Tri Nhân Media

BA TÔI VÀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

12-9-2014

Năm 1955, khi quê tôi quay cuồng trong Cải cách ruộng đất, ba tôi mới 25 tuổi. Năm tôi 25 tuổi thì ông đã nghỉ hưu. Nhiều lúc cùng ngồi với ông nghe ông ôn lại chuyện xưa. Ông nói, khi nghĩ về quê hương, điều làm ông đau đớn nhất, đau cho đến ngày nay là Cải cách ruộng đất.

Tôi xin thuật lại sơ lược cho các bạn nghe những gì ba tôi - người chứng kiến tận mắt cái công cuộc “long trời lở đất” hồi đó - nói về nó ra sao. Những điều này hoàn toàn là sự thật , rất điển hình, ở một cái làng nghèo - lúa nước toàn phần, nhưng giàu “truyền thống cách mạng”. Trong cuộc “phỏng vấn” giữa hai cha con, tôi là người hỏi, ba tôi là người trả lời.

….
- Có cuộc cách mạng nào không có chết chóc, hy sinh đâu ba?
- Đúng. Nhưng đây không phải là cuộc cách mạng, mà nói trắng là một cuộc thanh trừng giai cấp tàn độc, mù quáng. Một cuộc xâu xé cướp bóc, giết người dựa vào kích động hận thù, kiểu Mao-ít.

- Thời đó, ba có nghĩ thế không?

- Không. Con không thể hiểu được cảm giác của một anh nông dân nghèo khi được tuyên truyền bằng khẩu hiệu “độc lập dân tộc” và “người cày có ruộng” đâu. Với dân mới khỏi vòng nô lệ, cái đó nó to lớn lắm, như trời nổ sấm rền vậy. Năm 1945 ba chỉ là một cậu nhóc, cũng hăng hái theo anh em vác dao quắm đi “lấy huyện”. Không khí lúc đó như có điện, nông dân từ bùn đen bật dậy làm người, không ai nghi ngờ mảy may vào Việt Minh. Bảo đi là đi, bảo phá là phá, bảo giết là giết. Cái không khí đó được bê nguyên xi vào Cải cách ruộng đất, lại được làm đậm thêm nhờ cái lợi ích “có ruộng” ngay trước mắt.


- Nhưng con thấy bà con ta ở quê cực hiền lành, tối lửa tắt đèn có nhau, giàu nghèo cũng chẳng so đo gì nhiều lắm. Mà mối liên hệ họ hàng thân thích đều đan xen hết cả. Sao có thể đấu tố giết hại nhau ghê thế?

- Vậy con nghĩ thế nào về bọn lính áo đen Pôn Pốt khi chúng nó cầm cuốc đập đầu hàng triệu đồng bào của chúng? Chúng có phải sinh ra đã là ác thú đâu.

- Thú thực là con không thể hiểu được. Có lẽ nó liên quan đến cái mớ kiến thức “Chủ nghĩa xã hội khoa học” ở trường con, toàn những “quy luật” vớ vẩn!

- Cũng một nguồn mà ra, nhưng hồi đó người ta chưa cần phải thuyết giáo dài dòng. Đầu tiên trung ương mở lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội cải cách, rồi đưa họ về “ba cùng” với bần cố nông, huấn luyện rồi phong làm “cốt cán” cho những người được chọn. Trong đó có cả những kẻ lưu manh. Những con người tội nghiệp này từ hạng “Chí Phèo” bỗng chốc một bước lên “cán bộ”. Được nhồi sọ về “Cách mạng Vô sản” và “Chiến tranh giai cấp” bằng ngôn ngữ và cách suy diễn bình dân. Được “mở mắt để thấy những điều “bất công” trong các mối quan hệ mà xưa nay họ vẫn cho là bình thường. Lúc này, những mối thâm tình làng xóm cũ chẳng còn là gì so với “mối thù giai cấp” to như trái núi. Sự giàu có tự nhiên trở thành tội ác. Bất cứ ai, kể cả cha mẹ họ hàng thân thích cũng đều có thể là “kẻ thù giai cấp” cần phải tiêu diệt để bước vào xã hội mới. Họ sẵn sàng làm tất cả những gì được chỉ bảo. Càng hung ác, họ càng “hoàn thành nhiệm vụ” trên giao, càng được khen thưởng và càng hăng máu lên. Đấu tố, tuyên án và giết chóc ngày càng khủng khiếp. Một xã chỉ hơn 300 nóc nhà như xã ta mà có đến 17 người bị xử bắn. Tang tóc đau thương bị đè nén trong cơn điên “đào tận gốc, trốc tận rễ địa chủ cường hào”. Nghĩ lại, không ai ở làng ta đáng chết cả. Đến “đại địa chủ” như ông Đinh Cẩn, cũng do nếp nhà chăm chỉ, tích cóp hàng mấy đời mà có. Ông lại nổi tiếng thương người, đối xử tốt đặc biệt với kẻ ăn người làm. Thế mà khi đấu tố, một bầy mấy chục bần cố nông nhao nhao hò hét chửi bới, kể tội đủ điều, ném đủ thứ vào ông ấy. Thậm chí có kẻ từng ban đêm trộm gà nhà ông ấy bị chó đuổi, nay vừa khóc vừa hét: “mày xuỵt chó rượt tao, cắn tao rách tơi tả, sao mày ác thế!!!”. Kiểu tuyên truyền kích động nó biến những kẻ ngu muội trở nên điên khùng, cộng thêm tâm lý bầy đàn hùa nhau, họ sẵn sàng giết cả ân nhân của mình, nhân danh những khái niệm to lớn mà đến chết chưa chắc họ hiểu được.

- Giàu có như nhà Đặng Oánh, Đinh Cẩn đã đành. Ông nội con chỉ có vài con lợn, một con trâu sao bị quy địa chủ, bị giam đánh cả tháng trời, đến nỗi bà nội lo phát bệnh mà chết?

- Họ có tiêu chuẩn cả rồi con ơi. Cố vấn Trung Quốc đi tới tận từng đội, hướng dẫn từng đường đi nước bước. Họ phán thôn này có bao nhiêu phần trăm địa chủ là phải moi ra đủ chừng ấy, chưa đủ thì đôn lên cho đủ, gọi là “kích thành phần” đấy. Xã ta có ông Đinh Cẩn giàu nhất, thì cũng chỉ sáu mẫu ruộng với dăm con trâu. Những nhà khác như ông nội con thì nhiều, cũng coi là xã giàu. Lập tức họ đòi quy cho bằng được 7% địa chủ. Ông nội con thoát chết có lẽ vì đã từng vào Liên Việt, hoặc do ông trẻ của con lúc đó làm “Cốt cán” thôi.

- Một đời ba theo Đảng, lại là giáo sư Triết học, bây giờ ba dự đoán cái chế độ này sẽ như thế nào, sẽ đi về đâu?

Ba tôi im lặng nhắm mắt, khe khẽ lắc mái đầu đốm bạc.

Đó mới là những năm 90, khi hệ thống Liên Xô bắt đầu sụp đổ cùng với giấc mơ Xã hội chủ nghĩa. Và “Trí tuệ vĩ đại” nhà ta đã vội vàng sang Thành Đô để tìm một vòng tay mới.

Cho đến lúc qua đời, những gì ba tôi nói về thời cuộc chỉ xoay quanh lập luận “vận số dân tộc nó phải vậy thôi…”. Cái lập luận chua xót và miễn cưỡng như danh phận cuộc đời ông. Tất cả nỗ lực, gian khổ, máu xương, vinh quang, lợi lộc…của ông đều đã an bài theo chế độ, gắn chặt với nó. Dẫu nó có là Thiên đường Mù như tác phẩm của nữ văn sỹ Dương Thu Hương, cũng xong một kiếp người.

Nguồn: VNTB


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét