Tri Nhân Media

TPP VÀ VŨ KHÍ SÁT THƯƠNG

Nguyễn AnDân
10-8-2014

Giới quan sát chính trị Việt Nam lại xôn xao khi liên tục các ông Bob Corker (thành viên thâm niên ủy ban đối ngoại), John McCain (thành viên ủy ban quân vụ- đối ngoại) và Sheldon Whitehouse (thành viên các ủy ban tư pháp, ngân sách, kinh tế, lao động tiền lương, môi trường và công chính ) là các quan chức Quốc Hội Mỹ đến Việt Nam. Theo công bố chính thức của hai nước, sứ mệnh của các ông này là xúc tiến TPP, dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, đối thoại nhân quyền và thương mại.

Dư luận đang có một giả thuyết ầm ĩ rằng “nhóm bảo thủ trong đảng (đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng) và Mỹ đã âm thầm bắt tay nhau và hai bên đã loại bỏ vai trò của nhóm cải cách ( đứng đầu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) trong cuộc chơi này. Việc McCain qua Việt Nam là “ khả năng là theo lời mời của ông Phạm Quang Nghị, đáp lễ lại việc ông Nghị đại diện cho nhóm bảo thủ sang Mỹ vào tuần cuối tháng 7/2014 vừa qua”

“Mỹ sẽ ủng hộ khi và chỉ khi bạn tự mình đứng lên”

Theo tôi, nhận định rằng nhóm bảo thủ trong Đàng CSVN và Mỹ đã đạt được một niềm tin nào đó để từ đó bắt tay nhau nhằm loại bỏ vai trò của nhóm cải cách là thiếu cơ sở xác đáng. Thế mà nó được đảng và dư luận thổi bùng lên một cách ồn ào chỉ qua mỗi 1 việc là nhóm bảo thủ cử ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ và có những phát biểu rất chung chung.

Muốn hiểu việc vì sao các quan chức Mỹ qua Việt Nam hôm nay thì phải xét đến cách làm việc và quy trình hành động của Mỹ. Ở một đất nước dân chủ pháp trị minh bạch như Mỹ, khó có khả năng chiến lược đối ngoại lại có thể thay đổi dựa trên chuyến thăm, làm việc đột xuất ngoài nghị trình của một nhân vật “chưa có quyền quyết định trong chính sách lãnh đạo ” như ông Phạm Quang Nghị

Cần chú ý là chiến lược xoay trục của Mỹ sang Châu Á, Thái Bình Dương là một chiến lược lớn và được cài đặt từ lâu trong quá khứ. Với Việt Nam-Mỹ, nó bắt đầu từ khi thủ tướng Võ Văn Kiệt vận động cho chương trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau cú “thoát hiểm” thập niên 1990.

Chuyện ông Võ Văn Kiệt, người “được coi là thân Mỹ và phương tây” ngồi vững ở ghế thủ tướng cũng khá ly kỳ sau một kế hoạch thanh trừng của phe bảo thủ. Một số quan chức am hiểu nội tình và có từng có vị trí cao trong đảng cộng sản Việt Nam đều “xì xào” là Nguyễn Hà Phan, một nhân vật mà phe bảo thủ đưa lên để thay Ông Kiệt “bị cháy” là do Mỹ đứng sau. Tôi nghe được từ họ là Mỹ đã âm thầm tung ra tài liệu “ khai báo phản đảng, phản tổ quốc khi bị bắt” của ông Hà Phan làm ông Phan thất thế. Không biết chuyện trên đúng hay sai, nhưng “vụ án khai trừ Hà Phan phản bội” và BCH TW Đảng năm 1996 vẫn bỏ phiếu cho ông Kiệt tiếp tục làm thủ tướng là chuyện ai cũng nhớ

Trong tư thế có một nhóm trong đảng “tự đứng lên kêu gọi cải cách và hướng về mình”, dĩ nhiên Mỹ “chừa ghế” cho Việt Nam trong chiến lược Châu Á- TBD là tất yếu. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng “Mỹ chỉ ủng hộ bất kỳ ai khi và chỉ khi họ tự đứng lên”. Thủ tướng VN thời kỳ 1990 đã tự đứng dậy  thì Mỹ ủng hộ.

Sau đó, các đời thủ tướng Việt Nam tiếp theo đều theo con đường ông Kiệt vạch ra và đi hội kiến tổng thống Mỹ. Phan Văn Khải đi Mỹ năm 2005 và Nguyễn Tấn Dũng năm 2006. Ngược lại, các đời tổng thổng Mỹ từ ông Bill Clinton đến nay đều sang Việt Nam. Tất cả những động thái này để làm gì nếu không phải là việc duy trì hậu thuẫn nhau và giữ gìn đường lối hợp tác của nhóm cải cách với Mỹ nhằm dần dần lái con thuyền VN hướng về Mỹ hơn ???

Theo đó, tôi đánh giá là các mốc son trong quan hệ Mỹ-Việt như bình thường hóa quan hệ, hiệp định thương mại Mỹ-Việt, phát triển hạt nhân và TPP, dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương… là những bước đi quan trọng mang tính kế thừa qua các thời kỳ của chính phủ hai bên nhằm giúp VN cải cách. Nó là mối dây xuyên suốt, chứ không phải tự nhiên hôm nay phát sinh ra việc mấy ông thượng nghị sĩ đến VN “theo lời mời và đáp lễ ông Nghị”. Nếu không có các bước đi mang tính “phá núi mở đường” của nhóm cải cách thì ở đâu ra mấy việc này???.

Nếu ông Võ Văn Kiệt không tự đứng lên và các đời thủ tướng Việt Nam không cố gắng giữ thế đứng trong sự kiềm chế và tìm cách thanh trừng của nhóm bảo thủ và Trung Cộng thì chẳng có Mỹ nào tác động và ủng hộ. Hình như những người đang lý luận rằng “Mỹ và nhóm bảo thủ đang bắt tay nhau, bỏ qua nhóm cải cách” đã quên đi phương châm nhất quán này của Mỹ chăng ? Hà cớ gì Mỹ bỏ qua một “đồng minh cải cách” đã chủ động bắt tay và kiên trì cùng mình trong 19 năm nay và đi bắt tay với một “đồng minh bảo thủ”, lại còn đã từng tìm cách thanh trừng nhóm kia? (HNTW 6 năm 2012)

Trong mấy năm qua, người ta đồn đoán rằng vị trí chủ tịch nước đang tìm cách phá bỏ kế hoạch cải cách chính trị của nhóm thủ tướng thì tôi e rằng không đúng. Trong bang giao Mỹ-Việt, có vẻ hai chức danh Thủ tướng và chủ tịch nước là đồng minh của nhau thì có cơ sở hơn, khi mà hai đời chủ tịch nước VN là Ông Nguyễn Minh Triết và Ông Trương Tấn Sang đều sang Mỹ. Rõ nhất là việc ông Trương Tấn Sang, trước khi ông Nghị đi Mỹ, đã chủ động nêu ra vấn đề “Việt Nam cần vũ khí sát thương của Mỹ” . Với Trung Quốc, những điều khoản mà ông Sang ký kết với Tập Cận Bình năm 2013 được giới quan sát chính trị ghi nhận là “tích cực hơn” các điều khoản mà VN-TQ đã ký năm 2011 trong chuyến sang Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng.
.   
“Mỹ bàn việc với ai hiện nay?”

Xét trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ như thế mới rõ vì sao các Thượng Nghị Sĩ Mỹ qua Việt Nam lúc này. Vai trò của Quốc Hội Mỹ và các uỷ ban trực thuộc trong những việc liên hệ đến các vấn đề mà Mỹ đang hướng đến là họ thường giúp chính phủ ở phần mở đầu để chính sách đối ngoại của Mỹ được tốt đẹp. Quốc Hội Mỹ nắm ngân sách và thông qua các hiệp ước như hiến pháp đã định do đó sự can dự của họ là để tạo dễ dàng cho chính phủ Mỹ, giúp cho chính sách đối ngoại của Mỹ có tính nhất quán của quốc gia. (Quốc Hội Việt Nam nên học hỏi chăng?)

Đại sứ Mỹ David Shear, trong cuộc gặp mặt cuối cùng cùng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi ông J.McCain qua VN, đã công bố ra một thông điệp, đó là “đã đến lúc ủng hộ Việt Nam vào TPP và dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương”. Ý kiến của ông đại sứ là quan trọng, nên thành viên ủy ban đối ngoại Bob Corker sang Việt Nam để khởi động cho sự tham gia của Quốc Hội Mỹ vào vấn đề gia tăng ủng hộ Việt Nam là bước khởi đầu tất yếu. Ở Việt Nam vài năm, Ông đại sứ hiểu nội tình và “diễn biến cuộc tranh chấp đảng quyền-chính quyền”, của “thân Tàu-thân Mỹ”, của “bảo thủ-cải cách” nhiều nhất. Lời ông đại sứ Mỹ nói ra dĩ nhiên quan trọng với Mỹ hơn lời ông Nghị nói ở Mỹ.

Việc nhóm chính phủ VN đang chỉ đạo khui ra những bê bối của phe đối lập (các đại án khởi tố mới đây mà tôi đã viết trong bài “cuộc chiến hậu giàn khoan”) sau khi không thuyết phục được nhau là một điều Mỹ dĩ nhiên thấy. Qua việc này, chứng tỏ quyết tâm cầm nắm quyền lực của nhóm cải cách sau khi bị nhóm bảo thủ o ép ( ngăn cản Phạm Bình Minh đi Mỹ và thay bằng Phạm Quang Nghị cũng như chưa cho kiện Trung Quốc) là một tín hiệu để Mỹ xúc tiến nhanh lên bước đi của họ là đúng theo tư duy của Mỹ lâu nay. Có một vụ “thú vị” nữa là “vụ án in tiền Polyme” thì tôi cũng sẽ nói sau, trong một bài viết khác gần đây, cũng có liên quan đến thế cục nội bộ đảng hôm nay

Thành thử ra, tôi e rằng nhận định ông McCain sang Việt Nam lần này “theo lời mời của ông Phạm Quang Nghị” và “đáp lễ ngoại giao” là thiếu cơ sở xác đáng. Bằng chứng là khi trả lời phỏng vấn, ông McCain không hề nói rằng “ông Nghị đã mời tôi sang đây” hay là đại loại như “chuyến đi của ông Nghị gặp tôi ở Mỹ vừa qua đã giúp thắt chặt quan hệ hai bên”.

Tôi đã nhận định trong bài viết “Nước Cờ Xuất Tướng Của Đảng”, việc ông Nghị đi Mỹ cũng cho thấy rằng đảng không thật sự “âm thầm xoay trục sang Mỹ” như dư luận đang bàn tán. Ông Nghị tuyên bố khi ở Mỹ Đàm phán không được thì mời Trung Quốc cùng ra tòa. Sau vụ giàn khoan, chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như giới quan sát chính trị quốc tế đến Việt Nam tham vấn đều nói “ đây là lúc phài kiện ra tòa” thì ông Nghị lại nói như trên. Vậy phải chăng quan điểm của nhóm bảo thủ là “không nên kiện mà là đàm phán tiếp”.??? (dù thiệt hại toàn ở phía VN nhiều năm nay)

Thêm nữa, cũng chính trong chuyến đi Mỹ, ông Nghị vẫn nói “Trung Quốc đã giúp Việt Nam nhiều. Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp trên biển Đông như đã giải quyết đường biên giới trên bộ, vịnh Bắc Bộ (đàm phán song phương tiếp như trước). Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cùng chúng tôi đưa vụ việc ra tòa”. Thế nghĩa là nếu Trung Quốc chưa sẵn sàng thì Việt Nam sẽ đợi Trung Quốc và trong thời gian đó, VN-TQ tiếp tục” song phương như biên giới và Vịnh Bắc Bộ”???

Dư luận cũng cần nhớ là về danh nghĩa, quan hệ hai đảng cộng sản Việt Nam-Trung Quốc vẫn là “quan hệ anh em” vì các động thái cần có phá vỡ quan hệ này chưa xày ra và đang bị kềm chế để “không xảy ra” (như việc kiện cáo và Đảng CSVN chưa ra nghị quyết riêng của đảng để lên án Trung Quốc), còn trong quan hệ Mỹ-Việt thì Tổng Bí Thư đã nói “quan hệ giữa VN-Mỹ là quan hệ hàng đầu”. “Quan hệ hàng đầu” và “quan hệ anh em”, quan hệ nào mạnh hơn ??.

Cũng rất rõ để thấy việc đảng và chính phủ đang kềm chế nhau trong đối ngoại với Mỹ. Trong khi ông Nghị và chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đều đang ra sức tuyên truyền rằng Đảng CSVN đang “quan hệ với Mỹ theo kênh đảng hai bên” thì thực tế cho thấy ngược lại. Nội dung các quan chức Mỹ bàn với các lãnh đạo đảng chỉ là chung chung, “uh thì chúng ta sẽ hợp tác hơn” mà không có cái gì cụ thể, rành mạch (mang tính xã giao). Còn phía chính phủ, các thượng nghị sĩ Mỹ đều gặp và bàn rất rõ các vấn đề ( TPP, dỡ bỏ cấm vận vũ khí, Mỹ giúp bảo vệ Việt Nam, nhân quyền, hợp tác chính trị, anh làm cái này xong thì tôi đưa cái kia, dần dần tiến lên). Như vậy tôi e rằng đã rõ là Mỹ đang chọn nhóm nào để làm việc trong hai nhóm bảo thủ-cải cách trong nội bộ đảng CSVN.

Các bạn có thể kiểm chứng nhận định trên qua bài viết ngày 08/08/2014 trên trang mạng của Thượng Nghị Sĩ McCain, tôi nghĩ nó như một cáo bạch chấm hết cho việc dư luận nghĩ rằng ông sang Việt Nam là để “hợp tác với phe bảo thủ và loại trừ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc chơi theo lời mời ngầm của ông Nghị”.

Qua các ý trong thông cáo của ông McCain nói về chuyến đi, chúng ta đã rõ, ông McCain nói việc ông qua VN là nằm trong 1 quá trình 20 năm hợp tác lâu dài giữa Mỹ và nhóm cải cách trong nhà nước VN, và Mỹ trông đợi thủ tướng Việt Nam sẽ dẫn dắt đảng phất ngọn cờ dân chủ như ông thủ tướng đã nói ra đầu năm 2014, hơn là bắt tay với phe bảo thủ, và vì “Trung Quốc cắm giàn khoan, chúng ta phải nhanh lên”.

Gửi những người dân chủ

Tôi muốn lưu ý các bạn, trong ngày 09/08/2014, tờ Quân Đội Nhân Dân, tờ báo mà ai cũng hiểu lập ra vì cái gì, trong lúc phái đoàn Mỹ còn ở Việt Nam, đã chủ động đưa lên hàng đầu một bài viết mang mục đích “chống diễn biến hòa bình và mạo danh nhân quyền-dân chủ”. Như vậy bằng chứng nào cho thấy nhóm bảo thủ đang “thật lòng muốn cải cách và hướng về Mỹ” như dư luận xôn xao ??

Nhận định chính trị thì ai cũng có quyền nói, từ bác xe ôm vỉa hè đến các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị Việt Nam đang rối bởi sự tranh chấp đường lối, cùng ảnh hưởng của kẻ xâm lược Trung Cộng đang “lùi 1 tiến 2” thì phải hết sức thận trọng, nhất là khi tiếng nói của mình đang được quần chúng chú ý lắng nghe (và có khi hành động theo). Tôi hi vọng rằng Mỹ đã đúng khi nhận định xu hướng cải cách đang thắng thế mà đưa ra các hứa hẹn ủng hộ Việt Nam, nhưng một tư thế thận trọng của cộng đồng tranh đấu là cần thiết khi chúng ta còn yếu.

*********** 
Tư liệu sử dụng cho bài viết:
-www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/06/060630_nguyentandung_profile.shtml
-http://vietnamembassy-usa.org/vi/basic-page/mot-so-moc-dang-nho-trong-quan-he-viet-nam-hoa-ky
-http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/san-sang-trao-doi-ca-van-de-con-khac-biet-voi-hoa-ky-2014080523043158.htm
-http://www.McCain.senate.gov/public/index.cfm/press-releases?ID=f5fd4b07-3d87-4a9f-a892-03018c779888
-http://nguyentandung.org/dai-su-my-quan-he-my-viet-trung-tot-moi-co-hoa-binh.html
-http://m.vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-hoa-ky-la-doi-tac-quan-trong-hang-dau-cua-viet-nam-344349.vov
-http://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-nguyen-tan-dung-tiep-cac-thuong-nghi-sy-hoa-ky-488375.html
-http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chong-dien-bien-hoa-binh/mot-su-hieu-biet-mu-mo-ve-nhan-quyen/314926.html


http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/190383/mot-tuan-cong-du-nuoc-my-cua-ong-pham-quang-nghi.html

Nguyễn An Dân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét