Tri Nhân Media

KHI NÀO ĐẢNG CSVN ĐỘC LẬP TƯ DUY ?

Đỗ Thành Công
24-08-2014

Với tựa đề "Khi lãnh đạo Cộng sản gặp nhau, là lúc uy tín họ lại càng xuống cấp", phóng viên tờ International Herald Tribune nhận xét, biểu hiện của việc xuống dốc uy tín đảng CS Trung Quốc, có thể ghi nhận khi lắng nghe từ Nhân dân ở Thượng Hải. Được hỏi họ nghĩ gì về các diễn biến chính trị tại Trung Quốc, kỷ sư David Yuan, 50 tuổi cho biết chẳng thèm quan tâm tới, vì chính trị đã không còn là thứ dành riêng cho Nhân dân Trung Quốc. Anh cho biết "đời sống của chúng tôi như chiếc lá giữa dòng, chỉ cầu cho được trong nhờ đục chịu". Đối với Xu Gengsheng, chủ nhân một cơ sở thương mại tại Thượng Hải nhận xét "Đó là của những kẻ tham nhũng, giàu có nhờ làm ăn bất chính, bây giờ họ tìm cách hợp thức hoá các sở hửu bất hợp pháp qua những chính sách, nhất là về lãnh vực quyền sở hữu bất động sản"

Tham nhũng ở Trung Quốc trở thành căn bệnh ung thư, bí thư đảng Thượng Hải ông Chen Liangyu đã bị bắt vì can tội tham nhũng. Ông Chen biển thủ tiền từ qũy xã hội của thành phố. Không ở đâu tham nhũng bằng Thượng Hải, một cư dân ở đây nói "không bao giờ giải quyết được tệ nạn tham nhũng ở Trung Quốc. Độc đảng là vấn nạn vì còn ai ở trên đảng để hạn chế đảng. Tự do ngôn luận là khởi đầu để có thể giải quyết từng bước, vì nếu bạn có thể phê phán đảng viên đảng Cộng sản một cách công khai trên các cơ quan ngôn luận, tôi nghĩ rằng vài năm tới, tệ nạn có thể giãm bớt đáng kể."

Feng Xiaoqi, cư dân tỉnh Hà Nam, bỏ nhà đi từ lúc 15 tuổi, hơn 12 năm làm việc trong kỷ nghệ xe. Hiện thường đi về giữa Quảng Đông và Thượng Hải phát biểu "Cuộc sống khá hơn hồi trước nhiều lắm. Tuy nhiên đừng có đụng đến vấn đề chính trị thì anh sẽ được yên thân". Đối với Zheng thì khác hơn, anh cho biết "chúng tôi chỉ là những cá nhân ở bên lề, những hoạt động của Đảng CS Trung Quốc không còn là vấn đề để chúng tôi quan tâm nữa."

Trong khi đó, Đài Loan lại tỏ ra quan tâm về tình hình chính trị ở Trung Quốc. Chính sách "một Trung Quốc" mà đảng CS Trung Quốc theo đuổi nhằm cô lập Đài Loan, đang liên tục áp lực cư dân của hòn đảo này lệ thuộc vào sự kiểm soát của họ. Đảng CS Trung Quốc từng đe doạ sẽ tấn công nếu đảo quốc này dám tuyên bố độc lập. Đài Loan đã từng mở chiến dịch vận động để được Liên Hiệp Quốc công nhận nhưng nổ lực này đã thất bại.

Các giới chức ngoại giao Đài Loan cho biết, tiền đề của chính sách "một Trung Quốc" chứng tỏ đảng CS Trung Quốc chỉ muốn thôn tính. Lo sợ khả năng bị tấn công bằng vũ lực, tin từ hảng thông tấn AFP tiết lộ, Đài Loan dự trù sẽ nghiên cứu vũ khí có khả năng làm tê liệt hệ thống điện của nước thù nghịch trong trường hợp phải tấn công để tự vệ. Đây là vũ khi chiến thuật quân sự hiện đại, được bắn đi từ hoả tiển định hướng nhằm mục tiêu phá hỏng các đường dây dẫn điện. Loại vũ khí này tự động phát ra đám mây hóa học làm các đường dây dẫn điện bị chạm, tạo ra tình trạng mất điện nhưng không làm thiệt hại nhân mạng. Hoa kỳ từng sử dụng vũ khí này hồi 1991 để tấn công I-raq, làm tê liệt hơn 85% hệ thống điện của I-raq, vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ, điện báo, thông tin, phòng ngự, đặt cả nước vào tình trạng rối loạn vì mất điện. Phí tổn dự án quốc phòng này tốn 15.34 triệu Mỹ kim và có thể làm Trung Quốc nổi giận, vì vậy giới chức quốc phòng Đài Loan hoàn toàn không bình luận về nguồn tin mật này.

Cũng như Đài Loan, Việt Nam còn chú ý nhiều hơn cả chính dân Trung Quốc. Vì những chính sách của Đảng CS Trung Quốc không những liên hệ mật thiết đến Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội mà còn có ý nghĩa quyết định về sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lá thư của Ban chấp hành trung ương Đảng CS Việt Nam gửi Đảng CS Trung Quốc trong dịp tổ chức Đại Hội Đảng CSTQ viết "Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, những quyết sách mới của Ðại hội lần thứ XVII - sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử lớn lao trong đời sống chính trị của toàn Ðảng, toàn dân Trung Quốc - sẽ đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào giai đoạn mới, thực hiện bước ba trong chiến lược phát triển đưa Trung Quốc trở thành một nước phát triển trên thế giới vào giữa thế kỷ 21................ Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em", cũng như sự hợp tác toàn diện, ngày càng sâu rộng với Ðảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy, những năm gần đây quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được tăng cường và phát triển.

Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, theo phương châm chỉ đạo "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" mà lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã xác định, quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ không ngừng được củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Sinh mệnh chính trị Đảng CSVN gắn liền với những diễn biến chính trị tại Trung Quốc. Quan niệm "môi hở răng lạnh" không lúc nào thể hiện trọn vẹn bằng lúc này. Trong bối cảnh thế giới cộng sản đã đi vào khúc quanh tàn lụi, Việt Nam không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải dựa vào Trung Quốc để có thế chống đở về mặt ý thức hệ, mò mẫm cõng gánh "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", vừa chạy vừa lo vì không biết lúc nào đàn anh vứt bỏ xu thế lạc hậu "chủ nghĩa xã hội" thì đàn em kẹt cứng.

Những quyết định của đảng CS Trung Quốc trong các Đại hội Đảng mang ý nghĩa sinh tử đối với lãnh đạo đảng CS Việt Nam. Chỉ cần vì bất cứ lý do gì, Trung quốc tuyên bổ từ bỏ ý thức hệ Công sản, đưa đất nước vào quỹ đạo hội nhập nền dân chủ trên thế giới thì đảng CS Việt Nam dở khóc dở cười. Trước đây, chính Trung Quốc cũng đã làm bước đột phá, công nhận giới doanh nhân, tức giai cấp tư sản làm đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng bên cạnh hai giai cấp "kẻ thù" Công Nhân và Nông Dân. Một bước nhảy vọt về mặt ý thức hệ, đi ngược hẳn quan điểm chính thống của Mác-Lênin.

Bức thư Trung ương Đảng CSVN gửi đảng CS Trung Quốc đã phải nhấn mạnh đến yếu tố "đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào giai đoạn mới". Thân phận tự nguyện lệ thuộc ý thức hệ đã đẩy Việt Nam vào vị trí thấp kém, thiếu chủ động để có những kế hoạch mang tầm vóc độc lập, tự chủ về chính trị và kinh tế, nhằm thoát khỏi áp lực chư hầu.

Dù vậy, lá thư của Việt Nam gửi Trung Quốc không còn thắm thiết như xưa, toàn văn mang giọng điệu cứng nhắc, giữ kẻ và dò dẫm. Thực tế tình hình gần đây quan hệ hai nước có chiều hướng không thuân lợi. Tinh thần 4 tốt mà hai Đảng nói tới chỉ có giá trị trên mặt lý thuyết, giả dối. Trung Quốc đối với Việt Nam là "láng giềng xấu, bạn bè xấu, đống chí xấu và đối tác xấu". Những đụng độ về chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc thể hiện công khai, tham vọng lấn đất, giành quyền.

Với thu nhập quá kém, bình quân dưới 1000 dollars hàng năm so với hơn 1400 dollars của Trung Quốc, Việt Nam chỉ hơn Lào và Miên và đang là sân sau, bị các nước Á Châu bỏ xa hàng chục năm về mặt phát triển kinh tế. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc từ năm 2004, Việt nam phải mất hơn 12 năm mới theo kịp mức thu nhập bình quân Trung quốc. Tính đến 2016, nếu VN có thể nâng thu nhập đầu người lên bằng Trung Quốc, thì quốc gia này đã không dừng lại ở con số 1400 dollars. Tóm lại với xu thế "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" Việt Nam sẽ tiếp tục lạc hậu, liên tục là sân sau của Trung Quốc. Ngược lại, những quốc gia như Thái hoặc Hàn Quốc đã vượt xa hẳn đàn anh Trung Quốc về tỷ lệ thu nhập đầu người. Yếu tố cốt lõi không nằm ở định hướng "chủ nghĩa xã hội"lỗi thời mà chính là ở cơ chế chính trị tiến bộ "dân chủ, đa nguyên".

Nếu VN tiếp tục theo đuôi, mù quáng chạy theo định hướng lạc hậu, mừng nhất vẫn là Trung Quốc vì họ sợ Việt Nam có thể bứt xa họ về mặt thu nhập. Với dân số gần 90 triệu dân, đứng thứ 15 về mặt dân số trên thế giới, vượt cả nước có mức thu nhập cao hơn Trung Quốc là Thái hay Hàn Quốc; với tiềm năng kinh tế, dân trí và nhất là lực lượng "chất xám" và "tài chính" của khối người Việt hải ngoại, Việt Nam không cần 12 năm vẫn có khả năng đưa thu nhập tiến đến mức bằng hoặc vượt qua Trung Quốc, nếu Việt Nam dám từ bỏ con đường định hướng "chủ nghĩa xã hội"không tưởng.

Làm đuợc điều này hay không tất nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong những điều kiện tối quan trọng nhất vẫn là: Liệu Đảng CS Việt Nam có dám đặt quyền lợi dân tộc, đất nước lên trên quyền lợi của Đảng?


Đỗ Thành Công


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét