Tri Nhân Media

GIẤY TRIỆU TẬP VÀ SỰ HÙ DỌA

Minh Tâm
24-8-2014

Chiều 24-8, anh bạn Phạm Đình Trọng gửi mail có nội dung: “Tôi bị công an bắt giữ suốt từ sáng vừa mới được áp giải về tận nhà, tôi viết ngay thư này. Tối qua anh Kha Lương Ngãi hẹn sáng nay đi ăn sáng ở chỗ mọi khi. 07 giờ 15 sáng, ra khỏi nhà, tôi vừa đi được hơn 100 mét thì bốn, năm xe máy xô đến chặn trước xe tôi, quát bảo tôi quay về.

Tôi lùi xe định quay về thì đụng vào chiếc ô tô du lịch chặn sát phía sau. Những người chặn tôi liền rút chìa khóa xe máy của tôi, thọc tay vào túi quần tôi lấy điện thoại và máy ảnh của tôi rồi tống tôi lên ghế sau chiếc ô tô du lịch chạy về công an xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Trong vụ chặn bắt tôi có tới cả chục công an. Nhiều gương mặt quen và ba gương mặt lính tráng rất trẻ, to, khỏe, rất lầm lì, sẵn sàng ra tay. Họ quát tháo, xỉ vả, trấn áp tôi rất nhiều. Có một điều đáng chú ý khi họ căng giọng bảo tôi: Từ nay đến phiên tòa xử Bùi Minh Hằng tôi không được đi đâu. Ngày nào cũng có người phong tỏa nhà tôi. Tôi đi họ sẽ bắt tống tôi vào bốn bức tường nhà giam. 15 giờ 40 chiều họ lại dẫn giải tôi ra chiếc ô tô khi sáng đưa tôi về nhà...”.

Không chỉ có công dân Phạm Đình Trọng. Trước hôm mở phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Bùi Thị Minh Hằng tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (dự kiến vào ngày 26-8), một vài người dân ở Sài Gòn nhận được “giấy triệu tập” đến cơ quan an ninh điều tra để tìm hiểu về “các bài viết trên internet”. Chuyện nhận “giấy triệu tập” cũng thường xảy ra mỗi khi có chuyện gì đó liên quan đến biểu tình, xuống đường.

Coi chừng bị “tịch thu”… giấy triệu tập

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Thẩm phán, Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao, với góc nhìn của một ông quan tòa, giải thích sự khác nhau giữa “mời” và “triệu tập” như sau: “mời” thì có quyền đến hoặc không đến, còn “triệu tập” thì phải có mặt.

Theo qui định, nếu giấy triệu tập được gửi (thuật ngữ pháp lý gọi là “tống đạt”) một cách hợp lệ, thì bắt buộc đương sự (người được triệu tập) phải có mặt tại Tòa án - theo nội dung ghi trong giấy triệu tập.


Nhiều khi nhận được giấy triệu tập, các đương sự thường rất hốt hoảng, mất bình tĩnh. Thực ra, cần bình tĩnh đọc kỹ xem giấy triệu tập mời lên làm gì và “triệu tập” căn cứ từ đâu, đúng hay “chưa phù hợp” luật định (cẩn trọng viết như vậy vì phía ký giấy triệu tập, ít khi tự nhận mình... không thuộc luật!). Và nếu đương sự có mời luật sư, thì nên báo ngay cho luật sư để bàn về “đối sách” tiếp theo.

Kinh nghiệm cho thấy rất nhiều khi phía “triệu tập” mời đương sự lên là thu luôn bản chính giấy triệu tập của đương sự. Nếu như vậy, đương sự xem như sẽ chẳng còn bằng chứng gì về việc bị hay được triệu tập lên làm việc, để mà kiện cáo hay khiếu nại về chuyện vô cớ quyền dân sự bị xâm phạm.

Gần đây hình thức “giấy triệu tập” trong ngành công an được “phân phát” gần như không theo trình tự pháp lý nào khi yêu cầu công dân “trả lời các bài viết trên Internet” theo cách hình sự hóa.

Vừa hù vừa dọa

Thử cùng phân tích. Trước tiên, căn cứ theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thì nếu có thư mời liên quan nội dung “trả lời các bài viết trên Internet”, cơ quan sẽ gửi thư mời cho công dân đó, phải là Sở Thông tin, Truyền thông.

Ở đây, cơ quan an ninh gửi “giấy triệu tập”, khả năng căn cứ vào “Điều 39. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin và an ninh thông tin” của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm: (…) d) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bảo đảm an ninh thông tin; đ) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước và các hoạt động tội phạm khác.

Lưu ý, Bộ Luật Tố tụng Hình sự là văn bản pháp luật duy nhất quy định về việc dùng giấy triệu tập mà hệ thống cơ quan tố tụng phải tuân hành. Theo đó, Điều tra viên (Điều 35), Kiểm sát viên (Điều 37), Thẩm phán (Điều 39) có thẩm quyền ký giấy triệu tập nhằm mục đích thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Tuy nhiên như yêu cầu “trả lời các bài viết trên Internet”, cho thấy không phải là cáo buộc cho một vụ án hình sự được thụ lý cấp cơ quan An ninh của Bộ Công an. Vụ việc cũng chưa phải là vụ án hình sự nên chuyện ký Giấy triệu tập, thường kèm luôn người sẽ gặp là “thượng tá, điều tra viên XYZ”, thì đây có các dấu hiệu của hành vi phạm pháp luật, cụ thể: lạm quyền, thể hiện hình thức văn bản “Giấy triệu tập” sai về mặt hình thức lẫn quy trình tố tụng.

Một Nhà nước pháp quyền mà hành xử kiểu như vầy, quả tình... người dân không nổi nóng mới lạ!

Minh Tâm
Trí Nhân Media


2 nhận xét:

  1. Nặc danh25/8/14 20:17

    Luật là tao.Tao là luật mà bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Ở đất nước này công an là những ông trời con, họ có quyền bắt bớ, đánh đập bất cứ những ai dám chống lại người "anh em" 16 chữ vàng và 4 tốt.Đảng cs muốn đi theo TÀu để xây dựng XHCN, dẫu đường có dài đến bao nhiêu thế kỉ.

    Trả lờiXóa