2-8-2014
Đọc những điều lí giải khá rộng dài cao xa việc đi Mĩ thay ông ngoại trưởng Phạm
Bình Minh của ông Phạm Quang Nghị, một trong mười sáu ông Vua tập thể đương
trên ngai vàng trong triều đình cộng sản Việt Nam, tôi thấy những lí giải đó đều
chưa thỏa đáng, chưa tới. Theo tôi, sự việc đơn giản, trần trụi và cay đắng hơn
rất nhiều những lời lí giải trời biển.
China ngạo ngược đưa núi sắt thép nghễu nghện được gọi là giàn khoan cùng cả một
thê đội đông đúc tàu quân sự và tàu dân sự vào vùng biển Việt Nam không phải chỉ
thách thức Việt Nam mà thách thức luật pháp, thách thức công lí cả thế giới,
thách thức lương tri cả loài người.
Trước hành xử lục lâm thảo khấu giữa trời
xanh biển rộng đó, những nước có trách nhiệm với trật tự an ninh thế giới không
thể làm ngơ. Nước Mĩ liền cho ngoại trưởng John Kerry đánh tiếng mời người đồng
cấp Việt Nam sang Mĩ. Lời mời của Ngoại trưởng Mĩ đối với Ngọai trưởng Việt Nam
là chiếc phao cứu sinh nước Mĩ ném ra cho lãnh đạo nhà nước Việt Nam khi lãnh đạo
nhà nước Việt Nam đang sặc sụa, chới với trước những con sóng vùi dập do cái
giàn khoan và đoàn tàu cướp biển tạo ra.
Nhà chức trách Việt Nam sang Mĩ để cùng nhà chức trách Mĩ nhìn nhận hành vi cướp
biển của China là điều China tối kị, sợ như đỉa sợ vôi. Đường dây nóng giữa
lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - China được thiết lập từ thời ông thợ rừng
họ Nông ở Na Rì, Bắc Cạn làm thủ lĩnh đảng Cộng sản Việt Nam liền được sử dụng
để chặn đứng chuyến đi Mĩ của ngoại trưởng Phạm Bình Minh, chặn đứng cuộc gặp
John Kerry – Phạm Bình Minh rất nguy hại cho China.
Chỉ là hãng thông tấn của nhà nước China còn dám hỗn xược lên giọng bề trên đe
nẹt lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam: Không được đánh giá thấp sự liều lĩnh
của China trong việc quyết giữ bằng được hai quần đảo ăn cướp Hoàng Sa và Trường
Sa. Không được mang chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa ra tố cáo sự ăn cướp của China, tức là không được kiện sự
ăn cướp của China ra tòa án quốc tế. Không được liên minh với các nước chống lại
sự ăn cướp của China. Không được đánh tháo khỏi sự ràng buộc của China từ khi
được China cho bình thường hóa quan hệ hai nước. Một hãng thông tấn China còn
lên giọng cha chú với lãnh đạo nhà nước Việt Nam được thì kẻ đầy quyền uy như Tổng
bí thư Tập Cận Bình khinh khỉnh chỉ thị cho bí thư đảng bộ An Nam Nguyễn Phú Trọng
không được để Phạm Bình Minh đi Mĩ cũng là điều quá bình thường và đương nhiên.
Những cam kết của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh kí với
đảng Cộng sản China ở Thành Đô và những cam kết của những đầu đảng kế tiếp đã
kí với China là những bản hợp đồng bán Độc lập của đất nước Việt Nam, bán Tự do
của nhân dân Việt Nam, bán xương máu cha ông, xương máu anh hùng liệt sĩ của lịch
sử Việt Nam cho China. Từ đó đất nước Việt Nam đã thành thuộc địa của China,
nhà nước Việt Nam đã thành chư hầu của China thì China bảo gì cũng phải nghe.
Thực tế cay đắng diễn ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam từ khi có cái hội nghị
dấm dúi, nhục nhã ở Thành Đô đã xác minh điều đó, khỏi nhắc lại ở đây.
Lệnh cho công an, tòa án Việt Nam bắt bớ, đánh đập, tù đày người dân Việt Nam
khi người dân biểu tình chống China xâm lược biển đảo Việt Nam, bắn giết dân
chài Việt Nam. Lệnh đó từ đâu ra nếu không phải từ đường dây nóng Bắc Kinh – Hà
Nội do ông đầu đảng cộng sản Việt Nam họ Nông miệt Na Rỳ, Bắc Cạn thiết lập. Lệnh
đó từ đâu ra nếu không phải từ những bản cam kết của những người đầu đảng cộng
sản Việt Nam kí với China. Lệnh không cho Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đi Mĩ
tháng năm, 2014 cũng từ đó mà ra.
Chiếc phao cứu sinh đã nắm trong tay đành phải buông ra mặc cho những con sóng
dữ từ giàn khoan ăn cướp xô đến vùi dập, xô đẩy. Nhưng Ngoại trưởng Phạm Bình
Minh đã rục rịch chuẩn bị đi Mĩ, bàn dân thiên hạ đang lao xao bình luận, đang
âm thầm ngóng trông, hi vọng chuyến đi vô cùng quan trọng, cần thiết cho Việt
Nam thì chuyến đi mới bị stop lại. Chuyến đi đã có trong chương trình hoạt động
đối ngoại của nhà nước Việt Nam tức là chính quyền Việt Nam đã chính thức nhận
lời mời của chính quyền Mĩ, nay bỏ ngang xương, đâu có đưọc. Quan hệ với một nước
lớn như Mĩ không thể luộm thuộm, tùy tiện được. Ông Ngoại trưởng Phạm Bình Minh
không thể đi thì phải có người khác đi, sang gặp trực tiếp, có lời nói lại với
người ta chứ. Ông quan chức chay của đảng cộng sản Việt Nam Phạm Quang Nghị đi
Mĩ trong tình huống đó. Và cũng chỉ trong tình huống trớ trêu đó bộ Ngoại giao
Mĩ mới chịu mời ông quan chức chay cộng sản Việt Nam.
Tại sao lại là ông quan chức cộng sản chay Phạm Quang Nghị mà không phải người
khác? Sang Mĩ để cáo lỗi vì sự lỗi hẹn của ông Ngoại trưởng thì phải là người
có vị trí cao hơn ông Ngoại trưởng. Vị trí cao hơn đó là thành viên Vua tập thể.
Nếu có ẩn ý gì thêm trong chuyến đi Tây của ông thành viên Vua tập thể thì lúc
này mới đặt ra. Chuyến đi cũng là dịp PR hình ảnh, PR tên tuổi cho một quan chức
cộng sản chay có tiềm năng, một ngôi sao sắp tới của đảng cộng sản Việt Nam.
Đi sứ với danh nghĩa quốc gia thì chức Bí thư thành ủy Hà Nội, trưởng đoàn Quốc
hội Hà Nội không còn giá trị nữa, không thể xài đến. Vì thế những điều ông Nghị
nói ở Mĩ với những người đối thoại đều phải với tư cách quốc gia: Quan hệ đối
tác toàn diện giữa hai nước. Khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa
các cơ quan đảng của hai nước. Mở rộng thị trường cho hàng hóa do Việt Nam sản
xuất. Hạ rào cản thương mại. Khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Đề nghị Mĩ công
nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. . . Nhưng nói chỉ để có chuyện mà
nói thôi.
Chỉ có một chuyện mới: Khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các cơ
quan đảng hai nước. Mới nhưng chỉ nói thoáng qua, nói cho có chuyện, không phải
là mục đích của chuyến đi. Còn các chuyện khác đều là chuyện cũ, quá cũ, nhiều
người đã nói mãi rồi. Không thể vì những chuyện thường ngày quá cũ đó mà ông
thành viên Vua tập thể Phạm Quang Nghị phải có chuyến đi sứ sang Mĩ bất thường,
đột ngột, khá âm thầm vì thiếu chính danh. Tóm lại, thành viên Vua tập thể PHạm
Quang Nghị đến Mĩ chỉ để Mĩ cảm phiền cho Ngoại trưởng Phạm Bình Minh không thể
đến Mĩ được theo lời mời của Mĩ mà thôi
Nguồn: FB Phạm Đình Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét