Nguyễn An Dân
20-7-2014
Hôm nay (ngày 20/07/2014), có đọc trên tờ Đất Việt một bài
viết của tác giả Lê Ngọc Thống “trách nhiệm lớn lao trước dân tộc” (*), đọc
xong thấy cũng nảy sinh nhiều suy nghĩ, nên có vài lời cùng ông Lê Ngọc Thống,
trên tư cách một công dân tự thấy mình có trách nhiệm nhỏ bé với quần chúng.
Cũng nói thêm cho rõ là đến nay sau hai ngày quan sát, đúng
là giàn khoan HY-981 đã ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Các nhận định
của chuyên gia, học giả về lý do rút giàn khoan thì nhiều nên tôi không nói
thêm, tuy nhiên theo đánh giá của quần chúng thì phản ứng của chính quyền Việt
Nam trong suốt hai tháng qua có thể tóm tắt “đúng là có hơn trước đây nhưng còn
thấp và chậm trễ so với nhận định chung của đa số người dân”. Mà một trong những
lý do chính yếu là “chưa khởi kiện Trung Quốc”
Trong bài viết của ông, ông viết nguyên văn như thế này
“Trong khi đó, các thành phần “bất đồng chính kiến”…thì dựa theo tâm lý đó để
kích động rằng “không kiện Trung Quốc ngay là nhu nhược”, sợ ảnh hưởng đến 16
chữ vàng, 4 tôt”…Trên biển thì họ hô hoán lên rằng, Hải quân ở đâu không ra
ngăn chặn tàu Trung Quốc? “Như vậy, ý đồ của các nhà “bất đồng chính kiến” đã
rõ là: Gây mất đoàn kết, kích động chiến tranh…nên sẽ là vô ích khi chúng ta
bàn luận với họ về chuyện này “ (hết trích)
Xin lưu ý với ông, đúng là trong suốt thời gian qua, nhiều
lúc những người bất đồng chính kiến có khác biệt với nhau, với đảng và chính phủ
trong nhiều vấn đề, nhưng riêng vấn đề khởi kiện việc Trung Quốc đặt giàn khoan
HY-981 vào vùng lãnh hải Việt Nam là việc mà đa số nhân dân và chính phủ đã đồng
ý với nhau. Cụ thể là từ ngày 08/5/2014, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần ra lời
kêu gọi “đồng hành cùng chính phủ khởi kiện Trung Quốc”, “không khởi kiện Trung
Quốc là có tội với dân tộc”. Các lời kêu gọi này đăng đầy trên các báo chí có
giấy phép xuất bản trong nước
Như vậy ở đây xin hỏi ông Lê Ngọc Thống, việc những người bất
đồng chính kiến và đa số nhân dân thúc đẩy và hưởng ứng lời kêu gọi của chính
phủ là gây mất đoàn kết? Nếu nói vậy có lẽ nên “bắt lỗi” những người ra lời kêu
gọi mà cụ thể là chính phủ và thủ tướng chính phủ, sau đó hãy bắt lỗi người bất
đồng chính kiến. Ông Lê Ngọc Thống chủ động nêu ra ý này trước nhất, nên chăng
ông hãy dẫn đầu cho hành động “khởi kiện chính phủ và thủ tướng chính phủ trong
việc gây mất đoàn kết”, vì đó là khởi nguồn, “chủ mưu” theo lập luận của ông.
Còn việc ông bảo những lời hô hoán là “hải quân ở đâu sao
không ra ngăn chặn tàu Trung Quốc” là có ý gây kích động chiến tranh thì có lẽ
ông xét chưa thấu đáo. Ông hãy đứng ở lập trường nhân dân mà lý giải, người dân
đóng thuế nuôi quân đội, khi có giặc ngoại xâm (Trung Quốc cho tàu quân sự vào
khu vực giàn khoan thì đã cấu thành hành vi xâm lược) thì phản ứng tự nhiên của
nhân dân là “lâu nay tôi nuôi quân đội, vậy quân đội ở đâu sao không ra ngăn chặn”
là chuyện tâm lý bình thường. Chúng ta là người cầm bút, khi quần chúng phản ứng
tự nhiên thì chúng ta hướng dẫn, có gì mà ông chụp cho cái nón “gây kích động
chiến tranh” nghe ghê gớm quá. Có lẽ ông nên dùng từ này cho chính quyền Trung
Quốc, vì thực tế là họ đã điều hải quân vào vùng biển nước ta thì hợp lý hơn là
ông dùng cho nhân dân khi họ có phản ứng tự nhiên như thế.
Về việc biểu tình bạo động ở Bình Dương, Vũng Án thì cơ quan
công an có kết luận là “do một tổ chức phản động nước ngoài”, còn theo trung tướng
Phạm Văn Dỹ – chính ủy quân khu 7 thì là do ta đã sa bẫy Trung Quốc. Nhận định
về cái này thì ông Thống nói đúng, Việt Nam đã sa bẫy “bọn xấu”, nhưng có vẻ nhận
định của tướng Dỹ làm sáng tỏ hơn, vì rõ ràng việc Bình Dương Vũng Án làm lợi
cho Trung Quốc hơn là cho “tổ chức phản động nước ngoài”.
Ý tiếp theo của ông Thống nói là kiện là mở đầu cuộc chiến
tranh pháp lý là đúng, nhưng còn thiếu, quan trọng là động cơ và tính chất của
vụ kiện. Nếu kiện về vấn đề ai sở hữu Hoàng Sa thì đúng là phức tạp (mà chính
vì cái công hàm 1958 do nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt đảng ký gửi cho
Trung Quốc là một nguyên nhân quan trọng làm cho phức tạp). Còn kiện Trung Quốc
về các hành vi đâm chìm tàu cá làm ngư dân chết, cho giàn khoan và tàu quân sự
vào vùng tranh chấp, vi phạm Unlos và DOC thì hà cớ gì mà phức tạp và “lỡ thua
kiện thì mất hết” cho được? Hàm nghĩa kiện ngay tức khắc trong bối cảnh đang có
giàn khoan và những sự phức tạp kéo theo nó là đúng chứ có sai gì đâu mà ông Thống
trình bày thành ra gây sự hoang mang không cần thiết.
Tiếp theo, ông đúng khi nói việc “kiện cáo” không chỉ phân định
thắng thua mà còn phải xét nhiều yếu tố có lợi cho chiến lược quốc gia nữa. Điều
này đúng nhưng thiếu, yếu tố quan trọng nhất trong kế hoạch bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ là sự ủng hộ của quốc tế và các đồng minh quan trọng. Trong bối cảnh nội
lực Việt Nam hiện nay đang yếu kém toàn diện, tranh thủ sự ủng hộ của các đồng
minh tương lai mà Việt Nam đang vận động là quan trọng, việc khởi kiện Trung Quốc
là một động thái “minh định lập trường” phải có. Nó thể hiện cho các đồng minh
thấy quyết tâm “thoát Trung” của Việt Nam. Ông không chứng tỏ được ông muốn
“thoát Trung” thì đồng minh nào sẽ can đảm mà liên minh với ông để “kháng
Trung”
Chọn thời điểm nào để kiện là quan trọng, ông Thống viết
đúng nhưng cũng còn thiếu. Cái quan trọng hơn là xung quanh vụ giàn khoan vừa
qua đã có hai ngư dân chết vì sự cố ý gây hấn của tàu Trung Quốc. Chắc có lẽ
nên đợi đến 20, hay 200 ngư dân chết nữa thì kiện vào thời điểm đó là hợp lý
cho đảng và ông Thống hơn chăng ??
Về việc ông kết luận ở cuối bài “chỉ có Đảng CSVN mới đủ uy
tín, bản lĩnh và trí tuệ, động viên, phát huy được sức mạnh dân tộc và quân đội
nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN có đủ khả năng đương đầu với
bất cứ kẻ thù nào dù hung hăng đến đâu mà không ai, không lực lượng nào khác có
thể thay thế. Đó là sứ mệnh lịch sử.” thì tôi không muốn có ý kiến, vì nó
“tuyên truyền quá lứa” rồi. Tôi chỉ hỏi ông căn cứ vào đâu mà “kết luận” ngon ơ
như thế. Tôi cũng đề xuất là có lẽ nên mời một tổ chức quốc tế có uy tín về
trưng cầu dân ý vào Việt Nam để trưng cầu ý dân về vấn đề này thì sẽ biết là nhận
định của ông Thống là đúng hay sai.
Gửi những người “bất đồng chính kiến”
Trong phần trên tôi có tranh luận với các ý của ông Lê Ngọc
Thống, nhưng cũng có lời góp ý với những ai đang bất đồng chính kiến với đảng cầm
quyền Việt Nam. Bài báo của ông Lê Ngọc Thống cần được coi như một cảnh báo cho
chúng ta. Nó phản ánh quan điểm của phe “lừng khừng”, “ngậm miệng ăn tiền” (của
Tầu) trong đảng, chẳng muốn dứt khoát thoát Trung, càng không muốn dân chủ. Sau
giàn khoan, tất cả hãy thận trọng, coi chừng vấn đề “chống bá quyền Trung Quốc”
sẽ trở lại là “nhạy cảm” như trước, và có lẽ những người bất đồng chính kiến
nên hiểu sự tiến thoái cần thiết trong chiến thuật để có điều chỉnh thích hợp
nhằm bảo toàn lực lượng.
Việt Nam đang cố sức tranh thủ vào TPP, vấn đề dân chủ-nhân
quyền là một vấn đề quan trọng, hãy tận dụng chiến thuật đó lúc này và tạm dừng
chiến thuật “chống bá quyền Trung Quốc” lại, chờ coi “nội bộ” đảng như thế nào
tại hội Nghị TW 10 sắp tới, để bảo toàn lực lượng cho con đường dài về sau. Tiền
lệ trước khi “nổ súng” thì dùng báo chí dọn đường dư luận của đảng là chuyện
xưa nay không thiếu.
Nguyễn An Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét