9-6-2014
Ngày 5 tháng 6, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, Nhà xuất bản
Tri Thức đồng tổ chức tại Hà Nội một buổi tọa đàm “Làm sao để thoát Trung?,”
thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, trí thức và sinh viên học sinh. Cuộc thảo
luận xoay quanh chủ đề làm sao để thoát khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực và sự lệ thuộc
vào Trung Quốc.
Ông Giáp Văn Dương, người sáng lập và điều hành cổng giáo dục
trực tuyến GiapSchool, cho biết, theo thống kê năm 2010 đến 90% tổng thầu các dự
án trong đều rơi vào tay Trung Quốc.
“Nếu kinh tế cứ lẹt đẹt, nền sản xuất không tự chủ, đến cả
sách thiếu nhi cũng chỉ toàn dịch từ Trung Quốc thì làm sao thoát Trung được?,”
ông Dương nói.
“Ðúng là có tư tưởng cho rằng nước họ to thế thì làm sao ta
thoát được sự lệ thuộc, rồi “tâm lý nô lệ Trung Quốc” cũng còn nặng nề trong
nhiều tầng lớp nhân dân. Song hãy nhìn cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã thoát
Trung một cách ngoạn mục, Giáo Sư Vương nhấn mạnh (Tuổi Trẻ Online ngày
5.06.2014).
Thực ra, xét về địa chính trị, Việt Nam nằm sát sườn Trung
Quốc về phía Nam, trên dòng lưu thông hàng hải qua Thái Bình Dương, chịu ảnh hưởng
sâu sắc bởi văn hóa, ngôn ngữ và các tập quán khác của Trung Quốc, đã là định mệnh
cay đắng của dân tộc Việt. Với vị trí như thế và trước tham vọng bành trướng
không ngừng của người láng giềng phương Bắc, vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng không
phải là vấn đề dễ dàng. Nhưng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng khác xa với sự lệ
thuộc và bị nô dịch.
Nếu nói người Giao Chỉ thuần túy bây giờ ít còn ai, trong mỗi
người Việt đều ít nhiều có dòng máu Trung Hoa không phải là sai, qua chính sách
đồng hóa của Trung Quốc xuyên suốt một ngàn năm Bắc Thuộc. Thế nhưng người Việt
vẫn là người Việt. Một ngàn năm Trung Quốc đã không đồng hóa nổi. Dân tộc Việt
vẫn giữ được ngôn ngữ và bản sắc riêng của mình. Mọi cuộc xâm lược của Trung Quốc
trên đất liền đều bị người Việt đánh bại.
Nguyện làm “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa,” “đánh đến
người Việt Nam cuối cùng” “cho Liên Xô và Trung Quốc,” Ðảng Cộng Sản Việt Nam
(ÐCSVN) đã tạo ra cuộc chiến xâm chiếm miền Nam, nhuộm đỏ cả đất nước bằng
xương máu của 3-4 triệu người.
Ðể giữ ngọn cờ ý thức hệ chuyên chính ấy, ÐCSVN đã không từ
bất kỳ thủ đoạn nào, đưa đất nước dấn sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc và tạo cơ
hội cho Trung Quốc gặm nhấm dần lãnh thổ, nắm giữ yết hầu của cả nền kinh tế.
Nhập siêu từ Trung Quốc hơn 20 tỷ đô la (năm 2013), hàng hóa Trung Quốc rẻ tiền
và độc hại tràn ngập, tạo ra không những một thực tế mà cả tâm lý mặc nhiên lệ
thuộc Trung Quốc trong toàn xã hội. Ðến mức một dư luận viên phải lo sợ nếu cứ
biểu tình phản kháng, Trung Quốc nổi giận và cấm vận kinh tế, thì Việt Nam nguy
kịch!
Quyết bám lấy “láng giềng xã hội chủ nghĩa” để giữ độc quyền
cai trị và lợi ích từ các dự án kinh tế quan trọng nhất do Trung Quốc đầu tư hoặc
làm tổng thầu (EPC) là vũng lầy mà ÐCSVN lặn ngụp trước sự lấn ép của Trung Quốc
về vấn đề chủ quyền.
Phát biểu tại họp báo quốc tế về tình hình Biển Ðông chiều
ngày 5 tháng 6 tại Hà Nội, Phó Chủ Nhiệm UƯy Ban Biên Giới Quốc Gia Trần Duy Hải
cho hay, trong hơn 1 tháng qua, kể từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã có trên 30 cuộc trao đổi
các loại, kể cả ba lần gửi công hàm phản đối.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam,
Trung Quốc đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà
còn sử dụng lực lượng bảo vệ giàn khoan bao gồm tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần,
các tàu dịch vụ, phục vụ cho hạ đặt giàn khoan, đưa tàu chiến hiện đại: tàu hộ
vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, tàu
quét mìn, tàu đổ bộ. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động máy bay các loại hoạt động
thường xuyên trên vùng giàn khoan, có máy bay trinh sát, cảnh báo xa, máy bay
trực thăng, kể cả máy bay chiến đấu. Trên các phương tiện truyền thông họ còn
có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam.
Những gì mà phía cộng sản Việt Nam làm cho tới nay là kiên
trì yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, đưa ngư dân ra biển
làm vật thí mạng và “nếu TQ rút giàn khoan, ngồi vào đàm phán thì Việt Nam hoan
nghênh”!
Ðược xem là mạnh nhất là những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn
Dũng ở hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Miến Ðiện và nhân chuyến thăm
Philippines, khiến không ít người vội mừng và đặt hy vọng. Nhưng tất cả chỉ là
những món võ miệng, “viển vông”! Trong khi đó Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang
Thanh tại Hội nghị Shangri-La ở Singapore nói rằng “mối quan hệ với người bạn
láng giếng vẫn tốt đẹp.” Ông thủ tướng nói “những gì mà Trung Quốc đang làm
khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói,” nhưng những gì ÐCSVN làm cũng y chang
như vậy.
Song song, vấn đề đưa Trung Quốc ra tòa chỉ có thể tranh thủ
được sự chia sẻ, hỗ trợ phần nào của dư luận quốc tế, chứ không thể làm Trung
Quốc thua cuộc, kể cả khi Trung Quốc chịu phán quyết của tòa án, một điều khó xảy
ra. Trên thực tế, bất luận với ngụy biện nào, công hàm của Phạm Văn Ðồng đã
“ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958,
trong đó bao hàm cả chủ quyền của Tam Sa (Hoàng Sa) và Tây Sa (Trường Sa).
Áp dụng bốn nguyên tắc của estoppel: 1. Thái độ, lời tuyên bố
của một quốc gia nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; 2. Thái độ, lời tuyên bố
đó phải được thể hiện rõ ràng; 3. Thái độ, lời tuyên bố đó phải được thể hiện
liên tục; 4. Khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt
động hoặc phải chịu thiệt hại; thì quan điểm của Trung Quốc là Việt Nam không
được giải thích khác với những gì mà Việt Nam đã xác nhận qua Công hàm của Phạm
Văn Ðồng. Công hàm Phạm Văn Ðồng có từ năm 1958 và liên tục, kể cả vào lúc
Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, thể hiện đầy đủ bốn nội dung trên.
Chính vì vậy, ông Trần Duy Hải đã thừa nhận, “Các vụ kiện quốc
tế đều phức tạp, nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc là dân sự thôi. Nhưng
hành động của Trung Quốc ở đây liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán, nên
không chỉ là hành động dân sự thông thường. Nên vụ kiện không giải quyết hết vấn
đề. Mọi biện pháp đều nghiên cứu nhưng phải chọn biện pháp tối ưu.”
Rốt cuộc, tình cảnh hiện nay là do chính nhà cầm quyền Việt
Nam tự đẩy mình vào vũng lầy ý thức hệ, vì tình anh em, tình láng giềng và quốc
tế vô sản mà quên đi những mưu toan dài hạn của Trung Quốc. Tập đoàn lãnh đạo
Hà Nội khó có thể nào dứt ra khỏi vũng lầy này.
Khi hệ thống cộng sản sụp đổ vào những năm 1989-1990, các nước
cộng hòa Baltic Lithuania, Estonia, Latvia, các nước Ðông Âu Ba Lan, Cộng Hòa
Czech, Slovakia, Hugary, Bulgaria, Romania... đều tiếp nhận một nền kinh tế suy
kiệt và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Liên Xô từ nền kinh tế kế hoạch.
Tuy nhiên, “không có sự thay đổi nào mà không có rủi ro,
không có sự tiến bộ nào mà không có sự hy sinh” (Barack Obama), các dân tộc nhỏ
bé này đã nỗ lực chống chọi với những khó khăn trong cải cách kinh tế, gia nhập
Liên Minh Quân Sự Bắc Ðại Tây Dương NATO, và mức độ hơn kém nhau khác nhau,
nhưng đều đưa đất nước phát triển hơn rất nhiều thời cộng sản, vượt qua ảnh hưởng
của nước Nga khổng lồ.
Mặc dù hoàn cảnh khác nhau, nhưng bài học kinh nghiệm của
các quốc gia nhỏ Châu Âu vẫn rất đáng quý và hiện thực đối với Việt Nam.
Vũng lấy ý thức hệ đã làm cho tập đoàn lãnh đạo Hà Nội lâm
vào thế gà mắc tóc. Bắt tay thân thiện với Trung Nam Hải để kiếm lợi, nhưng khi
bị lấn lướt, bắt nạt thì lại kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ. Dù xoay trục an ninh qua
Châu Á, liên kết với các đồng minh Nhật, Philippines, Úc... để giữ thế cân bằng
trên biển Ðông nhưng chắc chắn máu của lính Hoa Kỳ chẳng thể đổ cho một chế độ
cộng sản vi phạm nhân quyền. Bản chất gian ngoan, dối trá và ma mãnh của chế độ
cộng sản khó tìm được người bạn chơi hết lòng.
Cho nên nói “thoát Trung” thì phải thoát Cộng. Phải dứt bỏ ý
thức hệ cộng sản. Chỉ một chính quyền do dân bầu lên qua bầu cử tự do, thực thi
dân chủ pháp quyền, thì mới có đủ mọi tư cách để bác bỏ những sai trái của nhà
nước độc tài toàn trị.
Có thể gặp những khó khăn bước đầu trong tiến trình thay đổi,
nhưng nhất định đất nước sẽ phát triển và thịnh vượng, hội nhập vào cộng đồng
các quốc gia dân chủ trên thế giới, một cộng đồng của các giá trị dân chủ và
nhân quyền phổ quát, trong đó tôn trọng và bảo đảm quyền tự quyết và toàn vẹn
lãnh thổ của các quốc gia. Phương trình chỉ có một nghiệm số duy nhất.
Nguồn: Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét