dân chủ pháp trị, hầu làm cho nhân dân được hạnh phúc và đất nước được cường thịnh, chứ không phải chỉ là để thỏa mãn sự căm ghét hay thù hận cái chế độ đã làm cho mình, gia đình mình và cả đất nước phải điêu linh khổ sở. Việc lật đổ chế độ cộng sản tuy rất cần thiết cho giai đoạn xây dựng đất nước, nhưng nó chỉ là phương tiện mang tính tạm thời. Nếu hy sinh xương máu và mọi thứ khác hầu lật cho được chế độ độc tài cộng sản để rồi chế độ hình thành sau đó lại là một chế độ độc tài khác thì sự hy sinh đó quả là uổng công vô ích.
Sau khi chế độ cộng sản đã bị lật đổ thì giai đoạn kế tiếp là xây dựng một thể chế tự do dân chủ pháp trị. Trong số những người dân sống dưới chế độ mới có những người cộng sản, những công an, những bộ đội, những cán bộ cộng sản đã từng phục vụ cho chế độ độc tài, trong đó có cả những người “tay đã nhúng chàm”, đã từng đàn áp người dân, đã từng gây tội ác đối với nhân dân. Nhiều người đang là đối tượng sự thù hận của chúng ta hiện nay. Chính quyền của chế độ tự do dân chủ mới phải có một cách xử lý thật khôn khéo để thỏa mãn được sự đòi buộc của công lý là kẻ gây tội ác phải đền tội, mà không biến những người này trở thành những kẻ thù của chế độ mới, gây mất đoàn kết quốc gia, đồng thời cũng phải bảo đảm được những cựu đảng viên cộng sản không làm gì hại cho chế độ mới. Sự dung hòa giữa những đòi buộc trái ngược nhau ấy không phải dễ. Tùy từng trường hợp cá biệt mà sự khôn ngoan sẽ giúp ta phải xử trí cách nào, không nên tiên thiên chủ trương một phương cách cố định nào. Tuy nhiên, đa số trường hợp cho thấy sự tha thứ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn sự trả thù. Chúng ta không thể bắt chước cộng sản là tạo nên những trại tù mang danh “trại cải tạo” để bỏ tù và hành hạ dã man những người đã phục vụ chế độ cũ.
Trong lịch sử thế giới đã có nhiều trường hợp những người lãnh đạo chính quyền đã xử sự rất khéo đối với những kẻ có tội.
− Nhiều vị vua nước ta sau khi đại thắng giặc Tàu xâm lược đã trả tự do cho các tù binh Tàu để họ về nước sinh sống, chỉ trừ Lý Thường Kiệt là không nhân nhượng như thế.
− Tại Hoa Kỳ, sau khi chiến thắng trong cuộc nội chiến Nam Bắc (1861–1865), Tổng thống Abraham Lincohn cũng tha tội cho các binh sĩ thuộc Liên minh miền Nam đã từng chống lại Liên minh miền Bắc và cuộc giải phóng nô lệ của ông. Nhờ vậy, tình đoàn kết quốc gia không bị sứt mẻ.
− Nhiều kẻ đáng tội chết nhưng được tha thứ nên đã “đái công chuộc tội” hay đền ơn kẻ đã tha thứ cho mình [1].
Do đó, trong chế độ dân chủ hậu cộng sản, đối với những người đã phục vụ chế độ độc tài cộng sản, thiết tưởng nên cho họ cơ hội “đái công chuộc tội”, biến họ thành những người tích cực cộng tác với chế độ mới trong việc xây dựng đất nước. Dù họ đã phạm nhiều tội ác, nhưng xét cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của chế độ cộng sản và của bộ máy tha hóa của chế độ. Hãy tự hỏi: Nếu chính ta ở trong trường hợp và hoàn cảnh của họ, ta sẽ hành xử khác họ hay giống họ?
Còn trong giai đoạn phải lật đổ chế độ cộng sản, tại hải ngoại, chúng ta cần xây dựng các cộng đồng Người Việt Quốc gia vững mạnh. Để làm tốt công việc này, chúng ta cần làm chủ những tình cảm hận thù để chúng chỉ có lợi chứ không gây hại.
Hận thù, căm ghét, giận hờn, bực bội là hình thái tình cảm, thường rất có lợi cho việc đập phá, nhưng hầu như không thích hợp cho việc xây dựng. Việc đập phá nhiều khi rất cần thiết để chuẩn bị hay dọn đường cho việc xây dựng. Do đó, nó cần được lý trí sáng suốt soi dẫn để hướng nhu cầu đập phá ấy vào những đối tượng cần đập phá. Đối tượng cần đập phá nhất hiện nay là chế độ độc tài CSVN... Chúng ta đừng để cho những tình cảm tiêu cực ấy hướng về những đối tượng khác, nhất là đừng bao giờ hướng về những người đang thật sự đấu tranh chống cộng để xây dựng một thể chế tự do dân chủ chỉ vì những hiểu lầm hay do đố kị hoặc tư thù.
Theo các nhà tâm lý học, do không được thỏa mãn, những tình cảm bị dồn nén (repressed) sẽ chuyển di (transfer) sang một đối tượng khác. Khi cơn giận của ta không trút được lên đầu chính kẻ đã làm ta giận, thì ta có nhu cầu trút cơn giận đó lên đầu những người những người thân thuộc hay bạn bè của kẻ ấy, có khi trút cả lên người thân hay cấp dưới của chính ta, mặc dù những người này hoàn toàn vô tội. Đó là trường hợp “giận cá chém thớt”, một hiện tượng chuyển di theo tâm lý học. Nhiều người quá tức giận mà không có ai ở đó để trút giận thì la hét và đấm bùm bụp vào tường hay vào một vật nào đó. Hay như cậu bé Trần Quốc Toản xưa, khi nghe lén các bô lão nói về sự tàn ác của quân Nguyên, bèn trút sự tức giận vào trái cam đang cầm trong tay. Đó là một hình thức giải tỏa cơn giận hay lòng hận thù. Điều này rất tự nhiên.
Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin đã mô tả một cách dí dỏm hiện tượng chuyển di tâm lý này qua câu chuyện “Tại sao mèo chạy cụp đuôi?” [2]. Ông kể một vị bộ trưởng bị báo chí công kích thậm tệ nhưng không biết làm sao trả thù, ông bèn trút giận lên ông phụ tá, nhờ đó ông nguôi giận. Ông phụ tá bị la mắng bất công, tức lộn ruột, nhưng không thể la mắng ngược lại, đành trút giận cho đỡ tức lên viên chánh văn phòng. Ông này bèn trút giận lên viên thanh tra. Viên thanh tra lại trút giận lên ông trưởng phòng. Trưởng phòng bèn trút giận lên phó phòng, Phó phòng lại trút lên trưởng ban, trưởng ban trút lên anh phụ trách lục sự; anh này đổ giận lên anh tạp vụ là người thấp nhất trong cơ quan. Anh tạp vụ tức quá không biết giải quyết cơn giận vào đâu. Khi lên xe điện để về nhà, anh bèn gây sự với người bán vé. Người bán vé đành ôm cơn giận về nhà trút lên đầu người vợ đang vui vẻ làm bếp để đón chồng về. Người chồng sau khi vô cớ quát mắng bà vợ một trận thì cảm thấy dễ chịu bèn vui vẻ ngồi xuống ăn cơm. Kể tới đây, tác giả viết tiếp: “Chị vợ tủi thân, tức tưởi khóc. Còn con mèo thì cứ vô tư quẩn quanh dưới chân chị. Bực mình, chị quất hai cái thật mạnh vào lưng chú mèo. Bị đau quá, chú mèo kêu to một tiếng thảm thiết rồi phốc ra đường, cụp đuôi chạy.” Cơn giận được giải tỏa, chị bèn “ép sát người vào chồng. Tình yêu ngọt ngào nhất đến sau những giọt nước mắt. Hai vợ chồng đều đã bình tâm lại…” Đấy, chuyển di tình cảm là chuyện thường tình và cũng là nhu cầu tự nhiên nơi con người, nhất là những người để tình cảm lấn lướt lý trí.
Hiện nay, những người tị nạn cộng sản tại hải ngoại mặc dù đã bỏ nước ra đi có khi cả ba bốn chục năm, nhưng những thảm cảnh do cộng sản gây ra cho mình, cho gia đình mình quá lớn, khiến mỗi lần có dịp nhớ lại, những thảm cảnh đó như sống lại trước mắt, trở nên hiện thực như vừa mới xảy ra. Nhất là khi nghe tin tức về việc công an CSVN đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ hoặc cướp đất dân oan, hoặc đánh chết dân vì những chuyện không đâu, thì nỗi đau kia lại trở nên rất mới, và lòng căm thù cộng sản lại trỗi dậy mãnh liệt. Nhưng ở hải ngoại, không có cộng sản ở ngay trước mặt để đánh đập, sỉ vả cho hả giận. Nhiều khi phải trút giận qua những bài viết trên mạng, qua những phát biểu trên các diễn đàn. Những người đọc những bài viết ấy, hay nghe những phát biểu kia cũng sinh tức giận cộng sản. Tất cả những tức giận ấy đều có nhu cầu được giải tỏa. Giải tỏa theo những cách kể trên rất có lợi cho việc đấu tranh. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện để giải tỏa thì nó sẽ chuyển di cách nào đó, vào một đối tượng nào đó.
Hiện nay, ai cũng biết rằng cộng sản đã đưa người của chúng ra hải ngoại này rất nhiều, nhưng chúng không dám xuất đầu lộ diện. Trong quá khứ, những khi có ai trong bọn chúng xuất đầu lộ diện thì đều bị người Việt tị nạn phản ứng rất mạnh, tẩy chay, không làm ăn gì được. Chẳng hạn mới đây Đài Việt Star 28.4 ở San Jose chỉ vì một mục phát hình có lợi cho cộng sản mà bị cộng đồng người Việt tại đó tẩy chay đến nỗi phải tạm ngưng hoạt động [3]. Biết rằng có nhiều tên cộng sản nằm vùng ở hải ngoại, tại ngay địa bàn mình ở, nhưng không xác định được chúng là ai, nhiều khi chúng ta đâm ra nghi ngờ người này người kia và trút giận lên họ chỉ vì một số sự kiện khả nghi nào đó. Một khi đã nghi ngờ rồi, thì ta thấy mọi động thái, lời nói hay việc làm của người ấy đều chứng tỏ điều mình nghi ngờ là đúng để rồi càng ngày càng xác tín hơn.
Sách “Cổ học tinh hoa” có thuật chuyện “Mất búa” của Liệt Tử như sau: “Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, hành động không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cảĐược một lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa. Thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn ngữ, cử chỉ không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa. [4]
Và những nạn nhân của sự nghi ngờ này, dù đúng hay oan, đều trở thành đối tượng để mọi người trút cơn giận vào. Tình trạng nghi ngờ cách oan ức như thế xảy ra không ít trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Cụ thể và điển hình nhất là trường hợp Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Những người bình tâm và khách quan thì thấy ông đúng là một người chống cộng đích thực, mạnh mẽ và hữu hiệu hơn ai hết. Nhưng rất nhiều người nghi ngờ ông là cộng sản nằm vùng, được CSVN đưa ra hải ngoại để phá hoại và gây chia rẽ cộng đồng người Việt hải ngoại. Từ đó sinh ra nghi ngờ những thi phẩm mà ông nói rằng chính ông sáng tác trong thời gian ở tù. Họ cho rằng ông ăn cắp những bài thơ ấy của nhà cách mạng Lý Đông A, v.v... Ông Nguyễn Chí Thiện đã phải hết sức khổ tâm vì nỗi “oan như Thị Kính” này. Trong số những người nghi ngờ hoặc quả quyết ông Nguyễn Chí Thiện là cộng sản, tôi nghĩ rất nhiều người là những người yêu nước và chống cộng đích thực.
Một danh nhân nào đó nói: “Thiện chí cộng với ngu dốt thành phá hoại”. Ngay cả lòng yêu nước nếu không được lý trí sáng suốt hướng dẫn, vẫn có thể gây nên những thiệt hại cho đất nước, huống chi sự thù hận. Vì thế, sự thù hận cộng sản có thể là một con dao hai lưỡi, nó có lợi mặt này mà cũng có thể có hại ở mặt khác. Do đó, chúng ta cần đặt lòng thù hận cộng sản dưới sự chỉ đạo của lý trí, để nó chỉ làm lợi cho cuộc đấu tranh chống cộng và xây dựng dân chủ, chứ đừng để nó gây hại.

Nguyễn Chính Kết
Trí Nhân Media


*************
Chú thích:

[1] Xem truyện “Tuyệt Anh Hội”  http://maxreading.com/sach-hay/dien-hay-tich-la/tuyet-anh-hoi-2231.html; hay truyện “Quân Ăn Trộm Ngựa” (http://www.dongcong.net/TrangTimHieu/MauBanhVun/14.htm truyện 141)
[2] Xem: Aziz Nesin, “Tại sao mèo chạy cụp đuôi?” (http://us.24h.com.vn/cuoi-24h/tai-sao-meo-chay-cup-duoi-c70a253732.html).
[3] Xem Việt Vùng Vịnh, “Đài Việt Star 28.4 ngưng hoạt động từ tối hôm qua 25/8/2014” (http://vietvungvinh.com/2013/index.php?option=com_content&view=article&id=4951:2014-08-27-04-23-13&catid=55:vietnam-hai-ngoai&Itemid=76).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét